Trong y học cổ truyền, lá lách có mối liên kết chặt chẽ với dạ dày – cùng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng trong cơ thể. Uống nước đá có thể gây hại cho chức năng của lá lách và dạ dày.
Mùa hè nắng nóng, nhiều người uống nước đá như một biện pháp giải nhiệt, nhưng tác dụng của nó đối với sức khỏe từ lâu đã gây ra không ít tranh cãi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nó có cả những lợi ích và hạn chế.
Tiến sĩ Yeh Chi-Min, bác sĩ điều trị của Phòng khám Y học cổ truyền Weixin (Đài Loan), cảnh báo rằng việc thường xuyên thèm uống nước đá có thể chỉ ra vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đồng thời, ông cũng đưa ra lời khuyên về những người nên hạn chế tiêu thụ nước đá.
Nước đá không phù hợp đối với một số tình trạng sức khoẻ
Achalasia là một rối loạn nuốt xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới không giãn ra, ngăn không cho thức ăn vào dạ dày.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thần kinh Tiêu hóa và Vận động cho thấy việc uống nước đá ở 2 độ C làm trầm trọng thêm các triệu chứng của achalasia.
Nghiên cứu tiết lộ rằng nhiệt độ thấp làm tăng áp lực nghỉ của cơ thắt thực quản dưới, kéo dài thời gian co thắt thực quản và làm tình trạng khó nuốt trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, uống nước lạnh có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Một nghiên cứu với 669 phụ nữ tham gia cho thấy 51 người trong số họ (khoảng 8%) bị đau đầu sau khi uống một cốc nước lạnh.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những phụ nữ từng bị đau nửa đầu trong năm qua có nguy cơ bị đau đầu sau khi uống nước lạnh cao gấp đôi so với những người chưa từng bị đau nửa đầu.
Một nghiên cứu trước đó được công bố vào năm 1978 cho thấy rằng, uống nước đá làm giảm tốc độ lưu thông chất nhầy mũi ở những người khỏe mạnh.
Điều này cho thấy nước đá có thể làm tình trạng nghẹt mũi trở nên tồi tệ hơn ở những bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Lợi ích của nước đá đối với các nhóm cụ thể
Bệnh nhân đang làm hóa trị thường bị rối loạn vị giác, ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và tình trạng dinh dưỡng.
Một nghiên cứu ở động vật được công bố trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế năm 2020 cho thấy rằng, uống nước đá lạnh có thể làm giảm tác dụng ức chế của thuốc chống ung thư lên khả năng cảm nhận vị giác ở chuột.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, việc sử dụng đá viên như một liệu pháp trị lạnh bằng đường miệng có thể ngăn ngừa rối loạn vị giác do thuốc chống ung thư gây ra.
Hơn nữa, một thử nghiệm lâm sàng có đối chứng ngẫu nhiên cho thấy các vận động viên thi đấu ba môn phối hợp trong điều kiện nắng nóng có thể cải thiện thành tích bằng cách tiêu thụ hỗn hợp đá xay nhuyễn trong suốt cuộc đua.
Thèm nước đá có thể chỉ ra các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn
Ritsugaku Ken, một bác sĩ y học cổ truyền tại Phòng Châm cứu và Cứu ngải của Bệnh viện Kurashiki Heisei ở Nhật Bản, giải thích trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng cơ thể con người có khả năng điều chỉnh nhiệt độ một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng việc tiêu thụ nước lạnh lâu dài có thể làm gián đoạn khả năng này, dẫn đến mất cân bằng trong việc điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.
Trong giải phẫu, lá lách đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của chúng ta bằng cách sản xuất các tế bào bạch cầu.
Tuy nhiên, trong y học cổ truyền, lá lách có mối liên kết chặt chẽ với dạ dày – cùng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng trong cơ thể. Uống nước đá có thể gây hại cho chức năng của lá lách và dạ dày.
Chức năng bị suy giảm ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa nước của cơ thể, có khả năng gây ra các triệu chứng như phù nề và chướng bụng.
Hơn nữa, Tiến sĩ Yeh nói với The Epoch Times rằng nếu một người thường xuyên cảm thấy nóng quá mức và muốn hạ nhiệt bằng cách uống một cốc nước đá, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Trong y học cổ truyền, sự lưu thông của khí – năng lượng cấu thành nên sự sống – và máu duy trì sự cân bằng và ổn định của các mô và cơ quan khác nhau. Khi khí huyết trong cơ thể mất cân bằng hoặc thiếu hụt thì bệnh tật hoặc các tình trạng khác có thể xảy ra.
Tiến sĩ Yeh giải thích rằng khi khí huyết lưu thông tốt và chức năng bài tiết mồ hôi không bị cản trở, nhiệt độ dư thừa trong cơ thể sẽ được xua tan một cách hiệu quả, từ đó làm giảm cảm giác thèm uống nước đá.
Ngược lại, nếu tuần hoàn bị ứ đọng hoặc tắc nghẽn, người ta có thể cảm thấy bồn chồn, khát nước, thèm đồ uống lạnh hoặc đồ ăn lạnh (chẳng hạn như kem que và sinh tố). Trong trường hợp như vậy, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông y có thể hiệu quả.
Khi nào nên tránh uống nước đá?
Tiến sĩ Yeh đưa ra một cách đơn giản để kiểm tra xem bạn có thể chịu được nước đá hay không: Cầm cốc nước đá bằng một tay.
Nếu bạn có thể giữ lâu hơn một phút mà không cảm thấy đau, điều đó cho thấy cơ thể bạn có khả năng dung nạp đồ uống lạnh ở một mức nhất định. Tuy nhiên, vì cơ thể mỗi người là khác nhau nên phương pháp này có thể không phù hợp với tất cả mọi người.
Bác sĩ Yeh chỉ ra rằng các dây thần kinh nội tạng ít nhạy cảm hơn bề mặt da, do đó, việc không có phản ứng từ dạ dày không nhất thiết có nghĩa là nó có thể xử lý được nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi cầm nước đá trong tay quá một phút, điều đó có thể cho thấy cơ thể không thể dung nạp được đồ uống lạnh trực tiếp vào dạ dày. Do đó, nên tránh uống nước đá hoặc ăn các thực phẩm có đá xay.
Ngoài ra, ông khuyên nên tránh uống nước đá trong ba trường hợp sau:
- Trong thời kỳ kinh nguyệt: Nước đá làm ứ đọng khí huyết, cản trở quá trình lưu thông máu. Uống nước đá trong kỳ kinh nguyệt có thể dẫn đến đau bụng kinh và kinh nguyệt không đều. Phụ nữ dễ bị đau bụng kinh cũng nên hạn chế uống nước đá ngoài thời kỳ kinh nguyệt.
- Sau khi tập thể dục: Các mạch máu ở tứ chi giãn ra sau khi hoạt động thể chất. Uống nước đá có thể khiến các mạch máu này co lại đột ngột. Vì vậy, trong thời gian này, bạn nên chọn nước ở nhiệt độ phòng hoặc nước ấm. Chỉ nên uống nước đá sau khi cơ thể đã nguội và mồ hôi đã giảm bớt.
- Người dễ bị cảm lạnh: Những người thường xuyên bị cảm lạnh nên tránh uống nước đá.
Bảo Vy/NTDVN biên dịch
Theo Ellen Wan – The Epoch Times
Xem Thêm:
Tây Y, Đông Y và Khí Công, bạn lựa chọn phương pháp chữa bệnh nào?
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*