Tân Thế Kỷ – Hôm thứ Hai (21/8), Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm, khi các nhà chức trách đang tìm cách tăng cường nỗ lực kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Reuters đưa tin – Sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất đà do tình trạng khủng hoảng bất động sản, chi tiêu của người tiêu dùng yếu và tăng trưởng tín dụng sụt giảm, khiến các nhà chức trách phải tung ra nhiều chính sách kích thích thị trường hơn nữa.
Tuy nhiên, việc đồng nhân dân tệ (CNY) ngày càng xuống giá đã gây áp lực cho chính phủ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh có ít dư địa để nới lỏng tiền tệ sâu hơn. Các nhà phân tích cho biết, do sự chênh lệch ngày càng lớn giữa lợi suất của Trung Quốc với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, nên có thể gây ra tình trạng bán tháo đồng CNY và tháo chạy vốn.
Trong động thái mới nhất, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm 10 điểm lãi suất cơ bản cho vay một năm (LPR) xuống 3,45% từ 3,55% trước đó, trong khi lãi suất cơ bản cho vay 5 năm vẫn giữ nguyên ở mức 4,20%.
Theo sát thị trường, hai tỷ lệ này hiện đang ở mức thấp lịch sử, sau khi giảm trước đó vào tháng Sáu.
Quyết định này nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cấp nhiều khoản vay hơn với lãi suất có lợi hơn.
Các biện pháp được đưa ra hôm thứ Hai đã đi ngược lại với việc tăng lãi suất trên toàn thế giới khi các nền kinh tế lớn khác nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Masayuki Kichikawa, giám đốc chiến lược vĩ mô tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management, cho biết: “Có lẽ Trung Quốc đã hạn chế quy mô và phạm vi cắt giảm lãi suất vì họ lo ngại áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ”.
“Chính quyền Trung Quốc quan tâm đến sự ổn định của thị trường tiền tệ”.
Đồng nhân dân tệ đã giảm trong giao dịch sớm xuống còn 7,3078 nhân dân tệ đổi 1 USD, so với mức đóng cửa trước đó là 7,2855; trong khi chỉ số Shanghai Composite chuẩn (.SSEC) và chỉ số CSI 300 blue-chip (.CSI300) cũng giảm.
Đồng nhân dân tệ đã mất giá gần 6% so với đồng USD từ đầu năm đến nay và trở thành một trong những đồng tiền châu Á hoạt động kém nhất.
ĐCSTQ đưa ra các biện pháp cứu rỗi thị trường vốn
Việc giảm lãi suất cơ bản cho vay một năm – diễn ra sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ hạ lãi suất chính sách trung hạn.
Để phục hồi nền kinh tế, PBOC đã giảm lãi suất cho cơ sở cho vay trung hạn (MLF) đối với các tổ chức tài chính vào thứ Ba tuần trước.
Ngoài ra, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng đã đề xuất một số biện pháp nhằm vực dậy thị trường chứng khoán Trung Quốc vào ngày thứ Sáu (18/8).
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tỏ ra không ấn tượng với động thái này, khi Hồng Kông giảm 1,4% và Thượng Hải giảm 0,60%.
“Những biện pháp này sẽ có rất ít tác dụng, vì chúng chỉ là bề ngoài và nó không giải quyết được vấn đề cơ bản của suy thoái kinh tế Trung Quốc”- Cold Eye on Finance, một chuyên gia tài chính trực tuyến, nói với The Epoch Times.
Ông nói thêm: “Bởi vì tất cả tài sản ở Trung Quốc đang suy thoái—cho dù đó là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán hay các doanh nghiệp Trung Quốc đang chìm nghỉm—làm sao thị trường chứng khoán của nước này có thể tốt được?”.
Cold Eye on Finance cho biết – “Vấn đề cơ bản ở Trung Quốc bây giờ không phải là mọi người nên đầu tư vào thị trường chứng khoán như thế nào để vực dậy nó, mà là cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc nghiêm trọng đến mức nào”.
Ông lấy ví dụ về sự phá sản của Evergrande và Country Garden. “Đối với thị trường bất động sản Trung Quốc, bong bóng thị trường bất động sản kéo dài 30 năm đang bùng nổ với tốc độ ngày càng nhanh. Hầu hết các công ty bất động sản ở Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ phá sản”.
“Giờ đây, cộng đồng quốc tế đã nhận ra nguy cơ suy thoái kinh tế của Trung Quốc và tất cả họ đều lo ngại về sự bùng nổ bong bóng thị trường bất động sản của Trung Quốc” – Cold Eye on Finance cho biết.
“Khủng hoảng thị trường bất động sản, khủng hoảng ngân hàng và vấn đề nợ địa phương của Trung Quốc, khi tất cả những rủi ro này kết hợp với nhau, khiến các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc không thể được giải quyết trong thời gian ngắn. Cuộc suy thoái này có thể kéo dài một hoặc hai thập kỷ, thậm chí hơn ba mươi năm”.
Ông tin rằng “ĐCSTQ khó có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng này. Trong quá khứ, thế giới bên ngoài đã đến giải cứu (Trung Quốc) vào những thời điểm khủng hoảng quan trọng. Ví dụ, khi nền kinh tế sắp sụp đổ, ĐCSTQ đã tiến hành cải cách và mở cửa để thu hút đầu tư và công nghệ của nước ngoài để tồn tại. Năm 1998, nhiều người bị sa thải và nền kinh tế dường như sắp sụp đổ vì cuộc khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, Trung Quốc được phép gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, và tổ chức này đã cứu họ”.
“Nhưng bây giờ, có thể nói rằng không có lực lượng nào có thể cứu nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, kết quả cuối cùng có thể là một sự sụp đổ lớn, và cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc có thể chính thức nổ ra. Lần này, ĐCSTQ sẽ không thể tồn tại”.
Hoàng Dung (t/h)
Theo The Epoch Times, Reuters, CNA
Xem Thêm:
“3 lằn ranh đỏ”: khởi nguồn của bong bóng bất động sản Trung Quốc
Niềm tin vào Bắc Kinh sụp đổ, các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Trung Quốc
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*