Tân Thế Kỷ – Đêm ngày 21/8/1986, khi những người dân sống dưới chân một ngọn núi lửa ở Cameroon đang yên giấc thì một chấn động nhẹ xảy ra. Một số người tỉnh giấc, nhưng họ không thấy có gì kỳ lạ, và mọi thứ vẫn bình thường. Rồi mọi người lại thiếp đi. Họ không biết rằng một đám mây chết người đang yên lặng áp sát, bao phủ lấy ngôi làng…
Thảm kịch ngày 21/8/1986
Đó là ngày 21/8/1986, không khí ở làng Nyos hết sức rộn ràng vì năm nay cả làng được mùa ngô. Không một ai trong làng nhận thấy chỉ cách làng độ 3km, một sự gì đó lạ thường đang diễn ra. Cho đến 8 giờ 30 phút hôm đó họ bỗng nghe thấy tiếng sùng sục.
Một người đàn ông đi từ làng Wum đến làng Nyos đã phát hiện ra thảm họa khủng khiếp.
Lúc đầu, anh ta trông thấy một con linh dương nằm chết bên đường. Sau đó, khi vào trong làng, anh ta phát hiện thêm xác của một con chó, hai con chuột và một vài con khác.
Người đàn ông quyết định tới khu lều trại phía trước để hỏi thăm tình hình thì hốt hoảng phát hiện ra xác người chết nằm la liệt. Sau khi tìm kiếm khắp nơi và không phát hiện ra ai sống sót, anh ta liền chạy về Wum báo tin.
Chính quyền địa phương sau khi nhận được thông tin vụ việc lập tức cử cảnh sát tới điều tra. Theo thông tin từ các làng kế bên, cảnh sát biết trước khi diễn ra sự việc họ nghe thấy một âm thanh rất lớn tựa như bom nổ.
Sau đó, không khí xung quanh ngập tràn một mùi khó ngửi khiến người dân thiếp đi. Họ không biết rằng, ở làng Nyos sắp diễn ra một thảm họa không thể nào quên.
Theo thống kê của cảnh sát, số người chết lên tới hơn 1.746. Trên thi thể họ không một dấu hiệu nào chứng tỏ bị chấn thương hay có cuộc đụng độ nào đó dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó, khoảng 8.000 loài vật nuôi và hoang dã cũng chết một cách bí ẩn.
Một nhân chứng kể lại: “Tôi không thể nói. Tôi trở nên mơ màng. Tôi không thể mở miệng vì ngửi thấy mùi gì đó kinh khủng… Tôi nghe thấy con gái đang ngáy một cách bất thường… Khi tôi tới giường của cháu thì tôi bị ngất. Tôi đã nằm tại đó tới 9 giờ sáng… khi một người bạn tới và gõ cửa… Tôi ngạc nhiên thấy quần của mình dính máu. Tôi thấy chút gì đó dính dính ở trên người. Cánh tay tôi bị thương… Tôi không biết vì sao mình bị thương… Tôi mở cửa… Muốn nói, muốn thở nhưng không được… Con gái tôi đã chết… Tôi tới gần giường cháu và nghĩ cháu vẫn đang ngủ. Tôi tiếp tục ngủ đến 4 rưỡi chiều. Sau đó tôi cố gắng sang nhà hàng xóm. Họ đều đã chết… Tôi quyết định rời đi… hầu hết mọi người trong gia đình tôi sống ở Wum… Tôi lên xe… Một người bạn cũng đi cùng… Trong khi lái xe… khắp Nyos tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống…”
Hồ nước giết người
Hồ Nyos hình thành trên miệng núi lửa cách đây 400 năm. Các hồ ở miệng núi lửa thường chứa nồng độ CO2 cao do hoạt động núi lửa diễn ra bên dưới hàng kilomet. Trong điều kiện bình thường, khí CO2 bay hơi theo thời gian khi nước hồ được bổ sung nhờ lượng mưa.
Tuy nhiên, hồ Nyos tồn tại theo cách khác biệt. Đây là một hồ nước hết sức tĩnh lặng, ít chịu ảnh hưởng của biến động môi trường. Thay vì giải phóng CO2, hồ nước đóng vai trò như một kho trữ khí áp suất cao. Tầng nước dưới sâu ngày càng tích tụ nhiều khí hơn cho đến khi mỗi lít nước hòa tan hơn 5 lít CO2. Lượng khí bị dồn nén tới mức cực hạn biến hồ Nyos thành quả bom hẹn giờ.
Vào ngày 21/8/1986, sự kiện chấn động mang tên Vụ phun trào CO2 xảy ra. Nguyên nhân có thể do lở đất, vụ phun trào núi lửa nhỏ hoặc một cơn mưa rơi ở mép hồ. Bất kể nguyên nhân là gì, hậu quả do nó để lại vô cùng thảm khốc. Hồ nước nổ tung, tạo nên đài phun nước cao hơn 90 m vươn thẳng vào không trung và gây ra một trận sóng thần nhỏ. Nhưng thủ phạm cướp đi mạng sống của gần 2.000 người lại là lượng khí CO2 thoát ra.
Khoảng 1,2 kilomet khối khí CO2 được giải phóng trong vòng 20 giây. Đám mây khí CO2 khổng lồ tràn qua toàn bộ vùng quê. Những ngôi làng ở ven hồ gần như không có cơ may sống sót. Trong số 800 cư dân, chỉ có 6 người may mắn thoát khỏi thảm họa do nhanh chóng chạy lên vùng đất cao hơn bằng xe máy. Khi đám mây khí CO2 bao trùm, mọi ngọn lửa đều tắt ngóm. Bầu không khí ảm đạm trải rộng quanh hồ Nyos.
Đám mây lan rộng và xa, giết chết những người ở cách hồ tới 25 km. Những người dân làng trong khu vực bước ra ngoài nhà để tìm hiểu âm thanh họ nghe thấy bị ngạt thở bởi đám mây khí tràn đến và tử vong ngay trước cửa nhà. Những người nằm ngủ cũng thiệt mạng trong khi người thân của họ chưa hiểu chuyện gì xảy ra, bởi mật độ khí CO2 ở mặt đất đủ đậm đặc để gây chết người.
Hồ Nyos chuyển từ màu xanh dương sang màu đỏ sẫm, thay đổi gây ra do sắt bị khuấy tung từ đáy hồ.
Sự kiện kinh hoàng năm 1986 tại hồ Nyos là trường hợp ngạt khí lớn nhất mà con người từng ghi lại được. Nó cũng mang cho hồ Nyos một biệt danh: “Hồ chết chóc”. Các nhà khoa học đã cố gắng giải quyết vấn đề thoát khí tại đây. Năm 2001, một ống dẫn thoát khí được lắp đặt tại hồ, và sau đó 2 ống khác tiếp tục được lắp đặt vào năm 2011.
Ngày nay hồ Nyos vẫn là một hiểm họa tiềm tàng. Những bức tường tự nhiên càng ngày càng yếu đi. Nếu có một trận động đất lớn, rất có thể hồ Nyos sẽ tràn nước xuống dưới, mãi đến tận Nigeria, và gây ra nhiều cái chết hơn nữa.
Nghi Vân (t.h)
Xem thêm:
Kinh thành tửu sắc Pompeii diệt vong, nhắn nhủ điều gì cho hậu thế?
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*