Lã Động Tân không nói một câu, chỉ phủi tay một cái hoá thành một cơn gió bay đi, trước sự ngỡ ngàng của hàng chục con mắt. Bỗng từ trên Trời rơi xuống một tờ giấy, có ghi một bài kệ…
Bát Tiên là tám vị Thần đã giúp lão bá tánh thưởng thiện, phạt ác; tế thế cứu nhân, giúp đỡ người nghèo… Bát Tiên truyền kỳ đã lưu lại rất nhiều Thần tích trong dân gian. Tám vị Tiên nhân này gồm có: Trương Quả Lão, Hán Chung Li, Hàn Tương Tử, Thiết Quải Lý, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Hà Tiên Cô và Lam Thái Hòa.
Tương truyền rằng, tám vị Thần Tiên này cũng chính là đại biểu cho các giai tầng khác nhau trong xã hội: nam, nữ, già, trẻ, phú, quý, bần, tiện; mỗi một giai tầng đều có thể thông qua tu luyện đắc Đạo mà thành Tiên.
Lên năm tuổi có thể vấn Thiền hai vị Tổ sư
Thời nhà Đường có người tên là Lã Nham, tự là Động Tân, hiệu Thuần Dương Tự. Người đời gọi ông là Lã Tổ. Nhà họ Lã mấy đời làm quan: Cha của Lã Nham là Lã Nhượng người huyện Vĩnh Lạc, Bồ Châu, từng làm quan Thứ sử ở Hải Châu. Truyền rằng Lã mẫu trước khi sinh hạ Lã Nham, đã có hai lần được báo mộng rằng, sẽ có rất nhiều Thần tiên và quan viên xếp hàng nghi trượng cờ quạt, vũ khí… ngợp trời tiễn đệ tử đi đầu thai. Vào lúc sinh hạ cậu bé Nham, trong căn phòng tỏa hương thơm ngào ngạt. Bên ngoài nghe có tiếng nhạc du dương, trầm bổng từ trên Trời vọng xuống.
Từ khi lên 4 tuổi Lã Động Tân đã học hết Kinh sử; hơn 5 tuổi đã có thể cùng sư phụ đối vấn; 8 tuổi đã ngâm thơ, viết văn…. Mỗi khi cha vấn hỏi điều gì, Lã Động Tân đều có thể trả lời một cách rành rọt, thậm chí còn đưa ra các cách lý giải ở nhiều phương diện và góc độ khác nhau. Cha ông thường khen Lã Nham rằng, ‘Ngô gia thiên lý chi câu’ (Con ngựa tốt của nhà họ Lã).
Lã Động Tân từng nói với cha ông rằng: “Học của bậc Thánh nhân – Khổng Tử là nhập thế chính Đạo. Lời mà Khổng Tử giảng hết sức bình dị mà hợp với đạo lý. Có thể lấy đó làm gương cho người đời! Giá như, người người đều tuân theo như thế, thì thiên hạ ắt thái bình, vĩnh viễn có thể lấy Đạo trị quốc. Nhược bằng, muốn đến núi Diệu Nghĩa xuất thế, thì cần học “Đạo đức Kinh” của Lão Quân – Người người hành theo, thì vạn năm thường trị, vĩnh viễn không có loạn lạc…”
Phát thệ cứu độ hơn ba nghìn người
Một ngày, Lã Động Tân hỏi sư phụ của mình là Hán Chung Li, rằng:
– Sư phụ cứu độ đệ tử thoát khỏi sinh tử, lại dạy cho đệ tử bí quyết huyền diệu trường sinh. Chúng ta tu trong Đạo còn phải luân hồi đến vô tận chăng?’
Hán Chung Li nói:
– Như thế nào là vô tận! Từ thuở sơ khai hỗn độn cho đến nay, tiểu kiếp trên thế gian hòa lẫn làm một; Thánh hiền giai tận; Nho giáo đã tận; kiếp tu A Di Đà đã tận; Thích giáo cũng đã tận. Đây chỉ là kiếp số!
Lã Động Tân bèn hỏi tiếp:
– Vậy kể từ ngày sư phụ đắc Đạo, cho đến hôm nay đã trải qua bao nhiêu đời ạ?
Hán Chung Li đáp:
– Từ triều Hán đến triều Tống, tính ra thì cũng đã hơn 1100 tuổi!
Lã Động Tân nói:
– Sư phụ 1100 năm tuổi, ngài đã độ được bao nhiêu người?
Sư phụ Hán Chung Li trầm ngâm hồi lâu, đáp:
– Ta chỉ độ được một người, là con….!
Lã Động Tân ngạc nhiên hỏi:
– Vì sao ngài lại chỉ độ một mình đệ tử? Hay vì Đạo giáo của chúng ta thiếu từ bi, không độ thoát chúng sinh? Xin sư phụ cho con thời gian ba năm! Ngay trong mảnh đất Trung Nguyên này, con sẽ độ hơn ba nghìn người. Chúng sinh sẽ lũ lượt đến nhập Đạo giáo của chúng ta!
Hán Chung Li cười lớn, đáp:
– Đồ nhi à, đồ nhi! Con có biết rằng, người trong nhân thế phần nhiều đã không còn giữ được chữ ‘trung’ trong tâm nữa rồi, đa số đều là không có giáo dưỡng. Chúng sinh bất nhân bất nghĩa, sao có thể làm Thần Tiên? Đạo giáo của chúng ta, kể từ khi truyền xuất ra cũng đặng ba năm. Nhưng muốn tìm người đến thì cũng phải là người có công phu hàm dưỡng như con!
Lã Động Tân đáp nghe xong, như lửa cháy trong lòng mà rằng:
– Ngày hôm nay con xin được cáo biệt sư phụ. Xin sư phụ cho đệ tử xuất quan, đi vân du cứu thế độ nhân!
Hán Trung Li biết không thể khuyên ngăn, song cũng không ngần ngại đồng ý lời đề nghị của Lã Động Tân.
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Sau khi từ biệt, Lã Động Tân quyết vân du tứ phương để độ nhân; dốc lòng tìm người có đủ phẩm đức để cứu độ. Đằng đẵng suốt cả một năm trời, Lã Động Tân vẫn không gặp được một người hữu duyên, và đủ phẩm hạnh để độ.
Một ngày nọ, Lã Động Tân nhìn thấy trên đỉnh núi Thái Hư có xuất hiện một luồng khí màu xanh, bốc lên từ phía chân trời. Ông bèn lần tìm đến nơi phía chân trời xa có luồng khí đẹp. Qua dò hỏi, ông biết được luồng khí xanh đó phát ra từ một nữ nhân luống tuổi tên là Phương Tri. Bà là hậu duệ của Ân tự Khai Sơn – sinh vào thời nhà Đường, sống ở Đồng Trì Hương, phủ thành Hà Nam, Tây Kinh. Bà năm nay đã hơn ba mươi tuổi, thân cô thế cô, không chịu xuất giá, nhiều phen cầu Đạo, tích được âm quả lớn.
Thấy vậy, Lã Động Tần bèn hoá thân thành một lão đạo sĩ, ăn mặc rách rưới, dơ dáy bẩn thỉu, đến gõ cửa nhà họ Ân. Nghe tiếng gõ cửa, rồi tiến vào sảnh, nhìn thấy một vị nữ đon đả, mình vấn y phục người tu Đạo. Từ chân mày của người phụ nữ đon đả ẩn hiện một luồng khí xanh dâng lên.
Lão đạo sĩ cất tiếng gọi, rồi hai tay ôm quyền cung kính cúi đầu bái chào. Vị phu nhân kia đang mải nói chuyện với gia nhân, nghe tiếng gọi bèn quay đầu lại mà rằng:
– Tiên sinh, xin hãy lại gần đây!
Lão đạo sĩ tiến lại gần, thấy sắc mặt vị phu nhân nhà họ Ân đang rất tức giận, trước sự bất kính của lão đạo sĩ già bẩn thỉu…. Trông thấy vẻ mặt biến sắc, không mấy thiện cảm của vị phu nhân nọ, Lã Động Tân chỉ nói một câu: “Thật đáng tiếc!” Đoạn phủi áo rời đi. Từ trên trời bay xuống một tờ giấy, trên đó ghi một bài kệ rằng:
“Xuất sơn phát nguyện độ tam thiên
Tầm biến Diêm Phù vị kết duyên
Đặc địa lai thời chân hữu ý
Hà liên Ân thị cốt nan tiên…”
Diễn nghĩa:
“Xuống núi phát nguyện cứu độ ba nghìn chúng sinh
Lần này tìm đến Diêm phù thiện duyên vẫn chưa tới
Vùng đất đặc biệt thời đã tới thật đáng quý
Đáng tiếc cốt cách của Ân thị khó mà thành Tiên được”
Cuối bài kệ có dòng chữ: ‘Khẩu khẩu Tiên tác’. Ân thị sau khi khi xem xong biết rằng mình vừa gặp Tiên nhân – chính là Lã tổ hoá thân. Thị bèn vội vã chạy đuổi theo ra phía cổng, nhưng lão Đạo tiên đã bay đi như một làn gió nhẹ, chỉ thấp thoáng như ẩn như hiện xa dần rồi khất. Ân Thị cảm thấy hối hận vô cùng nhưng, thực đã muộn, hối cũng vô ích!
Mới hay câu nói: ‘Vô duyên đối diện bất tương phùng!’ thì ra là như vậy!
Phàm nhân khó nhìn ra chân tướng
Thời bấy giờ, ở Phủ Khai Phong – Đông Kinh có vị quan tên là Vương Duy Thiện, rất tín phụng Đạo giáo. Ngày lễ Sinh thần của Thuần Dương chân nhân, nhà họ Vương đã mời hai nghìn Đạo sĩ đến quý phủ, thết đãi đồ chay.
Nhận được thiệp mời, Lã Động Tân mừng thầm, trong thiên hạ có tâm cầu Đạo. Ông bèn hóa thân thành một vị tiên sinh ghẻ lở, hôi hám, bẩn thỉu đến Vương phủ dự tiệc.
Vương Duy Thiện là một võ tướng trong triều, dung mạo phi phàm, chỗ giữa hai lông mày cũng toát lên một luồng khí xanh. Tuy là một người có tâm cầu Đạo, nhưng cơ duyên còn chưa tới. Lã Động Tân muốn dùng thần thông để điểm hoá cho vị này!
Sau khi dùng bữa tiệc chay thanh đạm, Lã Động Tân nói với Vương Duy Thiện rằng:
– Bần đạo giỏi vẽ tranh thủy mặc, xin Vương tướng quân hãy ban một xấp vải lụa. Bần đạo vẽ tặng một bức tranh sơn thủy, để bày tỏ lòng cảm ơn!
Vương Duy Thiện nghe thấy vậy, thì rất lấy làm mừng, sai gia nhân ban cho lụa và mực nho.
Mọi người ai nấy đều chăm chú nhìn xem vị đạo sĩ vẽ tranh gì mà cần nhiều vải lụa đến thế? Nhưng chỉ thấy thấy Lã Động Tân vẩy mực lên vải lụa mà không ra hình thù gì đẹp mắt, làm bẩn hết cả một xấp vải lụa. Lúc này Vương gia không thể nhịn nổi cơn nóng giận, quát mắng:
– Nhà ngươi thật vô lễ, dám bỡn cợt hạ quan! Ngươi dám làm hư hại thanh danh của ta!
Lã Động Tân không nói một câu, chỉ phủi tay một cái hoá thành một cơn gió bay đi, trước sự ngỡ ngàng của hàng chục con mắt. Bỗng từ trên Trời rơi xuống một tờ giấy, có ghi một bài kệ rằng:
“Trai đạo dục cầu Tiên cốt
Cập chí ngã lai bất thức.
Yếu tri bần đạo tính danh
Đãn khán quyên họa đoan đích”.
Diễn nghĩa:
“Ăn chay tu đạo ham muốn làm Thần Tiên
Nay ta đến thậm chí còn không nhận ra
Muốn biết danh tính bần đạo
Hãy xem bức tranh lụa!”
Mọi người nghe xong, quay lại nhìn tấm vải lụa, quả nhiên thấy hiện lên một bức tranh phác hoạ hình Tiên nhân, chính là Lã tổ.
Vương Duy Thiên lấy làm hối hận lắm, nhưng đã quá muộn! Về sau, ông quyết định từ quan, lên núi Võ Đang xuất gia. Nhiều năm sau, khi ông đang hái thuốc trong núi, may mắn gặp được Thuần Dương chân nhân. Cuối cùng cũng đắc độ thành Tiên.
Triển hiện Thần tích: Giếng nước biến thành rượu
Mặc dù không ít lần thất bại, song Lã Động Tân vẫn một lòng quyết tâm cứu thế, độ nhân. Một ngày kia, Lã Động Tân hoá thân thành lão bán dầu. Ông vừa đi vừa rao bán dầu, với kỳ vọng sẽ gặp được một người hữu duyên để độ. Nhưng lần này ông nghĩ, sẽ hạ thấp tiêu chuẩn đến mức độ thấp nhất. Thậm chí nếu người này mua dầu mà không xin thêm thì liền hoá độ.
Lã Động Tân đi bán dầu ròng rã suốt mấy năm liền, nhưng không gặp lấy một người mua dầu mà không gạn lời xin thêm đôi chút. Cuối cùng cũng gặp được một người mua dầu mà không xin thêm. Lã Động Tân lấy làm lạ, bèn hỏi:
– Này lão phu nhân! Thường khi ta đi bán dầu, phàm là người mua đều xin thêm chút ít, về nhà có thể thắp sáng thêm được vài đêm. Vì sao bà lại không muốn?
Nghe người bán dầu hỏi, lão phu nhân trả lời:
– Ông bán dầu cũng chẳng dễ dàng gì, lời lãi cũng chẳng đáng là bao. Hà cớ chi tôi lại xin thêm của ông?
Lã Động Tân nghe xong rất lấy làm vừa ý! Hôm sau, bà lão lại mang đến cho lão bán dầu một bình rượu ngon, nói là để tạ ơn! Lã Động Tân có lòng muốn độ hóa độ cho bà lão nghèo lương thiện. Bèn bỏ vào trong giếng nhà bà mấy hạt gạo Tiên. Giếng nước trong lành bỗng hoá thành ‘Tiên tửu’. Lã Động Tân dặn bà lão rằng:
– Bà hãy đong nước trong giếng này đi bán, có thể phát tài! Nói đoạn, ông quẩy gánh dầu rời đi…..
Lão phu nhân làm theo lời của ông lão bán dầu, hàng ngày múc nước ‘Tiên tửu’ trong giếng đem bán. Thoáng một năm sau, gia đình nhà lão phu nhân nọ đã có của ăn của để.
Lại nói Lã Động Tân, đi bán dầu cũng ròng rã suốt nhiều năm cũng không gặp được thêm người nào hữu duyên. Một ngày nọ ông quay trở lại thăm bà lão đã biếu bình rượu ngon khi xưa. Vừa hay, khi Lã Động Tân đến thì lão phu nhân đi vắng, chỉ có con trai ở nhà. Lã Động Tân hỏi chàng trai trẻ tuấn tú, ăn vận lịch thiệp:
– Mấy năm nay, làm ăn có được không? Rượu trong giếng bán có tốt không?
Chàng trai trẻ nhanh nhảu đáp:
– Rất tốt, rất tốt! Đấy ông xem, nhà tôi giờ đã có của ăn của để, là nhờ có giếng nước này. Nhưng đáng tiếc là không có bỗng rượu cho lợn ăn!
Lã Động Tân nghe xong, hối tiếc vô cùng…. Lã Động Tân lập tức thu hồi lại những hạt gạo trong giếng, giếng ‘Tiên tửu’ lại trở lại là giếng nước bình thường khi xưa. Ông lập tức rời đi mà không nói thêm một lời nào.
Khi bà lão trở về nhà, hay chuyện thì vô cùng tiếc nuối, vội vàng chạy khắp chung quanh để tìm lão Thần tiên bán dầu nọ. Nhưng đến cái bóng cũng không còn thấy đâu nữa….
Than ôi! Cái thói đời lòng tham vô đáy, đã có giếng rượu tiên để bán, ăn tiêu cả đời cũng không hết phúc. Ấy thế mà còn muốn có thêm ‘bỗng rượu’ để nuôi heo!
Lại nói chuyện Lã Động Tân đi vân du tìm người để độ. Trên đường đi từ Nhạc Dương đến Động Đình cùng với sư phụ của ông là Hán Chung Li, cuối cùng đã gặp được Hàn Dương Tự để hoá độ. Lã Động Tân đã làm hai câu thơ, lưu truyền hậu thế.
Thơ rằng:
“Tâm chí Nhạc Dương nhân bất thức
Ngâm thơ phi qua Động Đình hồ”.
Tạm dịch nghĩa:
Ba lần đến Nhạc Dương, người phàm tục không nhận ra ta là Thần Tiên,
Đành ngâm hai câu thơ bay qua hồ Động Đình.
Qua câu chuyện Lã Động Tân vân du khắp nơi tìm người hữu duyên độ Tiên, khi xuất sơn đã thệ nguyện trong ba năm – độ ba nghìn chúng sinh, nhưng cuối cùng đi suốt mười năm cũng không gặp được ai để hoá độ… mới hay, để cứu độ một người không phải là chuyện dễ dàng gì. Một người phàm tục muốn trở thành Thần, Tiên cũng không phải chuyện dễ dàng gì. Là vì, một khi tâm phàm quá nặng; danh, lợi, tình còn đeo bám thì không thể thoát tục.
Hơn nữa, Thần độ nhân lại không xét vẻ hào nhoáng bề ngoài, hay danh tiếng của một người để độ, mà là xét xem người ấy có tâm thiện hay không. Người thiện lương tích được âm đức, cố nhiên khi đắc phúc báo, khỏe mạnh, bình an, phát tài, quan to lộc hậu, dễ sinh lòng tham dục; đã có… lại muốn có thêm nhiều hơn nữa, thì ắt gặp tai ương.
Theo Secret China