spot_img
25 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Vì sao giới trẻ Trung Quốc ăn mừng thất nghiệp?

Tân Thế Kỷ – Ngay khi Liang nghỉ việc tại một ngân hàng ở tỉnh Chiết Giang, bạn bè anh đã tổ chức bữa tiệc hoành tráng để chúc mừng. Những người tổ chức tiệc cho Liang cũng đã nghỉ việc. Họ cài một bông hoa lên ngực anh cùng dòng chữ: Chúng tôi đã từ bỏ công việc nhàm chán đó.

Nhiều người nghỉ việc trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục

Không gian xung quanh có treo đèn lồng, dán chữ song hỉ thường thấy trong các đám cưới, cùng bàn tiệc đầy thức ăn. Những người đến dự tiệc đều được nhận thiệp mới với nội dung “Mong các bạn dùng bữa ngon miệng, sớm thoát khỏi đau khổ”.

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế Trung Quốc ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, việc tổ chức tiệc ăn mừng do bỏ việc ổn định, lương cao, khiến nhiều người cho rằng “tuổi trẻ nông nổi, thiếu từng trải”.

Liang giua cung ban be to chuc tiec mung that nghiep thang 52023. Anh Liang
Liang (giữa) cùng bạn bè tổ chức tiệc mừng thất nghiệp, tháng 5/2023. Ảnh: Liang

Nhưng Liang (27 tuổi) nói bản thân hạnh phúc hơn. Từng có thu nhập ổn định nhưng anh luôn cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi và không thấy tương lai. “Tôi rơi vào vòng xoáy công việc lặp đi lặp lại như máy móc. Chúng khiến tôi hao tổn nhiều năng lượng”, chàng trai 27 tuổi nói. Chia sẻ của anh được nhiều cư dân mạng đồng cảm.

Lý do vì sao họ lại hành động như vậy?

Không chỉ Liang, hàng trăm bài đăng về các bữa tiệc bỏ việc đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc trong năm nay. Hầu hết những người tham gia đều trong độ tuổi 20. Họ đưa ra nhiều lý do khác nhau để nghỉ việc, như lương thấp, áp lực cạnh tranh từ học tập đến thăng tiến khiến sức khỏe kiệt quệ.

Theo diễn đàn nghề nghiệp Maimai, trong số gần 1.600 nhân viên ở các lĩnh vực khác nhau được khảo sát trong 10 tháng đầu năm 2022, 28% đã nghỉ việc. Tỷ lệ này tăng gấp đôi đối với những người có ý định từ bỏ những chưa thực hiện.

Một làn sóng tương tự được gọi là “đại nghỉ việc” đã diễn ra ở Mỹ với gần 50 triệu người bỏ việc trong hai năm. Khi hiện tượng này có xu hướng giảm ở phương Tây, giờ đây mới bắt đầu tại Trung Quốc.

Làm một đứa trẻ rất khó khăn ở Trung Quốc

Theo các chuyên gia, việc lao động trẻ rời bỏ công việc mơ ước có thể bắt nguồn từ áp lực thời niên thiếu. Trẻ nhỏ ở Trung Quốc bắt đầu cuộc cạnh tranh từ khi còn bé. Chúng phải học thêm sau giờ lên lớp, trải qua nhiều kỳ thi áp lực mà đỉnh điểm là cánh cửa đại học.

Giáo sư kinh tế Nancy Qian tại Trường Quản lý Kellogg của Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết: “Tôi nghĩ người phương Tây không thể hiểu việc làm một đứa trẻ khó khăn như thế nào ở Trung Quốc. Đến khi lớn, chúng lại phải đối mặt với rất nhiều nỗi thất vọng, kiệt sức và oán giận vì phải làm việc quá nhiều”.

Cảm giác vỡ mộng càng gia tăng khi lớn lên

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh đang đặt hy vọng quá nhiều vào con cái, mong hy sinh của bản thân có thể giúp con thành công. Nhưng, tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng có, lương thấp do nền kinh tế trì trệ và văn hóa làm việc quá sức đang khiến nhiều người vỡ mộng.

Cảm giác vỡ mộng đó ngày càng gia tăng do sự bất tương xứng giữa trình độ học vấn và kỹ năng của người lao động với công việc hiện có.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, nước này đã xây dựng hệ thống giáo dục lớn nhất thế giới, với tỷ lệ tuyển sinh đại học tăng gần gấp đôi chỉ sau 10 năm, lên gần 58% vào năm 2021.

Tuy nhiên giáo sư xã hội học tại Đại học Columbia Yao Lu phát hiện một tỷ lệ đáng kể nhân viên thừa trình độ đối với công việc hiện tại. Điều đó có nghĩa vị trí họ đang đảm nhận không yêu cầu những kỹ năng và kiến thức được học ở trường.

“Họ làm những công việc có thể tương đối ổn định, được trả lương cao nhưng cơ bản không cần đến bằng đại học. Đơn cử như việc hành chính tại văn phòng địa phương hay giao đồ ăn”, bà Lu nói.

Veyron Mai tốt nghiệp cử nhân âm nhạc tại thành phố phía nam Phật Sơn, nhưng không thể tìm được công việc đúng ngành. Để tồn tại, anh chuyển sang làm văn phòng, đi rửa xe trước khi thành nhân viên phục vụ nhà hàng.

Veyron nhớ bản thân đã làm việc dưới cái nóng thiêu đốt và sử dụng các vật liệu tẩy rửa độc hại. Ngay cả khi đã đeo găng tay bảo vệ, chất tẩy rửa vẫn ăn mòn da khiến các ngón biến dạng. “Tôi cảm thấy xấu hổ khi đưa tay cho người khác xem. Làm sao tôi có thể gọi mình là sinh viên âm nhạc được”, người đàn ông cho biết.

Xu hướng này ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế

Theo bà Lu, vấn đề Veyron đang gặp phải là mất cân bằng về cơ cấu giữa cung và cầu. Bất chấp sự gia tăng nhanh chóng của trình độ giáo dục đại học, nền kinh tế Trung Quốc không đòi hỏi nhiều lao động có tay nghề cao và cần thời gian để chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Sinh vien tot nghiep dai hoc tai hoi cho viec lam o Yibin Trung Quoc hom 146. Anh CNSAFP
Sinh viên tốt nghiệp đại học tại hội chợ việc làm ở Yibin (Trung Quốc) hôm 14/6. Ảnh CNSAFP

Bên cạnh đó, người trẻ rời bỏ thị trường lao động không phù hợp không phải tin tốt cho nền kinh tế. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm nhiều năm qua, đồng nghĩa với việc có ít trẻ sơ sinh hơn và nhóm người trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, già hóa dân số nhanh chóng dẫn đến nhu cầu về quỹ hưu trí, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ phúc lợi khác ngày càng tăng.

Trong bối cảnh này, nếu số thanh niên chán nản công việc vĩnh viễn rời khỏi lực lượng lao động, sẽ có ít nhân viên hỗ trợ người cao tuổi trong những năm tới.

Theo các chuyên gia, xu hướng nghỉ việc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nhưng chưa rõ sự tác động. Bởi khi được giải phóng khỏi công việc mệt mỏi, những người này có nhiều thời gian để tập trung vào các mối quan hệ và lập gia đình, hoặc họ có thể trì hoãn thêm do mất thu nhập, cùng cảm xúc chán nản.

Nhưng không phải tất cả những người hưởng ứng làm sóng bỏ việc đều rời bỏ thị trường lao động. Họ chỉ chuyển sang vị trí mới hoặc ngành khác. Điều này khiến các nhà quản lý không rõ xu hướng này sẽ kéo dài trong bao lâu.

Như với Liang, anh đang quản lý một quán cà phê ở Thái Châu – thành phố được bao quanh bởi núi và biển. “Tôi còn trẻ và có thể nghỉ việc khi muốn. Nhưng có thể sau một, hai năm nữa, tôi sẽ quay lại nơi làm việc”, anh nói.

Căng thẳng và mệt mỏi là tình trạng nhiều người trẻ ngày nay gặp phải. Nếu tình trạng này không được cải thiện có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và các khía cạnh khác của cuộc sống.

Việc rời bỏ công việc tạm thời là hệ quả của việc giáo dục dồn ép chạy theo thành tích từ nhỏ. Đây cũng có thể là lời cảnh tỉnh cho các bậc làm cha mẹ. Hãy để con vừa học vừa chơi, ngoài học ra hãy cho con nhiều kỹ năng sống khác, đừng quá chạy theo một quy chuẩn nào đó để con quá mệt mỏi, kiệt sức.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Vnexpress.net

op2 2

Tình cờ phát hiện bạn trai lừa tình nhờ… Google Maps

“Nhà mình nghèo, không có tiền đâu”: Cách giáo dục con sai lầm nhiều người mắc phải

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều