Tân Thế Kỷ – Hôm thứ Năm, nhiều tàu cứu hộ đã được huy động để tìm kiếm hàng trăm người tị nạn và người di cư được cho là đã thiệt mạng sau khi chiếc thuyền đánh cá chở họ bị lật và chìm ngoài khơi Hy Lạp, khi họ đang trên đường cố gắng đến châu Âu.
Các nhà chức trách cho biết khó có thể tìm thấy thêm bất kỳ người sống sót nào sau thảm kịch này.
Ít nhất 79 người di cư đã chết đuối vào sáng sớm thứ Tư, cùng hàng trăm người khác mất tích và được cho là đã chết sau khi chiếc thuyền quá tải chở họ bị lật ngoài khơi Hy Lạp. Đây là một trong những thảm họa hàng hải nguy hiểm nhất ở châu Âu trong những năm gần đây.
Khi công cuộc tìm kiếm những người sống sót đang diễn ra miệt mài, một tổ chức từ thiện hỗ trợ cứu hộ châu Âu cho biết họ tin rằng có khoảng 750 người trên con tàu dài từ 20 đến 30 mét này. Cơ quan di cư của Liên Hợp Quốc ước tính có tới 400 người trong khi Hy Lạp từ chối suy đoán về số lượng hành khách.
Lực lượng cứu hộ đã cứu được 104 hành khách. Tuy nhiên các nhà chức trách lo ngại rằng hàng trăm người khác – bao gồm cả phụ nữ và trẻ em – có thể đã bị mắc kẹt bên dưới boong tàu.
Đô đốc tuần duyên Hy Lạp đã nghỉ hưu Nikos Spanos nói với đài truyền hình ERT rằng: “Cơ hội tìm thấy [thêm những người sống sót] là rất nhỏ”.
Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông – chiếc thuyền bị nạn được cho là đã khởi hành từ khu vực Tobruk ở miền đông Libya. Một quan chức giấu tên của bộ vận tải cho biết hầu hết những người trên tàu đến từ Ai Cập, Syria và Pakistan. Những kẻ buôn người đã hưởng lợi từ sự bất ổn của các nước này, sau đó chúng biến Libya trở thành một trong những điểm khởi hành chính cho những người tị nạn cố gắng đến châu Âu trên những chiếc thuyền của chúng.
Theo The Epoch Times, con đường di cư từ Bắc Phi đến Ý qua trung tâm Địa Trung Hải là nguy hiểm nhất trên thế giới. Cơ quan di cư của Liên Hợp Quốc – có tên gọi là IOM – đã ghi nhận hơn 17.000 trường hợp tử vong và mất tích tại khu vực này kể từ năm 2014.
Nhóm buôn lậu đã sử dụng những chiếc thuyền không đủ điều kiện để chở càng nhiều người di cư càng tốt và bắt đầu những chuyến đi có thể mất nhiều ngày. Họ từ Libya và Tunisia thẳng hướng đến Ý, nơi nằm ngay bên kia Địa Trung Hải, và gần hơn nhiều so với từ Hy Lạp đi đến các quốc gia Tây Âu mà hầu hết những người di cư hy vọng được đặt chân đến.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Ý lần đầu tiên cảnh báo cho chính quyền Hy Lạp và cơ quan bảo vệ biên giới Liên minh châu Âu – Frontex, về một con tàu đang đến gần vào thứ ba.
IOM cho biết – theo các báo cáo ban đầu, có tới 400 người trên con thuyền. Một mạng lưới các nhà hoạt động cho biết họ đã nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ một chiếc thuyền trong cùng khu vực, mà các hành khách cho biết nó chở 750 người—nhưng không rõ đó có phải là chiếc thuyền bị chìm hay không.
Sau cảnh báo đầu tiên đó, máy bay của Frontex và hai tàu buôn đã phát hiện ra chiếc thuyền đang đi về phía bắc với tốc độ cao – theo lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp. Nhiều máy bay và tàu đã được gửi đến khu vực.
Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc gọi liên tục đề nghị giúp đỡ chiếc thuyền đều bị từ chối.
Các bức ảnh chụp từ trên không do lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp công bố cho thấy, hàng chục người ở boong trên và dưới của chiếc thuyền đang nhìn lên, một số người dang rộng cánh tay, vài giờ trước khi nó chìm.
Alarm Phone, một mạng lưới các nhà hoạt động xuyên châu  cung cấp đường dây nóng cho những người di cư gặp khó khăn, cho biết họ đã nhận được cảnh báo từ những người trên một con tàu gặp nạn ngoài khơi Hy Lạp vào cuối ngày thứ Ba.
Mạng lưới này cho biết họ đã báo cho chính quyền Hy Lạp và nói chuyện với những người kêu cứu trên thuyền, và rằng thuyền trưởng đã chạy trốn trên một chiếc thuyền nhỏ.
Các quan chức chính phủ cho biết trước khi bị lật úp và chìm vào khoảng 2 giờ sáng thứ Tư (giờ địa phương), động cơ của con tàu đã ngừng hoạt động và nó bắt đầu chuyển hướng từ bên này sang bên kia.
Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đã tiếp tục suốt đêm, trong đó máy bay quân sự đã triển khai pháo sáng để thắp sáng vùng biển Địa Trung Hải và xung quanh vị trí xác tàu cách thị trấn ven biển phía nam Hy Lạp Pylos khoảng 80 km về phía tây nam.
Các nhà hoạt động vì người tị nạn, các tổ chức phi chính phủ giải cứu người tị nạn, một số chính trị gia châu Âu và Giáo hoàng Francis đã chia sẻ nỗi buồn, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự tức giận về thảm họa.
Vatican cho biết giáo hoàng “vô cùng thất vọng” và dâng “những lời cầu nguyện chân thành cho nhiều người di cư đã chết, những người thân yêu của họ và tất cả những người bị tổn thương bởi thảm kịch này”.
Những người sống sót được đưa đến cảng Kalamata của Hy Lạp gần Pylos. Họ đắp chăn, nằm trên nệm tại một nhà kho, và Bộ di cư Hy Lạp dự kiến sẽ chuyển họ đến một trại bên ngoài Athens.
Các nhà chức trách cho biết trong số những người sống sót được chuyển đến thành phố cảng Kalamata, hầu hết là nam giới.
Đây là vụ đắm tàu gây chết người nhiều nhất ngoài khơi Hy Lạp trong vài năm trở lại đây. Vào tháng 2, ít nhất 96 người đã thiệt mạng khi chiếc thuyền gỗ của họ đâm vào đá ở bờ biển Calabria của Ý trong một cơn bão.
Chính quyền lâm thời của Hy Lạp đã tuyên bố ba ngày quốc tang.
Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou đã đến thăm khu vực nơi những người tị nạn được giải cứu đang được chăm sóc. Đồng thời các đảng chính trị của nước này cũng đã hủy bỏ các sự kiện trong chiến dịch tranh cử được lên kế hoạch trước của cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 25 tháng 6 này.
Hoàng Dung (t/h)
Theo Reuters, The Epoch Times, aljazeera
Xem Thêm:
Nigeria: Lật thuyền chở khách đi đám cưới, hơn 100 người thiệt mạng
Cập nhật bão Biparjoy: Gió giật mạnh 100 km/h, mưa lớn đổ bộ vào Gujarat Ấn Độ
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*