spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

10 điều gia huấn người cha triệu phú dặn con gái trước khi về nhà chồng

Tân Thế Kỷ – Phận làm dâu chưa bao giờ là việc dễ dàng, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo. Dưới đây là “10 điều gia huấn” vô cùng chuẩn xác mà một vị triệu phú đã khuyên dạy con gái trước khi lên xe hoa.

Triệu phú Dhananjaya nổi tiếng là người giàu có. Con gái ông là cô Visakha, người được mệnh danh là “Nữ đại thí chủ” xuất sắc cả về đức hạnh và trí tuệ vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế.

Khi Visakha mười sáu tuổi, một thủ quỹ giàu có tên là Migara muốn tìm một người vợ cho con trai ông, Punnavaddhana. Visakha có tất cả những đặc điểm mà Punnavaddhana mong muốn nên đã được cầu hôn và cô chấp nhận.

Sau khi kết hôn, Visakha chuyển đến Savatthi để sống cùng gia đình chồng. Sau khi Visakha chuyển đến sống ở nhà chồng, cha chồng cô, một tín đồ của đạo Kỳ Na giáo, trở nên rất khó chịu trước đức tin sùng đạo của Visakha đối với Phật giáo. Cuối cùng thì bố chồng cô bắt đầu tìm cách phá bỏ cuộc hôn nhân giữa con trai ông và Visakha.

Nhưng cô Visakha đã cư xử vô cùng tốt đẹp, khiến cho toàn bộ gia đình bên chồng yêu kính và cải tà quy chính. Để làm được như vậy, phải kể đến 10 điều gia huấn của bố Visakha.

10 điều gia huấn khi về làm dâu của vị triệu phú

Trước lúc Visakha về nhà chồng, ông Dhananjaya đã sáng suốt khuyên dạy con gái “10 điều gia huấn”. Chính 10 điều này đã khiến gia đình chồng vô cùng tôn kính và yêu thương Visakha.

toplist.vn
Chính 10 điều này đã khiến gia đình chồng vô cùng tôn kính và yêu thương Visakha. – Ảnh minh họa. – Nguồn: toplist.vn
  1. Không đem lửa từ trong nhà ra ngoài ngõ
  2. Không đem lửa từ bên ngoài vào trong nhà
  3. Chỉ cho đến những người có khả năng hoàn trả
  4. Không cho đến những ai không có khả năng hoàn trả
  5. Cho đến những người có thể hoàn trả hoặc những người không thể hoàn trả
  6. Ngồi một cách an vui
  7. Ăn một cách an vui
  8. Ngủ một cách an vui
  9. Hằng chăm nom ngọn lửa, coi chừng lửa
  10. Tôn trọng và kính lễ những vị trời ở trong nhà.

Khi cha của Visakha khuyên cô 10 điều này thì cha chồng cô – triệu phú Migara – ở phòng bên cạnh cũng nghe lỏm, nhưng ông chẳng hiểu ý nghĩa của chúng là gì.

Một thời gian sau khi Visakha về nhà chồng, giữa cô và nhà chồng xảy ra xung đột chỉ vì theo đạo khác nhau; cha chồng cô hầm hầm nổi giận đòi đuổi Visakha ra khỏi nhà. Ông lôi chuyện ngày xưa ra nói:

– Vậy trước khi về nhà chồng, cha cô có dạy cô mười điều cái gì mà như tiếng lóng ấy, trong đó câu nào cũng như là ám hiệu, ám ngữ, ám nghĩa; không rõ là với mục đích ám muội gì?

– Xin cha cứ nói?

– Ví dụ như câu: “Lửa trong nhà không đem ra ngoài ngõ. Lửa ngoài ngõ không nên mang vào trong nhà” là sao hả? Chẳng lẽ nào sống với mọi người mà không đem lửa cho hàng xóm láng giềng mỗi khi tối lửa tắt đèn?

Ý nghĩa phía sau rất thâm sâu

Thế là cô Visakha phải giải thích:

Câu thứ nhất có nghĩa là, nếu trong gia đình nhà chồng có chuyện gì, dù hay, dù dở, dù tốt, dù xấu cũng không nên đem ra nói chuyện với người bên ngoài. Nó chính là lửa đấy, nó sẽ tạo nên miệng tiếng không hay; nếu không gìn giữ, nó sẽ đốt cháy danh giá, đốt cháy sự thuận hòa, êm ấm trong gia đình. Là con gái có nết hạnh phải biết rõ như vậy.

Câu thứ hai cũng tương tự vậy. Chuyện nơi chợ búa, chuyện ngoài đường, chuyện hàng xóm, chuyện xấu, chuyện tốt, chuyện hay, chuyện dở của thế gian, chuyện người ta nói thế này về cha, về chồng thường do thiên vị vì tham, vì sân, vì ganh ghét, vì đố kỵ, vì tỵ hiềm, vì nịnh bợ, vì phù phiếm; chúng không bao giờ trung thực, không đáng tin.

Vậy thì nghe đâu bỏ đó, đừng mang về kể lại trong nhà tạo nên xáo trộn, lời qua tiếng lại, không hay, không tốt! Nói tóm lại là đừng ngồi lê đôi mách, nghe ngóng ba cái chuyện linh tinh, lang tang, chẳng đâu vào đâu rồi mang về trong nhà kể lại với người này, người khác! Là nữ nhân có gia giáo thì phải biết đấy là lửa, nó sẽ đốt cháy môi trường sống!

Ông triệu phú Migara lại lặng người, nghĩ thầm trong bụng: “Ôi! Họ dạy con cái tốt quá nhỉ?” nhưng ngoài mặt thì giấu cảm xúc, hỏi tiếp:

– Thế còn, cái quái gì là “chỉ cho đến những ai có khả năng hoàn trả; không cho đến những người không có khả năng hoàn trả”?

Cô Visakha lại phải giải thích cặn kẽ:

– Câu thứ ba, thứ tư là: Tài sản, vật dụng hoặc tiền bạc trong nhà phải cẩn thận gìn giữ. Nếu cho ai, cho hàng xóm hoặc người thân quen mượn cái gì, vật gì thì phải biết ngắm xem người ấy, kẻ ấy có khả năng hoàn trả lại không? Hay họ sẽ mượn mà không trả? Tiền bạc cũng vậy, nếu cho ai vay thì phải xem xét gia đình ấy, người ấy, với nghề nghiệp như vậy, kinh doanh làm ăn như vậy thì họ sẽ có sức trả lại lúc đến hạn… Còn ngược lại, nếu thấy người ta không có khả năng thì không nên cho vay, cho mượn!

Ông triệu phú gật đầu:

– Vậy thì hiểu rồi. Nhưng câu thứ năm: Cho đến những người có thể hoàn trả hoặc những người không thể hoàn trả? Tại sao chỗ này thì “cho đi hết”?

– Đây là trường hợp cho đến những thân bằng quyến thuộc hoặc những người đói nghèo, cơ cực! Ví dụ những bà con bên cha, bên chú, bên mẹ, bên dì… của chồng con gặp lúc hoàn cảnh khó khăn, nếu họ có mượn cái gì, vay cái gì đều nên cho họ vay, họ mượn.

Nếu họ có trả lại, hoàn lại cũng tốt; nếu họ không có khả năng hoặc họ không trả lại, cũng thôi! Đối với những người đói nghèo, cơ cực cũng tương tự vậy. Nếu họ có vay, mượn mà không hoàn lại, trả lại thì nên xem như là mình đã san sẻ, giúp đỡ cho họ vậy! Làm như thế hóa ra là mình thực hiện được một phước sự, một việc tốt đẹp, thưa cha!

50
Cô có phẩm hạnh trang nghiêm, tư cách thanh nhã, thái độ tế nhị, ngôn ngữ khéo léo, do biết vâng lời và tôn kính bậc trưởng thượng, quảng đại với người kém may mắn và tâm đạo nhiệt thành. – Ảnh minh họa. – Nguồn: theravada.vn

Ông triệu phú lại nín lặng, rồi ông hỏi tiếp:

– Vậy chớ “ngồi một cách an vui, ăn một cách an vui, ngủ một cách an vui” là thế nào? Con dâu ở nhà chồng mà chỉ tính chuyện an vui cho mình thôi sao? Vậy có hợp đạo lý không?

– Thưa cha! Phải nói là ngược lại. “Ngồi một cách an vui” có nghĩa là khi ngồi là phải biết ngồi chỗ nào cho phải lẽ, cho hợp lễ. Phải biết tránh chỗ ngồi của cha, của mẹ. Nếu cha mẹ có đi ngang qua thì phải đứng dậy, cúi đầu chào.

“Ăn một cách an vui” là trước bữa ăn phải xem thức ăn đã dọn đầy đủ cho cha cho mẹ và cho chồng hay chưa? Phải còn coi xem kẻ ăn người ở trong nhà có được bữa ăn chu đáo không? Và chính mình là người ăn sau cùng, ấy mới gọi con dâu thảo!

“Ngủ một cách an vui” là trước khi ngủ phải quan sát, kiểm soát mọi việc trong nhà, đóng cửa, cài then cẩn thận; xem kẻ ăn người ở có sai sót việc gì, xem họ có hoàn thành công việc được giao trong ngày hay không? Thấy đâu đó ổn thỏa rồi mới đi ngủ sau cùng! Đấy là ý nghĩa ba câu gia huấn sáu, bảy, tám mà cha con đã dạy và con luôn tâm niệm trong lòng và cũng đã làm được như vậy từ trước đến nay, xin cha minh chứng cho con điều ấy.

– Vâng! Ông triệu phú gật đầu – Đúng là cô đã làm được như thế và làm rất chu đáo là khác nữa. Thế còn hai câu cuối: “Hằng chăm nom ngọn lửa, coi chừng lửa; tôn trọng và kính lễ những vị trời trong nhà” là thế nào?

– Đấy là phải xem cha mẹ chồng và chồng như lửa, có thể đốt cháy mình. Lửa đây ý nói là phải rất thận trọng, rất cẩn trọng lúc ăn nói, lúc đi đứng, lúc giao tiếp đừng để xảy ra bất kỳ một sơ suất, một khiếm khuyết nào. Một chút bất cẩn, vô tâm hay vô ý đụng chạm đến cha mẹ hoặc chồng là mình sẽ bị cháy đấy! Vậy hãy chăm nom và coi chừng ngọn lửa ấy, thưa cha! Và cuối cùng, là phải xem cha mẹ và chồng như những vị trời ở trong nhà; tôn kính và thờ phụng các vị trời ấy như thế nào thì tôn kính, thờ phụng cha mẹ và chồng cũng y như thế ấy!

Cô Visakha giảng giải rành rẽ đâu đó mười điều gia huấn xong, ông triệu phú lặng người. Hóa ra cái ý nghĩa nó thâm sâu đến vậy, là kinh nghiệm sáng suốt khôn ngoan. Tất thảy đó đều là những lời dạy minh triết, đáng làm châm ngôn nạm ngọc thếp vàng cho những nàng dâu đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh trước khi về nhà chồng!

Ông triệu phú Migara cúi đầu, tự nghĩ: “Thế thì mình đã hiểu lầm một cách trầm trọng rồi”, bèn nói:

– Nếu sự thật là vậy thì cha thành thật xin lỗi con!

Do phẩm hạnh trang nghiêm, tư cách thanh nhã, thái độ tế nhị, ngôn ngữ khéo léo, do biết vâng lời và tôn kính bậc trưởng thượng, quảng đại với người kém may mắn, lịch duyệt và tâm đạo nhiệt thành, Visakha được lòng tất cả những ai đã được gặp.

Đây là 10 kinh nghiệm sáng suốt khôn ngoan ngàn đời để lại. Tất thảy đó đều là những lời dạy minh triết, đáng làm châm ngôn cho những nàng dâu sắp sửa về nhà chồng. Hãy nhớ rằng, muốn được đối đãi chân thành, thì hãy đối xử với gia đình nhà chồng yêu thương và thành kính.

Qua câu chuyện này ta có thể nhận ra người cha là người quan trọng hơn cả trong quá trình hình thành nhân cách của con gái. Tình cảm bền chặt và gắn bó giữa cha và con gái có thể định hình cuộc sống và tương lai của con gái.

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg

Con cái hiếu thảo phải làm được 3 điều, chu cấp tiền không phải điểm mấu chốt

Người xưa áp dụng thai giáo như thế nào để sinh được người con tài đức?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều