Xã Phú Mỡ, (huyện Đồng Xuân), thượng nguồn sông Kỳ Lộ, dự kiến sẽ phải “gánh” thêm 3 nhà máy thủy điện. Tỉnh Phú Yên đang thận trọng trong thẩm định, trong khi đó, người dân địa phương lo lắng về các hệ quả nếu triển khai các dự án thủy điện này.
Một xã “gánh” 4 thủy điện?
Xã Phú Mỡ là nơi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Phú Yên (34.000ha).
Đây không những là nơi sở hữu những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn, nhiều loại gỗ quý hiếm, đặc hữu mà còn là thượng nguồn của dòng sông Kỳ Lộ với chiều dài hơn 120km chảy qua huyện Đồng Xuân và Tuy An.
Các nhà đầu tư đang thực hiện những thủ tục trình UBND tỉnh Phú Yên để chấp thuận chủ trương đầu tư cùng một lúc 3 nhà máy thủy điện, gồm: Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2. Cả 3 dự án thủy điện này đều dự kiến thực hiện các thủ tục đầu tư từ quý 4/2024 và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý 1/2027.
Nếu triển khai, xã Phú Mỡ và đầu nguồn sông Kỳ Lộ sẽ có 4 thủy điện hoạt động (hiện tại đã có Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 đang vận hành).
- Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà máy thủy điện Khe Cách có công suất thiết kế 12MW, sản lượng điện sản xuất 38,6 triệu kWh/năm. Tổng vốn đầu tư 426 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng hơn 21,2ha ở các tiểu khu 57, 67 và 68; chiều dài đường ống dẫn nước hơn 5,5km; chiều dài đường phục vụ thi công khoảng 1,5km. Quy mô kiến trúc xây dựng: đập dâng nước, hồ chứa nước, tuyến năng lượng, đường nội bộ dự án, nhà máy – trạm biến áp công suất 32MVA 110/22/6,3kV và đường dây 110kV ACSR-185mm2 đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 110kV Nhà máy thủy điện La Hiêng 2.
- Nhà máy thủy điện Sơn Hòa 1 có công suất 10MW; sản lượng điện 29,05 triệu kWh/năm; tổng mức vốn đầu tư 340 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng khoảng 85ha gồm đất rừng sản xuất, đất lúa và đất trồng cây hàng năm khác. Quy mô kiến trúc xây dựng: đập dâng nước, hồ chứa nước, tuyến năng lượng, đường nội bộ dự án, nhà máy – trạm biến áp công suất 2x6MVA 22/6,3kV và đường dây 22kV ACSR-185mm2 đấu nối chuyển tiếp trên xuất tuyến 472 trạm cắt Đồng Xuân cấp điện cho xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân).
- Nhà máy thủy điện Sơn Hòa 2 có công suất thiết kế 14MW, sản lượng điện 44,95 triệu kWh/năm. Tổng mức vốn đầu tư 476 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng 55,6ha đất rừng sản xuất tại các tiểu khu 59, 67, 68, 73, 74 xã Phú Mỡ. Quy mô kiến trúc xây dựng: đập dâng nước, hồ chứa nước, tuyến năng lượng, đường nội bộ dự án, nhà máy – trạm biến áp công suất 2x8MVA 22/6,3kV và đường dây 22kV ACSR-185mm2 đấu nối tại thanh cái 22kV trạm biến áp 110kV Nhà máy thủy điện Khe Cách.
Xem thêm: Bí mật đại hồng thủy: Video bị che dấu tiết lộ những gì được tìm thấy trong con tàu Noah
Xem thêm: Xác chết đột nhiên tỉnh lại, kể cho bác sĩ nghe một sự thật kinh hoàng
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, quy định tại mục 5 phần III Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ghi rõ: “Trước khi thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nguồn điện chưa có trong danh mục dự án quan trọng, ưu tiên của ngành điện, phải lấy ý kiến Bộ Công thương và các cơ quan liên quan về sự phù hợp với quy hoạch”.
Các dự án nhà máy thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 chưa có trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên của ngành điện. Do đó, cơ quan chức năng lấy ý kiến của Bộ Công thương, trước khi tham mưu UBND tỉnh phê duyệt.
Được biết, các dự án nhà máy thủy điện Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 chưa phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất của huyện Đồng Xuân. Vì vậy, địa phương này phải đưa vào dự thảo Quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất đến năm 2030.
Nhiều người dân lo lắng
Tỉnh Phú Yên là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Khi UBND xã Phú Mỡ tổ chức lấy ý kiến công khai để hoàn tất thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, nhiều người dân lo lắng.
Đối với nhiều người dân, ký ức về trận lũ thảm khốc năm 2009 “xóa sổ” Xóm Trường (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) gây thiệt hại nặng nề về người và vật chất vẫn chưa thể xóa nhòa.
Khi ông La Lan Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, giải thích về việc điều chỉnh quy hoạch, vị trí đặt nhà máy thủy điện, vị trí chạy đường ống nước qua các cánh rừng, rẫy lúa…, ông La Chí Thảo (thôn Phú Giang) không khỏi lo lắng về việc mất đất sản xuất và ngập lụt.
“Nếu đầu tư thủy điện thì tôi vui mừng vì có điện để thắp sáng, có điện sản xuất. Nhưng lo là sau này nước lũ có lên cao thì người dân không biết chỗ nào để đi. Làm thủy điện thì nước tràn lan, mất hết đất sản xuất, khi đó kinh tế sẽ sút giảm”, ông Thảo nói.
Xuôi về hạ du sông Kỳ Lộ, khi nghe thông tin về đề xuất triển khai các dự án thủy điện, nhiều người dân cũng rất e ngại.
Lớn lên bên dòng sông Kỳ Lộ và có hơn 30 năm công tác trong ngành nông nghiệp huyện Đồng Xuân, ông Nguyễn Phi Hải cho rằng, không nên xây dựng thêm nhà máy thủy điện tại xã Phú Mỡ.
“Theo tôi có 2 lý do không nên triển khai nhà máy thủy điện tại thượng nguồn sông Kỳ Lộ. Thứ nhất, hiện nay đã có Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 và hồ chứa nước Phú Xuân. Hai công trình này tích nước vào mùa khô và xả nước vào mùa lũ. Vào mùa lũ, hai hồ chứa cùng xả nước về hạ du, khu vực xã Xuân Quang 3, thị trấn La Hai, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) và xã An Nghiệp, An Định (huyện Tuy An), gây ngập lụt nặng. Thứ hai, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các xã ở hạ lưu đều sử dụng nước bơm từ dòng sông này. Nếu thêm 3 thủy điện cùng tích nước, dòng sông sẽ khô và không có nước phục vụ sản xuất. Nhiều năm qua, sông Kỳ Lộ bị bồi đắp nên việc trữ nước, điều tiết nước vào mùa khô rất khó khăn”, ông Hải cho biết.
Xem thêm: Đại nạn đã định sẵn, chỉ người thiện lương mới thoát được tai ương
Xem thêm: Bí ẩn đằng sau sự diệt vong của 4 nền văn minh cổ đại
Cần thận trọng
Nếu xây dựng các nhà máy thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 theo như phương án của các nhà đầu tư đề xuất, sẽ có hơn 154,8ha rừng bị thu hồi. Đây chủ yếu là diện tích rừng trồng (hơn 35ha), đất trống chưa có rừng (119,8 ha).
Tuy nhiên, các hạng mục phụ trợ của nhà máy như: đường ống dẫn nước, đường thi công vẫn có thể tác động đến rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và đất trồng lúa của người dân.
Trong quá trình thẩm định dự án, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đề nghị, nhà đầu tư phải bổ sung diện tích, vị trí, tọa độ của từng khu vực như: lòng hồ; đập chính; khu phụ trợ; mô tả chi tiết việc xây dựng đường ống dẫn nước, mới biết có ảnh hưởng đến diện tích rừng và chức năng quy hoạch của rừng hay không.
Bên cạnh đó, trước khi triển khai dự án, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 28-12-2017 của UBND tỉnh (theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ).
Ông Lữ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: “Nhà đầu tư phải căn cứ các quy định để phân tích, so sánh các phương án để lựa chọn tuyến công trình, mực nước dâng bình thường, mực nước chết, công suất lắp máy, số tổ máy, kết cấu đập dâng, quy mô và kết cấu đập tràn, giải pháp tiêu năng, phương án đấu nối nhà máy thủy điện với hệ thống điện, đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội”.
Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, nhà đầu tư phải tính toán an toàn ổn định, độ bền, chống thấm, chế độ thủy lực… của các hạng mục công trình chính như: đập dâng, đập tràn, cửa lấy nước, kênh dẫn nước, đường ống áp lực, kênh xả… trong mọi điều kiện làm việc.
Các dự án thủy điện cần đánh giá các hiệu ích kết hợp khác của dự án như: cắt giảm lũ, tạo nguồn cấp nước cho hạ du; phát triển du lịch, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản.
Ông Trần Xuân Túc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, cho rằng, việc đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện trên suối Khe Cách (một nhánh của sông Kỳ Lộ), cùng các nhà máy thủy điện Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 có khả năng ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên, dòng chảy, nguồn nước và đời sống của người dân (nguồn cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông lâm nghiệp, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, lũ lụt, sạt lở, xói mòn,…).
Vì vậy, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ lưỡng để làm cơ sở xem xét; đảm bảo hiệu quả, khả thi và hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đời sống của người dân
Xem thêm: Nguồn gốc con người không phải trên Trái Đất?
Xem thêm: Di sản cánh đồng Chum ở Lào: Di sản ẩn chứa dấu tích người khổng lồ
Xem thêm: 6 minh chứng cho thấy Đại Hồng thủy thật sự từng xảy ra
Xem thêm:
Sức hủy diệt khủng khiếp của các đại dịch bệnh trong lịch sử và Thiên cơ nào đằng sau?
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*