spot_img
17 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Nguy cơ xung đột Trung Đông lan rộng khiến kinh tế toàn cầu thêm mong manh

Những lo ngại về chiến dịch mở rộng của Israel ở Dải Gaza có thể leo thang thành một cuộc xung đột khu vực đang làm lu mờ triển vọng kinh tế toàn cầu.

Các quốc gia dù giàu hay nghèo chỉ mới bắt đầu thở phào sau ba năm liền hứng chịu cú sốc kinh tế của đại dịch COVID-19 và tình hình chiến sự ở Ukraine. Làn sóng lạm phát đã giảm, giá dầu ổn định và tránh được các cuộc suy thoái như dự đoán.

Thế nhưng, giờ đây, một số tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu và các nhà đầu tư tư nhân lại cảnh báo rằng sự phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu có thể trở nên xấu đi.

Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến hai cú sốc năng lượng cùng một lúc, ám chỉ đến tác động từ hai cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông lên giá dầu và khí đốt.

gia dau tang 100 usd
Hai cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông tác động không nhỏ lên giá dầu và khí đốt (Ảnh minh họa)

Tình trạng tăng giá đó không chỉ làm giảm sức mua sắm của các gia đình và doanh nghiệp, mà còn đẩy chi phí sản xuất lương thực lên cao, cũng như làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Ai Cập, Pakistan và Sri Lanka.

Hiện tại, các quốc gia này đang phải vật lộn với mức nợ cao bất thường, đầu tư tư nhân yếu kém và phục hồi thương mại chậm nhất trong 5 thập kỷ. Do đó, họ càng gặp khó khăn hơn trong nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng.

Lãi suất cao hơn đã khiến chính phủ và các công ty tư nhân gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận tín dụng và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.

Ông Gill nói: “Tất cả những điều này đang xảy ra cùng một lúc. Chúng ta đang ở một trong những thời điểm mong manh nhất của nền kinh tế thế giới”.

2 6
Trong năm này, tất cả những gì khó lường đang xảy ra cùng một lúc. Thế giới đang ở một trong những thời điểm mong manh nhất của nền kinh tế toàn cầu.

Nhận xét của chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới cũng đồng quan điểm với nhiều nhà phân tích khác.

Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, nhận định đây có thể là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ. Ông mô tả cuộc xung đột ở Gaza là điều quan trọng nhất đối với thế giới phương Tây.

Những rắc rối kinh tế gần đây đã được thúc đẩy bởi các xung đột địa chính trị ngày càng sâu sắc, trải rộng khắp các châu lục.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về chuyển giao công nghệ và an ninh chỉ làm phức tạp thêm những nỗ lực hợp tác để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, giảm nợ hoặc xung đột bạo lực trong khu vực.

Những bất ổn về chính trị bao trùm cũng đồng nghĩa với việc các công cụ tài chính và tiền tệ truyền thống như điều chỉnh lãi suất hoặc chi tiêu chính phủ có thể kém hiệu quả hơn.

Cuộc giao tranh tàn khốc giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn thường dân và gây đau khổ tột cùng cho cả hai bên.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng nếu xung đột được kiềm chế thì những tác động lan tỏa đến nền kinh tế thế giới sẽ vẫn ở mức hạn chế.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell ngày 1/11 cho hay tại thời điểm này vẫn chưa rõ ràng rằng cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ tác động kinh tế thế nào đối với Mỹ.

Các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông không còn thống trị thị trường như những năm 1970. Hiện tại, Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới và các nguồn năng lượng thay thế và tái tạo chiếm nhiều hơn một chút trong cơ cấu năng lượng của thế giới.

Ông Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, chia sẻ: “Đó là một tình huống rất bất ổn, không chắc chắn và đáng sợ”.

Nhưng hầu hết các bên như Mỹ, châu Âu, Iran cùng các quốc gia vùng vịnh khác đều thừa nhận rằng cuộc xung đột này sẽ không có lợi cho ai nếu lan rộng ra ngoài Israel và Gaza.

Ông Bordoff nói thêm rằng những bước đi sai lầm và thiếu kênh liên lạc có thể đẩy các nước vào vòng leo thang ngay cả khi họ không muốn như vậy.

Và tình trạng nguồn cung dầu toàn cầu sụt giảm đáng kể và kéo dài, bất kể lý do là gì, có thể đồng thời làm chậm tăng trưởng và gây ra lạm phát.

Ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, cho rằng kịch bản xấu nhất khi chiến tranh lan rộng có thể khiến giá dầu tăng vọt lên 150 USD/thùng, từ mức khoảng 85 USD hiện nay.

Nhà kinh tế này cảnh báo hậu quả kinh tế toàn cầu của kịch bản này là rất nghiêm trọng. Ông cho rằng kể cả mức độ suy thoái là nhẹ, giá cổ phiếu sẽ sụt giảm và nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 2.000 tỷ USD.

Tình hình này đang tác động đến tâm lý thị trường hiện nay, đè nặng lên các quyết định đầu tư và có thể ngăn cản các doanh nghiệp mở rộng sang những thị trường mới nổi.

Chi phí đi vay đã tăng vọt và dự báo các công ty ở một số quốc gia, từ Brazil đến Trung Quốc, sẽ gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho khoản nợ.

Đồng thời, theo công ty tư vấn Oxford Economics, các thị trường mới nổi như Ai Cập, Nigeria và Hungary đã phải trải qua một số vết thương tồi tệ nhất do đại dịch, dẫn đến mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến.

Xung đột ở Trung Đông cũng như nỗi căng thẳng kinh tế cũng có thể làm tăng mạnh dòng người di cư tìm đến châu Âu.

Liên minh châu Âu, vốn ở sát bờ vực suy thoái, đang trong quá trình đàm phán với Ai Cập về việc tăng viện trợ tài chính và kiểm soát tình trạng di cư.

Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu một nửa dầu từ Vịnh Ba Tư, đang phải vật lộn với sự sụp đổ của thị trường bất động sản và mức tăng trưởng yếu nhất trong gần ba thập kỷ.

Ngược lại, Mỹ lại khiến các nhà dự báo bối rối về tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Từ tháng 7 đến tháng 9, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm xấp xỉ 5%, nhờ lạm phát chậm lại và xu hướng tuyển dụng mạnh mẽ.

Ấn Độ, được hỗ trợ bởi người tiêu dùng, đang trên đà đạt được thành tích tốt tiếp theo, với mức tăng trưởng ước tính là 6,3%.

Khu vực có triển vọng u ám nhất là châu Phi cận Sahara, nơi ngay cả trước khi chiến tranh nổ ra ở Israel và Gaza, tăng trưởng năm 2023 ước tính giảm 3,3%.

Ông M. Ayhan Kose, người giám sát báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu hàng năm của Ngân hàng Thế giới, cho biết thu nhập trong khu vực này đã không tăng lên kể từ năm 2014, khi giá dầu sụt giảm.

Theo New York Times, TTXVN

Banner 1 5

Xem thêm:

Ngân hàng Thế giới cảnh báo giá dầu vượt 150 USD/thùng

Country Garden ‘vỡ nợ’ Trung Quốc chìm sâu hơn vào khủng hoảng

Làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ tăng tốc: tín hiệu xấu cho kinh tế toàn cầu

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều