Để được tham gia nghiên cứu, sau đó tự sản xuất kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc đã chi 82 tỷ đồng hối lộ 6 quan chức.
Ngày 17/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố 38 bị can, trong đó 6 người bị cáo buộc Nhận hối lộ là: ông Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Y tế; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của ông Long; Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cả 6 người đều bị đổi sang tội danh có khung hình phạt nặng hơn so với tội bị khởi tố ban đầu. Theo đó, các ông Long, Huỳnh, Liên, Tuấn, Tuyến từ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ sang Nhận hối lộ.
Trong đó, ông Hùng từ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ sang Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát và cuối cùng là Nhận hối lộ.
Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á và cấp phó Vũ Đình Hiệp đối mặt cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ.
Ông Chu Ngọc Anh, cựu bộ trưởng Khoa học và Công nghệ và ông Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
25 người còn lại về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Riêng cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng, C03 đề nghị VKSND Tối cao xem xét phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh khởi tố từ tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sang Nhận hối lộ, để từ đó truy tố theo quy định.
Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thành lập năm 2007, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do Phan Quốc Việt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Theo kết luận điều tra, từ đầu 2020, khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, nhà chức trách có chủ trương giao các đơn vị khoa học nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch. Nắm bắt được tinh thần này, Việt đã thông đồng với bị can Hùng để Việt Á được tham gia cùng Học viện Quân y thực hiện đề tài với mục đích “tham gia nghiên cứu để sau đó chiếm đoạt, biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của công ty”.
Cơ quan điều tra cáo buộc, để được tham gia nghiên cứu đề tài, kinh doanh kit xét nghiệm, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, bị can Việt đã đưa hối lộ 106 tỷ đồng, trong đó có 3 triệu USD và 4 tỷ đồng (tổng 82 tỷ đồng) cho 6 quan chức.
Cụ thể, ông Long nhận 2,25 triệu USD (51 tỷ đồng), ông Hùng nhận 350.000 USD (8 tỷ), ông Tuấn nhận 300.000 USD (6,9 tỷ), ông Nguyễn Huỳnh nhận 54 tỷ đồng (trong đó đưa cho ông Long 50 tỷ, hưởng lợi 4 tỷ), ông Nam Liên nhận 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng). Trong giai đoạn bán kit xét nghiệm, Việt đưa hối lộ cho Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến 27 tỷ đồng.
Ngoài ra, Việt còn “cảm ơn” ông Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD (4,5 tỷ đồng), ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD (4,6 tỷ), Phạm Công Tạc 50.000 USD (1,1 tỷ). Số tiền này bị cáo buộc là tiền hưởng lợi do lợi dụng chức vụ, quyền hạn và “không có sự bàn bạc, gây khó khăn” để Việt phải đưa tiền nên không cấu thành đưa nhận hối lộ, C03 xác định.
Cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long và thư ký Nguyễn Huỳnh bị cáo cuộc đã “can thiệp, chỉ đạo” giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, hiệp thương giá. Hai bị can này sau đó còn gợi ý, đề nghị Việt đưa tiền.
C03 cáo buộc vào gần Tết Nguyên đán 2021, ông Long chỉ đạo Huỳnh bảo Việt đưa một triệu USD để xử lý công việc. Lần thứ hai, Việt đưa một triệu USD cũng do ông Long đề nghị “chi phí xử lý công việc”. Còn thư ký Huỳnh, trong một lần nói mua ôtô phải vay ngân hàng nên đã được Việt chỉ đạo cấp dưới chuyển 2 tỷ đồng.
Bộ Y tế chấp nhận giá “trên trời” của kit xét nghiệm Việt Á
Sau khi tham gia nghiên cứu và được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm của Học viện Quân y, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển để hoàn thiện, thử nghiệm. Khi còn chưa hoàn thiện, Tổng giám đốc Việt Á đã lập hồ sơ xin cấp số lưu hành, xin đánh giá kit xét nghiệm.
C03 cáo buộc ngày 4/3/2020, Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành chính thức và tháng 12/2020 bắt đầu sản xuất thương mại. Ban đầu khi bắt tay vào sản xuất thương mại để bán 200.000 kit cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống giá cơ bản nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test.
Lúc kiểm tra giá hiệp thương, Bộ Y tế xác định Việt Á đã thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng không đề nghị kiểm tra. Việc này giúp cho Việt Á được sử dụng giá 470.000 đồng để tạo thành mặt bằng chung bán cho các địa phương, thu lời bất chính, theo kết luận điều tra.
Ông Long với cương vị người đứng đầu Bộ Y tế bị cáo buộc không chỉ đạo kịp thời; cũng không ra kết luận kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Y tế sau đó công bố giá không có căn cứ lên cổng thông tin điện tử Bộ, tạo mặt bằng giá. Điều này bị cơ quan điều tra cho rằng dẫn tới việc Việt Á bán cho các đơn vị, địa phương theo giá kit xét nghiệm đã nâng khống.
Khi Việt Á sản xuất kit xét nghiệm, ông Long còn “giới thiệu Phan Quốc Việt với lãnh đạo một số địa phương, tạo điều kiện cho Việt Á tiêu thụ sản phẩm”.
Để đạt lợi nhuận trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, Việt gặp trực tiếp 7 nhân viên phụ trách vùng của Việt Á để thống nhất về việc đưa kit xét nghiệm cho các đơn vị sử dụng trước, hợp thức hồ sơ đấu thầu sau.
Việt Á hưởng lợi hơn 1.200 tỷ đồng khi tiêu thụ 8,3 triệu kit xét nghiệm
Cảnh sát xác định giá sản xuất tối đa một kit xét nghiệm Việt Á là hơn 143.000 đồng (trong đó giá nguyên liệu hơn 41.000 đồng, phí nhân công trực 32.000, phí sản xuất 27.700, bán hàng 16.000….). Giá này đã bao gồm chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận 5% theo quy định.
Quá trình điều tra, các bị can thuộc nhóm nghiên cứu của Công ty Việt Á đã chuẩn bị 11 loại hóa chất, 16 máy móc để thực nghiệm sản xuất một lô 2.500 kit xét nghiệm. Kết quả, trong 2 giờ 5 phút, nhóm này đã sản xuất ra gần 2.500 kit xét nghiệm.
Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và đã tiêu thụ 8,3 triệu kit theo đơn giá 470.000 đồng. Trong đó, Việt Á đã được thanh toán gần 6 triệu kit, tổng giá trị hơn 2.250 tỷ đồng.
Về thiệt hại của vụ án, C03 xác định lợi nhuận định mức mà Việt Á được hưởng khi chuyển giao quyền sản xuất, kinh doanh chỉ là 5%. Tuy nhiên, chi phí sản xuất mỗi kit xét nghiệm chỉ hơn 143.000 đồng nhưng lại bán 470.000. Bởi thế, số tiền hưởng lợi bất chính của Việt Á là 1.235 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất.
Kết luận điều tra cho rằng bị can Việt cùng đồng phạm còn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm đấu thầu với 1,2 triệu kit test gây thiệt hại cho tài sản nhà nước 400 tỷ đồng.
Theo VNE.
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*