spot_img
18 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

9 hồ thuỷ điện thiếu nước, 11 nhà máy phải dừng phát điện

Tân Thế Kỷ – 11 nhà máy phải dừng phát, 9 hồ thủy điện thiếu nước, miền Bắc thiếu điện.

9 hồ thuỷ điện thiếu nước, 11 nhà máy phải dừng phát điện | Tân Thế Kỷ
9 hồ thuỷ điện thiếu nước, 11 nhà máy phải dừng phát điện, Miền Bắc rơi vào cảnh thiếu điện chưa từng thấy

Các tổ máy tại 11 nhà máy như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong phải dừng phát vì 9 hồ thủy điện đã dưới mực nước cho phép. Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết, đảm bảo dòng chảy tối thiểu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, vào sáng 8/6, mực nước trong hồ thủy điện này là 45,65 m, thấp hơn 0,5 m so với mực nước có thể phát điện.

Lần đầu trong 52 năm, nhà máy này phải dừng vận hành 2 tổ máy từ 1/6. Tổ máy số 3 vẫn vận hành nhưng ở mức phát tối thiểu (15 MW) để cấp nước cho hạ du theo quy trình điều tiết liên hồ chứa và cung ứng điện. Nếu mực nước xuống dưới 45 m, có thể phải dừng thêm tổ máy số 3 vì rủi ro lớn cho vận hành.

Ông Cường cho biết thêm, lượng nước về hồ trong tháng 5 giảm tới 40% so với trung bình nhiều năm, chỉ bằng 22% so với 2022. Lưu lượng nước cũng rất thấp, 7-10 m3/s, trong khi thời điểm này các năm trước gấp 10 lần.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết.

Chỉ còn thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước cho phép.

Như vậy, tính đến ngày 6/6, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất.

Thiếu hụt điện nghiêm trọng ở miền Bắc

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500-17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.

Như vậy ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh, ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh. Do vậy Miền Bắc nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày.

9 hồ thuỷ điện thiếu nước, 11 nhà máy phải dừng phát điện
Cơ cấu nguồn điện miền Bắc và miền Nam tính đến tháng 5/2023 – Nguồn: VNE

Trước khó khăn trong việc cung ứng điện, EVN đã có các phương án cắt điện ở miền Bắc.

Phương án tiết kiệm điện

BN 3 jpeg 1

EVN đã yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tính toán, phân bổ công suất cho các công ty điện lực cấp tỉnh trên nguyên tắc điều hoà, tiết giảm điện.

Nhóm được ưu tiên cấp điện trong giai đoạn hiện nay, gồm “khách hàng quan trọng” được các tỉnh phê duyệt; hoạt động chính trị xã hội.

Tuy nhiên, nhóm khách hàng thâm dụng năng lượng như sản xuất sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng hoặc đơn vị có nguồn điện dự phòng tại chỗ… sẽ bị giảm cấp điện.

Với khách hàng sinh hoạt, hộ gia đình, EVN yêu cầu cắt điện không quá 8 giờ với nhóm sinh hoạt, hạn chế tiết giảm vào các khung giờ sinh hoạt và cuối tuần tại các khu du lịch.

Vũ Nam tổng hợp

Xem thêm:

Miền Bắc cúp điện luân phiên, người dân “oằn mình” tìm đường xoay sở

Michelin Guide: Hãng “lốp xe” vinh danh ẩm thực Việt

Bộ trưởng cam kết: “Không quá đầu tháng 7, đăng kiểm sẽ lại bình thường”

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều