spot_img
21 C
Vietnam
Thứ năm,19 Tháng chín
spot_img

Tính sĩ diện của nhiều người Việt: Mua iPhone mới, ăn mỳ tôm trừ bữa

Tân Thế Kỷ – Đến hẹn lại lên, nhà sản xuất Apple tiếp tục cho ra sản phẩm điện thoại iPhone 15 và cũng là lúc câu chuyện về thói sĩ diện hão lại có dịp được đem ra bàn luận. Bạn bè đứa nào cũng IPhone mới, mình lạch cạch điện thoại “cùi bắp” thì nhục lắm, dù có phải ăn mỳ tôm trừ bữa cũng phải cố sắm một cái.

Đây là suy nghĩ của không ít bạn trẻ và với tâm lý đó, cho dù Việt Nam có mức thu nhập vào loại thấp của thế giới thì mật độ dùng điện thoại IPhone ở các thành phố lớn cũng không thua bất kỳ nước giàu nào, thậm chí có khi còn hơn.

Trên mạng xã hội xuất hiện xuất hiện một thông tin theo đó Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia nằm trong số những nơi người dân cần làm việc gần 2 tháng mới đủ tiền lên đời điện thoại iPhone 15 Pro, lần lượt là 55,6 và 55,9 ngày. Trong khi đó trung bình người Mỹ cần làm việc 5,3 ngày.

screenshot 2023 09 13 at 152157 1211
Đến hẹn lại lên, nhà sản xuất Apple tiếp tục cho ra sản phẩm điện thoại iPhone 15 và cũng là lúc câu chuyện về thói sĩ diện hão lại có dịp được đem ra bàn luận. – Ảnh minh họa: vietnamnet.vn

Tây cũng phải lác mắt

Sarah, cô gái 29 tuổi người Australia đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội, mắt tròn mắt dẹt khi thấy các đồng nghiệp và bạn bè Việt Nam phần lớn dùng iPhone, đến quán cà phê cũng thấy nhan nhản thứ điện thoại mà cô vẫn cho là rất cao cấp này trong tay các nam thanh nữ tú. “Tôi cứ tưởng Việt Nam nghèo lắm, không ngờ các bạn trẻ mà đã kiếm được nhiều tiền như vậy”.

Với thu nhập 2.500 USD mỗi tháng, Sarah chỉ dùng một chiếc điện thoại giá trên dưới 4 triệu đồng. Cô cho biết ở nước cô, iPhone vẫn là loại hàng hóa cao cấp, xa xỉ, vì thế nếu không có thu nhập cao thật sự thì phải rất mê công nghệ mới mua nó.

Sarah hẳn sẽ càng ngạc nhiên nếu biết rằng, ở Việt Nam, những người có thu nhập khoảng 300 – 400 USD mỗi tháng dùng iPhone là hết sức bình thường, đầy người thất nghiệp hay chưa làm ra tiền cũng phải mua iPhone cho bằng bạn bằng bè.

Duy Tuấn, 31 tuổi, sống ở phường Lê Lợi, thành phố Vinh, là công chức nhà nước, lương gần 3 triệu đồng. Vợ anh mở quán bán bánh kẹo, bim bim tại nhà, thu nhập vừa đủ nuôi hai đứa con và có một chút tích lũy phòng khi đau ốm. Thế nhưng Tuấn vẫn bắt vợ bớt tiền tiết kiệm để mua cho anh một “con” iPhone hồi mới có phiên bản 3G, rồi khi bản mới xuất hiện anh lại thêm tiền để đổi. Tuấn không ham chụp ảnh, cũng chẳng mê nghe nhạc, nhưng thích ngồi cà phê với bạn bè và vì thế cần phải có iPhone.

Ai gặp Lê Thiên cũng nghĩ chàng trai 24 tuổi này là một mẫu thành đạt sớm: ăn mặc rất sang, iPhone, iPad đủ bộ, ngồi ở những quán cà phê của giới sành điệu. Nhưng nếu theo chân Thiên sau những cuộc gặp đó, sẽ thấy anh lui về một xóm trọ, trong căn phòng lụp xụp mà anh thuê chung với ba người bạn.

Ra trường gần hai năm mà Thiên chưa ổn định việc làm, vẫn thử việc hết chỗ nọ chỗ kia. Nhưng để có một vẻ ngoài sáng choang “cho chúng nó khỏi khinh”, dù toàn mua đồ dùng rồi, anh chẳng những phải nhịn ăn nhịn uống mà còn vay nợ loanh quanh, nói dối bố mẹ xin tiền…

“Mấy giờ rồi mà còn đi xe máy?”

Đó là câu mà Nhật Minh (23 tuổi, Hà Nội) nói với bố mẹ lúc ông bà đề xuất mua cho con trai chiếc xe máy mới, sau khi anh phàn nàn là cái xe Nouvo đang đi đã quá “tã”. Minh muốn bố mẹ mua cho anh một con xế hộp vì “bố mẹ xem, bạn con còn đứa nào ngày ngày đội mũ bảo hiểm hít bụi như con đâu”.

khach viet co co hoi trai nghiem xe sang maserati tren toan quoc 25 .9331
Ảnh minh họa: redsvn.net

Bao lâu nay, Minh vẫn đau đáu về chuyện phải mua được xe hơi, vì anh cảm thấy “hèn hèn, nhục nhục thế nào” khi mỗi lần tụ tập, đám bạn nhãn nhã trên chiếc bốn bánh còn anh tất ta tất tưởi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại chờ bảo vệ ghi số lên yên. Còn hễ cả đám rủ nhau đi chơi xa là anh phải muối mặt đi ké.

Thực ra bạn đồng lứa của Minh đa số vẫn cưỡi xe máy, thậm chí xe còn cà tàng hơn anh, nhưng anh không kể đến họ, vì “ở đời nhìn lên chứ cứ nhìn xuống thì bao giờ cho khá được”. Nhật Minh giận dỗi, làm mình làm mẩy với bố mẹ, cuối cùng các cụ cũng rút sổ tiết kiệm ra cho con mua xe.

Còn Trung Trực, 26 tuổi, Thanh Hóa thuyết phục bố mẹ mua ô tô để có cái chở hàng. Gia đình anh kinh doanh, ki-ốt thuê mặt phố rất bé nên kho hàng vẫn đặt ở nhà, khách mua nhiều vẫn phải chở từ nhà ra. Trực nói, thuê xe ôm vừa tốn vừa không chở được nhiều, phải mua ô tô, khi cần ra Hà Nội lấy hàng thì tự đánh xe mình luôn.

Ông bố đồng ý, bảo mua cái xe tải loại nhỏ, thế là Trực giãy lên: “Xe tải con không có bằng lái, hàng nhà mình có cồng kềnh đâu mà cần xe tải, mua xe thường thôi, để thỉnh thoảng cả nhà mình còn chở nhau đi chơi chứ”.

Ông bố bảo mua gì thì mua, trong vòng 350 triệu thôi. Ngay hôm sau, Trực mang về cái Camry bóng loáng: “8 trăm triệu bố ạ, bạn con bán rẻ”. Ông bố nhảy dựng lên, nhưng ông con bảo: “Con đặt cọc rồi, nó phải đuổi mấy khách đi để bán cho con, không lấy nó chửi chết”. Thế là bố phải xì tiền.

Từ hồi về nhà, cái xe ấy chưa chở hàng được bữa nào. Tối tối, Trực lái nó đi nhậu, đi uống nước, quán cách nhà có vài cây số. Anh bảo với đám bạn: “Ông già tao bảo sao không mua Matiz hay Vitara. Trời ơi, cái mặt tao mà lại đi mấy cái chuồng gà đó cho chúng nó cười thối mũi sao”.

Đua đòi bao giờ cũng đi kèm lãng phí

Không có tiền, cũng không thực sự cần nhưng vẫn phải mua bằng được vì nó là thời thượng, vì người khác có mình cũng phải có…, cái bệnh đua đòi này có vẻ càng ngày càng nặng. Bao nhiêu cô nữ sinh bố mẹ chẳng giàu là mấy nhưng ngốt hết cả người vì ngày nào trên Facebook cũng có đứa bạn tung ảnh váy, túi hoặc phấn son hàng hiệu vừa sắm được lên khoe, thế là nỉ non, khóc lóc “nã” tiền phụ huynh bằng được. Bà mẹ, trong khi rên rỉ vì giá xăng tăng 900 đồng/lít, hay thở than vì bó rau muống hôm qua mới 6.500, nay đã 7.000 đồng, thì vẫn phải móc tiền triệu cho con gái ném vào cuộc đua phù phiếm.

Không chỉ các cô bé, nhiều phụ nữ trưởng thành cũng lao vào cơn lốc này. Không phải người mẫu, diễn viên, không có thu nhập khủng, nhưng họ vẫn cảm thấy mình “kém tắm” nếu túi không phải LV, Hermes, mỹ phẩm không phải Chanel…; bản thân và gia đình cố được thì kiếm đàn ông chu cấp.

Bởi bỏ cả đống tiền mua hàng xa xỉ chỉ bởi đua đòi chứ không do nhu cầu thật sự nên chuyện lãng phí là đương nhiên. Chiếc iPhone đắt đỏ bởi bao tính năng hữu dụng tuyệt vời, nhưng trong tay nhiều người, ngoài việc làm đẹp mặt chủ nhân và chơi game, nó chẳng có tích sự gì khác. Chiếc xe ô tô mà họ phải è cổ đóng số tiền thuế và phí khổng lồ, rốt cục chỉ để lấy le và gây tắc đường. Nếu họ là đại gia hay thiếu gia thì đã đành một nhẽ, đằng này nhiều người vẫn nhăn mặt kêu khổ khi vợ bảo đưa tiền thay bộ chăn ga đã quá cũ…

Có anh trong các buổi nhậu cứ hô hào bạn bè uống Hennessy, Chivas… thoải mái, đồ ăn đắt tiền gọi đầy bàn cuối buổi còn nguyên cũng chẳng thèm mang về, nhưng khi vợ bảo đưa tiền mua sữa cho con thì lục túi trên túi dưới chẳng ra được đồng nào. Biết là phí, là vung tay quá trán nhưng họ cảm thấy không thế không được, thể diện đàn ông lớn lắm, không gì ê mặt bằng thua thằng khác…

Có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, không chịu thua kém người khác là một tâm lý tích cực, nó thúc đẩy người ta cạnh tranh, phấn đấu vượt qua chính mình, giúp xã hội ngày càng phát triển. Nhưng đó là khi người ta sợ thua kém nhau về trình độ, năng lực, phẩm cách, về mức độ thành đạt thực sự. Nhưng buồn thay, bây giờ nhiều người chỉ sợ mình thua kẻ khác những vàng son đắp điếm bên ngoài mà thôi, và để có cái iPhone cùng lướt web với thiên hạ, dù có phải ăn cơm chan mắm họ cũng cam lòng.

Bề ngoài không bao giờ đánh giá đúng được bản chất của một con người

Nhiều ý cho rằng thói hoang phí, sĩ diện không chỉ xuất hiện ở giới trẻ mà còn có ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhà báo Trương Anh Ngọc – người từng có nhiều thời gian sống và làm việc ở nước ngoài đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Theo nhà báo Trương Anh Ngọc, một số người Việt có tư tưởng nhìn bề ngoài để cư xử.

Họ thấy người có vẻ ngoài sang trọng, đi xe đẹp, ăn mặc sành điệu thì có thái độ niềm nở, tôn trọng. Nhân viên bán hàng săn đón nhiệt tình. Ngược lại, người có bề ngoài không bóng bẩy, không ăn mặc lịch sự thường bị đánh giá là thấp kém. Khi ra ngoài, họ hay bị phân biệt đối xử.

Tức là, người ta nhìn bề ngoài để đánh giá năng lực, trình độ của một người. Đây là tư tưởng sai lầm. Thực tế, bề ngoài không bao giờ đánh giá đúng được bản chất của một con người.

Bot song ao bot si dien se co hanh phuc ben lau nha bao Truong Anh Ngoc
Bớt sống ảo, bớt sĩ diện sẽ có hạnh phúc bền lâu”, nhà báo Trương Anh Ngọc

Anh nêu quan điểm, trong xã hội trọng giá trị hình thức, thích giá trị ảo và trọng đồng tiền, hình dáng bên ngoài dễ tạo ra ấn tượng ban đầu.

Theo anh, việc lấy hình thức để tạo ra giá trị bản thân không có gì là xấu. Tuy nhiên, nếu theo đuổi những giá trị đó quá mức, người ta sẽ đánh mất bản thân mình. Từ đó, cổ súy cho lối sống ảo, lối sống vật chất. Các giá trị tốt đẹp cũng dần mai một.

Thực tế có nhiều bạn trẻ mua xe cộ, đồ công nghệ… không phải bằng tiền mồi hôi, công sức mình làm ra. Họ tìm nhiều cách để thỏa mãn nhu cầu cá nhân trong một khoảng thời gian mà không cần nghĩ đến tương lai ra sao.

Đó là vay mượn, là sống vội, sống gấp và làm nhiều điều trái đạo đức để kiếm tiền không chính đáng. Những giá trị đó sẽ không lâu bền. Trước sau con người thực sự của họ cũng bị bóc trần.

Sống ảo, sĩ diện không phải câu chuyện của giới trẻ mà còn là câu chuyện ở các lứa tuổi khác. Đặc biệt khi mạng xã hội phát triển như Facebook, Instagram… người ta càng thích thể hiện hình ảnh của mình qua các trang cá nhân này, biến nó thành cuộc đua, khoe khoang…

Người ta làm tất cả để đi theo những giá trị phù phiếm và thích nhận những lời khen hơn là lắng nghe những lời phê phán, góp ý. Khi cuộc sống không như họ mong muốn, những người này thường rơi vào trạng thái tiêu cực và khó thoát ra.

Nhà báo Anh Ngọc khẳng định, những người không quan tâm đến giá trị ảo, không bị ảnh hưởng bởi các xu hướng bên ngoài hoặc không khoe khoang, sĩ diện thường có cuộc sống thoải mái, vui vẻ hơn.

“Thay vì khoe nhà, ô tô sang, thân hình đẹp hay thành tích… mọi người dành thời gian quan tâm đến giá trị sống, vun đắp tâm hồn như vợ chồng cùng con khám phá điều gì mới mẻ; tham gia các dự án từ thiện… Bớt sống ảo, bớt sĩ diện sẽ có hạnh phúc bền lâu”, nhà báo Trương Anh Ngọc nói thêm.

Dạy con, không nên so sánh mình với người khác

“Người lớn quen sống hoang phí, con trẻ cũng dễ học theo. Nếu không thay đổi, sẽ tác động xấu đến không chỉ một mà còn nhiều thế hệ kế tiếp”, nhà báo Trương Anh Ngọc nói.

Anh chia sẻ thêm, hiện con gái anh du học bên Anh. Gia đình anh thường dạy con, không nên so sánh mình với người khác. Bạn kia có Ipad, con không có cũng không sao. Con càng không được so sánh về nhà cửa, tài sản, tính cách, gia thế…. Khi không có tư tưởng so sánh, đứa trẻ không có khái niệm phải bằng mọi giá được như bạn, không chạy đua theo lối sống ảo.

Vợ chồng anh Trương Anh Ngọc đặc biệt chú trọng dạy con về việc chi tiêu. “Vợ chồng tôi không bao giờ chu cấp cho con quá nhiều tiền. Nếu thường xuyên cho con một khoản tiền lớn, con sẽ không đánh giá đúng được giá trị đồng tiền bố mẹ làm ra.

Các bậc cha mẹ nên cung cấp cho con vừa đủ, không thừa và cũng không thiếu. Mỗi năm, cháu tự giành học bổng của trường để giảm bớt một phần chi phí cho bố mẹ”, anh nói.

Nhà báo Trương Anh Ngọc kể, mỗi tháng anh chỉ gửi cho con một khoản tiền cho các việc thiết yếu. Con phải lập kế hoạch chi tiêu sao cho hợp lý. Nhu cầu thì nhiều nhưng cái gì cần mới mua.

Anh cho biết thêm, ngay từ nhỏ, con gái anh được mẹ dạy cách định khoản chi tiêu. Với một số tiền cụ thể, phải chi làm sao để không bị thiếu mà vẫn thoải mái.

“Đó là bài toán kinh tế vỡ lòng cho con. Tôi nghĩ gia đình nào cũng nên trang bị cho con mình, nó thực sự hữu ích. Khi con vào đại học, tôi khuyến khích con đi làm thêm”, anh nhấn mạnh. Theo anh, việc sinh viên đi làm thêm để lo chi tiêu cho bản thân không có gì xa lạ.

“Ngày tôi còn ở bên Pháp, tôi gặp nhiều sinh viên Việt Nam đi chạy bàn. Công việc vất vả, lương của họ so với thu nhập người bản địa là thấp nhưng họ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, tăng khả năng giao tiếp tốt hơn. Sinh viên đi làm sẽ được va vấp với cuộc sống, hiểu được giá trị đồng tiền, định hướng tư duy và tính cách”, anh cho hay.

1.sinh vien di lam them
Sinh viên đi làm sẽ được va vấp với cuộc sống, hiểu được giá trị đồng tiền, định hướng tư duy và tính cách – Ảnh minh họa. – Nguồn: itc.edu.vn

Mỗi người đều có cuốn nhật ký cuộc đời của bản thân mình, mỗi một người đều có phương hướng của riêng mình. Vậy nên bạn hãy đi con đường của mình, sống cuộc sống của mình, làm những gì mình cho là hạnh phúc. Đừng mãi bị quan niệm của người khác dẫn dắt, rốt cục chỉ làm cho chính mình thêm phiền lòng mà thôi.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Đáng nhớ

BN 2 jpeg 3

Chụp ảnh cưới với một chú rể… đi thuê

 

Học người Đức cách dám để con “thua ở vạch xuất phát”

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều