(Tân Thế Kỷ) Bạn có anh em không? Bạn có mối quan hệ tốt với anh em của mình không? Nếu trong gia đình bạn, anh em yêu thương gắn bó với nhau thì cha mẹ chắc chắn sẽ rất yên lòng.
Quan hệ anh em trong gia đình xưa và nay khác nhau khá nhiều. Ngày nay, trong nhiều gia đình anh em dù hòa thuận nhưng không coi trọng lễ nghĩa, trên dưới, tôn tri trật tự. Nhiều anh em thân thiết với nhau, “coi nhau như bạn thân”, có gia đình cá biệt mà anh em xưng hô ngang hàng, gọi nhau bằng tên, “ông – tôi”, “mày – tao”,…
Trong quá khứ và các gia đình truyền thống thì ngược lại, họ có chừng mực và giữ lễ với nhau. Em cần coi anh như trưởng bối, đối xử với anh tôn kính và khiêm nhường. Anh chị thì phải yêu thương và chăm sóc em, làm thay trách nhiệm của cha mẹ đối với em. Dù khoảng cách tuổi tác giữa anh em lớn hay nhỏ thì vai vế cũng phải rõ ràng, có “tôn ti trật tự”.
Nhưng không phải vì giữ lễ nên anh em ngày xưa thiếu sự thân thiết và tình yêu thương dành cho nhau. Ngược lại, có nhiều câu chuyện cảm động lòng người về tình anh em mà bất cứ người làm cha mẹ nào, chắc hẳn cũng muốn con mình đọc được, để học tập những tấm gương tốt từ đó biết cách đối đãi tốt hơn với anh em của mình.
Hôm nay xin mời quý bạn đọc đến với câu chuyện “Triệu Hiếu tranh chết” để chứng kiến một tình anh em rất đẹp và cảm động.
Vào thời nhà Hán, có một người tên là Triệu Hiếu, tự là Thường Bình. Anh có một người em trai tên là Triệu Lễ. Hai anh em chung sống với nhau rất hòa thuận.
Một năm nọ, mùa màng thất bát, thiếu thốn lương thực, nạn đói vô cùng trầm trọng, trị an xã hội cũng lâm vào hỗn loạn.
Vào một hôm, mây đen giăng kín bầu trời, không gian rất âm u, tối tăm. Sau khi trận cuồng phong đi qua, mọi người đều dự cảm dường như có điềm dữ sắp xảy đến.
Quả nhiên, bất ngờ có một nhóm cướp chiếm giữ núi Nghi Thu và bắt đầu cướp bóc khắp nơi. Cái đói khiến chúng mất đi lý trí, đến mức bắt đầu ăn thịt người. Sau một hồi lục soát nhà dân mà không tìm được bao nhiêu lương thực và vật dụng có giá trị, chúng tức giận liền bắt người em là Triệu Lễ mang đi.
Triệu Lễ mặc dù gầy yếu nhưng cũng không được buông tha. Bọn cướp trói cả tay và chân của cậu lại, rồi buộc vào gốc cây, sau đó chúng dựng bếp nhóm lửa ở bên cạnh, bắt đầu đun nước, chuẩn bị nấu Triệu Lễ để lấp đầy cơn đói.
Người anh Triệu Hiếu tuy đã may mắn thoát thân nhưng lại không tìm thấy em trai đâu. Trong lòng như có lửa đốt. Anh hỏi thăm khắp nơi thì được biết có người đã tận mắt nhìn thấy Triệu Lễ bị bọn cướp bắt đi.
Hay tin em trai bị bắt, Triệu Hiếu trong lòng đau như dao cắt. Anh lo lắng nghĩ: “Mình phải làm sao đây? Nếu như em ấy có bất trắc gì thì không biết sẽ ăn nói ra sao với cha mẹ! Ta phận làm anh làm sao có thể sống trên đời này được? Em trai là cốt nhục, dẫu mất mạng sống của mình, ta cũng phải giải cứu em ấy”.
Nghĩ vậy, Triệu Hiếu liền hạ quyết tâm chạy theo hướng bọn cướp đã rời đi. Vì nóng lòng cứu em trai mình, anh nhanh chóng đến chỗ bọn cướp, nhìn thấy em trai đang bị trói, cạnh đó là một nồi nước sôi bốc hơi nghi ngút.
Trông thấy anh trai tới cứu, ban đầu Triệu Lễ vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, sau đó lập tức buồn than với anh trai: “Anh ơi! Anh sao lại tới được nơi này! Đến đây chẳng phải đi vào chỗ chết sao?”
Lúc này Triệu Hiếu không quan tâm đến an nguy của bản thân. Anh lao đến trước mặt tên cướp, van xin hắn: “Em trai tôi có bệnh, thân thể lại gầy yếu, thịt của em ấy chắc chắn không ngon đâu. Tôi van xin các người hãy thả em tôi ra!”
Bọn cướp nghe vậy vô cùng tức giận nói với Triệu Hiếu: “Thả hắn đi thì chúng tao ăn cái gì?”. Triệu Hiếu nghe tên cướp nói thế liền đáp: “Chỉ cần các người thả Triệu Lễ đi, tôi bằng lòng cho các người ăn thịt tôi, hơn nữa tôi khoẻ mạnh, không có bệnh, lại mập mạp”.
Bọn cướp nghe Triệu Hiếu nói xong lập tức lặng người. Bọn chúng không ngờ rằng thiên hạ còn có người tình nguyện chịu chết thay người khác như vậy. Chúng kinh ngạc nhìn nhau.
Lúc này, Triệu Lễ ở bên cạnh hét lớn: “Không được! Không thể làm như vậy được!”. Một tên cướp ở bên cạnh quát Triệu Lễ: “Tại sao không được?”. Triệu Lễ khóc lóc nói: “Người bị bắt tới đây là tôi, số mệnh của tôi đã định là bị các người ăn thịt, còn anh trai của tôi có tội gì chứ? Sao tôi có thể để anh ấy chết được?”
Nghe xong lời này, Triệu Hiếu liền vội vàng chạy đến bên em trai. Hai anh em ôm lấy nhau, người này khuyên người kia hãy để cho mình chết thay, trong cơn tuyệt vọng họ khóc không thành tiếng.
Thấy cảnh hai anh em tình nguyện chết thay cho nhau, đứng trước tình thủ túc xả thân cứu nhau của hai anh em họ Triệu, những tên cướp hung ác đã vô cùng bàng hoàng. Tình nghĩa huynh đệ của họ đã đánh thức lòng trắc ẩn vốn bị chôn vùi bấy lâu của bọn cướp. Chúng cũng không cầm được nước mắt và tha cho hai anh em họ Triệu.
Sau đó chuyện này được truyền đến tai Hoàng đế. Hoàng đế là một vị quân vương nhân nghĩa và đạo đức. Ông không chỉ hạ chiếu thư phong chức quan cho hai anh em, mà còn đưa câu chuyện dùng đức cảm hóa kẻ cướp của họ truyền khắp thiên hạ, để bá tánh cả nước học tập.
Đương nhiên không phải anh em nhà ai cũng thương nhau đến thế. Cũng có những người đối xử với anh em của mình rất không tốt, chẳng hạn như Tào Phi (con trai của Tào Tháo).
Tào Tháo vốn là một anh hùng đã nguyện làm thần tử trung thành để giữ lấy giang sơn nhà Hán. Ông yêu cầu các con mình cũng đi theo con đường như vậy, giữ trọn lòng trung nghĩa. Tuy nhiên, sau khi ông qua đời thì Tào Phi không còn che chở cho các em nữa, thậm chí vì ghen tị nên Tào Phi từng muốn đẩy Tào Thực (người em thứ ba và là một thi sĩ nổi tiếng thời tam quốc) vào chỗ chết. Tào Phi yêu cầu Tào Thực làm một bài thơ trong vòng bảy bước chân, trong bài thơ không được nhắc gì đến hai chữ anh em. Nếu không làm được thì Tào Phi sẽ giết Tào Thực.
Người em Tào Thực cất bước đi và cất giọng đọc:
Chử đậu trì tác canh,
Lộc thị dĩ vi trấp,
Cơ tại phủ hạ nhiên.
Đậu tại phủ trung khấp,
Bản tự đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.
Tạm dịch:
Đun đậu nấu làm canh,
Lọc đậu để lấy nước.
Cành đậu đốt dưới nồi,
Hạt đậu trong nồi khóc.
Vốn từ một gốc sinh,
Sao đốt nhau quá gấp?
Phải chăng Tào Thực muốn thông qua bài thơ này để thức tỉnh người anh của mình? Những câu thơ có thể khiến rất nhiều người ngậm ngùi rơi lệ, xót xa cho cảnh huynh đệ tương tàn.
Không rõ Tào Phi có hối hận chút nào về hành động của mình hay không, nhưng Tào Thực vẫn bị giáng chức và sống như bị giam lỏng đến khi chết. Tuy nhiên, bài thơ của Tào Thực vẫn còn sức sống đến tận bây giờ. Đó là một lời nhắc nhở chân tình mà những người anh em trong thiên hạ đều nên ghi nhớ.
Việt Nam ta cũng có câu “Anh em như thể tay chân”, tuy rằng đã rất quen thuộc nhưng không vì thế mà trở nên cũ kĩ, vì mối quan hệ anh em vừa là do thiên mệnh đặt định ra, vừa là tình cảm và đạo nghĩa trong gia đình, vừa thể hiện sự thiện đãi giữa con người với nhau.
Bạn làm thế nào để thể hiện sự yêu thương và quan tâm đến anh em của mình? Hãy chia sẻ với chúng tôi nhé.
Hồng Ngọc
Xem thêm:
Chồng ngoại tình, phản ứng trí tuệ của vợ khiến chồng hồi tâm chuyển ý
“Giấc mộng diễn viên” khiến khán giả 5 thành phố ở Bắc Âu cảm động như tìm thấy hy vọng mới
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực