spot_img
30 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Người xưa áp dụng thai giáo như thế nào để sinh được người con tài đức?

Tân Thế Kỷ – Dưỡng con thành tài, mong con thành người và trở nên ưu tú, đó là việc mà bất kể bậc cha mẹ nào trong chúng ta cũng đều mong muốn. Thai giáo là khái niệm ngày càng được các ông bố, bà mẹ hiện đại quan tâm. Vậy có phải thai giáo mới được biết tới nhờ khoa học hiện nay? Thật ra thời xưa, ông bà ta đã áp dụng thai giáo từ lâu…

Phương pháp thai giáo được hiểu đơn giản là gắn kết tình cảm với con và dạy con từ trong bụng mẹ mang đến những hiệu quả tích cực về phát triển thể chất cũng như trí tuệ của con trẻ.

Các phương pháp thai giáo hiện nay

Giáo dục của khoa học hiện đại ngày nay, đối với vấn đề này cũng rất quan trọng, các chuyên gia cũng bắt đầu nghiên cứu những phương pháp giáo dục thai nhi từ trong bụng mẹ. Có người cho rằng, trong quá trình mang thai, mẹ có thể nghe nhạc Mozart để cho thai nhi phát triển trí não tốt hơn, ngoài ra, còn có thiền định, yoga, nghe nhạc không lời, đọc truyện cổ tích cho bé nghe,… cũng sẽ có hiệu quả rất tốt.

Phương pháp thai giáo trực tiếp

Đây là phương pháp bố mẹ sử dụng những thông tin bên ngoài trực tiếp tác động lên thai nhi thông qua các bài tập năm giác quan của cả mẹ và bé. Phương pháp thai giáo trực tiếp giúp thai nhi vui vẻ, hưng phấn qua đó kích thích sự phát triển tinh thần của thai nhi.

Thông qua các giác quan như: Thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác mà quá trình thai giáo đã có thể tác động đến thai nhi.

Thính giác: Bố mẹ có thể thai giáo trẻ thông qua thính giác bằng các câu chuyện kể, nói chuyện, nhạc cổ điển, câu hò, câu hát,… Âm thanh được phát ra gần bụng bầu sẽ giúp trẻ phát triển thính giác.

thai giao la gi
Ảnh: carewithlove.com.vn

Thị giác: Bố mẹ có thể dùng ánh sáng của đèn pin để thực hiện. Sử dụng đèn pin có ánh sáng dịu nhẹ, tránh ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp qua lớp giấy nilon màu vào thành bụng trong vài giây rồi tắt đi.

Di chuyển đèn dọc theo bụng, tốc độ chậm rãi, chờ xem các phản ứng của bé. Trong khi thực hiện chiếu đèn, mẹ bầu nên trò chuyện âu yếm với trẻ để tạo sự âu yếm, thân quen. Hành động này có thể kéo dài 5 phút, thực hiện 3 lần.

Quá trình này không nên thực hiện quá thường xuyên bởi có thể gây tổn hại cho các tế bào mắt non nớt của thai nhi. Ngoài ra, tắm nắng cũng là một cách để phát triển thị giác cho trẻ.

Xúc giác: Massage chính là cách phổ biến nhất để mẹ thực hành thai giáo bằng xúc giác. Tuy vậy, bố mẹ đặc biệt lưu ý quá trình massage cần phải có kỹ thuật chứ không phải dùng tay xoa lên bụng nhiều lần. Cách thực hiện là mỗi ngày nên tiến hành mát xa vuốt ve bụng mẹ bầu khoảng 5-10 phút vào buổi sáng và buổi tối.

Vị giác: Những gì thai phụ ăn uống đều sẽ đi vào trong tử cung và thai nhi đều cảm nhận được mùi vị khác nhau của các thức ăn. Để kích thích vị giác phát triển, thai phụ cần ăn những thức ăn ngon, hợp khẩu vị, giàu dinh dưỡng, uống nước trái cây, sinh tố.

Khứu giác: Để phát triển khứu giác, thai phụ nên ngửi những hương thơm mà mình thích, ưu tiên mùi hương thiên nhiên như hoa quả, cây cỏ và mùi của những loại thức ăn ưa thích.

Phương pháp thai giáo gián tiếp

Đây là phương pháp bố mẹ sử dụng các biện pháp chăm sóc trực tiếp cơ thể người mẹ về mặt dinh dưỡng, tinh thần. Phương pháp này giúp thai nhi tiếp nhận được mọi hành động, suy nghĩ, cảm xúc của mẹ bầu.

Có thể thấy hiện nay người ta áp dụng thai giáo chủ yếu để cho thai nhi phát triển đầy đủ được về trí tuệ và thể chất. Tư tưởng giáo dục của người xưa lại luôn coi trọng “Đức dục” (tức giáo dục thai giáo), đạo đức được giáo dục cho thế hệ sau bắt đầu từ khi thai nhi vẫn đang còn trong bụng mẹ, lời nói và cử chỉ của bậc cha mẹ khi mang thai luôn lấy mình làm gương, khiến cho thai nhi được phát triển trong môi trường điều kiện thuần khiết nhất.

Người xưa cho rằng “thai giáo” là cần phải đoan chính từ lời nói đến hành vi

Người có phương pháp thai giáo nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc là Thái Nhâm, mẹ của Chu Văn Vương. Trong cuốn “Liệt nữ truyện – Chu thất tam mẫu” miêu tả: Khi Thái Nhâm mang thai thì mắt không nhìn những cảnh xấu xa, miệng không nói lời ngạo mạn, tư thế đoan chính, cũng coi trọng thế đứng dáng ngồi.

Bởi vì bà rất chú ý trong quá trình mang thai, cho nên con của bà, chính là Chu Văn Vương sau này, ngay khi còn nhỏ đã có biểu hiện tài năng phẩm hạnh hơn người, chẳng những phẩm hạnh đoan chính, mà trí tuệ thông minh, năng lực học tập vượt trội, chỉ cần dạy một thì có thể hiểu một trăm. Vì thế người đời sau cho rằng Chu Văn Vương được như vậy chính là nhờ vào công lao bà Thái Nhâm áp dụng “thai giáo” thành công.

Theo cuốn “Tân Thư” của chính trị gia nổi tiếng Giả Nghị đời Tây Hán và “Liệt nữ truyện” của Lưu Hướng, có thể thấy vào thời nhà Hán có những yêu cầu nghiêm khắc đối với phụ nữ mang thai.

shutterstock 1488601826 1024x745 1
Cổ nhân xưa nhìn nhận thai giáo cần bắt đầu từ suy nghĩ ngay chính, cử chỉ đoan trang, ngôn từ mẫu mực của người mẹ. (Ảnh: Shutterstock).

Trong đó viết rằng: “Phụ nữ mang thai khi ngồi hay đứng thì thân thể phải ngay thẳng; không được ăn những thức ăn lạ, mùi vị khó chịu; tai mắt không nên nghe nhìn những việc dâm tà; khi cười thì phải nhẹ nhàng êm ái; cho dù có tức giận thì miệng không nên nói lời ác; buổi tối đọc sách cho đứa trẻ trong bụng nghe. Cứ theo phương pháp này mà dưỡng thai, thì tương lai đứa trẻ là một người có hành vi lời nói đoan chính, tài đức vẹn toàn”.

Ngoài ra, theo cuốn “Y tâm phương – Cầu tử”, là một sách thuốc cổ xưa, thì có ghi chép tường tận nội dung đối với vấn đề “thai giáo”, cũng đưa ra lời khuyên phụ nữ mang thai nên thường xuyên nghe âm nhạc. Điều này cũng trùng hợp với phương pháp thai giáo thời hiện đại.

Nhưng người xưa không phải dùng âm nhạc để tác động lên thai nhi, mà là nhằm để cho người mẹ bình ổn tinh thần, lấy tinh thần của người mẹ ảnh hưởng tích cực lên thai nhi. Có thể nói đây là một phương pháp rất khoa học.

Thời xưa, những người phụ nữ có đức hạnh khi mang thai đều ăn thức ăn thanh đạm để tốt cho con của họ, họ hoàn toàn không ăn những đồ ăn có mùi vị cực đoan hay ăn để thỏa mãn cảm giác thèm ăn. Theo cách đó, bào thai trong bụng mẹ sẽ luôn lớn lên trong trạng thái nhẹ nhàng, lương thiện, cung kính, giản đơn, bình hòa, điều này cũng tạo nền tảng tốt cho sự chăm sóc dạy bảo sau này. Đạo lí vật chất và tinh thần là nhất tính đã được thể hiện trong thai giáo từ xưa như vậy.

Trong “Nữ phạm tiệp lục” có viết: “Cha trời mẹ đất, trời ban cho đất sinh thành. Khí phách giống cha, tính khí giống mẹ. Nữ nhân hiền minh thời xưa mang thai, phương diện thai giáo tất cẩn trọng. Vậy nên việc giáo dục làm mẹ phải ưu tiên hơn giáo dục làm cha, sự giáo dục của người mẹ cần nghiêm túc hơn quy tắc pháp luật”. Đó là tổng kết hay nhất của người xưa về giáo dục con cái, đặc biệt là con gái.

Phương pháp giáo dục không được bỏ gốc lấy ngọn

Theo những sách cổ kể trên, có thể thấy người xưa rất coi trọng “giáo dục đạo đức” cho thai nhi, từ khi bắt đầu mang thai cho đến 9 tháng 10 ngày sinh hạ, người làm cha mẹ phải cẩn trọng, gương mẫu trong lời nói hành vi, để cho thai nhi nhận thức được ở trạng thái thuần khiết nhất.

Xem qua kinh nghiệm của người xưa, thì nhận thấy rằng, sự thành công của giáo dục đạo đức không chỉ là làm cho trẻ phát triển về mặt trí tuệ, học hành xuất sắc, mà còn có thể làm cho trẻ trưởng thành với nhân cách đáng trân quý.

Một người có phẩm hạnh, chính trực, thì có thể chuyên tâm học hành, không bị những cám dỗ dục vọng lôi kéo sa ngã; sẽ theo đuổi sự nghiệp, ước vọng của mình cho đến cùng mà không nản lòng thoái chí, bỏ dở. Nếu nhìn xa hơn, những đứa trẻ được giáo dục đạo đức từ khi còn nhỏ, đến khi trưởng thành sẽ là một công dân tốt đẹp của xã hội, cho dù không phải là tinh anh xuất sắc, thì cũng sẽ là những con người gìn giữ đạo đức và văn hóa.

Ngày nay, cha mẹ luôn mong muốn con mình phải có đủ tài năng, phải đạt thành tích xuất sắc hơn người, nhưng có hay không ngẫm lại xem, ngoài tiền tài và danh lợi, thì rốt cuộc cha mẹ cho con được những gì? Phải giáo dục con trẻ như thế nào mới tốt? Có lẽ nên ngẫm lại những kiến thức “thai giáo” của người xưa, chúng ta mới có thể tìm ra đáp án.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Vandieuhay.net

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 3

Tại sao một số người đối xử tệ với người thân nhưng lại giúp đỡ người ngoài?

Bùng nổ trào lưu “dạy con ngược”

 

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều