spot_img
20 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Cụ ông U90 ở tự học 9 ngoại ngữ

Tuổi 87, cụ ông Nguyễn Tấn Thành đi thi thạc sĩ, nhận dạy và biên dịch tiếng Anh, Trung, Pháp, Hàn cùng nhiều ngoại ngữ khác.

Ông Thành gây chú ý khi là một trong gần 600 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào thạc sĩ của trường Đại học Cần Thơ, hôm 25/5. Ông cho hay đề thi đánh giá năng lực môn tiếng Anh gồm 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, đều vừa sức bản thân.

“Tôi tự tin mình vượt qua để đủ điều kiện tham gia khóa học thạc sĩ Văn học Việt Nam”, thầy nói. Ngoài tiếng Anh, ông cho biết có thể nói 8 ngoại ngữ khác, gồm tiếng Pháp, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Italy, Đức.

Cụ ông U90 ở tự học 9 ngoại ngữ| tân thế kỷ
Thầy Nguyễn Tấn Thành dạy học tại trung tâm ngoại ngữ do mình sáng lập. Ảnh: An Bình

Ông Thành kể từ lớp 1 đã bắt đầu học tiếng Anh và học giỏi, rồi tiếp tục học tiếng Pháp. Đến lớp đệ nhất (12), ông học thêm tiếng Trung Quốc.

Hết phổ thông, ông được gia đình định hướng thi vào khoa Toán nhưng vì thích Văn học, ông thi cả hai và đều đỗ. Cuối cùng, ông chọn theo ngành Ngữ văn tại Viện Đại học Cần Thơ, ra trường năm 1972.

Ban đầu, ông Thành được phân công về giảng dạy ở huyện Long Mỹ, Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ). Vừa giảng dạy, thầy giáo trẻ vừa theo học thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam ở Đại học Văn khoa Sài Gòn.

“Năm 1975, tiểu luận tốt nghiệp đã gần hoàn thiện thì biến cố xảy ra. Thầy hướng dẫn của tôi đột ngột qua đời, còn vợ tôi bệnh tật rồi mất khi mới 27 tuổi”, ông Thành nhớ lại. Vì khó khăn chồng chất, lại nuôi 4 con nhỏ, ông không thể theo hết chương trình.

Sau 30/4/1975, thầy Thành về dạy Văn tại trường cấp ba TP Cần Thơ và trường Châu Văn Liêm cho đến lúc nghỉ hưu.

Thầy Thành kể từ ngày đó thường đến các nhà sách, thư viện ở TP HCM và Cần Thơ tìm sách vở, tài liệu để học thêm ngoại ngữ. Thầy học tiếng Nga, Nhật, rồi tiếng Hàn Quốc, Italy, Đức, Tây Ban Nha.

Sau này, nhờ internet và thiết bị công nghệ thông minh phổ biến, việc học ngoại ngữ của thầy càng thuận lợi hơn.

“Nếu rành tiếng Pháp thì học tiếng Italy và Tây Ban Nha nhanh, tương tự nếu giỏi tiếng Anh thì học tiếng Đức rất dễ…”, thầy Thành đúc kết.

Sau khi nghỉ hưu, thầy Thành cộng tác với Sở Tư pháp Cần Thơ, biên dịch các loại hồ sơ về quốc tịch, khai sinh có yếu tố nước ngoài và mở trung tâm ngoại ngữ, dịch thuật. Nhờ đó, thầy nuôi bốn người con trưởng thành, nay đều là công chức, giáo viên.

Ngoài ra, thầy được mời thỉnh giảng tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc cho nhiều trường học, trung tâm. Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, nhiều năm qua, trung tâm của thầy Thành là nơi thực tập, thực hành của sinh viên khoa Ngoại ngữ.

“Thầy là người đa tài, biết nhiều thứ tiếng, rất nhiệt tình và tâm huyết lo cho sinh viên”, GS Toàn cho biết. Ông Toàn cũng từng là học trò do thầy Thành chủ nhiệm ở trường cấp ba TP Cần Thơ.

Chị Từ Viên Nghi, 32 tuổi, theo học thầy Thành khi là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. Đến thực tập rồi làm việc ở trung tâm dịch thuật đã 10 năm, chị ấn tượng nhất về tinh thần tự học của thầy.

“Thầy là tấm gương ham học tập, rất thân thiện và gần gũi với học trò”, chị nói.

Thầy giáo 87 tuổi cho biết luôn cố gắng giúp sinh viên tiếp cận, hình dung cụ thể về công việc để sau này không bỡ ngỡ. Ông quan niệm học phải đi đôi với hành, phải tự học và cầu thị thì mới có thể học tốt được.

Thầy Nguyễn Tấn thành (thứ tư, bên trái) giao lưu với các sinh viên mình giảng dạy. Ảnh: An Bình
Thầy Nguyễn Tấn Thành (thứ tư, bên trái) giao lưu với các sinh viên. Ảnh: An Bình

Những năm qua, thầy Thành còn dành nhiều thời gian nghiên cứu Văn học.

“Văn hóa, văn học Việt Nam rất phong phú, ở mỗi thời đại, giai đoạn đều có nét đặc trưng nhưng vẫn hiện bản chất sâu sắc nhất là tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, nhân văn cao cả…”, ông nói. Ông cũng làm thơ, vẽ tranh, từng viết hàng trăm bài báo về văn hóa, văn nghệ trên các tạp chí.

Mong muốn có thêm kiến thức để nghiên cứu, sáng tác và biên dịch là động lực để ông đi thi thạc sĩ ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Theo ông, ở tuổi này sẽ khó khăn hơn các sinh viên trẻ nhưng việc học là suốt đời, chỉ cần quyết tâm sẽ vượt qua được. Nếu đỗ, ông sẽ cố gắng hoàn tất chương trình sớm. Ông cũng mong đủ sức khỏe để học lên tiến sĩ, tìm hiểu thêm tiếng Malaysia và Phần Lan.

“Hiện, thu nhập từ trung tâm giúp tôi đủ trang trải cuộc sống, học tập của bản thân, trả lương cho 4 nhân viên và dành dụm chút đỉnh tặng con, cháu”, ông chia sẻ.

DN 1

HN (VNE).

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm:

Trẻ nhảy múa trước khi biết nói: Lợi ích từ âm nhạc và nhảy múa đối với trẻ đang chập chững

Dạy trẻ 3 cách thoát hiểm nếu bị bỏ quên trên xe ô tô

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội giảm học phí 5 triệu/năm

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều