Đúng vào lúc ảnh hưởng tiêu cực mà chiến tranh Nga-Ukraine và đại dịch Covid-19 gây ra đối với kinh tế châu Âu bắt đầu dịu bớt, khu vực này lại phải đương đầu với một rủi ro mới: xung đột bùng nổ giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine…
Nền kinh tế thế giới đã bước vào một thời kỳ đầy bất ổn vì căng thẳng địa chính trị là một rủi ro kinh tế thực sự. Bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào đều có thể tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng và thịnh vượng toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với báo giới bên lề chuỗi sự kiện thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Marrakech, Maroc mới đây.
Giá năng lượng tác động đến Châu Âu như thế nào?
Cho tới hiện tại, ảnh hưởng của xung đột Israel-Hamas lên kinh tế thế giới nói chung và kinh tế châu Âu nói riêng mới chỉ ở mức độ hạn chế, nhưng giới chuyên gia lo ngại về khả năng kéo dài và lan rộng của cuộc chiến ra khu vực Trung Đông. Trong tình huống như vậy, những thành quả khó khăn mới đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát và phục hồi tăng trưởng của thế giới có thể bị đảo ngược.
Sau cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu hồi phục, nhưng tốc độ hồi phục chậm chạp. Trong dự báo mới nhất được IMF đưa ra, kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm nay và 2,9% trong năm tới, so với mức tăng 3,5% đạt được trong năm 2022. Trong bối cảnh ảm đạm nói chung của kinh tế thế giới, triển vọng của kinh tế châu Âu thậm chí còn yếu kém hơn. Theo dự báo cập nhật của IMF, nền kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm nay và 1,2% trong năm tới, giảm tương ứng 0,2 và 0,3 điểm phần trăm so với lần dự báo trước của định chế này.
Lạm phát trên toàn cầu đã dịu đi sau khi lập đỉnh vào năm 2022. Ở Mỹ, lạm phát đã xuống dưới mức 4% từ mức hơn 9% vào mùa hè năm ngoái. Lạm phát ở khu vực Eurozone giảm còn 4,3% trong tháng 9, từ mức 10,6% vào tháng 10/2022. Dù vậy, IMF dự báo lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế sẽ không giảm về mức 2% – mức mục tiêu của nhiều ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước năm 2025.
Đối với châu Âu, rủi ro lớn nhất từ cuộc chiến ở dải Gaza nằm ở giá năng lượng. Nền kinh tế khu vực này đặc biệt nhạy cảm với diễn biến giá năng lượng, gồm cả dầu thô và khí đốt, vì đang trong quá trình “cai” năng lượng Nga – nguồn cung cấp mà châu Âu đã phụ thuộc trong suốt nhiều thập kỷ qua. Ngoài ra, châu Âu còn chưa “hoàn hồn” sau cú sốc năng lượng vào năm ngoái khi bị Nga cắt giảm gần hết lượng khí đốt cung cấp qua hệ thống đường ống dẫn khí khổng lồ.
Mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông trong trường hợp Iran, một quốc gia thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dính líu vào cuộc chiến Israel-Hamas, đã đẩy giá dầu thô tăng mạnh gần đây. Trong vòng chỉ 1 tuần sau khi xung đột bùng nổ, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đã tăng 7,5%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2023.
Giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu cũng tăng khoảng 1/3 trong vòng 1 tháng trở lại đây, vượt ngưỡng 47 Euro/megawatt giờ. Cách đây hơn 1 tuần, giá khí đốt trên sàn TTF có lúc lên gần 52 Euro/megawatt giờ, mức cao nhất trong 7 tháng.
Nhà kinh tế trưởng Pierre-Oliver Gourinchas của IMF ước tính rằng cứ 10% tăng thêm trong giá dầu sẽ khiến tốc độ lạm phát toàn cầu tăng thêm 0,4 điểm phần trăm. Theo chuyên gia Henning Gloystein của công ty nghiên cứu Eurasia Group, nếu Iran dính líu vào xung đột ở dải Gaza và eo biển Hormuz, một đoạn huyết mạch của vận tải dầu lửa toàn cầu, giá dầu có thể bùng nổ lên mức 100 USD/thùng.
Ông Gloystein cũng cho rằng xung đột leo thang có thể ảnh hưởng tới các nước sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn trong khu vực như Qatar, đẩy giá khí đốt lên cao hơn. Trong khi đó, trong quá trình tiến tới mục tiêu không còn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga, châu Âu đang gia tăng sự phụ thuộc vào LNG nhập khẩu, và vùng Vịnh là một nguồn cung quan trọng.
Chưa kể, đồng Euro đang trong xu hướng mất giá so với USD, khi đồng bạc xanh tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới do triển vọng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Đồng Euro mất giá sẽ làm gia tăng gánh nặng chi phí nhập khẩu năng lượng đối với châu Âu, vì dầu thô và LNG được định giá bằng USD trong giao dịch quốc tế.
Nền kinh tế Mỹ khác ra sao với Châu Âu?
Giá năng lượng tăng cao có thể đảo ngược thành quả chống lạm phát hai bên bờ Đại Tây Dương, buộc cả Fed và ECB phải tiếp tục tăng lãi suất hoặc giữ lãi suất cao lâu hơn để chống lạm phát, đặt ra sức ép lớn đối với tăng trưởng kinh tế. So với Fed, dư địa để tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chiếm lạm phát không còn nhiều đối với ECB, xét tới sự èo uột của nền kinh tế khu vực ở thời điểm này và lãi suất cơ bản của đồng Euro đã tăng lên mức kỷ lục 4% sau 10 lần tăng liên tiếp.
So với Mỹ, triển vọng kinh tế của Eurozone xấu hơn nhiều, cả về tăng trưởng và lạm phát. Như đã đề cập ở trên, trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng Eurozone, trong khi tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ. Một lý do phía sau việc IMF bi quan về kinh tế Eurozone là tình trạng suy yếu của hoạt động sản xuất công nghiệp ở Đức.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ năm nay được IMF cho là sẽ vượt mức dự báo đưa ra trước đại dịch, nhưng GDP của Eurozone năm nay được cho là vẫn thấp hơn so với 2,2% so với mức dự báo đưa ra trước đại dịch. IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm nay và 1,5% trong năm tới, so với mức dự báo tăng tương ứng 0,7% và 1,2% dành cho Eurozone.
Về dài hạn, IMF cũng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với Eurozone. Điều này làm gia tăng mối lo ngại về sự yếu kém trong năng suất lao động của châu Âu, bao gồm việc các công ty ở khu vực này chậm chạp hơn trong ứng dụng công nghệ số. Tháng 7/2023, IMF đã cảnh báo Eurozone về việc chậm giải quyết “xu hướng giảm dài hạn” trong năng suất lao động trong tương quan so sánh với Mỹ.
Trong một cuộc trao đổi mới đây với tờ báo Financial Times, nhà kinh tế Gounrinchas của IMF nói rằng sự suy yếu gần đây của kinh tế châu Âu không phải là khó giải thích. Theo vị chuyên gia này, cú sốc năng lượng năm ngoái ảnh hưởng đặc biệt nặng nề tới châu Âu, vì châu Âu phải nhập khẩu ròng năng lượng, trong khi Mỹ là nước xuất khẩu ròng năng lượng.
Ngoài ra, các hộ gia đình Mỹ cũng sẵn sàng rút tiền tiết kiệm để chi tiêu hơn, tiêu dùng mạnh là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Mỹ sau đại dịch, trong khi người châu Âu dè dặt hơn trong chi tiêu.
Nhân tố nữa nằm ở chính sách tài khóa, trong đó Chính phủ Mỹ sẵn sàng gia tăng thâm hụt ngân sách để kích cầu kinh tế, trong khi các nước châu Âu ưu tiên bền vững ngân sách dài hạn. IMF dự báo thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ là 8% GDP trong năm nay và 7,4% GDP trong năm tới, so với tỷ lệ tương ứng của Eurozone là 3,4% và 2,7%…
Theo VnEconomy
Xem thêm:
Chứng khoán Mỹ, giá vàng và giá dầu đồng loạt tăng vì bất ổn Trung Đông
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*