Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2024, cả nước nhập khẩu 541.020 tấn giấy các loại, tương đương trên 483,39 triệu USD, giá trung bình 893,5 USD/tấn, tăng 8,9% về lượng, tăng 4,8% về kim ngạch nhưng giảm 3,8% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023.
Riêng tháng 3/2024 nhập khẩu giấy tăng 52,8% về lượng, tăng 48,9% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 200.648 tấn, tương đương 177,61 triệu USD; so với cùng tháng năm 2023 thì giảm 0,7% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch.
Sở hữu bạt ngàn rừng, Việt Nam vẫn phải mua lượng lớn mặt hàng này từ Nga: nhập khẩu tăng 1.000%, có mặt trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất- Ảnh 2.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là các thị trường lớn cung cấp giấy các loại cho Việt Nam trong quý 1/2024.
Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 179.913 tấn, tương đương 170,84 triệu USD, giá 949,6 USD/tấn, tăng 19% về lượng, tăng 15% về kim ngạch nhưng giảm 3,3% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023, chiếm 33,3% trong tổng lượng giấy các loại nhập khẩu của cả nước và chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai với 68.475 tấn, tương đương 57,23 triệu USD, giá nhập khẩu 835,8 USD/tấn, tăng 35,9% về lượng, tăng 23,3% về kim ngạch nhưng giảm 9,3% về giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 12,7% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu giấy các loại của cả nước.
Đứng thứ ba là thị trường Hàn Quốc, đạt 64.203 tấn, trị giá 57,12 triệu USD, giá 889,6 USD/tấn, giảm 17,6% về lượng, giảm 8,6% về kim ngạch nhưng tăng 11% về giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm gần 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Trong tất cả các thị trường, Việt Nam nhập khẩu từ Nga có mức tăng trưởng mạnh nhất trong quý 1/2024. Cụ thể, nhập khẩu từ Nga tăng mạnh 1.008% về lượng, tăng 897% về kim ngạch, đạt 1.729 tấn, tương đương 1,06 triệu USD. Dù vậy, Nga chỉ chiếm 0,2-0,3% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Trên thực tế, ngành giấy có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động và các hoạt động liên quan đến một số ngành sản xuất quan trọng như: Sản xuất bao giấy, xuất bản in ấn, gia công vở sổ, khăn giấy và giấy vệ sinh, hoạt động lâm nghiệp…; hoạt động thu gom tái chế cũng tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động khác.
Hiện nay, cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành giấy và số lượng doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) chỉ có 130 đơn vị nhưng lại chiếm đến 90% công suất toàn ngành.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành giấy. Cụ thể là mức tiêu thụ giấy bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 44 kg/người, nhu cầu sử dụng giấy bao bì cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng lớn (nhu cầu giấy tăng 8-10%/năm, trong đó nhu cầu giấy bao bì tăng khoảng 15%/năm).
Đáng chú ý, dăm gỗ là một trong những nguyên liệu để sản xuất giấy và bột giấy. Có một nghịch lý là mặc dù Việt Nam là nước sở hữu nhiều tài nguyên rừng và xuất khẩu dăm gỗ lớn nhưng lại phải nhập khẩu phần lớn giấy và bột giấy từ các nước. Nguyên nhân được cho là việc sản xuất giấy sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Hoàng Nam (Cafebiz).
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*
Xem thêm: