spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,18 Tháng mười
spot_img

Sĩ tử may mắn nhất thời Thanh – 6 năm làm thầy mà không biết học trò của mình là ai

Đại nội hoàng cung, đối với dân chúng phổ thông mà nói, vĩnh viễn là một địa danh thần bí khó lường. Ngay cả với quan viên, nó cũng xa đến mức không thể chạm tới. Vậy mà một thư sinh dân gian lại ngẫu nhiên có được cơ hội sống tại nơi này, hơn nữa còn được mời làm thầy dạy học trong hoàng cung. Đây quả là một may mắn hiếm có. Đợi đến khi vị thư sinh đó rời đi, rồi lần nữa gặp lại người học trò mình đã hết lòng dạy bảo suốt 6 năm, ông mới biết được sự thật khiến ông phải giật mình sửng sốt. Câu chuyện dưới đây do Thái thú Anh Vũ Đình kể lại.

Tương truyền, vào những năm dưới thời vua Khang Hy, có một thư sinh người phương Nam (ở đây tạm gọi ông là Nam sĩ) vào kinh tham gia kỳ thi khoa cử nhưng không đỗ, nên chuẩn bị thu dọn hành lý trở về quê nhà. Một đêm nọ, bên ngoài phòng của ông đột nhiên truyền đến tiếng đập cửa dồn dập. Ông ra mở thì trông thấy vài người thân hình cường tráng, ăn vận như nô bộc. Bọn họ nói có một người nhà giàu muốn mời ông tới làm thầy dạy học. Nam sĩ đang lúc cảm thấy kinh ngạc thì chủ nhân của bọn họ đã xuất hiện. Nam sĩ nhìn vị chủ nhân kia, nhưng mãi vẫn không thể đoán ra được người này là ai.

Người nọ nói với Nam sĩ: “Nghe đồn, tài văn chương và đạo đức của tiên sinh rất được người dân trong vùng tôn kính, noi theo. Tôi có một đứa cháu trai, mong có thể nhờ cậy tiên sinh hết lòng dạy bảo”. Nam sĩ nghe xong, khiêm tốn đáp lại: “Tôi chỉ là một hạ sĩ ở vùng phương Nam, cầu danh không thành, đang chuẩn bị về quê, đâu có chỗ nào xứng được làm thầy kẻ khác?” Nam sĩ trong lòng không tình nguyện. Vị chủ nhân nọ lại mời: “Chị dâu nhà tôi ở góa đơn độc một mình, chỉ có duy nhất một đứa con trai này, nên muốn tìm cho nó một người thầy tốt chỉ dạy. Tiên sinh cứ ở lại đây, vừa có thể yên tĩnh chờ đợi kỳ thi khoa cử sau, cũng sẽ không cảm thấy trống vắng, cô quạnh”.  

Vì người chủ hết lòng nhờ cậy, cộng thêm Nam sĩ cho rằng thời gian sẽ trôi qua rất nhanh, ở lại nơi này đợi ba năm cũng không phải là không thể, nên cuối cùng cũng đồng ý nhận lời. Vị chủ nhân kia thấy thế, cảm tạ rối rít, trước khi chia tay còn dặn Nam sĩ rằng: “Tiên sinh tạm thời cứ ở chỗ này chờ đợi, tối khác ta sẽ lại phái người tới cung nghênh ngài về nhà”. Nam sĩ tỏ vẻ đồng ý. Lát sau nghĩ lại, ông cảm thấy việc này xảy ra có chút đột ngột, không khỏi sinh lòng nghi ngờ. Song, trước mắt, ông cũng chỉ có thể lưu lại đó chờ đợi. 

Đến tối ngày đã hẹn, quả nhiên có mấy người hầu tới, một người giữ chặt đầu ngựa kéo qua, mời Nam sĩ cưỡi lên. Bốn, năm nô bộc cường tráng khác đi sắp xếp hành lý, thắp lửa, sau đó cùng nhau khởi hành. Họ đi trên những con đường mà bình thường Nam sĩ chưa từng ghé tới. Một lát sau, nhóm người đến một nơi có nhà cửa, sân vườn. Bên trong những bức tường cao là một toà điện rộng lớn, tiếp tục đi lòng vòng một hồi mới tới một gian phòng. Mấy người hầu dỡ hành lý, đỡ Nam sĩ xuống ngựa, nói với ông rằng chính là nơi này và căn dặn ông: “Tiên sinh chớ tùy tiện đi lại, nếu khát nước hay đói bụng chỉ cần bảo đầy tớ là được, chủ nhân nhà tôi có lẽ trong đêm nay sẽ tới nơi”. Hành tung thần bí khiến cho Nam sĩ không khỏi cảm thấy quái lạ.

Ngày hôm sau, vị chủ nhân kia quả nhiên dắt theo một người học trò tới trình diện Nam sĩ. Chỉ thấy cậu học trò này tóc quấn gọn gàng, vừa vặn che trước trán, hành lễ của đệ tử với ông. Người chủ nhân nói với Nam sĩ:  “Đây là đứa con trai mà chị dâu nhà tôi hết mực yêu thương, mỗi ngày đều phải ăn cơm xong mới cho phép nó tới đây, kính mong tiên sinh đừng trách phạt nó”.

Từ đó, mỗi ngày cậu học trò kia đều phải đến tận trưa mới tới lớp học. Thấy nó thông minh hơn người, tuyệt đối không phải là một đứa trẻ tầm thường, nên Nam sĩ cũng hết lòng dốc sức dạy bảo. Vị chủ nhân kia khoản đãi ông vô cùng hậu hĩnh, thi thoảng còn tới thăm hỏi trò chuyện, tránh cho Nam sĩ cảm thấy một mình buồn chán. Tiền thù lao dạy học của ông đều được gửi về quê nhà, trước giờ chưa từng tới tay ông. Bình thường, khi Nam sĩ nhận được thư của người nhà, nội dung cũng chỉ nói đã nhận được bao nhiêu bạc và báo rằng cả nhà vẫn bình an. Cứ như thế, ba năm rất nhanh đã trôi qua. 

Chạng vạng một  ngày nọ, vị chủ nhân lại tới, Nam sĩ bèn ngỏ lời với người đó rằng ông muốn chào từ biệt để chuẩn bị tham gia thi tuyển. Chủ nhân không đồng ý, nói rằng: “Tiên sinh làm sao lại phải lo lắng việc thăng quan tiến chức như vậy? Ngài cứ ở lại dạy cháu tôi thêm ba năm nữa đã”. Nam sĩ hết cách, đành phải ở lại dạy thêm ba năm.

Cứ như thế lại qua 3 năm, Nam sĩ không nhịn được liền nói ra vài lời bất mãn. Vì thế, người chủ nhân tới cảm tạ ông và bảo: “Cháu trai nhà chúng tôi nhờ được tiên sinh chỉ dạy nên đã có thể tự mình khôn lớn thành người. Tiên sinh nóng lòng muốn theo đuổi công danh, nhà tôi cũng không dám tiếp tục níu giữ, đến lúc nên kính tiễn tiên sinh rồi”. Nam sĩ nghe xong, trong lòng mừng rỡ, vì thế bèn nhanh chóng thu dọn đồ đạc, yên tâm chờ đợi đến ngày rời đi.

Một hôm, trời còn chưa sáng, người hầu đã tới đưa Nam sĩ đến một nơi rồi nói với ông rằng: “Tiên sinh tạm thời cứ ở chỗ này, đợi đến khi trời sáng rồi hẵng đi”. Chốc lát sau, Nam sĩ nghe thấy có tiếng gọi triệu kiến, lập tức có bốn, năm người mặc trang phục thái giám tới dẫn đường cho ông. Dọc đường đi đều là cung điện xa hoa lộng lẫy khiến ông hoảng hốt không thôi. 

Cuối cùng đoàn người đi tới một tòa điện lớn, chỉ thấy có một người đang ngồi trên ghế rồng. Nam sĩ yên lặng nhìn lên, hóa ra người đó lại chính là học trò của ông. Điều này làm ông vô cùng hoảng sợ, vội vã quỳ thụp xuống. Tiếp theo, chỉ nghe thấy lời vàng ngọc của hoàng đế từ trên truyền tới, bảo Nam sĩ đứng dậy, sau đó ban thưởng cho ông một chức quan ở Hàn Lâm Viện. Đến khi Nam sĩ ra khỏi toà điện, mồ hôi trên người ông đã thấm ướt cả mấy tầng quần áo.  

Chú thích:

Sau khi vị Hoàng đế đầu tiên của triều Thanh – Thuận Trị Đế qua đời ở tuổi 24, con trai thứ ba của ông là Huyền Diệp (sinh ngày 4 tháng 5 năm 1654) lên ngôi vào ngày mồng 7 tháng giêng năm Thuận Trị thứ mười tám (ngày 5 tháng 2 năm 1661). Khi đó, Huyền Diệp mới chỉ 8 tuổi. Tháng giêng năm sau (tức tháng 2 năm 1662), triều đình chính thức tuyên bố đổi niên hiệu mới thành Khang Hy. Theo di chiếu của Thuận Trị Đế, Khang Hy Đế nhỏ tuổi được bốn vị đại thần là Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long và Ngao Bái trợ giúp quản lý việc triều chính.

Trường Lạc biên dịch

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều