Khiêm tốn là một mỹ đức trong văn hóa truyền thống. Người khiêm nhường thì được mọi người yêu quý, dễ kết giao, tránh được họa lớn. Nếu ai đó cố ý biểu hiện quá lên để thỏa mãn tư dục, nó sẽ đi chệch khỏi trật tự ban đầu của Thiên Địa Đại Đạo, do lý tương sinh tương khắc và gây ra những cuộc đấu tranh, hướng đến cái ác và hình thành họa hoạn.
Câu chuyện về sự khiêm nhường của nhà khoa học vĩ đại Anbe Einstein được xem như là một bài học quý giá dành cho nhân loại.
Lần nọ, một thanh niên từng hỏi Einstein:
– Trong vật lý học, ông là người vô tiền khoáng hậu, tại sao ông vẫn chăm chỉ học tập?
Einstein không trả lời chàng thanh niên ngay lập tức. Ông vẽ một vòng tròn lớn và một vòng tròn nhỏ trên tờ giấy rồi nói:
– Hiện tại, trong lĩnh vực vật lý, tôi có thể biết nhiều hơn bạn một chút. Những gì bạn biết giống như vòng tròn nhỏ này, và những gì tôi biết giống như vòng tròn lớn này, nhưng toàn bộ kiến thức vật lý là vô tận. Đối với hình tròn nhỏ, chu vi của nó nhỏ, tiếp xúc với khu vực chưa biết cũng ít, cho nên cảm giác có ít thứ chưa biết hơn. Nhưng chu vi tiếp xúc của hình tròn lớn với thế giới bên ngoài lại lớn, cho nên nó cảm thấy có nhiều thứ không biết, và sẽ làm việc chăm chỉ hơn để khám phá.
Khiêm tốn, khiêm nhường là một đức tính được người xưa trong văn hoá truyền thống rất coi trọng. Nhắc đến sự khiêm tốn, có lẽ đa số mọi người chỉ hiểu biết ở một số phương diện như sự lễ phép trong giao tiếp bề mặt hoặc tâm lý khiêm nhường [để] đề phòng sự tật đố, theo quan niệm hiện đại thì [điều này] đã rất khó lý giải và tiếp thụ. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quẻ trong “Kinh dịch”, chúng ta thấy rằng dù quẻ tốt đến đâu thì cũng có những hào không may mắn [đi cùng], nhưng sáu hào của quẻ Khiêm đều là điềm lành.
Người khiêm tốn có thể hiểu quy luật vận hành của Thiên địa Đại Đạo. Họ có thể minh bạch hết thảy mọi điều trên thế gian đều được sắp đặt tốt đẹp ngang nhau trong đại đạo, là vận hành theo quy luật của đạo trời. Mỗi một sinh mệnh đến thế gian, tuy khác nhau nhưng đều có sứ mệnh và trách nhiệm, không được vượt quá. Nếu ai đó cố ý biểu hiện quá lên để thỏa mãn tư dục, nó sẽ đi chệch khỏi trật tự ban đầu do lý tương sinh tương khắc, và gây ra những cuộc đấu tranh, hướng đến cái ác và hình thành họa hoạn. Như vậy, luôn khiêm tốn không chỉ là một loại đức hạnh, mà còn là một loại cảnh giới và trí tuệ.
Nguời xưa dù có giỏi giang, thành đạt đến mấy cũng rất khiêm tốn, đều không hề nghĩ tới công danh lợi lộc, trước vạn sự vạn vật của Thiên Địa, và trước người đối diện đều khiêm nhường. Do vậy Lão Tử cũng nói: “Cho nên, thánh nhân xử sự theo thái độ “vô vi” dùng thuật “không nói” mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm được việc mà không tự phụ, việc thành công mà không để tâm tới thành công. Vì không để tâm tới nên công trạng của họ còn mãi mãi.”
Khiêm tốn là nội tâm có tu dưỡng, nên hành vi có chừng mực, lời nói ra cũng được suy xét kỹ lưỡng. Những hàm dưỡng đó không phải ngày một ngày hai mà thành. Mà cần gọt giũa, rèn luyện, quyết tâm loại bỏ hết tâm tự cao tự đại, sự hiển thị, thấy người khác thành công thì vui mừng cho họ, trong tâm không có bất bình oán giận.
Những năm Hoằng Trị triều Thanh, vùng Chiết Giang có một người giỏi nghề văn chương nức tiếng tên là Hứa Dung. Nhưng anh vô cùng khiêm tốn. Anh chưa bao giờ đem tài năng của mình ra so sánh với người khác, càng không dám ví mình với các bậc thánh hiền thời cổ.
Bấy giờ trong một kỳ thi ở trường dành cho các sĩ tử, một người bạn của Hứa Dung đã lấy trộm bài văn của anh và giành được giải nhất. Người bạn này vênh vênh đắc ý, gặp ai cũng khoe khoang, thậm chí còn ở trước mặt tác giả thực sự của bài văn là Hứa Dung mà tự khoe mình. Nhiều bạn bè cảm thấy bất bình thay cho Hứa Dung, đều muốn đến nói phải trái với người bạn vô sỉ kia. Nhưng Hứa Dung lại ra sức khuyên can mọi người: “Văn chương tao ngộ có quan hệ đến vận mệnh của một người. Vận mệnh của cậu ấy là đỗ đầu thì có quan hệ gì tới năng lực viết văn đâu? Huống hồ rằng bài văn ấy xác thực không phải do tôi viết, mọi người đừng hiểu lầm”. Người bạn vốn đạo văn kia nghe xong câu nói ấy thì mình trần chạy đến trước mặt Hứa Dung nhận lỗi, lại xin thêm bản thảo bài văn. Hứa Dung đã đưa bản thảo tốt nhất của mình cho người bạn này.
Sau này khi có kỳ thi, người bạn có được bản thảo bài văn kia lại nhờ bài văn của Hứa Dung mà nghiễm nhiên đỗ tiến sĩ còn Hứa Dung thì trượt mất. Người bạn này không những không cảm tạ Hứa Dung, mà ngược lại sau khi nhậm chức huyện lệnh thì gặp Hứa Dung còn tỏ ra không quen biết. Tuy nhiên ngay cả như vậy thì Hứa Dung cũng không so đo tính toán với anh ta.
Sau này Hứa Dung thi đỗ tiến sĩ, được đích thân Hoàng đế ban cho chức tuần phủ Sơn Đông, và là quan thượng cấp trực tiếp của người bạn kia. Người bạn ấy không còn mặt mũi nào đến gặp Hứa Dung bèn viết thư cáo ốm. Hứa Dung nhân hậu lại còn an ủi người bạn, vẫn đối đãi với anh ta như trước.
Nguời hiểu được đạo lý khiêm tốn, khiêm nhường thì nhân hậu, bao dung, luôn thông cảm, yêu thương muôn người. Cũng là người thấu tỏ đạo lý của đất trời. Con người chỉ là một sinh mệnh nhỏ bé, mong manh trong hàng tỉ tỉ ngân hà to lớn. Một chút xíu tài năng, thành công có là gì so với những điều chưa biết trong vạn sự vạn vật của vũ trụ bao la. Vì thế, người khiêm tốn là bậc trí giả, sống an nhiên tự tại giữa đời.
Theo “Khát Vọng Cuộc Sống“