Lần lượt 3 ‘kỳ lân’ là Zoomcar, Atome và Beamin đã phải dừng cuộc chơi ở thị trường Việt Nam trong năm 2023 vì nhiều lý do khác nhau. Với việc nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2024, không loại trừ khả năng sẽ có thêm ‘kỳ lân’ rơi rụng khỏi thị trường Việt Nam.
Zoomcar – Atome đến nhanh rồi đi nhanh
Năm 2023 là một năm tương đối khốc liệt với giới khởi nghiệp khắp toàn cầu. Dù là ‘kỳ lân’ một sừng hay nhiều sừng đều gặp muôn vàn khó khăn trong kinh doanh. Để sống sót, nhiều ‘kỳ lân’ đã chọn tập trung toàn lực vào các thị trường trọng điểm có lợi thế cạnh tranh rõ rệt, thay vì ‘đốt tiền’ giành thị phần ở các thị trường mới. Vậy nên, cả Zoomcar, Atome và Beamin đã lần lượt chọn rời bỏ thị trường Việt Nam.
Vào tháng 5/2023, Zoomcar – ‘kỳ lân’ đến từ Ấn Độ đã khiến cả giới startup Việt ngỡ ngàng khi chính thức thông báo rời khỏi thị trường Việt Nam.
Hơn 1 năm trước đó, đầu năm 2022, nền tảng cho thuê xe tự lái này vừa mới gia nhập thị trường Việt Nam. Thời điểm đó, Zoomcar thể hiện quyết tâm lớn trong việc chinh phục thị trường 100 triệu dân này bằng việc thuê ông Kiệt Phạm – người cũ của GoJek làm CEO và có kế hoạch đầu tư số tiền lớn.
Cụ thể: Zoomcar tính sẽ đầu tư 25 triệu USD vào thị trường Việt Nam, với 8 triệu USD cho năm tài chính đầu.
Đến tháng 1/2023, chỉ sau 1 năm chinh chiến ở thị trường mới, Zoomcar đã hồ hởi thông báo đã có hơn 100.000 khách hàng đăng ký, thu hút sự tham gia của hơn 3.000 chủ xe.
“Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Zoomcar, thậm chí là thị trường tiềm năng nhất của Zoomcar ở Đông Nam Á. Hiện tại, Zoomcar Việt Nam đã tiệm cận điểm hòa vốn trên từng chuyến xe và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng gấp 5 lần trong năm 2023.
Vào năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung cao độ vào việc cải thiện các sản phẩm và dịch vụ của mình. Chúng tôi dự định mở rộng ra Hà Nội và sau đó là Đà Nẵng, với mục tiêu trở thành nền tảng thương mại điện tử cho thuê xe tự lái lớn nhất Việt Nam vào cuối năm 2023”, ông Kiệt Phạm cho biết vào tháng 1/2023.
Nhưng chỉ 4 tháng sau, tức vào tháng 5/2023, Zoomcar quyết định rời thị trường Việt. “Điều kiện thị trường kinh doanh nói chung và dịch vụ cho thuê xe tự lái nói riêng có nhiều khó khăn và dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới”, đại diện Zoomcar lý giải thích về sự rút lui của mình.
Còn theo chia sẻ từ các chủ xe hợp tác với Zoomcar, thì nền tảng này đã ngừng ‘đốt tiền’ cũng như không còn hoạt động tích cực ở thị trường Việt Nam từ cuối 2022.
Tiếp theo, vào tháng 7/2023, đến lượt Atome – ‘kỳ lân’ Mua trước trả sau (BNPL) đến từ Singapore cũng nối gót Zoomcar chấm dứt cuộc phiêu lưu của mình ở thị trường Việt Nam. Cũng như Zoomcar, việc đến và đi của Atome cũng diễn ra hết sức chóng vánh, chỉ trong 1 năm. Vào tháng 3/2023, Atome cũng đã chính thức dừng kinh doanh ở thị trường HongKong sau 3 năm chinh chiến.
Theo Atome, nguyên do rời bỏ là bởi “đóng góp vào hoạt động kinh doanh chung của doanh nghiệp từ Atome Việt Nam còn nhiều hạn chế”. Trong 1 năm ở thị trường Việt, họ đã thuyết phục được 100 đối tác tham gia nền tảng của mình, một con số không tệ với một người mới.
Sau khi rút khỏi Việt Nam, Atome vẫn hoạt động ở một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á gồm: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Vào tháng 12/2023, đến lượt Baemin chấp nhận buông tay hoàn toàn ở thị trường Việt Nam. Khác với Zoomcar hay Atome, sự rời đi của Baemin gây rất nhiều tiếc nuối cho nhiều người dùng Việt, vì app gọi thức ăn này đã tạo nhiều dấu ấn tốt ở thị trường này trong 4 năm.
Baemin được vận hành bởi Woowa Brothers Việt Nam (liên doanh giữa Woowa Brothers – công ty giao đồ ăn đứng đầu tại Hàn Quốc và Delivery Hero – tập đoàn công nghệ giao đồ ăn tại hơn 50 quốc gia). Woowa Brothers là ‘kỳ lân’ đến từ Hàn Quốc.
Thông tin Baemin có thể rời thị trường Việt dấy lên từ tháng 8/2023, khi ông Niklas Östberg – Đồng sáng lập kiêm CEO Delivery Hero, nói với Reuters rằng: triển vọng của công ty tại châu Á là tích cực, trừ Việt Nam. Theo quan điểm của ông Niklas Östberg, thì hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam sẽ “không bao giờ có lãi”.
“Quyết định rời khỏi Việt Nam của Baemin được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như thực trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại”, đại diện Baemin Việt Nam lúc đó cho hay.
OYO liệu có thành ‘kỳ lân’ tiếp theo rời bỏ Việt Nam trong 2024?
Trong quá khứ, thị trường Việt Nam cũng đã chứng kiến nhiều sự rời đi của các ‘kỳ lân’ như Uber hay WeWork gần đây. Còn trong tương lai – cụ thể là 2024, OYO được lo ngại sẽ là cái tên kế tiếp.
Hiện tại, đang có rất nhiều ‘kỳ lân’ trên khắp thế giới hoạt động ở thị trường Việt Nam, ví dụ như Kredivo, Traveloka, GoTo – Gojek (Indonesia); Insider, Carousell – Chợ Tốt, Grab, Ninja Van (Singapore), YOY (Ấn Độ)… Trong tất cả, OYO đang đối diện với nhiều khó khăn nhất.
OYO đến Việt Nam vào giữa năm 2019 với tham vọng trở thành chuỗi quản lý khách sạn tầm trung lớn nhất Việt Nam. “Kỳ lân” đến từ Ấn Độ này hứa sẽ đầu tư khoảng 50 triệu USD trong vài năm để phát triển và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, xui cho startup này, trong khi họ đang chập chững làm quen với vùng đất mới thì Covid-19 bùng phát.
Và kể từ đó đến nay, OYO dường như phải hoạt động cầm chừng ở thị trường Việt Nam. Tầm tháng 2/2020, thậm chí còn có tin đồn họ đã âm thầm rời đi, vì nhiều đối tác khách sạn của OYO tại Việt Nam cho biết đã không thể liên lạc với người của startup trong nhiều ngày.
Hiện tại, người dùng ở Việt Nam vẫn có thể đặt phòng trên website của OYO, nhưng dường như họ không có đội hỗ trợ người Việt cho thị trường Việt Nam. Trên fanpage Facebook của OYO Việt Nam, từ đầu năm 2024 chỉ còn những bài đăng bằng tiếng Anh, không có bài đăng bằng tiếng Việt như trước đó. Gần như không thấy bất cứ tương tác nào của đối tác hoặc người dùng Việt trên fanpage này, mặc dù trang hiện có tới 1,1 triệu người theo dõi.
Cuối năm 2022, OYO từng sa thải tới 600 nhân viên để tái cấu trúc doanh nghiệp. Mặc dù ngành du lịch thế giới đang dần hồi sinh nhưng OYO vẫn tiếp tục thua lỗ trong năm 2023. Kế hoạch IPO của họ tại Mỹ chưa thấy ngày tái khởi động. Thậm chí còn có tin đồn là họ sẽ từ bỏ việc IPO trong năm 2024.
Đối thủ trực tiếp của OYO tại châu Á và Việt Nam chính là RedDoorz đã chính thức thông báo rút khỏi thị trường Singapore để tập trung vào 2 thị trường trọng điểm là Indonesia và Philippines vào tháng 9/2023. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, thì dường như RedDoorz cũng đã ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Fanpage Facebook 1,5 triệu người theo dõi của RedDoorz có bài đăng cuối cùng từ 1 năm trước vào 8/3/2023.
Một trong những “kỳ lân” kỳ cựu khác cũng đang gặp nhiều thách thức ở thị trường Việt Nam là GoJek. 2024 là năm thứ 6 doanh nghiệp này kinh doanh ở thị trường Việt Nam, nhưng vẫn trong tình trạng ‘không nổi cũng không chìm”.
Hoàng Nam theo Cafebiz.
Gần 5.000 tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông