Tất cả thành viên trong gia đình đều qua đời trong cuộc đàn áp vì đức tin đối với Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ)
Ông Tô An Châu (Su Anzhou) đã mất vợ và con trai trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc. Ngày 10/1/2024, khi đang bị quản thúc tại gia, ông Tô qua đời ở tuổi 71, nguyên nhân cũng vì bị ĐCSTQ bức hại.
Ông Tô nằm trong số 13 trường hợp tử vong mà Minh Huệ (minghui.org) – một trang web chuyên đưa tin về Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) – ghi lại trong báo cáo tháng mới nhất theo dõi cuộc đàn áp tàn bạo đối với nhóm tín ngưỡng này.
ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Hàng triệu học viên đã bị tống vào các trại lao động cưỡng bức, trung tâm tẩy não và nhà tù trên khắp đất nước, nơi họ bị tra tấn và ngược đãi nhằm ép phải từ bỏ đức tin của mình. Một số lượng lớn (nhưng chưa được thống kê đầy đủ) các học viên được cho là đã bị tra tấn đến chết hoặc thậm chí bị giết để lấy nội tạng.
Đối mặt với cuộc đàn áp tàn bạo, ông Tô, giống như nhiều học viên Pháp Luân Công khác, đã thử mọi biện pháp ôn hòa để nâng cao nhận thức trong công chúng và kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp.
Người vợ mất đi mạng sống
Vào ngày 29/12/2000, ông Tô, cùng với vợ, đã đi hơn 700 dặm (1.125 km) tới Bắc Kinh; mong muốn của họ là nói với chính quyền trung ương rằng Pháp Luân Công là tốt và họ được hưởng lợi như thế nào từ việc tuân theo những giá trị đạo đức của môn tu luyện này. Tuy nhiên, chế độ đã đáp lại hành động ôn hòa của họ bằng bạo lực.
Tại Quảng trường Thiên An Môn, vợ chồng ông Tô đã giăng biểu ngữ ghi dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” (Pháp Luân Đại Pháp là tốt). Họ ngay lập tức bị kéo đi và ném vào một đồn cảnh sát gần đó trước khi bị chuyển về quê nhà ở Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc phía tây Trung Quốc.
Ông Tô sau đó bị kết án 1 năm tại một trại lao động cưỡng bức ở Lan Châu. Trong thời gian bị giam giữ, ông Tô bị buộc phải làm việc từ 13 đến 16 tiếng một ngày và thường xuyên bị các tù nhân khác đánh đập theo lệnh của lính canh. Khi sức khỏe của ông ngày càng xấu đi, chính quyền đã thả ông ra để tránh phải chịu trách nhiệm về tình trạng của ông.
Vợ ông, bà Cảnh Thúy Phương (Ge Cuifang), bị giam tại một cơ sở giam giữ khác ở Lan Châu cho đến tháng 10/2001.
Bà Cảnh qua đời năm 2002 trong khi cố gắng trốn tránh bị bức hại.
Cụ thể là, vào sáng sớm ngày 13/6/2002, khi một nhóm cảnh sát liên tục đập cửa căn hộ của vợ chồng bà sau khi chồng bà bị bắt đi, bà Cảnh đã cố gắng trốn khỏi căn hộ bằng cách trèo qua cửa sổ và dùng dây để xuống đất. Nhưng sợi dây đã tuột ra và bà rơi xuống mặt đất.
Hàng xóm của bà nói với Minh Huệ rằng, vào thời điểm đó, bà Cảnh vẫn còn sống, nhưng cảnh sát đã ngăn hàng xóm gọi xe cấp cứu. Những người hàng xóm nói thêm rằng họ đã nhìn thấy cảnh sát lấy chìa khóa từ trong túi của bà và quay lại lục soát căn hộ của vợ chồng bà, khiến bà Cảnh phải nằm trên mặt đất hàng giờ đồng hồ trước khi bà qua đời vào khoảng 4 giờ chiều. Bà ấy chỉ mới 48 tuổi.
Tiếp tục kháng cự
Từng là nhân viên của phòng đường sắt Lan Châu, ông Tô bắt đầu tập các bài tập của Pháp Luân Công vào mùa xuân năm 1997. Ông cho biết ông đã khỏi bệnh tim và chứng đau đầu Migraine – thường xuất hiện dưới dạng cơn đau dữ dội ở một bên đầu – mà không cần dùng tới các biện pháp y tế.
Ngỡ ngàng trước tác dụng chữa bệnh của Pháp Luân Công, ông Tô đã giới thiệu môn tu luyện này cho vợ mình. Sau khi đọc “Chuyển Pháp Luân” – cuốn sách chính của Pháp Luân Công, bà Cảnh quyết định bước vào tu luyện, vì bà bị thu hút bởi các giá trị đạo đức của môn tập, đó là Chân, Thiện và Nhẫn.
Vào cuối thế kỷ trước, ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người Trung Quốc tập luyện Pháp Luân Công, một con số lớn hơn tổng số đảng viên ĐCSTQ vào thời điểm đó. Các học viên đến từ hầu hết mọi tầng lớp xã hội, từ các giáo sư đến những người dân làng mà hầu như không biết chữ.
Lo sợ trước sự phổ biến ngày càng tăng của môn tu luyện, vào năm 1999, Tổng bí thư ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân đã phát lệnh tiêu diệt Pháp Luân Công, huy động các cơ quan công an trên toàn quốc để theo dõi và bắt giữ những người tập luyện. Các cơ quan tuyên truyền của chế độ cũng phát động một chiến dịch vu khống môn tập trên quy mô toàn quốc nhằm giành được sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc đàn áp tàn bạo của Đảng.
Cuộc đàn áp đã leo thang vào năm 2001 khi ĐCSTQ dàn dựng một vụ việc ở Quảng trường Thiên An Môn. Tháng 1/2001, một số người đóng giả là học viên Pháp Luân Công, trong đó có một bà mẹ và một cô con gái 12 tuổi, đã tự thiêu. Cảnh tượng này được ghi lại từ nhiều góc quay khác nhau, và truyền thông nhà nước đã phát sóng đoạn video trên khắp cả nước trong nhiều tuần liên tục.
Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế – một tổ chức phi chính phủ – đã xác nhận vào ngày 14/8/2001 rằng vụ tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn là nỗ lực của ĐCSTQ nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công.
Để giúp người Trung Quốc tiếp cận sự thật, vào mùa hè năm 2002, ông Tô cùng với một nhóm nhỏ học viên Pháp Luân Công đã chiếm sóng truyền hình của hai tỉnh lớn, phát sóng những đoạn phim vạch trần những lời dối trá do nhà nước tạo ra.
Hàng chục triệu cư dân thuộc các tỉnh phía tây Cam Túc và Thanh Hải đã xem tin tức không bị kiểm duyệt này trong ít nhất nửa giờ.
Hậu quả là ông Tô và 6 học viên Pháp Luân Công khác đã bị bắt vào tháng 9/2002. Ông Tô sau đó bị kết án 10 năm tù, trong khi một số học viên nhận mức án 20 năm tù.
Trong lần thứ hai bị giam giữ này, ông Tô một lần nữa bị tra tấn dã man. Có lần, cánh tay và cổ tay của ông bị mất cảm giác trong 8 tháng sau khi ông bị cảnh sát trói vào “ghế cọp” khét tiếng — ông bị ép phải giữ một tư thế cố định gây đau đớn tột cùng trong khi vẫn bị đánh đập — trong tổng cộng 72 giờ. Nhiều lần, ông đã bị bức hại đến cận kề cái chết.
Con trai qua đời, bản thân cũng ra đi
Trong thời gian ông Tô bị giam giữ, người con trai của ông – khi đó ở tuổi vị thành niên – sống trong cảnh không có gia đình và phải tự nuôi sống bản thân. Tô Vĩ (Su Wei) thường xuyên bị đói; cậu cũng không đủ khả năng chi trả cho việc điều trị căn bệnh phổi mà sau này phát triển thành ung thư. Ngày 4/8/2006, cậu bé qua đời khi ở một mình tại nhà.
Ông Tô, mặc dù đã mất khả năng hoạt động bình thường do bị tra tấn, vẫn phải đối mặt với sự giám sát và các hành vi gây sức ép không ngừng nghỉ từ các quan chức ĐCSTQ địa phương sau khi ông được thả vào tháng 1/2010. Áp lực càng gia tăng trong đại dịch COVID-19 khi cảnh sát và nhân viên cộng đồng tại khu phố quấy rối ông gần như hàng tháng.
Lần cuối ông bị bắt giữ trước khi qua đời là vào tháng 10/2023. Các viên chức cảnh sát từ phòng An ninh Nội địa Thất Lý Hà (Lan Châu) và phòng Công an đã kéo ông ra khỏi giường và ném ông vào một trại tạm giam. Sau đó, vì tình trạng sức khỏe quá yếu nên ông Tô chịu hình thức quản thúc tại gia.
Sau nhiều năm chịu đựng hết vết thương này đến vết thương khác, ông Tô đã qua đời vào ngày 10/01/2024.
Có lẽ chúng ta không bao giờ biết chính xác có bao nhiêu gia đình khác giống như gia đình ông Tô đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ bắt đầu từ 25 năm trước. Cho đến nay, Minh Huệ đã xác nhận hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công mất đi mạng sống. Trang web này lưu ý rằng số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều lần khi xét đến sự kiểm duyệt chặt chẽ của chế độ đối với các thông tin liên quan.
Nhiều học viên khác vẫn đang bị giam giữ tại các cơ sở giam giữ rộng lớn của Trung Quốc. Theo thông tin từ Minh Huệ, trong tháng đầu tiên của năm nay, tòa án Trung Quốc đã kết án tù 38 học viên Pháp Luân Công.
Dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình – lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, ĐCSTQ ngày càng đàn áp Pháp Luân Công khốc liệt hơn. Theo một phân tích các tài liệu chính thức do Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp thực hiện, việc bức hại Pháp Luân Công đã trở thành ưu tiên cao hơn trong bộ máy an ninh của ĐCSTQ so với những năm trước đó.
Xem thêm: 50 phút vĩnh hằng – Phim miêu tả toàn cảnh sự thật về sự kiện tự thiêu nổi tiếng tại quảng trường Thiên An Môn năm 2001
Theo The Epoch Times
Chi Anh (NTDVN) biên dịch
Xem thêm:
Bắc Kinh nhắm tới hàng chục triệu người qua chiến dịch tuyên truyền mới nhằm bức hại Pháp Luân Công
Chứng kiến lịch sử: 3 chiến dịch đốt sách quy mô lớn của chính quyền Trung Quốc
Trung Quốc: Cựu học viên tiết lộ cảnh “địa ngục trần gian” trong trường dạy nghề đặc biệt
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực