spot_img
20 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Trung Quốc: nhiều bệnh viện bị tố làm giấy khai sinh giả cho trẻ bị bắt cóc

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, nhiều bệnh viện tại một số tỉnh ở miền trung và miền nam Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan đến hành vi làm giấy khai sinh giả cho trẻ em bị bắt cóc. Đã có 7 nghi phạm bị bắt và 4 người khác bị giam giữ chỉ riêng ở tỉnh Hồ Bắc.

Sina hôm 13/11 đưa tin rằng các chính quyền địa phương, sau khi nhận được thông tin và tài liệu từ Shangguan Zhengyi – một nhóm các tình nguyện viên có sứ mệnh chống nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em – đã tăng cường kiểm tra các bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc, Quảng Tây và Quảng Đông; hàng chục nghi phạm hiện đang bị điều tra.

Trước đó, vào ngày 6/11, nhóm Shangguan Zhengyi đã đăng tải một số phát hiện của họ lên Weibo – nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất Trung Quốc. Nhóm này tuyên bố rằng họ đã tiến hành một cuộc điều tra bí mật trong hơn một năm và đã phát hiện ra một số bệnh viện trải dài ở các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam rao bán giấy khai sinh giả, hồ sơ tiêm vaccine và những thứ khác trên mạng xã hội Douyin.

Giấy khai sinh giả có thể được sử dụng để đăng ký hộ khẩu, cũng như để cung cấp danh tính giả cho những đứa trẻ bị bắt cóc.

Bà Ye Youzhi – Giám đốc bệnh viện Jianqiao Tương Dương ở tỉnh Hồ Bắc – là một trong những nghi phạm giữ vai trò chủ chốt; người này đã cấp hơn 5.000 giấy khai sinh trong 3 năm cho những người đến từ Bắc Kinh, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Cam Túc và các tỉnh khác. Theo nhóm Shangguan Zhengyi, bà đã cấu kết với một băng nhóm để buôn bán trẻ sơ sinh, cả nam và nữ, với giá khoảng 100.000 CNY (13.700 USD) mỗi đứa trẻ, cho 10 tỉnh trên khắp Trung Quốc.

Giấy khai sinh là giấy chứng nhận y tế đầu tiên sau khi một đứa trẻ được sinh ra. Nó đóng vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh ở Trung Quốc, chẳng hạn như tiêm chủng, đăng ký hộ khẩu, đăng ký vào trường học và xin cấp chứng minh nhân dân.

Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) – nguyên Phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, nhà sử học gốc Hoa hiện sống ở Úc – nói với The Epoch Times vào ngày 11/11 rằng những đứa trẻ bị buôn bán sau khi có danh tính mới sẽ khiến cha mẹ ruột khó tìm thấy đứa con mất tích của họ.

Theo ông Lý, ở một mức độ nào đó, việc các bệnh viện làm giả giấy khai sinh đang thúc đẩy nạn buôn bán trẻ em tràn lan ở Trung Quốc.

Quy trình làm giấy khai sinh giả

Nhóm Shangguan Zhengyi có bằng chứng cho thấy một số người mua trẻ em bị bắt cóc đã tìm cách đăng ký cho các em tại các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam (phía tây nam Trung Quốc), cũng như Hà Bắc (phía bắc Trung Quốc), hay Thiểm Tây (phía tây bắc Trung Quốc) bằng giấy khai sinh giả.

Nhóm này đã trình bày chi tiết cách tạo ra giấy tờ tùy thân giả tại bệnh viện Jianqiao Tương Dương. Đầu tiên, thông qua một bên trung gian, khách hàng trả 96.000 CNY (13.200 USD); sau đó, bệnh viện sẽ theo một quy trình sinh nở bình thường mà cung cấp một bộ hồ sơ thông tin xác thực đầy đủ gồm giấy khám thai sản, giấy nhập viện, giấy sinh nở, giấy xuất viện và các loại giấy tờ khác.

Sau đó, khách hàng có thể đưa em bé bị bắt cóc đến bệnh viện, em bé sẽ được lấy máu gót chân, sau đó được cấp giấy khai sinh. Toàn bộ quá trình được hoàn thành trong tối đa 7 ngày.

Nếu khách hàng không thể đưa em bé đến tận nơi, họ phải trả thêm 10.000 CNY (1.400 USD) để bệnh viện sắp xếp cho những em bé khác lấy máu thay thế.

Tại tỉnh Quảng Đông, bệnh viện phụ sản Fuaijia Phật Sơn đã rao bán mỗi giấy khai sinh – kèm một bộ đầy đủ hồ sơ nhập viện và sinh nở – với giá 120.000 CNY (16.500 USD) thông qua một mạng lưới trung gian.

Bệnh viện Trung Quốc bị tố làm giấy khai sinh giả cho trẻ em bị bắt cóc
Các y tá đang chăm sóc các em bé tại Trung tâm Cứu trợ Trẻ bị Bệnh nặng của Bệnh viện Nhi An Huy, ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, ngày 14/4/2005. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Tội ác lớn hơn

Nhóm Shangguan Zhengyi cho biết, một số bên trung gian tiết lộ rằng bệnh viện là nguồn cung gốc (nguồn cung sơ cấp) trẻ sơ sinh cho mục đích buôn bán trẻ em, bởi vì bệnh viện có thể làm 2 việc sau.

Một là cung cấp dịch vụ mang thai hộ, dù dịch vụ này bị cấm ở Trung Quốc. Bà Ye Youzhi (một trong những nghi phạm đã được nhắc đến ở trên) từng nói với khách hàng của bà rằng bệnh viện Jianqiao Tương Dương chủ yếu thực hiện dịch vụ mang thai hộ, còn dịch vụ làm giấy khai sinh chỉ là một công việc phụ. Những đứa trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được cho là sẽ bị buôn bán.

Hai là các bệnh viện có thể tiếp cận được trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; chẳng hạn, các bệnh viện có thể lấy đứa trẻ từ “một sinh viên đại học đang mang thai mà không muốn có con” và sau đó thông báo đến các đại lý. Theo nhóm Shangguan Zhengyi, các đại lý này sẽ tìm kiếm người mua thông qua mạng xã hội Douyin.

13 năm trước, bà Ye từng bị bắt và bị kết án vì tội cung cấp thông tin về giới tính thai nhi bất hợp pháp và nạo phá thai bất hợp pháp, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến địa vị Giám đốc bệnh viện và Phó chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân thành phố Tương Dương của bà.

Nhóm Shangguan Zhengyi tin rằng chính quyền Trung Quốc phản ứng quá hời hợt trước nạn buôn bán trẻ em tràn lan ở nước này. Nhóm cho biết họ đã báo cáo về nhiều trường hợp trẻ em bị bắt cóc cho chính quyền Thiểm Tây và Hà Bắc vào tháng 9 nhưng không nhận được phản hồi.

Shangguan Zhengyi cho biết thêm rằng, cho đến nay, các tin rao bán giấy khai sinh vẫn tràn ngập Douyin.

Theo ông Lý, việc các bác sĩ và bệnh viện tham gia buôn bán trẻ sơ sinh và cung cấp giấy khai sinh giả đã cho thấy “những lỗ hổng trong hệ thống” do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát. Ông cho rằng đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm về việc các bác sĩ mất đạo đức hành nghề, cũng như về sự phổ biến của nạn buôn người tại Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa (NTDVN) biên dịch

bang chung 1

Xem thêm:

Trung Quốc: Kẻ buôn trẻ em bắt đầu hành nghề bằng cách bán con ruột của mình

Trung Quốc: ba nghề cao quý nhất đã bị tha hóa – chương đen tối nhất trong lịch sử nhân loại

Trung Quốc: Nhiều hiệu trưởng, giáo viên bị tử hình vì phạm tội tày trời với học sinh tiểu học

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều