Hôm 19/4 – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã phát hiện vi rút cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ vi rút này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Trong một phát biểu trước báo giới, bà Trương Văn Thanh (Zhang Wenqing) – người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của WHO – nhắc lại trường hợp một người ở bang Texas (Mỹ) đã mắc cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với đàn bò sữa.
Đây là ca cúm A/H5N1 thứ hai được phát hiện trên người tại Mỹ và là ca đầu tiên mắc bệnh do tiếp xúc với động vật có vú nhiễm vi rút.
Theo bà Trương, mối quan ngại hiện hữu là vi rút dường như đang đi tìm những vật chủ mới và tình trạng vi rút lan sang nhóm động vật có vú đồng nghĩa rằng chúng đang tiến gần hơn đến con người.
“Trường hợp bệnh nhân ở Texas là trường hợp đầu tiên con người bị lây cúm gia cầm từ một con bò. Việc lây truyền từ gia cầm sang bò, từ bò sang bò và từ bò sang gia cầm cũng đã được ghi nhận trong những đợt bùng phát hiện nay, điều này cho thấy vi rút có thể đã tìm thấy những con đường lây truyền khác với chúng ta biết trước đây.
Hiện tại chúng tôi ghi nhận nhiều đàn bò bị ảnh hưởng ở ngày càng nhiều bang của Mỹ, cho thấy một bước tiến xa hơn về sự lây lan của vi rút sang động vật có vú. Vi rút này cũng đã được phát hiện trong sữa của động vật bị mắc bệnh”, bà nói.
Theo bà Trương Văn Thanh, các chuyên gia đã phát hiện “nồng độ vi rút rất cao trong sữa nguyên liệu” và đang điều tra chính xác thời gian vi rút có thể tồn tại trong sữa.
Mặc dù vậy, cơ quan y tế bang Texas khẳng định tình hình cúm A/H5N1 ở gia súc hiện không gây rủi ro cho nguồn cung cấp sữa thương mại, do các nhà sản xuất sữa được yêu cầu tiêu hủy sữa từ những con bò bị bệnh. Ngoài ra, quá trình thanh trùng cũng giúp tiêu diệt vi rút.
Bà Trương khuyến cáo: “Điều quan trọng là mọi người phải đảm bảo thực hành an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc chỉ tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa đã tiệt trùng”
Việt Nam ghi nhận ca mắc cúm gia cầm A(H9) trên người đầu tiên
Trước đó, vào ngày 6/4, Cục Y tế dự phòng nước ta có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Viện Pasteur TP.HCM đề nghị các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người sau khi ghi nhận ca mắc cúm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam.
Theo Cục Y tế dự phòng – từ ngày 10/3, bệnh nhân nam (37 tuổi, trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Bệnh nhân sinh sống ở khu vực chợ buôn bán gia cầm.
Đây là trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay. Trước đó, vào tháng 3/2024, tại Khánh Hòa đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc cúm A(H5N1) trên người.
Theo cục Y tế, trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên động vật diễn biến phức tạp, không chỉ ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm trên gia cầm ở tất cả các khu vực mà còn ghi nhận sự lây truyền cho các loài động vật có vú ngày càng gia tăng.
Hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi rút cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú, Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm sang người.
Hoàng Dung (t/h)
Theo tuoitre
Xem Thêm:
Apple tuân lệnh Bắc Kinh xóa WhatsApp và Threads khỏi kho ứng dụng Trung Quốc
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*