Tân Thế Kỷ – Từ status chia sẻ về thói quen mang theo bánh, sữa… bên mình mỗi khi ra đường của một cô gái trẻ, nhiều người cũng “tiết lộ” câu chuyện tương tự để giúp người khó khăn hơn mình, khiến cư dân mạng ấm lòng.
Thói quen chia sẻ của các bạn trẻ
Cách đây 3 năm, khi đi làm về muộn, Lã Minh Anh gặp ông cụ bán hàng rong đang ngủ gục bên đường. Có cảm giác bất an, hơi lo cho cụ nên cô gái dừng xe hỏi thăm, tiện mua hàng để cụ về sớm. Minh Anh gọi cụ dậy thì cụ bảo vì đói quá nên ngủ thiếp đi. Cô gái chạy xe lòng vòng kiếm chỗ mua đồ ăn và rất lâu sau mới tìm được chỗ bán. “Từ đó, trong người mình lúc nào cũng có sẵn bánh mì ngọt để nhỡ gặp ai đang cần giúp thì tặng luôn”, Minh Anh nói.
Trong cặp của cô gái này còn có thêm “tủ thuốc cá nhân” bao gồm: thuốc huyết áp, giảm đau, thuốc suyễn, viên canxi sủi… phòng trường hợp xung quanh có ai bị gì thì “sẵn đồ nghề chữa cháy liền”. Vừa học vừa làm thêm, phải di chuyển và tiếp xúc nhiều người nên những món đồ nhỏ mang theo cứ nhiều lên và thành thói quen của cô lúc nào không hay.
Còn An Hạ thì từ hồi học cấp 3 dù đã ăn sáng nhưng cứ gần trưa cô lại hay bị hạ đường huyết. Với kinh nghiệm trên, Hạ có thói quen mang theo kẹo. Sau này, khi gặp người nào… giống mình thì Hạ có kẹo đưa họ ngậm để sớm khỏe. Chưa kể, cô gái cũng thường tặng kẹo cho những đứa trẻ mình gặp ở bất kỳ đâu.
Cũng giống Minh Anh, An Hạ có túi y tế nhỏ trong ba lô gồm: miếng dán hạ sốt, thuốc giảm đau, thậm chí cả băng vệ sinh… để kịp thời chia sẻ cho người cần. Cả 2 cô sinh viên chưa bao giờ thống kê số lượng bánh kẹo hay số người mình đã giúp vì nghĩ việc làm của mình không quá lớn lao.
Của cho không bằng cách cho
Trong khi đó, bà mẹ trẻ Thảo Uyên (24 tuổi, ở TP.HCM) bắt đầu thói quen này từ tháng 6 sau 2 năm ở nhà chăm con nhỏ.
Lúc trước ra đường, dừng xe ngay ngã tư nhìn thấy người vô gia cư hay các em bé ăn xin, Uyên thường cho họ tiền lẻ mang theo. Thảo Uyên kể chồng cô đề xuất nên cho đồ ăn, quần áo hay bất cứ thứ gì hữu ích ngay lúc đó. Giờ đây, cứ mỗi sáng khi soạn ba lô cho con đến nhà trẻ, Uyên chuẩn bị thêm vài cái bánh hay hộp sữa bỏ vào balo của mình.
Bà mẹ trẻ chia sẻ rằng không tốn nhiều tiền cho khoản thêm này “Vì không phải ngày nào cũng gặp được người cần tặng”. Khi gặp em bé chừng 2 tuổi đi bán vé số, Thảo lục trong ba lô thấy còn 1 hộp sữa tươi. “Mình mừng rỡ lấy ra đưa cho em bé ngay. 2 mẹ con thể hiện vẻ xúc động trên gương mặt, tuy bất ngờ nhưng không quên nói lời cảm ơn.
Lúc đó, mình thấy thực sự đã giúp cho họ một điều gì đó, hơn cả việc mua vé số hoặc cho họ ít tiền. Mình có cảm giác ấm áp trong tim khi làm việc tốt”, Thảo Uyên xúc động nói.
Minh Anh thường mua vé số từ người bán dạo rồi lấy 1 tờ tượng trưng, tặng người bán 1 – 2 tờ. Cô cho biết học điều này vì cách đây vài năm có mua vé số và bảo không lấy tiền thối nhưng người bán nhất quyết không chịu. “Muốn giúp đỡ thì cũng phải làm sao để người được giúp không cảm thấy ngại, của cho không bằng cách cho là vậy”, Minh Anh nói.
Cô gái tâm niệm, nếu gặp ai chưa tìm được lý do để yêu thương bản thân và chưa cảm thấy cuộc sống này đáng sống, thì cô sẽ nói với họ rằng: trở thành người tử tế thôi đã là một điều quý giá và xứng đáng để hài lòng về bản thân. Cô chỉ có mong muốn duy nhất là “một ngày mình không cần phải mang bánh theo bên người nữa”.
Còn An Hạ mong rằng sự giúp đỡ sẽ lan tỏa rồi tinh thần đền đáp cứ thế tiếp nối. Mình giúp người này thì họ sẽ giúp lại người khác hoặc có khi bản thân mình cũng được nhận lại.
Có lẽ một số người sẽ nghĩ rằng những bạn trẻ trên lo chuyện “bao đồng”, họ nghĩ rằng giúp đỡ người khác thì mình có được lợi lộc gì đâu, cuộc đời mình còn lo chưa xong,… Thật ra việc quan tâm và giúp đỡ người khác sẽ giúp cải thiện cuộc sống của chúng ta.
Những lợi ích từ việc giúp đỡ người khác
Thúc đẩy các mối quan hệ theo chiều hướng tốt hơn
Tôi thấy việc cho đi có ích đối với các mối quan hệ của tôi và điều này cũng đã được khoa học chứng minh. Đầu tiên, việc chia sẻ và giúp đỡ người khác nhiều hơn tạo nên sự phát triển về mặt tinh thần và trí tuệ.
Chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống và lấp đầy khoảng trống bên trong mình. Chúng ta cũng trở nên hoàn thiện hơn, dũng cảm hơn, và những điều đó giúp chúng ta nâng cao lòng tự trọng của mình.
Tiếp nữa, lòng biết ơn tràn đầy trong trái tim khi chúng ta cho đi cũng tác động tới những mối quan hệ mà chúng ta đang có. Nó sẽ chuyển đổi thành việc quan tâm nhiều hơn tới những người xung quanh ta, trân trọng sự đồng hành cũng như từng phút giây quý giá bên họ.
Bạn biết không, người thân của tôi và những người tôi yêu đều đã ngay lập tức nhận ra rằng, tôi đối xử với họ tốt hơn, biết tôn trọng và lắng nghe nhiều hơn trong khi phàn nàn ít đi. Quả là một điều tuyệt vời!
Có lợi cho sức khỏe của bạn
Làm những việc liên quan tới lòng vị tha sẽ mang lại những thay đổi tích cực về sinh lý học, tăng cường hệ thống miễn dịch. Thậm chí, nó còn có thể giúp giảm đau nhờ sự tiết ra endorphins trong não bộ.
Tôi bắt đầu đi tình nguyện nhiều năm trước và đã được trải nghiệm những lợi ích đó. Thực tế cho thấy, những tình nguyện viên thường sống lâu hơn và có sức khỏe tốt hơn những người không bao giờ chia sẻ, giúp đỡ người khác.
Và tôi tin rằng, chính những hành động nhỏ bé như ở bên ai đó khi cần, giúp đỡ người gặp nạn trong khả năng của mình… sẽ tạo nên những điều lớn lao đối với cả người nhận cũng như người sẵn lòng cho đi.
Nâng cao đời sống xã hội
Những người biết chia sẻ và năng đi tình nguyện sẽ có một đời sống xã hội tốt hơn. Tất cả bắt đầu từ việc nhận biết được hình thức mới của các mối quan hệ xã hội khi chúng ta giúp đỡ những người khó khăn. Và điều đó giúp tình bạn trở nên dài lâu hơn.
Tuy mục đích của chúng ta đôi lúc chỉ là làm ai đó cười sau khi mang tới cho họ một bữa ăn ngon miệng, nhưng chung quy đều xuất phát từ động cơ tốt. Và chúng ta dần dần sẽ hòa mình vào xã hội theo cách chân thật nhất có thể.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chúng ta là những con người xã hội, nên sự tác động qua lại lẫn nhau càng nhiều thì tình trạng não bộ của chúng ta sẽ càng tốt.
Tăng mức độ hạnh phúc
Không có thứ gì có thể khiến tôi thấy biết ơn về những gì tôi đang có bằng việc cho đi. Bởi lẽ, khi chia sẻ và giúp đỡ người khác, chúng ta chứng kiến và thấu hiểu cho hoàn cảnh của họ, nhưng đồng thời cũng nhận thức được mình đang có cuộc sống sung sướng ra sao.
Niềm vui và hạnh phúc sẽ tới khi chúng ta giúp đỡ người khác bằng cả tấm lòng của mình. Từ đó, chúng ta yêu thương và trân quý hơn những người quan trọng với ta trong cuộc đời. Chúng ta cũng biết tự yêu lấy bản thân mình và quý trọng hơn mỗi ngày mà chúng ta đã trải qua trên thế giới này. Chúng ta sử dụng thời gian của mình hiệu quả hơn, làm những việc mình thích và hòa mình vào xã hội nhộn nhịp ngoài kia.
Mỗi lần làm việc tốt với người khác, chúng ta tự nhiên sẽ có cảm giác vui sướng, hưng phấn và suy nghĩ tích cực hơn. Đây là một sự gia tăng về tâm lý mà thậm chí có thể gây nghiện. Và chúng ta sẽ kiếm tìm nhiều cảm xúc tương tự hơn khi đã được trải nghiệm qua trạng thái đó.
Hình thành sự kết nối sâu sắc hơn với chính bản thân chúng ta
Chia sẻ là một cách để kết nối với mọi người nhưng cũng là cách để chúng ta hiểu rõ hơn về chính mình, tha thứ cho bản thân và biết cảm thông hơn. Việc cho đi thường đem lại cho chúng ta cảm giác tốt về bản thân và hình thành một kết nối sâu sắc hơn, giúp chúng ta sống một cuộc đời có mục đích.
Chúng ta cũng hiểu rõ giá trị của mọi thứ hơn khi đi tình nguyện, và điều đó khiến quan điểm của bản thân thay đổi theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, nó khiến chúng ta bớt chú ý tới những vấn đề của mình, nhờ đó, chúng ta dễ đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống hơn.
Trên đây là những gì mà tôi đã được trải nghiệm qua và đúc rút được. Hy vọng sau khi đọc xong bài này, các bạn sẽ được truyền cảm hứng và có động lực để tích cực giúp đỡ người khác trong khả năng của mình.
Bởi không phải chỉ vì người khác mà còn vì chính bản thân mình.
Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Thanh Niên
Doanh nhân U80 để 500 tỷ đồng làm từ thiện, quyết không cho con thừa kế
Cái giá phải trả của những người đàn ông sống quá tệ bạc với gia đình
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực