Ngày nay, đại đa số mọi người đều cho rằng những ai không biết tranh giành lợi ích, địa vị, tiền tài vật chất là những kẻ ngốc. Thế nhưng người xưa luôn tin rằng, những thứ mà con người đạt được trong đời này là do phúc báo của họ, tranh giành chỉ khiến người khác cũng như chính bản thân mình tổn thương. Bởi vậy ngốc nghếch tưởng chừng là họa hóa ra lại là phúc.
Trong “Đạo Đức kinh”, Lão Tử viết rằng: “Đạo của bậc Thánh nhân là làm mà không tranh”. Câu nói này khiến nhiều người bừng tỉnh đại ngộ. Suy ngẫm một chút, lời ấy thật đúng. Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng của đời người.
Cuộc sống không tranh giành, ganh đua không phải là ngốc nghếch, đó chính là hành động của những người có tu dưỡng, thấu hiểu đạo lý. Con người một khi sống mà tranh giành đấu đá, thậm chí vì danh lợi mà làm việc ác cả đời sẽ không yên ổn, hơn nữa còn tạo nghiệp báo.
Cái “phúc” của kẻ ngốc
Sinh thời, Chân Nhân Thái Cực – Trương Tam Phong đã viết tác phẩm ‘Thiên khẩu thiên – Năng nhượng thiên’ nói về đạo lý chịu thiệt chịu khổ. Ông nói rằng, con người khi đối diện với việc phải chịu thiệt chịu khổ thì trong tâm thường phản ánh ra tức giận bất bình. Tuy nhiên họ lại không biết rằng chịu thiệt và bao dung chính là đang nuôi dưỡng nội tâm an hòa, tính phúc đức sâu dày cho con cháu…
Chân Nhân Trương Tam Phong cũng đã tập hợp nhiều lời vàng ý ngọc của các bậc Thánh hiền để chia sẻ cho hậu bối như sau: “Ăn thiếu một chút, con cháu hưởng phúc; kiếm được dư thừa, chính lại là thiếu”. “Càn Khôn hai chữ vẹn tròn, ăn thiếu một chút chính là đang bù trừ cho tiền kiếp”. Không chỉ vậy, ông còn nói: “Trời không để một người cứ mãi chịu thiệt thòi, nhất định sẽ có bù đắp”. Có thể nói rằng, “người thường phải chịu khổ chịu thiệt nhưng đến cuối cùng lại không thiếu thứ gì”. Từ xưa đến nay có không ít câu chuyện ca ngợi điều này, “chịu thiệt chịu khổ là phúc”.
Trong cuốn “Duyệt Vi Thảo Đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam, có một người tên Hồ Mục Đình đã kể rằng, ở quê của ông có một phú ông. Phú nông bình thường sống trong cảnh giàu sang tự do tự tại, suốt ngày đóng cửa không màng chuyện thế sự, hiếm khi thấy lộ diện ở chốn đông người.
Nói ra thì cũng lạ, người này không hề giỏi việc kiếm tiền mưu sinh, nhưng của cải thì nhiều không kể xiết. Lão không chăm chút bản thân, nhưng cả đời chưa từng mắc bệnh nặng. Đôi lúc xảy ra sự cố ngoài ý muốn, thì cũng nhẹ nhàng giải quyết ổn thỏa.
Có một lần, trong nhà lão có một tì nữ treo cổ tự tử. Công sai trong thôn lấy thế làm vui mừng, cho rằng có cơ hội đục khoét, liền làm náo loạn ầm ĩ. Hơn nữa còn bẩm báo lên quan phủ. Quan địa phương sau khi nhận tin báo, liền hớn hở đem theo một đám sai dịch đến kiểm nghiệm thi thể.
Trong quá trình khám nghiệm, đột nhiên cánh tay của tì nữ kia động đậy. Khi mọi người còn đang cảm thấy kinh ngạc, bất chợt nhìn thấy tì nữ kia ngáp dài, ưỡn thẳng người, xoay sang một bên, rồi ngồi bật dậy. Vậy là cô gái đã sống lại.
Quan địa phương vẫn muốn vu khống lão với tội danh “cưỡng bức rồi ép treo cổ”, bèn liên tiếp khua chân múa tay dùng mọi ám hiệu thuộc hạ. Nhưng tì nữ này lại quỳ xuống dập đầu và nói: “Thanh thiên đại lão gia, xin hãy suy xét! Thê thiếp của chủ nhân nhiều vô kể, ai nấy đều có dung mạo đẹp như tiên sa cá lặn, sao có thể để ý đến nô tì chứ? Nếu như ngài ấy thực sự để ý đến nô tì thì nô tì còn vui mừng không hết, sao có thể tự sát được?
Thật ra là do nô tì nghe được tin phụ thân không biết vì lí do gì bị quan phủ bức cung mà chết, trong lòng cảm thấy bi thương phẫn uất, nên mới không muốn tiếp tục sống. Ngoài ra không hề còn lí do nào khác!”.
Quan địa phương nghe vậy bó tay lắc đầu, thất vọng rời đi. Những sự cố khác của phú ông này, đều tương tự như vậy. Người trong thôn đều nói rằng: “Người này nhìn bề ngoài ngu ngốc, nhưng sao lại có phúc phận lớn như vậy? Thật là không thể hiểu nổi”.
Có một lần, tình cờ có người lên đồng viết chữ, người trong thôn liền hỏi chuyện của vị phú ông nọ, thì nhận được lời phán rằng: “Suy nghĩ của các vị đều sai rồi, sở dĩ lão có phúc phận như vậy vì lão là một kẻ ngốc. Phú ông này kiếp trước vốn là một người quê mùa. Lão chất phác đôn hậu, không so đo tính toán với ai. Lão tự do tự tại, không hề để ý đến chuyện được mất. Tuy rằng lão lạnh nhạt thờ ơ, nhưng lại đối xử công bằng với tất cả mọi người, không hề thiên vị.
Tâm hồn lão cởi mở, trong sáng vô tư, thẳng thắn bộc trực. Có người ức hiếp, lão cũng chẳng đôi co. Có người lừa gạt, lão cũng chẳng mảy may lừa lại. Có kẻ dùng lời ác ý phỉ báng, lão chẳng những không ôm hận trong lòng, mà cũng chẳng tức giận.
Có kẻ ngụy tạo tội trạng vu oan cho lão, lão cũng chẳng có ý định báo thù. Cả đời bình lặng tầm thường, già chết ở nơi nhà tranh, cũng không có công đức gì, chỉ có một trái tim chất phác lương thiện, nhưng Thần linh vô cùng cảm kích! Vì vậy trao phúc cho lão, khiến cả đời này lão luôn hạnh phúc.
Kiếp này lão tỏ ra ngu ngốc không biết gì, chứng tỏ rằng dù hình dạng kiếp này và kiếp trước của lão khác nhau, nhưng bản tính vẫn vậy, tâm hồn lương thiện kiếp trước không hề bị chôn vùi. Các vị cứ ngỡ người tầm thường bất tài như lão không đáng được hưởng hạnh phúc, vậy thì các vị đều nhầm rồi!”
Mọi người có mặt lúc đó, nửa tin nửa ngờ. Hồ Mục Đình cho rằng: “Lời bình này, thật khiến người ta phải suy nghĩ”.
Dại khờ ngốc nghếch – tưởng “họa” hóa “phúc”
Trước đây có một cô gái ngốc nghếch vụng về. Dẫu bị ai mắng mỏ cô cũng nhẫn chịu, dẫu bị ai đánh đập cô cũng cam lòng. Bản thân cô gặp bao nhiêu chuyện thị phi, nhưng trong lòng lại vô tư không oán trách. Thấy cô khờ khạo như vậy, mọi người thường nghĩ: “Sao cô ấy ngốc thế nhỉ, sao không thể thông minh hơn một chút vậy?”
Cái dại khờ của cô gái ấy, kỳ thực, lại bắt nguồn từ một câu chuyện trong tiền kiếp. Trong một kiếp sống trước đây, cô từng là một tài nữ lừng danh, được Hoàng đế tin dùng, quyền cao chức trọng. Trong kiếp sống ấy, cô văn tài hơn người, giỏi giang xuất chúng. Cô cũng có vài phần nhan sắc, tuy không được liệt vào hàng mỹ nhân, nhưng cũng gọi là có tài hoa, khí chất quả thật làm say đắm lòng người.
Đến một ngày, Hoàng đế giao cho cô nhiệm vụ phải hạ thủ một vị đại tướng quân không tuân mệnh lệnh. Vị đại tướng quân võ nghệ cao cường, phòng bị nghiêm ngặt, nhưng lại rất mực si tình đối với cô. Vì vậy Hoàng đế muốn lợi dụng điểm này để bày kế mỹ nhân, cuối cùng hạ độc dược vị tướng quân ấy.
Nhưng cho đến khi chết, vị tướng quân vẫn không hay biết rằng ông bị hại trong tay người con gái mà ông hằng yêu thương. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn một lòng tâm niệm muốn được cùng cô chung sống đời đời.
Cũng sau cái chết của vị tướng quân, cô vô cùng ăn năn hối hận. Tuy có được quyền vị cao sang, nhưng cô luôn cảm thấy muộn phiền, cuộc sống đấu đá tranh giành cũng khiến cô cảm thấy mệt mỏi.
Trong những năm cuối đời, cô luôn tự dằn vặt bản thân mình: “Này thì thông minh xuất chúng, này thì địa vị cao sang, này thì tài văn chương khuynh đảo thiên hạ… rốt cuộc để làm gì đây? Mệt mỏi tranh đấu cả một đời, rốt cuộc vì điều gì?”
Vì vậy, trước khi nhắm mắt xuôi tay, cô đã phát nguyện rằng: “Nếu như có kiếp sau, cô mong bản thân có thể ngốc nghếch một chút, để có thể bình an vui vẻ một chút, không còn vì thông minh mà rước lấy họa sát thân này”.
Quả nhiên, đời này cô đã được như mong nguyện. Cô không chỉ ngốc nghếch, mà còn thật sự nên duyên với vị tướng quân từng bị cô hại chết khi xưa. Mối nhân duyên này đều là do ước nguyện của hai người dẫn dắt: Vị tướng quân vì muốn được chung sống với cô cả đời, còn cô thì vì cảm thấy có lỗi với tướng quân nên cần phải kết duyên để bù đắp. Bởi vậy trong đời này, hai người đã nên vợ nên chồng đúng như nguyện ước.
Nhưng cũng bởi đời trước gieo ác nhân, nên đời này cô thường bị chồng ngược đãi, bị bạo hành, chồng cô thậm chí còn ngoại tình giữa thanh thiên bạch nhật. Nếu không phải vì bản thân ngốc nghếch, có lẽ cô đã không thể vượt qua mà sống những tháng ngày vô tư không lo nghĩ ấy…
Trong dòng sông dài của lịch sử, các mối quan hệ nhân duyên biến ảo khôn lường thảy đều là nhân quả từ những gì chúng ta đã làm hoặc những gì chúng ta mong muốn. Chỉ là trong vô minh mà con người không hay biết, nên cả đời mới trăn trở câu hỏi “vì sao?”.
Mọi thứ trên đời tưởng chừng phải tranh giành đấu đá, toan tính sẽ có được. Tuy nhiên ít ai biết được muốn có được những điều ấy phải do hành thiện, tích đức và tu dưỡng mới có được. Mỗi một bước đi của cuộc đời, đều cần phải thuận theo nhân quả tuần hoàn.
Kỳ thực, mọi sự trong đời mỗi người đều được Thần Phật an bài tỉ mỉ, để hóa giải duyên nợ trùng trùng bao kiếp bao đời. Vậy nên, với hết thảy chuyện trên đời, rất cần một trái tim bình thản, một con mắt độ lượng để đối đãi.
Chân Tâm (t/h)
Tham khảo Vision Times
Xem thêm:
- Văn hoá truyền thống: Thiện Ác tất có báo ứng
- Lòng tốt chân chính là không cần được báo đáp
- Trời cao trợ người hiếu đức