spot_img
20 C
Vietnam
Thứ hai,25 Tháng mười một
spot_img

Trong 3 năm, Chủ tịch Hà Nội không tham gia đối thoại, phiên toà hành chính

TP. Hà Nội. (Ảnh: Richard Vignola/ Flickr)

Theo báo cáo của Uỷ ban Tư pháp, trong 3 năm qua, Chủ tịch TP. Hà Nội (hoặc người được ủy quyền tham gia tố tụng) vắng mặt 100% tại các phiên đối thoại, phiên tòa hành chính.

Ủy ban Tư pháp vừa có báo cáo kết quả giám sát về việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính của chủ tịch UBND và UBND gửi các đại biểu Quốc hội.

Theo báo cáo, trong 3 năm (2019 – 2021), cả nước có 21.038 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị khởi kiện; chiếm 9% tổng số khiếu nại hành chính.

Ủy ban Tư pháp đánh giá về cơ bản, chủ tịch UBND, UBND các địa phương đã quan tâm hơn đến việc giải quyết các vụ án hành chính.

Ở một số địa phương, UBND hoặc người đại diện đã tham gia 100% cả phiên đối thoại và phiên tòa như: Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Kon Tum, Ninh Thuận, Sơn La, Vĩnh Long.

Tỷ lệ này cho thấy nếu UBND, chủ tịch UBND dành thời gian tham gia đầy đủ các phiên đối thoại, việc giải quyết các vụ án hành chính sẽ có được nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ án sẽ được hòa giải thành công, không phải mở phiên tòa xét xử. 

Nhiều chủ tịch UBND không tham gia đối thoại, phiên toà

Tuy vậy, theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, tại nhiều địa phương, chủ tịch UBND, UBND chưa chấp hành nghiêm túc các quy định trong việc giải quyết các vụ án hành chính.

Hạn chế lớn nhất và kéo dài trong nhiều năm là tình trạng chủ tịch UBND; hoặc người đại diện của UBND không tham gia đối thoại; cũng không tham gia phiên tòa xét xử.

Theo báo cáo, trong 3 năm, có 32,6% số phiên đối thoại và 27,8% số phiên tòa không có sự tham gia của UBND hoặc người đại diện. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM.

Theo Ủy ban Tư pháp, tại nhiều địa phương, mặc dù số lượng án không nhiều nhưng chủ tịch UBND hoặc người đại diện vẫn thường xuyên vắng mặt như: Sóc Trăng (vắng 78/88 phiên đối thoại); Lạng Sơn (vắng 46/65 phiên tòa); Yên Bái (vắng 47/59 phiên tòa); Đà Nẵng (vắng 67/88 phiên tòa)…

Đặc biệt, có địa phương, UBND hoặc người đại diện vắng mặt 100% các phiên đối thoại hoặc phiên tòa.

Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp đưa ra dẫn chứng, chủ tịch UBND (hoặc người đại diện của UBND các cấp) tỉnh Khánh Hòa vắng mặt 100% các phiên đối thoại; chủ tịch UBND TP. Hà Nội (hoặc người được ủy quyền tham gia tố tụng) cũng vắng mặt 100% tại các phiên đối thoại và phiên tòa.

Ủy ban Tư pháp cho rằng việc chủ tịch UBND, UBND các cấp vắng mặt đã bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và đối thoại với người khởi kiện, làm kéo dài quá trình tố tụng.

Không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho hay, việc UBND, chủ tịch UBND không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp không đúng thời hạn yêu cầu của TAND còn khá phổ biến.

Có 57/63 tòa án cấp tỉnh phản ánh gặp khó khăn trong việc thu thập chứng cứ.

Tình trạng phổ biến là các cơ quan chuyên môn của UBND thường chậm cung cấp; đùn đẩy giữa các cơ quan; thậm chí nhiều trường hợp không cung cấp cho tòa án.

Trong một số vụ án, UBND trả lời không còn lưu giữ, lưu giữ không đầy đủ hoặc đã bị thất lạc.

Trong nhiều vụ án, UBND không cung cấp tài liệu, chứng cứ và cũng không trả lời lý do không cung cấp; tòa án phải nhiều lần gửi văn bản hoặc liên hệ qua điện thoại để đôn đốc việc giao nộp, cung cấp chứng cứ.

Theo Ủy ban Tư pháp, đây là nguyên nhân chính khiến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài.

Ủy ban Tư pháp đánh giá mặc dù luật Tố tụng hành chính đã có hiệu lực hơn 6 năm, Thủ tướng đã yêu cầu tăng cường việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề và có nhiều kiến nghị cụ thể, nhưng cho đến nay, tại nhiều địa phương, những hạn chế nêu trên vẫn tiếp tục kéo dài, chậm chuyển biến.

Không thi hành bản án, chưa có chủ tịch nào bị xử lý trách nhiệm 

Uỷ ban Tư pháp cho hay, ở khâu thi hành án, chủ tịch UBND, UBND ở nhiều địa phương đã tự nguyện thi hành án 100% các bản án hành chính thuộc trách nhiệm như: Bến Tre; Cần Thơ; Điện Biên; Bắc Giang; Quảng Ngãi; Quảng Trị; Tuyên Quang; Phú Thọ.

Trong khi đó, ở nhiều địa phương, số lượng án chưa được thi hành, còn tồn đọng rất lớn như: Hà Nội, Đắk Lắk, Kiên Giang…

Theo báo cáo, số lượng bản án hành chính mà chủ tịch UBND, UBND có trách nhiệm thi hành nhưng chưa thi hành xong còn lớn, tới 489 bản án.

Cho đến nay, có 208 bản án đã có quyết định của tòa án buộc thi hành án nhưng tiếp tục bị trì hoãn, chưa thi hành.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, trong 3 năm, dù có nhiều bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật chậm thi hành, nhưng đến nay, chưa có trường hợp nào UBND, chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm về việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án.

Bộ Tư pháp đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án trong 59 vụ việc thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa nêu được kết quả xem xét, xử lý.

Uỷ ban Tư pháp yêu cầụ Chính phủ kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm người phải thi hành án trong 59 vụ việc thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh mà Bộ Tư pháp đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải quyết 489 bản án hành chính còn tồn đọng, nhất là 208 bản án đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án.

Theo NTDVN

 


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều