spot_img
21 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Vì sao Cổ nhân nói: Tiền là một loại thuốc, tiền nhiều để làm gì?

 

41dea33807a52edd7a3281fca1518a2c
Vì sao nói: Tiền là một loại thuốc? – Ảnh: Internet

Tân Thế Kỷ – Trương Duyệt, một vị quan thời Đường từng nói: “Tiền, có vị ngọt, nóng hổi, có độc. Vừa có thể giữ gìn nhan sắc, tươi tốt màu mỡ, giỏi trị đói, giải trừ tật ách, khốn khó vô cùng linh nghiệm. Có thể làm lợi cho quốc bang, gây tổn hại cho hiền tài, sợ hãi người thanh liêm…” “Tiền vốn là thuốc”. Tại sao nói Tiền là thuốc? Tiền nhiều để làm gì? 

Tiền nhiều để làm gì? Câu trả lời của Thiền sư khiến nhiều người suy ngẫm

Dưới gốc cây Bồ Đề, thiền sư hỏi một người: “Trong mắt người phàm trần, con có tiền, có quyền thế, có một người vợ thương yêu hết mực, vì sao con vẫn không vui?”. 

e5946447990fb5677d9c37a9396e864b
Câu trả lời của thiền sư khiến nhiều người suy ngẫm – Ảnh: internet

Người này đáp: “Tuy đã có những điều này, nhưng con vẫn còn thấy chưa đủ con cần có nhiều tiền hơn!”.

Thiền sư cười nói: “Vậy hãy để ta kể cho con một câu chuyện…..

Có một khách lữ hành băng qua sa mạc nắng như thiêu như đốt, cơn khát cháy bỏng khiến ông gục ngã ngay giữa cuộc hành trình. Phật Tổ xót thương đã cho một hồ nước xuất hiện trước mặt vị khách bộ hành, nhưng lạ thay người ấy không uống lấy một giọt.

Phật Tổ thấy lạ, bèn hỏi nguyên do. Vị khách bộ hành đáp: “Nước hồ nhiều thế này, còn bụng con lại bé nhỏ như vậy, uống một ngụm làm sao hết được đây? Vậy thì thà con không uống còn hơn”.

Kể tới đây, thiền sư nói với người đàn ông: “Con hãy nhớ rằng, trong cuộc đời sẽ có rất nhiều điều tốt đẹp đến với con, nhưng con chỉ cần nắm giữ một thứ trong đó thì đã có thể mãn nguyện. Cũng giống như nước cuồn cuộn chảy 3 ngàn dặm thì con chỉ cần một gáo là đủ uống rồi”.

Sinh mệnh là có duyên, cũng là có phận. Đôi khi có những điều hạnh phúc chúng ta dành cả đời truy cầu vẫn không đạt được. Nhưng, có những hạnh phúc lại đến một cách thong dong đạm bạc.

Con người lại có quá nhiều truy cầu, cho dù ở giai tầng nào đi nữa. Dẫu người đó giàu hay nghèo, đều không thể thoát khỏi chữ “cầu”.

Lại có câu chuyện thế này. Một thương nhân người Mỹ ngồi trên bến tàu của một làng chài nhỏ trên bờ biển Mexico, xem một ngư dân Mexico đang chèo chiếc thuyền nhỏ cập bến. Trên chiếc thuyền nhỏ có một vài chiếc đuôi cá Đại Hoàng và vây Cá Ngừ. Vị thương nhân người Mỹ này khen ngợi người ngư dân Mexico bắt được loại cá có giá trị cao như thế.

e13d6c720f967b8239e2d125d315cb38
Người câu cá trả lời khiến nhiều người giật mình suy ngẫm – Ảnh: Internet

Ông bèn hỏi người ngư dân: “Anh đã mất bao nhiêu lâu để bắt được số cá đó?”.

Người ngư dân trả lời: “Chỉ một lát là bắt được từng đó rồi.” Nói rồi người ngư dân dọn đồ chuẩn bị ra về.

Vị thương nhân người Mỹ lại hỏi: “Anh tại sao lại không nán lại lâu hơn một chút để bắt được thật nhiều cá hơn?”.

-“Số cá này là đã đủ cho người nhà tôi dùng rồi”.

Vị thương nhân lại thắc mắc: “Như thế thì thời gian trong ngày của anh còn rất nhiều, anh làm những việc gì?”

-“Tôi à? Tôi mỗi ngày ngủ đến lúc hết buồn ngủ mới dậy, ra biển đánh bắt mấy con cá, sau đó trở về nhà chơi cùng các con, rồi ngủ trưa cùng vợ, lúc hoàng hôn đến, cùng với anh em uống chút rượu, chơi đàn ghi ta. Cuộc sống của tôi trôi qua vô cùng tốt đẹp”.

Thương nhân người Mỹ cho rằng cuộc sống như thế thật nhạt nhẽo, phải có nhiều tiền hơn bèn nói: “Tôi là thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Đại học Harvard. Tôi có cách này khiến anh có nhiều tiền hơn, mỗi ngày anh hãy dành nhiều thời gian đi bắt cá hơn. Đến khi đó anh sẽ có tiền để mua một chiếc thuyền to hơn một chút, đương nhiên anh sẽ bắt được nhiều cá hơn nữa. Anh lại mua được một chiếc thuyền to hơn nữa, sau đó anh có thể có được cả một đoàn thuyền đánh cá.

Đến lúc đó anh không cần phải mang cá đi bán cho người buôn cá, mà trực tiếp bán cho cơ sở chế biến cá. Sau nữa anh có thể mở một nhà máy chế biến đồ hộp, như thế anh có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, gia công, tiêu thụ. Sau đó anh có thể từ bỏ làng chài nhỏ này, chuyển đến Mexico, lại chuyển đến Los Angeles, cuối cùng là đến New York, ở đó xí nghiệp kinh doanh của anh sẽ không ngừng phát triển mở rộng”.

Nghe thế người ngư dân hỏi: “Điều này phải mất bao nhiêu thời gian đây?”

-“15 đến 20 năm”.

Người ngư dân Mexico hỏi: “Vậy còn sau đó thì sao?”.

Vị thương nhân đáp: “Thời cơ thích hợp đến, anh có thể đưa cổ phiếu ra thị trường, bán cổ phần của Công ty anh cho dân chúng, đến lúc đó anh sẽ giàu có đấy, anh có thể có vài tỷ, vài tỷ đô la tiền lợi nhuận”.

“Tiếp sau đó nữa thì sao?”.

Vị thương nhân đáp: “Cho đến lúc đó anh có thể nghỉ hưu, anh có thể đến bờ biển của làng chài nhỏ mà sinh sống, mỗi ngày ngủ đến tỉnh ngủ mới dậy, ra bờ biển bắt vài con cá, chơi cùng các con, lại cùng vợ ngủ trưa, lúc hoàng hôn, lại cùng anh em trong thôn uống chút rượu và chơi đàn ghi- ta”.

Người ngư dân Mexico cười và nói với vị thương gia: “Tôi hiện tại chẳng đúng là đang như thế sao?” 

Cổ nhân: Tiền vốn là một loại thuốc

Trương Duyệt là một vị quan đại thần nổi tiếng đời Đường, cũng là một tác gia lớn. Ông làm quan trải bốn đời hoàng đế, từng làm Tể tướng thời Đường Huyền Tông. Tuy là anh hào một thời, nhưng quan lộ của ông cũng gặp nhiều trắc trở. Vì đắc tội với kẻ hầu cận của Võ Tắc Thiên mà ông bị giáng chức, lưu đày biệt xứ. Những trải nghiệm chìm nổi long đong đã khiến thơ văn của Trương Duyệt tràn đầy cảm thán thăng trầm.

757797cfbe038afc18882756a81b0105
Trương Duyệt nói rằng Tiền là một loại thuốc – Ảnh: Internet

Trong bài viết “Tiền bản thảo” – Tiền vốn là thuốc, Trương Duyệt đã trình bày kiến giải của mình về tiền tài một cách thông tục dễ hiểu và không kém phần thú vị như sau:

“Tiền, có vị ngọt, nóng hổi, có độc. Vừa có thể giữ gìn nhan sắc, tươi tốt màu mỡ, giỏi trị đói, giải trừ tật ách, khốn khó vô cùng linh nghiệm. Có thể làm lợi cho quốc bang, gây tổn hại cho hiền tài, sợ hãi người thanh liêm. Người dùng nó, ở mức bình quân thì tốt. Nếu không quân bình, thì nóng lạnh công kích lẫn nhau, khiến thân thể hỗn loạn.

Thuốc này hái không đúng thời, hái không đúng lễ thì tổn hại tinh thần. Nó hễ lưu hành thì có thể chiêu mời thần linh, linh thông với ma khí. Nếu tích mà không tán, ắt sẽ có tai họa nước lửa, cướp bóc. Nếu tán mà không tích thì đói rét, khổ nạn kéo tới. Đạo vừa tích vừa tán, không cho rằng nó trân quý thì được gọi là Đức, lấy nó mà hợp lý thì gọi là Nghĩa, không cầu những thứ không trong phận sự gọi là Lễ, bố thí cứu tế cho bách tính gọi là Nhân, xuất ra không lỡ hạn thì gọi là Tín, không để nó hại mình thì gọi là Trí.

Dung luyện bằng bảy thuật này, mới có thể dùng nó lâu dài, khiến con người được trường thọ. Nếu dùng nó phi lý thì chí nhược, thần khí bị tổn thương, ắt phải kiêng kỵ”.

Bài viết của Trương Duyệt tuy ngắn ngủi nhưng lại nói rất thấu triệt về bản chất của tiền tài.

“Tiền, có vị ngọt, nóng hổi, có độc” chỉ vài từ ngắn ngủi đã định nghĩa được về loại thuốc có vị đặc biệt này. Nó là cơm trong đĩa, là áo trên thân, là mái nhà chắn gió che mưa, là ngày tháng phóng túng thích gì làm nấy, cho nên nó có “vị ngọt”. 

Người người đều thích và truy cầu nó. Nó còn có tính “nóng hổi” nên dễ khiến người khác yêu thích, mê muội đến nỗi trong mắt, trong tâm chỉ có tiền, phát điên, phát cuồng vì nó. Kết quả của tính nóng chính là “có độc”. Nghiêm trọng hơn, nó khiến con người điên đảo, thậm chí có người còn bị nó dẫn vào nấm mồ.

Hiệu quả của loại thuốc này rất thần kỳ, chỉ cần “uống” nó thì sẽ thấy công hiệu ngay tức khắc. Hai mắt sáng rực, mặt mày rạng rỡ, ngẩng cao đầu, ưỡn ngực, tiếng vang như chuông, cảm giác như được tặng ô trong mưa, tặng than trong ngày có tuyết.

18e8abe89a8e87e157eb6cc75bc26156
Tiền có lợi nhưng cũng có hại – Ảnh: Internet

Quốc gia có đủ tiền trong quốc khố thì lợi dân, mạnh nước, khiến ngoại bang kính phục. Nó có thể khiến nhiều sự việc bị “đổi trắng thay đen”, còn khiến những bậc hiền tài thông minh, lão luyện bị bôi nhọ, nhọc thân, thậm chí vạn kiếp chẳng thể minh oan. Tuy nhiên, nó cũng có khắc tinh, đó là những ai coi nhẹ tiền tài, những người “thanh liêm”.

Tiền tài khi lấy cũng cần phải có đạo, không mưu cầu những thứ không trong phận sự, nếu không sẽ bị Thần linh giáng họa, trách phạt. Tích tiền không sai, nhưng phải biết chi. Bản thân chức trách của tiền là lưu thông, nếu bị chặn bất động thì xã hội sao có thể vận hành? Nếu chỉ tiêu tiền mà không kiếm tiền thì lại chạy sang một cực đoan khác, đói rét ắt sẽ gõ cửa.

Những nhà quyền quý có nhiều tiền tài, thì tốt nhất nên xả bỏ, cứu tế cho người nghèo, kẻ yếu đang đói khát, tạo phúc cho xã hội. Nếu không, không chỉ không thể phát triển bền lâu, đạt được hạnh phúc chân chính, mà thậm chí còn chiêu mời họa hại khôn cùng: “Nếu không quân bình, thì nóng lạnh công kích nhau, khiến thân thể hỗn loạn”.

Dùng tiền đúng mực là Đạo. Không coi tiền như bảo vật là Đức. Phó xuất tiền tương ứng với điều đắc được là Nghĩa. Không vì tiền tài mà thay đổi hành vi với bề trên là Lễ. Thích bố thí, cứu đói là Nhân. Chi dùng tiền theo lời hứa là Tín. Không để tiền tài làm tổn hại tới mình là Trí. Hiểu được tiền thì nó sẽ trở thành loại thuốc đặc hiệu, “khiến con người được trường thọ”. Ngược lại thì có thể khiến thương tích đầy mình, thân bại danh liệt..

Tự cổ chí kim “tiền” luôn là một vấn đề nhân loại luôn phải đối mặt. Những định nghĩa về nó cũng muôn màu muôn vẻ. Có người tôn thờ nó: “Không cánh mà bay, không chân mà chạy, không nơi xa nào không tới, không chốn tối nào không về. Người vô đức tôn sùng nó, kẻ thất thế ham thích nó. Nguy có thể biến thành an, chết có thể sống lại, tôn quý có thể thành bần hèn, sinh có thể bị bắt chết”.

Có người sợ hãi nó: “Cốt nhục vì nó mà ly gián, thân sỹ vì nó mà bại danh, thương nhân vì nó mà nhọc thân, dân tình vì nó mà tranh đấu. Nó lũng đoạn cả đời người, người đắc phúc thì ít, kẻ gặp họa thì nhiều. Nó quả là vật sát nhân nhưng con người lại không tỉnh ngộ”.

Có người mắng nhiếc nó: “Mắng rằng: Vật súc sinh! Cương thường luân lý bị ngươi làm bại hoại, vương pháp triều đình bị ngươi bẻ cong, vì mình sát nhân mà không đền mệnh, hiền tài không có ngươi không được trọng dụng. Xem ra cần băm chặt ngươi, cho vào dầu sôi, cho vào lồng hấp!”

Những định nghĩa về tiền xưa nay nhiều vô số. Nhưng coi tiền là thuốc thì có lẽ chỉ có mình Trương Duyệt. Ví tiền như thuốc, bàn luận cách trị liệu lợi hại của nó một cách giàu tính triết lý, dùng ngụ ngôn để giáo dục con người, quả là một áng văn chương sâu sắc và thú vị.

Nguồn gốc của danh lợi là phúc phận

Người Trung Quốc có giảng rằng tích đức hướng thiện. Hết thảy mọi thứ của con người đều được đổi lấy từ phúc phận bản thân, cho nên khi một người có vận may, mọi người sẽ nói “tổ tiên người này tích đức”. Chính xác là như vậy, con người nếu không có đức hạnh, không có phúc phận thì không có được bất kỳ điều gì. Nếu như cố cưỡng chế làm để có được thì sẽ phải đánh đổi bằng tính mệnh. Lòng tham của con người là vô đáy, khi chúng ta đã có một thì lại muốn có hai, có căn nhà nhỏ lại mơ ước biệt thự… Nhưng rốt cuộc, sinh mệnh là có duyên, cũng là có phận, biết đủ sẽ mới là hạnh phúc. 

82e4ee0190da27bf454e43bb75639f47
Biết đủ mới là hạnh phúc – Ảnh: Internet

Tiền bạc – thật ra cũng chỉ là vật ngoại thân, cốt lõi vẫn ở tâm chúng ta. Tiền có gây ra tác dụng tốt hay xấu, cũng từ nhân tâm mà ra. Nếu mỗi chúng ta biết coi nhẹ và dùng tâm chân chính để đối đãi thì có thể mang lại ích cho bản thân và người khác. 

Chúng ta sống trên đời, phải chăng có nhiều thứ thì mới hạnh phúc?. Dẫu vinh hoa và phú quý hơn nữa, thì cuối cùng chúng cũng chỉ là cát bụi khi rời khỏi cõi đời. 

Sau biết bao lo toan, mệt mỏi và tranh giành, ta mới phát hiện ra rằng… năm tháng tươi đẹp đã tuột khỏi tầm tay…

“Nước chảy 3 ngàn dặm cũng chỉ cần một gáo để uống”. Trong cả cuộc đời, có thể chúng ta sẽ gặp được rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng chỉ cần chuyên tâm nắm vững một thứ là đủ rồi.

Biệt thự ngàn gian, đêm cũng chỉ ngủ trên chiếc giường không quá hai mét. Thức ăn vạn món, ngày ăn cũng không quá ba bữa. Hà tất mãi truy cầu hạnh phúc khi tự nó luôn ở bên ta. 

Chân Tâm (t/h)

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 3

Xem thêm:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều