Núi Etna ở Italy – một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở châu Âu – đang phun mạnh dung nham và tro bụi.
Cụ thể, hôm 7/7, núi lửa Etna đã phun trào trở lại, phóng dung nham nóng đỏ, kèm tro bụi và khói đen bao phủ khắp bầu trời. Hình ảnh được ghi lại cho thấy những cột dung nham từ miệng hố Voragine của núi lửa Etna phun trào làm sáng rực cả bầu trời đêm, kèm theo tro bụi phủ khắp ngọn núi này.
Theo truyền thông địa phương, hoạt động của núi lửa cao khoảng 3.300 mét nằm trên đảo Sicily của Italy này đã gia tăng trong vài ngày qua.
Theo ước tính từ văn phòng khu vực của Viện Địa vật lý và núi lửa quốc gia Italy (INGV) ở Catania, cột tro bụi phun lên không trung từ miệng núi lửa Etna đạt độ cao khoảng 4,5 km và di chuyển theo hướng Đông Nam.
Do mây tro bụi núi lửa dày đặc, INGV đã đưa ra cảnh báo đỏ đối với các máy bay bay qua khu vực này.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy phối hợp với Văn phòng Thủ tướng nước này cũng ban hành cảnh báo màu vàng đối với hoạt động của núi lửa Etna.
Người dân ở thành phố Catania và các thành phố xung quanh có thể quan sát thấy núi lửa Etna hoạt động với tro bụi và dung nham phun trào. Tro bụi núi lửa cũng đã rơi xuống thành phố Catania.
Lịch sử một thế kỷ qua ghi nhận nhiều đợt phun trào lớn của Etna. Năm 1971, dòng nham thạch cuồn cuộn đã phá hủy nhiều vườn nho và vườn lan, thậm chí đe dọa đến một số ngôi làng.
Thị trấn Mascali nằm dưới chân núi lửa Etna cũng từng bị phá hủy bởi đợt phun trào của Etna vào năm 1928 và sau đó người dân phải xây dựng lại mới.
Trước đó, vào ngày 2 tháng 4, núi lửa Etna cũng liên tục phun ra những vòng khói trắng kỳ lạ, khiến người dân địa phương và du khách không khỏi trầm trồ.
Ông Boris Behncke, nhà nghiên cứu núi lửa tại Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia Ý (National Institute of Geophysics and Volcanology), cho biết: “Không có ngọn núi lửa nào trên thế giới phun ra nhiều vòng khói như Etna. Chúng ta đã biết điều này trong một khoảng thời gian, nhưng hiện tượng lần này đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó”.
Ông Behncke đã dành nhiều năm nghiên cứu Etna và sinh sống gần ngọn núi lửa này trong 25 năm qua. Ngay từ nhà của mình, ông cũng có thể quan sát được núi lửa.
Ông cho biết, vào ngày 2 tháng 4, một lỗ thông hơi nhỏ xuất hiện ở góc đông bắc của miệng núi lửa Etna, phun ra những luồng khí nóng. Sáng hôm sau, ngọn núi lửa bắt đầu phun ra những vòng khói rõ ràng và với số lượng lớn. Cho đến nay, đã có hàng trăm, thậm chí có thể là hàng nghìn vòng khói được ghi nhận.
(Video núi lửa Etna phun ra những vòng khói trắng)
Những vòng khói này được gọi là “vòng xoáy núi lửa”, thực chất là do khí ngưng tụ và hơi nước tạo thành. Chúng có thể hình thành khi khí bốc lên từ sâu dưới lòng đất bị đẩy lên và thoát ra ngoài qua miệng núi lửa.
Bà Angela Intruglio, một người dân đến từ thị trấn Mascali, chia sẻ: “Tôi tưởng mình đang ảo giác. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh tượng nào tráng lệ và đẹp đẽ đến vậy”.
Núi lửa Etna là một trong những núi lửa có lịch sử phun trào lâu đời nhất trên thế giới, nó có thể đã có từ năm 425 trước Công nguyên.
Nghi Vân (t.h)
BÀI CHỌN LỌC: