Người ta thường cho rằng việc đã làm sai rồi thì không cách nào sửa chữa, tạo thành tổn thất khó có thể vãn hồi. Nhưng sống trên thế gian, có ai là hoàn hảo? Điều quan trọng là ở chỗ bạn đối đãi ra sao với sai lầm của chính mình.
Mạnh Tử thường cảm thán phẩm chất cao quý của Tử Lộ (học trò của Khổng Tử) là người luôn “mừng vui khi bị chỉ ra lỗi sai“. Nhà hiền triết Lục Cửu Uyên thời Nam Tống rất tâm đắc và tôn sùng về cảnh giới tinh thần của việc “vui khi người khác chỉ ra lỗi lầm, có khuyết điểm không giấu giếm, càng không ngại việc sửa đổi“.
Triết lý của Nho gia trong văn hoá truyền thống thường giảng về “Thiên nhân hợp nhất, thiên nhân cảm ứng”; Học thuyết âm dương của Đạo gia cũng giảng rằng: “Người có chính khí đủ đầy thì tà không thể xâm phạm”; Phật gia giảng về nghiệp lực luân báo càng nói minh xác hơn với con người rằng: “Nghiệp chướng của nhân loại bao gồm cả bệnh tật đều chính là nghiệp báo ác báo gây ra do đạo đức thoái hóa xuống cấp”.
Vậy thì đâu sẽ là lối thoát? Làm cách nào mới có thể giải khai được ân oán tội nghiệp từ những việc làm xấu xa gây ra? “Sai lầm như trúng bệnh, sám hối như linh đan”. Kỳ thực một người nếu có thể thành tâm soi xét bản thân, tìm chỗ thiếu sót, hướng tới Trời Phật mà sám hối ăn năn, khởi tâm chân chính đánh thức thiện niệm, biết rằng trên đầu ba thước có Thần linh, khi ấy sẽ nhìn vô cùng rõ ràng và sẽ được ban cấp cho cơ hội mới chuộc lại lỗi lầm, đó cũng chính là linh đan diệu dược tốt nhất trong nguy nan. Một số câu chuyện của cổ nhân dưới đây sẽ cho chúng ta chiêm nghiệm rõ về việc này:
Hòa thượng biết hối lỗi bệnh được chữa khỏi
Hoà thượng Nhạc Hoằng ở chùa Cao Minh thời đầu triều Minh cuối triều Thanh chuyên quản các việc về ngân khố, tuy nhiên ông thường không tuân thủ quy tắc, khấu hụt vật tư của người khác, không có chuyện xấu nào không dám làm.
Nhạc Hồng ngày ngày tự vào kho thực phẩm lén lút lấy đồ ăn nấu riêng cho mình, không chia cho mọi người, hơn nữa còn trộm lấy thóc gạo ngũ cốc cho tự mình sử dụng. Sự việc kéo dài trong một năm. Cho đến đêm ngày Tết Nguyên Đán năm mới, Nhạc Hoằng nằm mộng thấy Thần linh cắt lưỡi của mình. Mùng bốn ông thực sự mắc bệnh nặng không thể chữa trị, tính mạng cận kề với cái chết.
Nhạc Hoằng biết mình trúng bệnh vô cùng thất kinh lo sợ, vội vã đem bán hết quần áo vật tư của mình, đem tiền đến trước mặt mọi người xin tạ tội, nói rõ ngọn ngành đầu đuôi câu chuyện, đồng thời xin từ chức giám sát ngân khố, bệnh của ông từ đó không trị mà khỏi.
Một niệm hối hận hóa thù thành ân
Một cư sĩ tên là Vương Nguyên Kiến ở Hàng Châu thời Minh mạt (đầu nhà Thanh) đã tự thân chứng kiến một câu chuyện như sau: có nhà nông trong làng nọ sở hữu rất nhiều ruộng đồng, tuy nhiên ranh giới vị trí của chúng lại lẫn lộn với ruộng đất của một nhà họ Chúc. Nhà họ Chúc này cậy có quyền có thế dùng mọi thủ đoạn âm mưu chiếm lấy phần đất của nông phu kia.
Dân mọn không có tiếng nói, muốn kiện cáo cũng chẳng có cửa, hoàn toàn cảm thấy bất lực. Vị nông phu này phát thệ kiếp sau xin hóa thành con rắn đến cắn lão gia nhà họ Chúc, vì báo thù mà nảy sinh tâm oán hận. Nói dứt lời, ngay lập tức người ông mắc phải trọng bệnh, sau đó vội vã thuê người đóng sẵn quan tài cho mình, còn đặc biệt dặn người thợ đó đục thêm một cái lỗ huyệt. Anh thợ mộc thấy vậy không hiểu nổi, bèn đi hỏi dân làng và được kể từ đầu chí cuối rất chi tiết nguyên cớ sự việc.
Anh thợ mộc nghe xong vội vã báo với nhà họ Chúc. Chúc gia nghe xong cảm thấy vô cùng hối hận, liền đến nhà người nông phu nọ để trả lại khế ước đất, đồng thời còn gửi thêm tiền phí trị bệnh. Người nông phu thấy vậy cảm động tuôn lệ, trong lòng cũng cảm thấy ăn năn xấu hổ, từ miệng nhổ ra một con rắn nhỏ, bệnh lập tức liền khỏi.
Câu chuyện Thạch Phổ gặp thuộc hạ
Quyển thứ ba trong tập Đông Pha Chí Lâm của Tô Đông Pha cũng có ghi chép lại một câu chuyện tương tự như vậy. Chuyện kể rằng có một người tên là Thạch Phổ, tính tình hung bạo, rất thích giết người, thường đem việc giết người thành niềm vui riêng của bản thân, hơn thế trước giờ ông ta đều không cảm thấy hối hận.
Một hôm, ông ta uống rượu say mèm rồi đem thuộc hạ trói lại, sau đó lệnh cho một tên tuỳ tùng khác dìm đầu tên thuộc hạ kia xuống sông cho chết đi. Người tuỳ tùng thấy vậy không thể chịu nổi, liền lén lút thả tên thuộc hạ kia.
Thạch Phổ sau khi tỉnh rượu liền vô cùng hối hận về hành vi của mình, người tuỳ tùng vì sợ tính bạo lực của ông ta mà không dám đem chuyện thả người ra nói.
Về sau Thạch Phổ mắc bệnh, trong lúc mơ màng ông ta nhìn thấy phảng phất linh hồn của tên thuộc hạ nọ, vậy nên tưởng rằng mình đã chết nằm trên giường rên rỉ kêu mặt tái mét. Người tuỳ tùng thấy chủ nhân như vậy liền vội gọi tên thuộc hạ được thả kia đến, dẫn đến trước mặt Thạch Phổ. Từ đó về sau Thạch Phổ không còn gặp phải ma quỷ nữa, bệnh cũng được chữa khỏi.
Sám hối phải kịp thời
Ông Trời luôn yêu thương che chở vạn vật, tuy có những người tội nghiệp quả thực rất nặng, nhưng một khi họ thật sự tỉnh ngộ biết ăn năn sám hối với Thần linh thì vẫn là có thể cứu vãn được. Nhưng có những người thực sự là không thể. Tất cả đều nhìn vào tâm con người động như thế nào.
Trong cuốn Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký của Kỷ Hiểu Lam có ghi lại một câu chuyện như sau: Một vị thư sinh nọ rất cả gan, thường muốn gặp ma quỷ, nhưng càng muốn lại càng không được. Một đêm trời mưa tạnh không khí trong lành thoáng đãng, ánh trăng chiếu rọi bốn phương, anh ta liền sai nô tỳ chuẩn bị cho một bình rượu và mấy chiếc bát, sau đó đem ra khu đất mộ mả hoang vắng hướng đến tứ phương mà giương cổ hét lớn: “Tối nay trăng sáng đẹp quá, một mình ta cô đơn đến đây, có bạn nào dưới lòng đất muốn lên thưởng thức mỹ tửu với ta không?”.
Ngay khi thanh âm vừa dứt, thì bắt đầu xuất hiện những con đom đóm lập lờ trên cỏ. Vị thư sinh này lại hét lớn một lần nữa, thì linh hồn màu trắng trong bắt đầu hiện lên, đi tới cách anh ta tầm khoảng một trượng rồi dừng lại. Anh ta nhìn thấy có tầm mười cái bóng như vậy, rót đầy bát rượu rồi tiến đến chỗ linh hồn bọn quỷ và rắc rượu xuống đất, chúng quỷ thấy vậy cúi xuống thưởng rượu. Một con trong số đó khen rằng rượu ngon và bảo anh ta tiếp tục rắc.
Thư sinh vừa rót rượu vừa hỏi bọn quỷ: “Các ngươi đều ở dưới nơi cửu tuyền, âm u không có ánh mặt trời, tại sao không đi chuyển sinh vậy?” Bọn quỷ đáp: “Những ai có thiện căn đều chuyển sinh rồi, còn những kẻ tà ác tham lam đầy dục vọng đều bị hạ địa ngục. Chúng ta ở đây có mười ba tên, hạn chịu tội nghiệp vẫn chưa hết, tuy nhiên có bốn tên đã sắp chuẩn bị được luân hồi rồi, còn chín đứa còn lại nghiệp lực luân báo nặng quá không thể chuyển sinh“.
Thư sinh thấy vậy hỏi tiếp: “Tại sao không sám hối xin giải thoát?” Chúng quỷ nói: “Có sám hối chứ, nhưng phải là khi còn dương thọ, chết rồi mới sám hối thì đã quá muộn, căn bản sẽ không có tác dụng nữa“. Vị Thư sinh nghe xong liền uống một mạch hết bình rượu rồi giơ lên cho chúng quỷ xem, bọn quỷ lần lượt tự rút lui ra về.
Trong đó có một tên quay đầu lại cố ý nói thêm: “Quỷ đói chúng ta được uống rượu ngon, không có gì để báo đáp. Vậy nên ta muốn tặng ngươi một câu: sám hối nhất định phải kịp thời!”.
Tài liệu tham khảo:
-
Đông Pha Chí Lâm của Tô Thức
-
Kiến Văn Lục của Ngẫu Ích đại sư
-
Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký của Kỷ Quân (Kỷ Hiểu Lam)
Nghi Vân (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Hướng Thần cầu nguyện vì sao không linh, tự cầu nhiều phúc bằng cách nào?
Khám phá Ngũ hành trong kiến trúc và ẩm thực của người xưa
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*