Vì sao những người bạn tốt lại dần dần xa nhau? Bởi vì giá trị quan, nhân sinh quan, thế giới quan của họ khác nhau? Hay bởi khoảng cách địa lý? Hay do sở thích cá nhân?…
Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng chẳng phải có những người đều vì cùng chung quan điểm, cùng chung sở thích mà trở thành bạn tốt đó sao? Vậy mà cuối cùng vẫn mỗi người mỗi ngả, đường ai nấy đi.
Gần đây tôi phát hiện ra rằng, đôi khi cách chúng ta giao tiếp lại là một trong những nguyên nhân khiến mọi người dần trở nên xa cách. Nếu bạn phát hiện ra rằng mình nói mà chẳng có ai nghe, bạn bè ngày càng thưa thớt, thì có thể là do bạn đã phạm ba lỗi sau mà không tự biết:
1. Tùy ý bình luận về cuộc sống của người khác
Nhóm bạn cấp 3 của tôi chơi với nhau khá tâm đầu ý hợp. Sau khi tốt nghiệp hơn một năm, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Nhưng từ khi Phương Anh kết hôn, những người còn lại trong nhóm dần dần lánh xa cô ấy.
Chỉ bởi vì sau khi có gia đình, Phương Anh thường dùng cái cớ “Vì tớ muốn tốt cho cậu”, hay “Tớ cũng mong cậu hạnh phúc” để không ngừng thúc giục người khác sớm tìm đối tượng kết hôn như mình.
Ví như Mai Thảo tốt nghiệp thạc sỹ, cô đã lên kế hoạch đi du lịch sau khi tốt nghiệp. Nhưng khi cô đăng ảnh chuyến đi lên phòng chat của bạn bè, thì Phương Anh nhắn lại rằng: “Đi một mình có gì vui đâu? Cậu nên mau chóng tìm cho mình một anh chàng đi!”
Ví như, trong khi mọi người nói chuyện, có người kể rằng công việc của mình đang gặp khó khăn nên cô ấy rất áp lực. Phương Anh ngay lập tức tiếp lời: “Cậu cần tìm một anh chồng nuôi cậu, kết hôn rồi áp lực sẽ không lớn như vậy nữa”.
Còn có rất nhiều lời bình luận như: “Bạn bè chúng mình biết bao nhiêu người đã ổn định gia đình, sinh con rồi, thế mà cậu cứ đủng đà đủng đỉnh. Lớn tuổi rồi khó lấy chồng lắm đấy!” V.v và v.v…
Theo quan điểm của Phương Anh, dường như chỉ có lập gia đình thì cuộc sống cá nhân mới có ý nghĩa. Trong khi mọi người nỗ lực làm việc, học tập, hoạch định cho mình những mục tiêu này khác thì cô ấy không thể hiểu họ đang nghĩ gì.
Dần dà chúng tôi có chuyện gì cũng ít nói với Phương Anh, và còn bảo nhau nói chuyện với cô ấy càng ít càng tốt. Vậy nên, từ những người bạn thân thiết có thể tâm sự mọi chuyện ‘trên trời dưới biển’, chúng tôi nay lại hờ hững như những người bạn qua đường.
Có rất nhiều người dường như đã trở thành thói quen, họ thích áp đặt những quan niệm và định nghĩa về hạnh phúc của mình lên người khác. Nếu trái với quan niệm của mình thì họ cho rằng người ấy không hạnh phúc.
Nhưng mỗi người lại có định nghĩa của riêng mình về cách sống. Có thể bạn sẽ không sao hiểu được cảm giác hạnh phúc của người khác. Có những điều bạn coi là hạnh phúc thì đối với họ mà nói lại chẳng đáng giá một xu.
Khi chúng ta dùng thước đo của mình để tùy tiện đánh giá hay phán xét người khác, thì chúng ta đã vượt quá giới hạn trong giao tiếp giữa người với người.
2. Thích buôn chuyện…
Trong cuộc sống có một kiểu người như thế này: Câu cửa miệng của họ khi gặp mặt người khác là: “Bạn có biết không, ai đó lại có chuyện rồi”.
Lần đầu tiên gặp kiểu người này tôi không thể hiểu nổi: Vì sao lại có người buôn chuyện nhiệt tình như vậy? Dường như công việc hàng ngày của họ chỉ là đi nghe ngóng bí mật của người khác.
Giáo sư Diêu Bác của trường Đại học Texas từng tiến hành một cuộc điều tra tâm lý. Ông phát hiện ra rằng: “Những người thích buôn chuyện thường có tâm lý tự ti. Họ hy vọng thông qua việc tiết lộ thông tin riêng tư và bí mật của người khác sẽ đề cao địa vị của bản thân, tăng thêm sự gắn kết tình bạn và thúc đẩy mối quan hệ với người nghe”.
Tôi nhớ có câu nói rằng: “Tình bạn của con gái bắt đầu từ việc nói xấu sau lưng”. Lời này thoạt nghe qua cũng có lý. Nhưng ngẫm sâu hơn thì tình bạn có được nhờ bàn luận sau lưng người khác đều chỉ dừng lại ở mức nông cạn, rất khó có thể trò chuyện thân thiết với họ.
Dẫu rằng mọi người đều thích bàn luận này nọ, nhưng không một ai muốn bên cạnh mình có một “bà tám siêu đẳng”. Họ thường lo lắng một ngày nào đó mình cũng trở thành nhân vật chính trong những câu chuyện tán gẫu của người ấy. Có người từng nói: “Tán gẫu là một phần trong cuộc sống của con người, điều quan trọng là phải có chừng mực”.
Tán chuyện quả thực là một loại ‘gia vị’ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng quá đà sẽ khiến bản thân mất đi sự tu dưỡng. Lâu ngày thói quen này cũng sẽ làm tổn hại tới hình tượng của bạn, cũng sẽ khiến người khác muốn tránh xa.
3. Tư tưởng tiêu cực, oán thán như vũ bão…
Người theo chủ nghĩa tiêu cực là người thế nào?
Nếu bạn nói rằng thời tiết hôm nay thật đẹp; họ sẽ nói trời nắng quá. Nếu bạn nói món bánh này thơm phức, béo ngậy, thật ngon; họ sẽ nói bạn ăn vào sẽ béo lên đấy!…
Kỳ thực những điều họ nói không sai, nhưng họ thường chỉ nhìn thấy một mặt tồi tệ của sự việc. Những người tiêu cực nhìn thấy mọi thứ chẳng có gì tốt đẹp. Họ thường mang tâm trạng bi quan nặng nề, thậm chí còn khiến cảm xúc này lan truyền sang cả bạn.
Ngọc Diệp cũng là một người mang theo tâm trạng tiêu cực nặng nề như vậy. Ai nói chuyện với cô ấy cũng rất ít khi được vui vẻ. Cô hầu như luôn chìm ngập trong sự oán trách: Oán trách công việc, oán trách cuộc sống. Từ chuyện bé như con kiến tới chuyện quốc gia đại sự cô ấy đều nhìn thấy chỗ không thuận mắt. Sau đó cô ấy sẽ than vãn không ngừng nghỉ.
Nói chuyện với cô ấy mọi người không chỉ cảm thấy khó chịu, mà còn ảnh hưởng tới tâm trạng sau này của họ. Dần dà không còn ai muốn nói chuyện với Ngọc Diệp nữa. Đôi khi nhắc nhở một cách lý trí cũng là việc tốt, nhưng động đến chuyện gì cũng kêu ca, phàn nàn, thì chỉ khiến người khác nhìn thấy bạn đã muốn tránh xa.
Ai cũng muốn sống vui vẻ, hạnh phúc. Khi bạn đang cao hứng chia sẻ với người khác, nếu bị họ dội cho một xô nước lạnh thì lúc ấy bạn không còn vui vẻ nữa. Thậm chí bạn còn nghĩ sau này không nên nói chuyện với họ, tránh tự rước lấy chuyện chán ngắt như thế này vào thân.
Kỳ thực, muốn giao tiếp với người khác không hề khó. Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi góc độ suy nghĩ, đặt mình vào vị trí của người khác mà suy nghĩ cho họ. Một thời gian sau tự nhiên bạn sẽ có thể tránh được những cách giao tiếp sai lầm. “Mỗi ngày ta tự kiểm điểm bản thân mình ba lần” cũng có cùng một hàm nghĩa như vậy.
Nếu đợi đến khi bạn bè đều chán ghét cách giao tiếp của bạn, chỉ dám ‘cung kính’ đứng nhìn bạn từ phía xa, thì bạn có muốn oán trách cũng chỉ còn lại một mình mình mà thôi…
Theo NTDTV