spot_img
19 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Trường học rụt rè kêu gọi phụ huynh đóng góp sửa chữa vì sợ “nhạy cảm”

Tân Thế Kỷ – Trần của các lớp học tầng 3 bị bong tróc, ngấm nước mưa, nhưng thầy Đạt không dám kêu gọi phụ huynh hỗ trợ vì “sợ nhạy cảm”. Trường THCS của thầy Đạt, nằm ở ngoại thành Hà Nội, họp phụ huynh giữa tháng 9. Thầy hiệu trưởng gọi thời gian này là “vùng đỏ”, “nhạy cảm”, bởi cả trường không biết có bị phản ánh hay kiến nghị gì về các khoản thu đầu năm hay không.

Áp lực vì đây là thời điểm nhạy cảm kêu gọi đóng góp

Vì thế, trường chưa dám kêu gọi xã hội hóa từ phụ huynh để sửa lại trần các lớp học tầng 3. Thầy hiệu trưởng cho biết các mái tôn bị mục, nên mưa dột, ngấm nước qua các mảng trần bong tróc. Trường có thể lập kế hoạch, gửi UBND huyện phê duyệt. Nhưng với những hạng mục được đánh giá chưa cấp bách, từ lúc có kế hoạch tới khi sửa xong cũng phải cả năm, thậm chí lâu hơn.

Trong buổi họp phụ huynh, trường chỉ thu các khoản thiết yếu như học phí, bảo hiểm y tế, sổ liên lạc điện tử, nước uống, sách giáo khoa, tổng khoảng 1,4 triệu đồng mỗi người. Phụ huynh nào mua đồng phục mới cho con sẽ đóng thêm. Riêng khoản quỹ lớp, quỹ phụ huynh trường, dù không áp mức thu, trường giới hạn không quá 300.000 đồng.

“Chúng tôi rất áp lực mỗi đầu năm học vì đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm cho các khoản thu, kêu gọi đóng góp”, thầy Đạt nói.

Tương tự, cô Hương, hiệu trưởng một trường tiểu học ở nội thành Hà Nội, cũng “chưa vội” sắm điều hòa cho hai lớp 1. Cô giáo giải thích năm nay số học sinh lớp 1 tăng, trường phải sửa và tận dụng thêm một phòng học cũ và một kho để sử dụng. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của hai lớp này chưa đảm bảo.

TH Trieu Son
Nhiều trường áp lực, trở nên rụt rè, thận trọng trong việc kêu gọi phụ huynh đóng góp, xã hội hóa. – Ảnh minh họa. – Ảnh: Tường Vân

“Các lớp muốn sửa hay sắm thêm thì tôi cũng không cấm, quan điểm là phù hợp thì làm. Song, bảo để gợi ý hay đề cập đến chuyện này, tôi cũng muốn tránh dịp đầu năm học”, cô Hương nói.

Những tuần qua, hàng loạt trường bị phản ánh về các khoản thu. Đây cũng là vấn đề dai dẳng mỗi đầu năm học, nên nhiều trường áp lực, trở nên rụt rè, thận trọng trong việc kêu gọi phụ huynh đóng góp, xã hội hóa.

Ngân sách chi xây trường nhưng thường chỉ đảm bảo tiện ích tối thiểu

Ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng, cảm thông với tâm lý của các trường. Ông cho rằng trên cương vị hiệu trưởng, ai cũng từng vận động, kêu gọi xã hội hóa để cải tạo, làm mới cơ sở vật chất.

“Trong bối cảnh một số trường lạm thu, công nghệ phát triển khiến các sự việc bị lan truyền nhanh chóng, chuyện huy động lại càng không dễ dàng”, ông Chương nhìn nhận.

Thực tế, nguyên nhân khiến các trường phải kêu gọi xã hội hóa là nguồn ngân sách chưa đủ để trang bị tốt nhất về cơ sở vật chất, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Nhĩ, ngân sách chi xây trường nhưng thường chỉ đảm bảo tiện ích tối thiểu, ví dụ có hai bóng điện, một quạt trần trong một lớp học. Nếu muốn có điều hòa hay thêm rèm, trường phải chủ động.

Cô Hoa, hiệu trưởng một trường tiểu học với 1.200 học sinh ở nội thành Hà Nội, cho biết mỗi năm, trường nhận được hơn một tỷ đồng tiền ngân sách, không gồm lương giáo viên. Số tiền này được tính theo số lượng học sinh, trường nào ít học sinh sẽ nhận ít hơn. Ngoài ra, trường có thêm nguồn thu từ tiền cơ sở vật chất, tiền học buổi hai, nhưng “không đáng kể”. Với 9 tháng học, trung bình ngân sách một tháng khoảng 180 triệu đồng.

“Số tiền đó chỉ vừa đủ để trả tiền điện, thuê lao công, bảo vệ”, cô Hoa nói.

Hiện, trường cô Hoa có gần 40 phòng học, đều đã lắp điều hòa. Cô hiệu trưởng cho biết điều hòa mở từ 7h tới 17h, tiền điện mỗi tháng cũng cả trăm triệu đồng. Với nhân viên vệ sinh, bảo vệ, ngân sách nhà nước chỉ cho thuê một người, nhưng với 1.200 học sinh, cô phải thuê thêm bốn lao công, hai bảo vệ. Tổng lương của họ một tháng cũng hơn 50 triệu đồng.

Cô hiệu trưởng cho biết từng bị hỏi tại sao tiền điện lại nhiều như vậy, việc trang bị điều hòa và mở cả ngày cũng như thuê thêm nhân viên có cần thiết không.

“Liệu phụ huynh có muốn con phải học không điều hòa, không rèm cửa giữa cái nóng 40 độ ở thủ đô?” và “Liệu phụ huynh có muốn con sử dụng một nhà vệ sinh không đảm bảo, một ngôi trường chỉ có một bảo vệ?”, cô Hoa bày tỏ. Ngoài ra, trường cũng không thể để học sinh tới ngồi 7 tiết rồi về, phải cho các em vui chơi, giải trí. Mà tổ chức các hoạt động thì lại tốn tiền.

“Nếu không kêu gọi xã hội hóa thì không đủ chi”, cô Hoa nói.

Trường học ở TP.HCM “rụt rè” với các khoản theo thỏa thuận

Tại Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong nhiều năm qua, nhà trường không thu quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) trường. Việc tài trợ của mạnh thường quân và phụ huynh được thực hiện theo kiểu “chìa khóa trao tay”.

Liên quan đến việc quản lý tài sản được tài trợ, ông Huệ cho hay nhà trường không vận động tài trợ theo công trình. Phụ huynh các lớp sẽ đầu tư máy lạnh, máy chiếu, tủ để vật dụng và bàn giao cho trường. HS sẽ được sử dụng trong suốt thời gian học ở trường.

“Đối với công tác xã hội hóa, trường mới chỉ thực hiện đối với các mạnh thường quân, chưa triển khai tới đông đảo phụ huynh” – ông Huệ nói.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, các lớp được chủ động trong việc thu quỹ Ban đại diện CMHS. Trước khi thực hiện, Ban đại diện CMHS lớp phải xây dựng kế hoạch, dự trù mức thu, mức chi, kể cả vấn đề đóng góp cho cơ sở vật chất của lớp và báo cáo rõ tại các buổi họp phụ huynh.

Hơn nữa, nhà trường cũng có yêu cầu việc xây dựng kế hoạch vận động quỹ Ban đại diện CMHS lớp không chia đều mà theo sự đóng góp tự nguyện, khi đó những em có hoàn cảnh khó khăn sẽ không phải đóng.

Tương tự, tại Trường THCS Tô Ký, huyện Hóc Môn, nhiều năm qua nhà trường cũng không thu quỹ Ban đại diện CMHS trường.

Bà Lê Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cho biết ngoài các khoản thu quy định, báo cáo cho thấy nhà trường còn e dè trong khoản thu thỏa thuận từ CMHS.

“Tôi mong nhà trường tiếp tục nghiên cứu hai thông tư 55 và 16 để mạnh dạn triển khai. Bởi hiện nay ngân sách nhà nước khó có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục. Do đó, nếu có sự chung tay của phụ huynh, HS sẽ được chăm sóc và có môi trường học tốt hơn, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên” – bà Nga nói thêm.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng Thông tư 55 không cấm việc thu quỹ Ban đại diện CMHS, tuy nhiên vấn đề cần phải hiểu để thực hiện cho đúng. Bởi thực tế, nếu nhà trường vì áp lực không tổ chức thu quỹ cũng như triển khai việc kêu gọi tài trợ sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho HS cũng như giáo viên của trường.

Hơn nữa, một vấn đề đặt ra là nhà trường không thu quỹ Ban đại diện CMHS nhưng ở lớp lại tổ chức thu, mỗi lớp thu mỗi kiểu với mức giá khác nhau sẽ dẫn đến sự phân biệt giàu nghèo trong cùng một trường. Do đó, nếu nhà trường không nắm, quản lý không kỹ sẽ gây hệ lụy lớn, đẩy gánh nặng lên đầu phụ huynh.

Liên quan đến mô hình “chìa khóa trao tay”, ông Bình góp ý cần phải xem xét và có hướng dẫn cụ thể. Bởi nếu mạnh thường quân thực hiện trao cho nhà trường thì không sao. Trong trường hợp Ban đại diện CMHS lớp trang bị cho nhà trường thì cần phải xem lại, có thể sẽ có sự chồng chéo giữa Thông tư 55 và Thông tư 16.

Để kêu gọi xã hội hóa hiệu quả, các hiệu trưởng cần làm gì?

Thực tế, việc kêu gọi tài trợ cho trường học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ trong Thông tư 16 năm 2018. Ông Chương nhìn nhận để kêu gọi xã hội hóa hiệu quả, các hiệu trưởng cần xác định “làm đúng, không tư túi thì không phải sợ”. Tiếp theo, việc kêu gọi phải thiết thực, có kế hoạch cho 3-5 năm. Ông phản đối việc năm nay trường vận động quyên góp mua điều hòa, rèm cửa, năm sau lại tiếp tục. Ngoài ra, trường tuyệt đối không cào bằng mức đóng góp của phụ huynh.

Trên những cơ sở đó, ban giám hiệu làm dự thảo kế hoạch, thông qua cấp ủy, giáo viên. Ông Chương cho rằng “trong ấm, ngoài mới êm”, nên việc phổ biến kế hoạch giúp giáo viên thông suốt, ủng hộ cũng là việc quan trọng. Để đảm bảo câu chữ chính xác, không bị hiểu sai hoặc “tam sao thất bản”, ông Chương khuyên các hiệu trưởng chuẩn bị sẵn nội dung cần kêu gọi, có bảng kê chi tiết, in ra hoặc tận dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin. Đến khi nhận được tiền đóng góp, việc tổ chức đấu thầu, thi công cũng nên mời đại diện phụ huynh tham gia giám sát cùng.

“Hiệu trưởng còn có thể huy động xã hội hóa từ các nguồn ngoài nhà trường, không nhất thiết luôn phải là phụ huynh”, ông Chương nói.

Đây cũng là điều mà ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, lưu ý với các trường trên địa bàn. Ông Minh cho rằng trường học nên mở rộng kêu gọi tới doanh nghiệp, tổ chức xã hội, mạnh thường quân. Phụ huynh đầu năm học phải đóng góp nhiều khoản cho con nên việc trường vận động tài trợ có thể tạo thêm gánh nặng cho họ.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, một trường tư thục ở Hà Nội, đề xuất địa phương chia sẻ trách nhiệm trong kêu gọi, quản lý và sử dụng các nguồn ủng hộ từ phụ huynh, doanh nghiệp. Mục đích của việc này là tăng giám sát chéo, giảm áp lực cho trường học trong các hoạt động ngoài chuyên môn đào tạo.

Về phần mình, cô Hương nói năm nay có vẻ mùa thu Hà Nội tới sớm, chuyện sắm điều hòa cho hai lớp học mới “có thể thư thư lại chút”. Hôm trước, khi có giáo viên đề xuất kêu gọi phụ huynh đóng góp, cô liền xua tay.

“Ít nhất thì cũng để qua đầu năm học đã. Tôi cũng sẽ xin thêm tài trợ từ các nhà hảo tâm, tổ chức, cấp bách lắm mới kêu gọi phụ huynh”, cô nói.

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg 2

Mẹ lên tiếng không nên bắt ép đi học thêm, con liền được “chăm sóc đặc biệt”

Sở GD-ĐT TP. HCM yêu cầu trường học không được dạy quá 8 tiết/ngày

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều