Lũ lớn từ Hà Giang tràn về nên từ 8h sáng 11-6, Thủy điện Tuyên Quang mở 1 cửa xả đáy (hay còn gọi xả lũ) để đảm bảo an toàn và tránh việc xả cấp tập khi lũ về hồ tăng đột biến trong thời gian tới.
Tối 10-6, Công ty Thủy điện Tuyên Quang có văn bản gửi các đơn vị, địa phương về việc mở cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang.
Theo đó, lúc 20h ngày 10-6, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Tuyên Quang là 117,09m, mực nước hạ lưu là 50,1m, lưu lượng nước về hồ đạt 3.166m3/s.
Hiện nhà máy đang phát tối đa 3 tổ máy với lưu lượng xả 600m3/s.
Với lượng nước về hồ và nước xả ra thì dự kiến đến ngày 12-6, mực nước hồ có khả năng vượt mực nước dâng bình thường 120m.
Để đảm bảo mực nước hồ không vượt quá cao trình 120m, đồng thời tránh xả cấp tập khi lưu lượng nước về hồ tăng đột biến trong thời gian tới, hồ thủy điện Tuyên Quang thực hiện mở hoàn toàn 1 cửa xả đáy vào hồi 8 giờ ngày 11/6, tổng lưu lượng xả khoảng 1.230 mét khối/giây; mực nước hạ lưu tương ứng sau công trình là 52,90m. Sau đó, tùy vào tình hình thực tế lưu lượng nước về hồ, nhà máy sẽ có điều chỉnh lưu lượng xả cho phù hợp.
Đây là lần đầu tiên trong năm nay một thủy điện lớn ở miền Bắc phải mở cửa xả đáy.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp ứng phó xả lũ. Tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện vận tải thủy, cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trên sông, hạ lưu hồ thủy điện (bao gồm cả tàu, thuyền du lịch, đánh cá, vận tải…) nghiêm túc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên sông, hạ lưu hồ thủy điện. Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn như: không trang bị phao cứu sinh, không mặc áo phao khi tham gia giao thông thủy, chở quá số người, tải trọng cho phép,
Đối với nuôi thủy sản lồng bè trên sông, hồ cần gia cố hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực có dòng chảy nhẹ. Trường hợp không di chuyển được phải hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng gió. Những nơi có dòng chảy lớn, dùng tấm bạt che chắn phía trước lồng nuôi, ngăn chặn lượng cá thất thoát ra ngoài. Tổ chức trực ban và báo cáo theo đúng quy định về công tác trực ban, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nhất là đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở và ngược lại.
Uyên Huỳnh (Theo TTXVN, Tuổi Trẻ)
Xem thêm:
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ ở Điện Biên và nhiều tuyến đường Hà Nội
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*