spot_img
20 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Tìm lại bản tính thiện lương ban sơ của mỗi chúng ta qua cuốn ‘Tam Tự Kinh’

104 kouzhun web 696x827 693x420.jpg.webp
Dù giữ chức Tể tướng nhưng Khấu Chuẩn vẫn có lối sống cần kiệm. Trong một lần chìm sâu trong lối sống xa hoa, ông đã cảm động đến rơi lệ và nhanh chóng thay đổi lối sống của mình sau khi đọc một bài thơ mà mẹ ông để lại trước lúc lâm chung. (Ảnh: SM Yang/Epoch Times)

Tân Thế KỷCuốn sách Hán ngữ “Tam Tự Kinh”, hay còn được gọi là “San Zi Jing” là tác phẩm văn học kinh điển dành cho trẻ em nổi tiếng nhất Trung Quốc. Tác phẩm được biên soạn bởi Vương Ứng Lân (Wang Yinlian) (1223–1296) vào thời nhà Tống và được nhiều thế hệ người Trung Quốc từ trẻ đến già học thuộc lòng. Cho đến những năm 1800, sách “Tam Tự Kinh” vẫn là tác phẩm dạy vỡ lòng cho mọi trẻ em.

Nội dung của cuốn sách “Tam Tự Kinh” với các câu thơ ba ký tự, ngắn gọn, đơn giản, và có vần điệu giúp người đọc dễ tiếp nhận và học thuộc lòng, đồng thời nội dung xuyên suốt bao quát nhiều bài học làm người. Tác phẩm này không những giúp trẻ em nhận biết các Hán tự phổ biến, cấu trúc ngữ pháp và các bài học lịch sử Trung Quốc, mà trên hết, còn giúp các em mở mang tầm hiểu biết về văn hóa truyền thống Trung Quốc và cách đối nhân xử thế của người có hàm dưỡng.

Bài học mở đầu trong cuốn “Tam Tự Kinh” dạy trẻ em về bản chất thuần khiết ban sơ của con người:

Nhân chi sơ,
Tính bản thiện.
Tính tương cận,
Tập tương viễn.

Nói một cách khác, con người ta khi sinh ra đã mang trong mình bản tính thiện lương. Những đứa trẻ mới lọt lòng tính cách có thể khác nhau, nhưng nhìn tổng quát thì các em có cùng những phẩm chất ngây thơ và thuần khiết.

Tuy nhiên, khi trẻ em lớn lên và bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, bởi môi trường và từ những trải nghiệm khác nhau, thì các tác động này có thể hình thành nên những ưu tiên và thói quen có thể khiến trẻ nhỏ trở thành những người rất khác biệt.

Ví dụ, có những đứa trẻ học cách xem trọng giá trị gia đình và lòng hiếu thảo là những điều quan trọng bậc nhất; lại có những đứa trẻ học cách yêu tiền hơn hết thảy mọi thứ. Một số em tìm thấy sự vỗ về thông qua lợi ích vật chất, hay những em khác lại tìm được lẽ sống trong việc theo đuổi giá trị tâm linh.

Cùng một gia cảnh nhưng nền tảng đạo đức khác nhau

Và giai thoại sau đây minh họa cách mà hai người lớn lên cùng nhau nhưng lại trở thành hai con người hoàn toàn khác nhau. Một nhà văn Trung Quốc kể lại rằng cha cô, một người thợ mộc họ Cảnh, là một người đàn ông tốt bụng, trung thực và tôn trọng người khác, ông được mọi người trong làng quý mến nhờ những phẩm cách tốt đẹp này.

Ông Cảnh có một người bạn học cũ tên là Vương. Một ngày nọ, ông Vương mời ông Cảnh đến nhà dùng bữa.

Khi họ đang trò chuyện, ông Cảnh nhìn thấy một cụ già trông giống như người hầu đang nấu ăn và phục vụ trà và rượu cho họ. Ông quay ra hỏi ông Vương, “Cụ già này là ai vậy?”

Khi ông Vương trả lời, “Đó là cha tôi”, ông Cảnh cảm thấy chấn động.

Ngay lập tức, ông Cảnh đứng phắt dậy và thưa chuyện với cụ: “Thưa bác, con xin mời bác ngồi.” Ông Cảnh đỡ cụ già ngồi xuống chỗ của mình, rót cho cụ một chén rượu, kính cẩn thưa: “Thưa bác, con mong bác thứ lỗi cho sự thất lễ của con.”

Sau đó, quay sang ông Vương, ông Cảnh nói: “Tôi không còn là bạn của ông nữa. Ông không biết cách tôn trọng bậc trưởng bối của mình.” Nói xong, ông thu dọn đồ đạc của mình và bước ra khỏi cửa.

Từ nhỏ, ông Cảnh đã được học rằng người nhỏ tuổi phải biết kính trọng các bậc bề trên và những người thầy của mình. Trong khi trái lại, ông Vương chưa bao giờ học cách thực hiện đạo lý này một cách nghiêm túc. Mặc dù lớn lên cùng nhau, nhưng hai người bạn thân đã phát triển những tính cách và giá trị đạo đức rất khác nhau.

Khấu Chuẩn nhận được bài học từ dưới cửu tuyền

Vậy điều gì đã khiến một người trở thành giống như ông Cảnh chứ không phải là ông Vương đây? Câu trả lời nằm trong khổ thơ tiếp theo của “Tam Tự Kinh”:

Cẩu bất giáo
Tính nãi thiên.
Giáo chi đạo
Quý dĩ chuyên.

Bản tính thiện lương ban đầu của một người được gìn giữ thông qua sự giáo dục và dìu dắt xuyên suốt một đời người. Nếu không có sự giáo dưỡng, dù cách nào, bản tính đương sơ này rất có thể trở nên xói mòn.

Câu chuyện về Khấu Chuẩn, một vị tể tướng thời Bắc Tống của Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

Khấu Chuẩn sinh ra trong một gia đình trí thức. Tuy nhiên, cha ông qua đời khi Khấu Chuẩn còn nhỏ, người mẹ phải nhờ vào nghề dệt vải để gồng gánh gia đình và nuôi ông khôn lớn.

Dù gia cảnh nghèo khó, nhưng mẹ của ông luôn dạy bảo và khuyến khích ông dùi mài kinh sử để có thể phụng sự cho đất nước một ngày nào đó.

Khấu Chuẩn tỏ ra là người có tư chất thông minh xuất chúng, năm 18 tuổi, ông đã đỗ kỳ thi Đình với kết quả xuất sắc. Do đó, ông là một trong số ít người được vua lựa chọn để ra làm quan.

Tin vui truyền đến tai mẹ Khấu Chuẩn trong lúc bà đang ốm nặng. Khi đang hấp hối, bà đã đưa cho một người hầu trung thành một bức tranh do bà đích thân vẽ.

“Một ngày nào đó Khấu Chuẩn sẽ làm quan triều đình,” bà thì thầm. “Nếu phẩm cách của nó bắt đầu lệch lạc, ngươi hãy đưa cho y bức họa này.”

Sự phung phí quá độ

Cuối cùng, Khấu Chuẩn đã trở thành tể tướng, nhưng chính danh vọng và sự xa hoa đã bắt đầu chi phối ông. Để thể hiện sự giàu sang và địa vị của mình, ông quyết định mở tiệc sinh thần xa hoa, đầy ắp tiệc rượu và biểu diễn kinh kịch.

Nhận thấy rằng thời gian đã đến, người hầu nói trên dâng bức họa mà Khấu mẫu để lại cho ông. Trong tranh, tể tướng Khấu Chuẩn thấy cảnh ông đang đọc sách dưới ngọn đèn dầu, kế bên là hình dáng Khấu mẫu đang dệt vải.

Bên cạnh bức họa là lời tựa:

Ngắm con dưới ánh đèn đọc sách bao khổ nhọc,
Mong con tu thân thành tài dốc sức vì dân chúng.
Mẹ hiền dạy dỗ gia phong cần kiệm,
Ngày phú quý giàu sang chớ quên cảnh bần hàn

Đọc những lời mẹ nhắn gửi, Khấu Chuẩn đã bật khóc. Rõ ràng là ông chưa đạt được kỳ vọng của bà, vì vậy ông hạ lệnh hủy bỏ bữa tiệc đó.

Lời nhắc nhở của Khấu mẫu dưới cửu tuyền đã cứu ông ra khỏi vòng xoáy đang kéo ông xuống với sự tham lam và hủ bại. Kể từ đó, Khấu Chuẩn sống cần kiệm, đối đãi rộng lượng với người khác, và chăm lo cho dân chúng bằng phẩm chất đạo đức cao thượng và sự chính trực. Cuối cùng, ông đã trở thành một trong những vị tể tướng nổi tiếng và được yêu mến nhất thời nhà Tống.

Câu chuyện này không chỉ minh chứng một điều rằng, giáo dục và sự dìu dắt không những là điều cần thiết cho việc rèn giũa phẩm đức của một người, mà còn mang một thông điệp sâu sắc hơn cả: Con người vốn có bản tính thiện lương, ngay cả những người lầm đường lạc lối cũng có thể tìm lại bản tính tốt đẹp và quay trở về với chân ngã của họ. Chỉ cần họ có thể nhận ra thiếu sót của bản thân và quyết tâm thay đổi thì không bao giờ là quá muộn!

Tác giả Daniel Teng

Thiên Vân (ETV) biên dịch 

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 13

Xem thêm:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều