Sau vụ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trong không phận Hoa Kỳ, Trung Quốc đã tung đòn trừng phạt mới với hai tập đoàn quốc phòng Mỹ vì bán vũ khí cho Đài Loan.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/2 thông báo liệt hai nhà sản xuất quân sự lớn nhất của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon vào danh sách trừng phạt của Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt trên được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh cảnh báo Washington về “các biện pháp đáp trả” đối với Mỹ vì đã bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc vô tình “đi lạc” vào không phận Mỹ.
Theo đó, hai tập đoàn Mỹ sẽ bị cấm nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đầu tư vào Trung Quốc và phải đối mặt với mức phạt gấp đôi giá trị hợp đồng bán vũ khí của hai hãng với Đài Loan. Vào tháng 9/2020, Đài Loan đã ký hợp đồng mua 66 chiếc máy bay chiến đấu F-16V từ nhà thầu Lockheed Martin trị giá 8,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ Bắc Kinh sẽ thi hành án phạt này ra sao. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt này khó có thể có bất kể tác động rõ rệt nào, vì Mỹ đã cấm hầu hết các công ty quốc phòng của nước này bán thiết bị quân sự cho Trung Quốc.
Hồi tháng 2/2022, Trung Quốc cũng đã trừng phạt hai tập đoàn này vì bán số vũ khí trị giá 100 triệu USD cho Đài Loan.
Bắc Kinh vẫn tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và “đang chờ thống nhất”. Tuy nhiên, Đài Loan chưa bao giờ chịu nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ. Chính phủ dân chủ của Quốc đảo này là sự tiếp nối của chính phủ mà ĐCSTQ đã tìm cách lật đổ trong cuộc Nội chiến Trung Quốc (1946 – 1949).
Hoa Kỳ không ủng hộ quan điểm của ĐCSTQ về vấn đề Đài Loan, đồng thời họ vẫn duy trì các nghĩa vụ pháp lý với Đài Loan theo Đạo luật quan hệ Đài Loan năm 1979 trong việc cung cấp vũ khí cho hòn đảo để phòng vệ.
Lệnh trừng phạt hai tập đoàn quốc phòng Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh cấm 6 thực thể có liên hệ với quân đội Trung Quốc được cho là có liên quan đến chương trình khinh khí cầu do thám của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc không nhắc đến vụ bắn hạ khinh khí cầu hay lệnh cấm vận của Mỹ trong lệnh trừng phạt. Thay vào đó, bộ này chỉ nói rằng việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 nhà thầu Mỹ là vì mục đích an ninh quốc gia.
Theo đó, trong một tuyên bố hôm 10/2, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt 5 công ty và một viện nghiên cứu Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu vì đã hỗ trợ “các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là các chương trình hàng không vũ trụ của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) bao gồm khí cầu và khinh khí cầu”.
Vào thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Don Graves cho biết: “Bộ Thương mại Mỹ sẽ không ngần ngại tiếp tục sử dụng Danh sách Thực thể (Entity List) cùng các công cụ thực thi và quản lý khác của chúng tôi để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.
Ông mô tả Danh sách Thực thể là “một công cụ mạnh mẽ để xác định và loại bỏ các tác nhân tìm cách sử dụng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của họ để gây hại và đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ”.
Huyền Anh (NTDVN) biên dịch Theo The Epoch Times
(Đại diện của Lockheed Martin và Raytheon không trả lời yêu cầu bình luận của The Epoch Times vào thời điểm viết bài)