Tân Thế Kỷ – Rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước khi khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này.
Cụ thể, ngày 18/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện về việc rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Ông yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành khắc phục hạn chế trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, tiếp tục thực hiện hiệu quả trong giai đoạn 2023-2030.
Bộ Nội vụ là đơn vị được giao tham mưu, trình Thủ tướng tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết; quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của các địa phương.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm các quy định và có giải pháp linh hoạt nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Một nội dung quan trọng là phải có được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân ở địa phương trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC. Và nhiệm vụ này được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, của các ngành, các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân.
Còn nhớ, vào tháng 3/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021. Đơn vị thuộc diện sắp xếp gồm các huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng.
Tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000. Còn quy mô dân số của xã là 5.000 đến 8.000 trở lên, diện tích từ 30 km2.
Giai đoạn 2019-2021, cả nước sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, từ đó giảm được 8 huyện và 561 xã. Việc này giúp giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã với 3.600 biên chế; 429 cơ quan cấp huyện với 141 biên chế; giảm chi ngân sách cả giai đoạn hơn 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác sắp xếp giai đoạn này còn nhiều hạn chế như chưa làm tốt việc bố trí, giải quyết chế độ chính sách với cán bộ công chức dôi dư. Một số đơn vị hành chính đô thị mới sau sắp xếp chưa đạt chất lượng như mong đợi.
Ngoài ra,theo đánh giá của Chính phủ việc xử lý, khai thác trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức dôi dư sau sắp xếp còn bất cập, có nơi lãng phí. Chính sách đặc thù với đơn vị hành chính có nơi chưa còn cụ thể.
Vũ Nam tổng hợp.
Cựu Giám Đốc sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh: từng được ‘chúc tết bằng cả vali tiền’
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*