Rút kinh nghiệm từ nhiều mùa bão trước, người dân miền Trung đang chủ động triển khai công tác ứng phó, nhằm giảm tối đa thiệt hại của bão số 4 sắp hình thành trên biển Đông.
Đưa tàu vào âu, cẩu thuyền thúng lên bờ
Theo báo Người Lao Động, sáng 18/9, ngư dân TP Đà Nẵng đang khẩn trương thu gọn ngư lưới cụ vào bờ. Hàng trăm chiếc thuyền được ngư dân Đà Nẵng khẩn trương kéo lên đường tập kết, chằng néo trước khi áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và hướng về đất liền các tỉnh miền Trung.
Tại khu vực cầu cảng tại biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nhiều ngư dân đã thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền về nơi tránh trú. Tàu thuyền được cẩu lên nằm dọc vỉa hè tuyến đường Hoàng Sa. Nhiều ngư dân chia sẻ tranh thủ cẩu thuyền lên bờ sớm để tiết kiệm chi phí.
Theo báo Tuổi Trẻ, tại Quảng Trị, hàng trăm tàu cá lớn nhỏ được ngư dân đưa vào neo đậu ở âu tàu xã Triệu An (huyện Triệu Phong), giằng néo chắc chắn. Hiện, âu thuyền này có 180 tàu của tỉnh Quảng Trị và 45 tàu với 134 thuyền viên ngoại tỉnh.
Ngư dân đưa tàu thuyền vào âu tàu, giằng néo an toàn – Ảnh: HOÀNG TÁO
Tại Quảng Bình, theo giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, đến hiện tại nhiều tàu lớn đã vào âu thuyền tránh bão. Chỉ còn một số tàu vừa chưa vào. Lực lượng chức năng sẽ thông báo rộng rãi để khuyến khích ngư dân đưa tàu vào âu sớm, tránh thời điểm thủy triều lên hoặc mưa lớn nước nguồn về sẽ không vào được.
Tàu thuyền của ngư dân Quảng Bình đa số đã về các âu tàu trước khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão – Ảnh: L.T.
Đồng thời, Quảng Bình sẽ cấm biển từ 0h ngày 19/9 để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trước áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4.
Chiều 18/9, trao đổi với Báo Người Lao Động, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh, cho biết có 528 tàu, thuyền của Hà Tĩnh và các tỉnh, thành khác đã vào neo đậu, tránh trú.
Hiện các khu neo đậu tránh trú bão ở đây còn có thể tiếp nhận thêm 772 tàu, thuyền của ngư dân. Trong đó, tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót 206 phương tiện, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng 127 phương tiện, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ 43 phương tiện và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà 152 phương tiện.
Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đã phối hợp với lực lượng BĐBP kiểm tra, kiểm soát và sắp xếp các tàu cá vào neo đậu an toàn.
Theo thống kê từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, tỉnh này hiện có 3.651 phương tiện với 10.666 lao động. Tổng số tàu không ra khơi, đang neo đậu tại các bến, bãi là 3.643 phương tiện với 10.633 lao động.
Như vậy, hiện vẫn đang còn 8 phương tiện đang hoạt động trên biển với 33 lao động.
Thu dọn, kê cao đồ đạc
Theo báo Người Lao Động, lo mưa lớn gây ngập nặng, người dân vùng rốn lũ Mẹ Suốt ở TP Đà Nẵng đã thu dọn đồ đạc, kê lên chỗ cao để tránh thiệt hại.
Từ sáng 18/9, nhiều hộ dân ở khu vực rốn lũ Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã tất bật lo dọn dẹp, kê cao đồ đạc.
Đà Nẵng: Trực vớt rác, thông dòng tại các kênh vùng trũng
Theo báo Tuổi Trẻ, Sau nhiều giờ mưa lớn, nước tại nhiều tuyến kênh đi qua các khu dân cư quận Liên Chiểu dâng cao. Chính quyền đã bố trí máy xúc, nhân lực trực tại chỗ để vớt rác tấp vào các thành cầu.
Tại cầu nối hai bên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam), trưa 18-9, nhiều dân quân tự vệ, lực lượng phòng chống bão lụt có mặt trên thành cầu để vớt, thông dòng các tảng cây lục bình trôi dạt từ thượng nguồn.
Đường Mẹ Suốt, các khu dân cư ở dọc kênh Đa Cô là điểm ngập nặng nề nhất tại TP Đà Nẵng. Năm 2022, trận lụt lịch sử đã khiến nhiều khu dân cư ngập trong biển nước. Nguyên do một phần từ hệ thống tiêu thoát dọc kênh bị thắt nghẹn bởi cây cối, rác thải.
Mặt khác tình trạng cơi nới, lấn chiếm lòng kênh để làm công trình cũng khiến kênh Đa Cô giảm khả năng thoát nước.
Ứng phó với mưa lớn, từ sáng 18-9, lực lượng địa phương đã có mặt ở cầu để ứng trực, vớt rác bám dưới sàn cầu.
Tại các cầu ngang nối đường Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Khắc Nhu, lượng bèo nổi cùng rác thượng nguồn cũng ùn ùn kéo về và dồn ứ.
Chính quyền đã huy động hai máy xúc, nhiều nhân lực ứng trực trong mưa lớn để rác đổ về tới đâu thì nạo vét, thông dòng tới đó. Tới 11h30, kênh Đa Cô vẫn chưa tràn bờ, người dân vẫn hồi hộp theo dõi mưa lũ trong bất an.
Cuối trưa 18/9, mưa như trút nước vẫn xảy ra diện rộng toàn thành phố Đà Nẵng. Nhiều khu dân cư trũng thấp đã bắt đầu ngập lụt. Trên các tuyến đường nước cũng ngập sâu khiến xe cộ lội bì bõm.
Vùng sạt lở Trà Leng: Sẵn sàng di dời dân những điểm nguy cơ
Lãnh đạo xã Trà Leng, nơi từng xảy ra thảm họa sạt lở năm 2020 cho biết địa phương này lập đội xung kích, sẵn sàng phương án di dời dân tránh mưa lũ, sạt lở núi.
Xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, nơi đã từng trải qua thảm họa sạt lở, lũ quét sau bão số 9 năm 2020 khiến nhiều người chết, mất tích, nhà cửa bị vùi lấp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 18/9, phó chủ tịch UBND xã Trà Leng, từ rạng sáng đến nay ở địa bàn có mưa vừa. Xã cũng có phương án di dời, sơ tán dân, qua kiểm tra những điểm có nguy cơ gồm thôn 1 có 3 điểm, thôn 2 là 5 điểm, thôn 3 là 2 điểm.
Nếu tình hình mưa lũ phức tạp, người dân ở các điểm này sẽ được đội xung kích di dời, sơ tán đến những nơi an toàn như nhà văn hóa, trường học, các nhà dân kiên cố.
- Xem thêm: Xác chết đột nhiên tỉnh lại, kể cho bác sĩ nghe một sự thật kinh hoàng
- Xem thêm: Bí ẩn đằng sau sự diệt vong của 4 nền văn minh cổ đại
Xem thêm:
Bí ẩn đằng sau sự diệt vong của 3 nền văn minh cổ đại và lối thoát cho con người hiện đại
Sức hủy diệt khủng khiếp của các đại dịch bệnh trong lịch sử và Thiên cơ nào đằng sau?
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*