spot_img
20 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Những số liệu cho thấy nhiều người dân thu nhập không đủ sống

Từ khi chuyển từ hệ thống hạch toán sản xuất vật chất (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), nhiều chỉ tiêu của Việt Nam ngày càng tương đồng với thế giới. Đồng thời cũng phát sinh một số ngộ nhận về con số GDP như chỉ tiêu “tuyệt đối”, nó được xem như thành tích phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.

Một số người đã mặc nhiên xem GDP bình quân đầu người như là thu nhập bình quân đầu người. Khi nói đến GDP bình quân đầu người nhiều người lập tức so sánh đến thu nhập của dân cư.

Khuôn khổ bài viết này mổ xẻ khía cạnh thu nhập của GDP. Tuy nhiên, GDP theo phương pháp thu nhập không được tính toán và công bố bởi Tổng cục Thống kê (TCTK) hàng năm. Các nhân tố của thu nhập chỉ có được khi TCTK công bố bảng cân đối liên ngành. GDP theo thu nhập bao gồm thu nhập của người lao động từ sản xuất, thặng dư sản xuất, thuế sản xuất và khấu hao tài sản cố định.

Theo SNA, tổng thu nhập của hộ gia đình bằng thu nhập từ sản xuất và thu nhập từ ngoài sản xuất(1).

Thu nhập của người lao động từ sản xuất (một nhân tố của GDP) được hiểu bao gồm thu nhập bằng tiền và hiện vật của người lao động trong quá trình sản xuất. Hiện nay, hàng năm TCTK không công bố chỉ tiêu này, nhưng dựa vào số liệu về thu nhập bình quân đầu người và số liệu về GDP của TCTK công bố cho năm 2022 có thể ước tính thu nhập từ sản xuất chiếm khoảng 43% GDP và 47% tổng giá trị tăng thêm (Gross Value added, tức GVA = GDP – Thuế sản phẩm).

GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2022 tăng 86% so với năm 2016; trong khi đó thu nhập từ sản xuất bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2022 tăng 96% so với năm 2016, tăng cao hơn tăng trưởng GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành 10 điểm phần trăm. Điều này có thể dẫn đến nền kinh tế sẽ thâm dụng vốn nhiều hơn. Theo bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, hệ số co giãn về lao động chiếm hơn 70% trong tổng số thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất.

Tính toán từ các số liệu sẵn có của TCTK cho thấy, thu nhập từ sản xuất chỉ bằng 77,8% tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình; thu nhập từ sản xuất chiếm 91% tổng thu nhập.

Như vậy, tổng thu nhập của dân cư cũng chỉ bằng 87,4% tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Tuy nhiên, theo SNA, tiêu dùng cuối cùng bao gồm nhà ở tự có tự ở của dân cư (chiếm khoảng 4,1% tiêu dùng cuối cùng), ngay cả khi trừ khoản này ra thì tổng thu nhập của dân cư vẫn thấp hơn tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

Theo số liệu của TCTK năm 2012, tổng thu nhập bình quân đầu người khoảng 2 triệu đồng/tháng; năm 2016 khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng; năm 2022 khoảng hơn 4,7 triệu đồng/tháng. Đó là mức thu nhập khiêm tốn, rất khó khăn cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn khi tổng thu nhập bình quân đầu người hàng tháng năm 2022 chỉ là 3,8 triệu đồng, thấp hơn mức bình quân 4,7 triệu đồng khá nhiều, trong khi 62,4% dân số là ở nông thôn. Đó là chưa kể đến tình trạng phân hóa giàu nghèo, làm cho khoảng cách thu nhập giữa nhóm những người nghèo nhất (nhóm 1) và nhóm những người giàu nhất (nhóm 5) lên tới gần 10 lần, khoảng cách thu nhập của nhóm 5 với nhóm kề nó (nhóm 4) cũng là gấp đôi.

Từ những con số này có thể thấy, thu nhập của đa số người dân không những không có để dành mà còn phải đi vay một phần để tiêu dùng! Đây là tín hiệu khá xấu. Không những thế, nó còn cho thấy việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân.

Như vậy, để thu nhập đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối cùng, lương cơ bản cần tăng từ 10-12%. Nhưng nếu tăng lương không gắn liền với tăng năng suất lao động sẽ khiến thặng dư của các doanh nghiệp giảm đi, nói cách khác tăng lương không dựa vào tăng năng suất sẽ khiến nguồn lực của nền kinh tế nhỏ lại ở những chu kỳ sản xuất sau. Khi thặng dư của doanh nghiệp ngày một nhỏ lại dẫn đến việc đầu tư mở rộng sản xuất gặp khó khăn do không đủ khả năng tích lũy.

Ngoài ra, khi lương tăng lên sẽ khiến hệ số co giãn về lao động tăng cao, nền kinh tế phải cần một lượng vốn rất lớn mới có thể có được tăng trưởng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nhiều năm qua không thể phát triển (giá trị gia tăng đóng góp vào GDP chỉ loanh quanh ở mức 7-8%).

Tuy nhiên, hệ số này ở các ngành là không giống nhau, hầu hết nhóm ngành chế biến chế tạo có hệ số thu nhập từ sản xuất so với giá trị gia tăng thuần rất cao; hệ số co giãn về thặng dư rất thấp, nên nếu quyết định tăng lương không từ năng suất (quyết định hộ doanh nghiệp) ở những ngành này sẽ làm doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Nhưng ngược lại, một số ngành lại có hệ số co giãn về thặng dư rất cao như nhóm ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà hàng khách sạn… Điều đó cho thấy việc quyết định tăng lương cơ bản cần có những nghiên cứu nghiêm túc và rất cân nhắc.

(1) Bao gồm thu nhập từ sở hữu và từ chuyển nhượng như thu nhập từ lãi tiền gửi, từ chứng khoán, cổ phiếu, lương hưu, kiều hối…

Theo Saigontimes

BN 2 jpeg 1

Xem thêm:

Nhật Bản đầu tư hàng tỷ USD để sản xuất chip 1nm

Bạn cũ mời bữa cơm, người đàn ông bỏ về giữa chừng và ngộ ra chân lý hạnh phúc

Chồng ngoại tình, phản ứng trí tuệ của vợ khiến chồng hồi tâm chuyển ý

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều