Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố, mục tiêu cuối cùng của đất nước ông là sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới, tờ KCNA đưa tin ngày 27/11.
Tờ Reuters đưa tin, ngày 18/11, ông Kim thị sát vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 mới của nước này và đe dọa sẽ đáp trả các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Lực lượng hạt nhân đang được xây dựng để bảo vệ phẩm giá và chủ quyền của nhà nước và nhân dân, với “mục đích cuối cùng là sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới, lực lượng tuyệt đối chưa từng có trong thế kỷ này”, ông Kim tuyên bố trong sắc lệnh thăng bậc cho hàng chục sĩ quan quân đội tham gia vụ phóng tên lửa Hwasong-17 vừa qua.
Chụp ảnh cùng các nhà khoa học, kỹ sư, lãnh đạo quân đội và nhiều nhân vật khác tham gia cuộc thử nghiệm, ông Kim bày tỏ kỳ vọng tiếp tục mở rộng và tăng cường năng lực răn đe hạt nhân của đất nước với tốc độ nhanh chóng.
Những người tham gia thử nghiệm tuyên thệ trung thành với đảng cầm quyền, cam kết sẽ bảo vệ “quyền lực tuyệt đối” của đảng và nhà lãnh đạo Kim, cũng như tuyên bố rằng, “tên lửa của chúng tôi sẽ chỉ bay theo hướng mà ông Kim chỉ đạo”.
Tên lửa Hwasong-17 đã được Ban Thường vụ Quốc hội nhân dân tối cao Triều Tiên trao tặng danh hiệu “Anh hùng của Triều Tiên, Huân chương Sao vàng và Huân chương Quốc kỳ hạng nhất”, tờ KCNA đưa tin.
“Tên lửa này rõ ràng đã chứng minh với thế giới rằng, Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân có đủ năng lực để đối phó với ưu thế hạt nhân của Mỹ và phóng chiếu toàn bộ sức mạnh của mình với tư cách là quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa mạnh nhất”, theo KCNA.
Tuy nhiên, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đã vấp phải không ít phản đối của các quốc gia phương Tây.
Hôm 18/11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp gồm các nhà lãnh đạo từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và New Zealand bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, để lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, theo tờ Reuters.
“Hành vi gần đây nhất của Triều Tiên là một sự vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). Điều đó làm mất ổn định an ninh trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng một cách không cần thiết”, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại cuộc họp.
Vụ phóng hôm thứ Sáu (18/11) của Triều Tiên diễn ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Hai (14/11) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Bali (Indonesia).
Ông Biden nói rằng, Bắc Kinh có nghĩa vụ thuyết phục Triều Tiên ngừng phóng thử hạt nhân, nhưng ông không chắc liệu Trung Quốc có thể lay chuyển được Bình Nhưỡng hay không.
Hôm 21/11, Hội đồng Bảo an LHQ đã triệu tập một cuộc họp để phản ứng trước vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên vào thứ 6 tuần trước. Vụ phóng này là một phần của loạt thử nghiệm tên lửa mang tính khiêu khích trong năm nay của Bình Nhưỡng.
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Mỹ và các đồng minh đã mạnh mẽ chỉ trích vụ phóng ICBM, đồng thời kêu gọi cùng hành động để hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã phản đối mọi lệnh trừng phạt áp lên Triều Tiên.
Hồi tháng 5, hai nước này cũng phủ quyết một nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vì các vụ thử tên lửa đạn đạo của nước này – vốn bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Đáp lại, bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, hôm 22/11 đã lên tiếng cảnh báo rằng, Mỹ sẽ phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng an ninh chí tử hơn nữa”.
Bà Kim Yo Jong cho biết, Triều Tiên sẽ coi tuyên bố do Mỹ đứng đầu là “sự vi phạm bừa bãi chủ quyền của Triều Tiên và là một hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng”.
“Mỹ nên lưu ý rằng, cho dù họ có kịch liệt đến mức nào trong việc tìm cách giải trừ vũ khí (Triều Tiên) thì họ cũng không bao giờ có thể tước đoạt quyền tự vệ (của Triều Tiên). Mỹ càng tỏ ra cứng rắn trong các hành động chống Triều Tiên, họ sẽ càng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh chí tử hơn nữa”, bà Kim Yo Jong nói.
Triều Tiên cho biết, các hoạt động thử nghiệm tên lửa của nước này nhằm đáp trả các cuộc tập trận quân sự thường xuyên giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Phía Bình Nhưỡng coi đây là một cuộc diễn tập xâm lược. Đáp lại, giới chức Washington và Seoul nói rằng, các cuộc tập trận của họ chỉ mang tính chất phòng thủ.
Thanh Hải (NTDVN)