Internet với tư cách là phương tiện truyền tải chính các loại thông tin trong xã hội ngày nay. Ngoài sự tiện ích, Internet cũng đã đem lại nhiều vấn đề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình thường của mọi người, nếu chúng ta không biết sử dụng nó đúng cách.
Internet dường như có sức hút mãnh liệt. Ở đâu, chỗ nào, làm gì,… người người, nhà nhà đều không tách rời nó. Ví như bây giờ rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thời gian rảnh là cầm điện thoại lên, chăm chú lướt web, sử dụng nhiều ứng dụng, chơi trò chơi điện tử trên mạng. Nhiều lúc họ không thể rời tay khỏi điện thoại, suốt ngày mê mẩn trong đó, khiến thân tâm kiệt quệ, mệt mỏi. Các loại tội phạm cũng từ môi trường đó liên tiếp xuất hiện.
Internet đối với rất nhiều người không chỉ là vấn đề gây nghiện mà còn giống như hít ma túy, nó khiến người ta không thể thoát ra khỏi việc đắm chìm trong thế giới ảo của nó. Một khi chứng nghiện Internet phát triển, muốn bỏ thì cũng rất hao tốn sức lực.
Ngoài việc kích thích thần kinh gây nghiện của con người ra, tôi nghĩ nó còn là để thỏa mãn những dục vọng về danh lợi tình mà bản thân không thể thỏa mãn ở thế giới thực của con người. Bởi vì không thể được thỏa mãn trong hiện thực, nên chỉ có thể được tìm kiếm trong thế giới hư ảo.
Tôi biết rất nhiều người gặp vấn đề về phương diện này với mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng.
Không thể phủ nhận tác dụng của Internet trong việc bán hàng, tạo sự thuận tiện nhanh chóng trong học tập, làm việc. Thông tin được truyền tải nhanh. Lĩnh vực nào cũng được thay đổi nhờ sự xuất hiện của Internet. Tuy nhiên, việc lạm dụng và quá phụ thuộc vào thế giới ảo đang gây ra những hệ luỵ khôn lường.
Trẻ em nghiệm game, chúng học hành sa sút, không chịu tiếp xúc với thế giới bên ngoài và giao tiếp kém. Mắc các chứng bệnh về xương khớp, các tật về mắt/ Tâm thần của chúng gặp vấn đề. Có khi tự kỷ và mất đi khả năng giao tiếp, sáng tạo tự nhiên vốn có. Do có quá nhiều rác trên Internet, trẻ em không có bộ lọc để chọn lựa video có ích, nên rất dễ hư hỏng. Cha mẹ vì quá bận rộn, nên đã coi điện thoại, máy tính, là bảo mẫu. Không giao tiếp và dành thời gian chơi cùng con cái, điều đó chẳng khác nào huỷ hoại một đứa trẻ.
Theo báo Thanh Hoá online, tháng 6-2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD). Theo WHO, nghiện game là một bệnh về tâm thần. Theo thống kê của WHO, có tới 70 – 80% trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10 – 15%. Nghiện game có thể gây ra những triệu chứng của một số bệnh tâm thần khác như trầm cảm hoặc lo âu.
Bác sĩ CKI Phạm Đức Cường, Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng nhi, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, cho biết: Nghiện game online sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của trẻ em. Trẻ được xác định nghiện game khi nhập tâm vào trò chơi yêu thích trong game, không kiểm soát được bản thân khỏi game, chơi ở bất cứ đâu, chơi game liên tục, không nghỉ trong nhiều giờ. Trẻ thèm muốn việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống, giảm khả năng giao tiếp, sống thu mình…
Những người có các triệu chứng, biểu hiện rối loạn tâm lý liên quan đến nghiện game chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Đây là thời điểm các bạn trẻ có những thay đổi trong tâm lý và cũng dễ bị cám dỗ.
Người đã nghiện game online, chơi game nhiều sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy, như: sa sút về thể lực và tinh thần, giảm trí nhớ, bỏ bê việc học hành, đặc biệt là không kiểm soát được hành vi của bản thân, cảm xúc dễ bị biến đổi, bồn chồn, hay cáu kỉnh, thậm chí xuất hiện những triệu chứng rối loạn, mất ngủ, chán ăn, ăn ít, loạn thần, giảm sút năng lượng, suy nghĩ lệch lạc, tư tưởng, hành vi không phù hợp…Vì vậy nhiều vụ án cướp của giết người, cướp tài sản để chơi game trong độ tuổi thanh thiếu niên ngày càng nhiều. Gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc làm cha mẹ và nhà quản lý.
Độc tố Internet được con người chủ động thu nhận (ví dụ: dùng mắt để nhìn, dùng tai để nghe và dùng tay để chơi trò chơi). Chất độc trên mạng Internet có thể trở thành kẻ sát nhân vô hình. Biểu hiện của người nhiễm độc Internet là tinh thần bất ổn, suy nghĩ trống rỗng, mắt sưng đỏ và có hành vi phạm tội trên Internet. Nhưng kể cả những người trưởng thành, được coi là có ý thức cao vẫn bị phụ thuộc phần nhiều vào Internet, vào chiếc điện thoại thông minh. Trong khi các nhà sản xuất các ứng dụng liên tiếp tạo ra nhiêu phần mềm, đáp ứng nhu cầu vô bờ bến của con nguời, khiến con nguời vì thế mà càng trở nên thụ động, thoái hoá trí não và sự sáng tạo, tính nhân văn của con người.
Gần đây công cụ ChatGPT là một loại công cụ trí tuệ nhân tạo ra đời, và được nhiều người sử dụng để làm luận văn tốt nghiệp, sáng tác nhạc, viết kịch bản, và hỏi bất kể vấn đề gì… Nếu mọi câu trả lời đều sẵn có, chúng ta chỉ cần copy, thì con người không còn khả năng sáng tạo, bộ não ko cần làm việc cũng sẽ mất đi sự nhanh nhạy. Học sinh không cần suy nghĩ bài về nhà. Người trưởng thành lập kế hoạch kinh doanh cũng nhờ các bộ máy, thì chẳng mấy chốc công nghệ sẽ thay thế mọi công việc của con người. Con người đang bị chính những thứ công nghệ khống chế và điều khiển, thất nghiệp cũng sẽ diễn ra đầy rẫy do có công nghệ thay thế.
Sự bùng nổ của Internet hiện nay đã khiến nhiều người trở nên bối rối. Chúng ta tự hỏi rằng, tại sao thế hệ không Internet lại sống bình an, hoà thuận và hạnh phúc hơn chúng ta? Điều đó phụ thuộc vào chính bạn. Bạn chọn cách sử dụng Internet một cách thông minh, có chọn lọc, trong một khoảng thời gian vừa phải. Dành nhiều thời gian để nghiên cứu, đọc sách, tham gia các hoạt động xã hội, thể thao, tăng cường giao tiếp với mọi nguời, thì nhất định bạn sẽ có một cuộc sống an yên và hạnh phúc. Đừng để Internet và công nghệ khống chế bạn, vì chúng có độc tố!
Theo Khát Vọng Cuộc Sống
Bài liên quan:
> Trí tuệ nhân tạo ChatCPT: hy vọng hay nỗi lo cho nhân loại?