spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,18 Tháng mười
spot_img

“Chồng tôi là Tiến sĩ, tôi là Thạc sĩ, con trai chúng tôi vô cùng tầm thường” nhưng tôi rất tự hào

Tân Thế Kỷ – Mới đây, một bà mẹ ở Trung Quốc đã gây sốt khi chia sẻ những dòng tâm sự về gia đình mình. Hai vợ chồng chị thuộc tầng lớp trí thức tinh hoa, sinh con ra và đặt mọi kỳ vọng lên đứa trẻ. Tuy nhiên, con của họ cuối cùng chỉ là một người bình thường. Dù vậy, “tôi tự hào về con mình”, bà mẹ nói.

Sau đây là tâm sự của bà mẹ này:

Tôi đã từng mong nghĩ con sẽ là “thần đồng”

Chồng tôi là Tiến sĩ ngành Kỹ thuật, còn tôi là Thạc sĩ. Cả hai đều theo học tại các trường đại học danh giá thuộc dự án 985 (dự án các trường đại học trọng điểm của Trung Quốc). Tôi mang thai con trai ở độ tuổi sinh nở tốt nhất là 27. Việc mang thai đã được lên kế hoạch, tôi bổ sung axit folic và các chất dinh dưỡng khác từ trước.

Khi mang thai được ba tháng, tôi xin phép đơn vị được nghỉ dài ngày, bố mẹ chồng đến nấu cơm ngày ba bữa, tôi chỉ có nhiệm vụ nằm phơi nắng, đi dạo và xem tivi, không đụng tay bất cứ việc gì. Gần 10 tháng mang thai, tôi không ăn cơm ngoài, sợ ảnh hưởng sức khỏe của đứa trẻ.

Quả nhiên, vất vả đã được đền đáp, con trai tôi kháu khỉnh, khỏe mạnh, đôi mắt to long lanh. Vợ chồng tôi thầm nghĩ, chắc đây là một cậu bé thông minh.

Nhưng kể từ khi con vào tiểu học, tất cả niềm kiêu hãnh của chúng tôi nhanh chóng cạn kiệt, thực tế như tát vào mặt. Mặc dù không muốn thừa nhận, nhưng sự thật là thành tích học tập của đứa trẻ không tốt.

Con học lẹt đẹt, mỗi khi đến trường họp hành, tôi đều lặng lẽ ngồi một góc và cố tình chọn một số bộ quần áo tối màu, sợ thu hút sự chú ý của phụ huynh và thầy cô.

Để con bắt kịp thành tích học tập, tôi cũng đăng ký cho cháu học nhiều lớp phụ đạo, thậm chí thuê gia sư kèm riêng. Không chỉ vậy, con trai đi học vào ban ngày, tối tôi cho con xem nhiều sách và video hướng dẫn ở nhà, cùng con làm bài tập. Tôi cẩn thận phân tích từng văn bản và giải các câu hỏi trong kỳ thi Olympic.

Nhưng thành tích học tập của con rất bình thường

Dù vậy, điểm số của con trai tôi vẫn không quá tốt. Vì áp lực của việc học hành, thức khuya nhiều, không có thời gian cho các hoạt động ngoài trời, khả năng miễn dịch của con bị suy giảm. Cháu thường xuyên bị cảm lạnh và ốm vặt, phải đeo kính cận thị vào năm lớp bốn.

Cuối cùng, tôi phải chấp nhận thực tế rằng con tôi thực sự có năng lực “tầm thường”, trí thông minh cũng thuộc top dưới.

Bù lại, con tôi rất ngoan ngoãn, hoàn thành tất cả các nhiệm vụ học tập mà tôi sắp xếp một cách nghiêm túc.

Mùa hè năm đó, tôi đăng ký cho cháu học các lớp phụ đạo Toán và tiếng Anh, con trai tôi chủ động nói: “Mẹ đăng ký cho con học lớp tiếng Trung, nếu không con sợ sau kỳ nghỉ hè sẽ bị tụt lại phía sau…”. Tôi cảm thấy buồn bã, tự nhủ: Con trai tôi chăm chỉ và ngoan ngoãn, nhưng thành tích học vẫn không tốt. Đó có phải là lỗi của con không?

4 nguyen tac day con noi tieng giup tre hinh thanh nhan cach tot 202306262318198721
Tôi đã đồng hành cùng việc học với con trai được bốn năm, cuối cùng phải thừa nhận rằng một số người thực sự phù hợp với việc học, và một số thì không. – Ảnh minh họa. – Nguồn: pgdphurieng.edu.vn

Tôi đã đồng hành cùng việc học với con trai được bốn năm, cuối cùng phải thừa nhận rằng một số người thực sự phù hợp với việc học, và một số thì không. Điều này giống như nhiều người có thể vẽ mà không cần giáo viên dạy, hay làm thơ từ khi còn nhỏ… vậy.

Tôi và chồng nhận ra, “gen” Tiến sĩ và Thạc sĩ của chúng tôi thực sự đã sinh ra một “học sinh kém”, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Rồi tôi nhận ra mục đích thật sự của việc học

Gạt bỏ đi sự lo lắng và so sánh, tôi bắt đầu nhìn lại con trai mình, và tôi cũng bắt đầu bình tĩnh suy nghĩ về ý nghĩa của việc học. Trên thực tế, việc để con cái chăm chỉ học tập có ý nghĩa gì?

Chẳng qua là để cho con sau này có năng lực tự nuôi sống mình, nhận thức được giá trị sống của mình, đóng góp giá trị cho xã hội. Nhưng con trai của tôi chăm chỉ, hiểu biết và tốt bụng, và sau này sẽ làm một công việc bình thường, vậy tại sao phải lo lắng về việc không có gì để tự nuôi sống mình?

Con tôi tuy học Toán không giỏi nhưng cháu rất thích học nấu ăn và đã đọc hết sách dạy nấu ăn mà tôi mua. Cháu mới 10 tuổi mà đã nấu được vài bữa cơm tươm tất.

Con tôi tuy tiếng Anh không giỏi, hay quên từ, viết sai chính tả nhưng cháu có trái tim nhân hậu. Khi vừa bước vào cửa tòa nhà thấy có người đi sau, cháu luôn đưa đôi tay nhỏ bé giữ cửa, chờ đợi họ vào trong mới thả tay.

Mặc dù tiếng Trung của con tôi kém và bài viết nhàm chán nhưng cháu rất hiếu thảo với cha mẹ và hiểu được sự vất vả của đấng sinh thành.

Đêm đó, tôi bị thoái hóa đốt sống cổ, đau đầu dữ dội, con trai nói: “Mẹ đi nghỉ đi. Mẹ đừng học cùng con, con tự làm bài là được”. Tôi thiếp đi một lúc lâu, khi con làm bài xong, lặng lẽ đến bên và đắp chăn cho tôi.

Tôi đã tham gia nhiều nhóm phụ huynh, và hầu hết họ đều trò chuyện và rất lo lắng về thành tích con cái, sợ con bị thụt lùi. Khi có một đứa trẻ đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi, họ sẽ đồng loạt thả biểu tượng “wow” và liên tục bình luận “đúng là con nhà người ta, nhìn con mình mà buồn bã”.

Tôi vẫn rất tự hào về con mình

Lâu nay tôi cũng nghĩ như vậy, so sánh và thất vọng.

Nhưng bây giờ, tôi không như thế nữa.

Đầu học kỳ này, lớp bầu cán bộ, cô giáo chủ nhiệm nói với tôi: “Mẹ về nhà khen con đi, hôm nay con đã dũng cảm đứng trên bục tranh cử vào Ban thể dục thể thao. Cả 38 em trong lớp đều lớp bầu cho con, những em thua cuộc khác đều là “cao thủ học thuật” hàng đầu”.

Giáo viên chủ nhiệm cũng cho biết: “Tôi đã hỏi cả lớp tại sao cậu bé được chọn. Các học sinh nói rất nhiều. Một số nói rằng vì con có năng lực, nhiều bạn thì nhận xét vì con vui vẻ và sôi nổi. Con chị cũng rất chân thành, luôn là người đầu tiên đứng lên và giúp đỡ bất cứ ai gặp khó khăn… “.

Nghe cô nói, tôi chợt xúc động và tự hào về đứa con “không học giỏi” của mình.

Vâng, con không giỏi chút nào, và hầu như lần nào cũng khó khăn khi làm bài kiểm tra. Tuy nhiên, con bằng lòng là chính mình, yêu bản thân và người khác, tôn trọng bản thân và người khác, đối xử với những người xung quanh bằng tấm lòng bao dung và vui vẻ, đây chẳng phải là tài sản quý giá không thua kém thành tích học tập sao?

Untitled 3 3
Chúng ta không nên coi thường những điều bình thường, trái lại, nên hoan nghênh. – Ảnh minh họa. – Nguồn: Cafebiz.vn

Ai cũng khao khát thành công, giàu sang và nổi tiếng, nhưng đáng tiếc là gần 90% con người vẫn rơi vào cảnh bình thường. Từ khi con đi học, chúng ta luôn quen dùng một tiêu chuẩn duy nhất là học lực, để đo lường sự tốt hay xấu của một đứa trẻ.

Điều này không chính xác.

Chúng ta không nên coi thường những điều bình thường, trái lại, nên hoan nghênh. Nếu bạn có thể bằng lòng với cuộc sống bình thường, làm công việc mình yêu thích một cách lành mạnh và vui vẻ, không vi phạm lương tâm và nguyên tắc sống, vững vàng từng bước trong cuộc đời, và già đi trong bình yên…

Tôi nghĩ rằng đây đã là một cuộc sống thành công.

Hôm đó tan học, tôi đang đứng ở cổng trường thì thấy con đeo cặp sách chạy về phía tôi, trên tay nó tươi cười cầm một mẩu bánh quy, nó nói là do nhà trường phát lúc chiều. Trưa, con thấy ngon nên để lại một miếng cho mẹ.

Tôi chợt xúc động và thầm nghĩ, con trai mình lớn lên sẽ tự lực cánh sinh, dù làm bất cứ ngành nghề gì.

Kết thúc một ngày làm việc, con sẽ trở về ngôi nhà ấm áp của mình, là người chồng ân cần, người cha đảm đang, khi bố mẹ ốm đau, con sẵn sàng nhẫn nại chăm sóc… Tôi nghĩ đây thực sự là tương lai mà các bậc cha mẹ muốn con mình có được nhất.

Mỗi đứa trẻ đều là thiên tài

“Mọi đứa trẻ đều là thiên tài… Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch” – Albert Einstein.

22688607 288639214984591 6895915316664775090 n

Mọi đứa trẻ đều thông minh, tuy nhiên thông minh theo cách khác nhau – đó chính là quan điểm của thuyết đa trí tuệ (đa trí thông minh) của Gardner. Theo thuyết đa trí tuệ mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh trong số 8 loại: ngôn ngữ, logic/toán học, âm nhạc, không gian, vận động cơ thể, giao tiếp (tương tác cá nhân), nội tâm (hướng nội), thiên nhiên (tự nhiên học). Tuy nhiên, ứng với mỗi cá nhân sẽ có những loại trí thông minh vượt trội hơn các trí thông minh còn lại.

Thuyết Đa trí tuệ cho rằng, mỗi cá nhân hầu như đều đạt đến một mức độ nào đó ở từng “phạm trù thông minh” khác nhau. Đặc biệt, mức độ này không phải là “hằng số” trong suốt cuộc đời của mỗi người mà có thể sẽ thay đổi (tăng hay giảm) tùy vào sự trau dồi của mỗi cá nhân.

Đôi lúc, cha mẹ và người thân chỉ nhìn vào những hiện tượng, sự việc nhỏ nhặt của trẻ như: sách vở cẩu thả, chữ viết chưa đẹp, chưa chăm học, bố mẹ hay phải nhắc nhở, ở trường nói chuyện riêng thầy cô bắt làm bản kiểm điểm,… rồi trách phạt, mắng trẻ, mà không tìm hiểu nguyên nhân, nguyện vọng cũng như phong cách học tập của con mình để động viên, khích lệ giúp trẻ tiến bộ.

Trong trường hợp này, các bậc cha mẹ thường chỉ nhìn vào hiện tượng, mà chủ yếu là nhìn vào điểm số để đánh giá con em mình mà chưa nhìn vào tổng thể, chưa nhìn thấy điểm mạnh, trí thông minh nổi trội của mỗi đứa trẻ để khích lệ, khơi dậy tiềm năng, ươm mầm cho những tài năng đó, nên đôi lúc có những nhận xét bằng lời lẽ tiêu cực như: học kém, hư, lười học, nghịch, đoảng,…

Tài năng ở đây được hiểu theo 8 loại hình trí thông minh nói trên chứ không chỉ nhìn vào điểm số vì nhà trường truyền thống hiện nay đang quá chú trọng vào điểm số, chú trọng vào hai loại trí thông minh đó là: ngôn ngữ và logic/toán học, hầu như vẫn quá coi trọng điểm môn toán, môn văn và gần như mọi đánh giá chủ yếu thông qua bài kiểm tra viết, suy luận,… hầu như nhà trường không coi trọng những em có trí thông minh về âm nhạc, không gian, vận động, giao tiếp, nội tâm, tự nhiên học.

Cần nhìn vào những điểm mạnh, điểm nổi trội của con em mình theo thuyết trí thông minh đa dạng để nhận xét, đánh giá trẻ với tinh thần khích lệ giúp bé tự tin hơn, tiến bộ hơn và thành công hơn!

Hàng ngày, mỗi chúng ta đều sử dụng 8 loại hình thông minh nhưng cách thể hiện hoàn toàn khác nhau. Mỗi chúng ta là một bài hát được viết nên từ 8 nốt nhạc Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si, Đô. Cách chúng ta kết nối các nốt nhạc rất khác biệt nên không có bài hát nào giống nhau hoàn toàn. Khi sử dụng tất cả các loại hình trí thông minh theo cách của riêng mình, mỗi người sẽ góp vào thế giới một giai điệu riêng biệt mà không ai có thể tạo ra.

Vậy đó, các bậc cha mẹ hãy sáng suốt nhé, đừng vội đánh giá, dán nhãn mác tiêu cực cho con em mình chỉ vì con trẻ chưa làm được một điều gì đó. Hãy tôn trọng và nhìn nhận với tinh thần khích lệ. Và mỗi khi ta đánh giá bản thân mình hay một ai đó, hãy nhớ Einstein đã nói: “Mọi người đều là thiên tài,.. Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch”.

Và “Chín phần mười của sự giáo dục là động viên khích lệ”, Anatole France.

Và quan trọng nhất là “dạy con thành nhân trước khi thành tài”, cho dù con có tài về lĩnh vực nào đi nữa. Nhưng nếu con không lớn lên thành một người tốt, có đạo đức thì cái tài cũng trở nên vô dụng.

Cha mẹ cần quan tâm đến con, chú ý đến con, nắm bắt được tính cách con, để dễ dàng dạy dỗ điều hay lẽ phải. Trò chuyện cùng con, hoặc đưa ra các tình huống để con dễ hình dung, mà tự rút ra bài học cuộc sống quý giá cho bản thân.

Tịnh Yên (t/h)

Trào lưu ‘flex’ là gì mà “sốt rần rần” trên mạng xã hội?

“Sao mẹ lại bắt con làm việc nhà?”, câu trả lời của người mẹ này rất đáng học hỏi

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều