Reuters đưa tin về việc Bộ trưởng Y tế Đức đã bày tỏ lo ngại về một biến thể mới của COVID-19 có liên quan đến số ca nhập viện ngày càng tăng ở vùng đông bắc Hoa Kỳ, đồng thời cho biết thêm rằng Berlin đang theo dõi tình hình chặt chẽ.
Khi phần lớn thế giới đang tập trung theo dõi các trường hợp nhiễm COVID đang gia tăng ở Trung Quốc, thì các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang bắt đầu ngày càng lo lắng về chủng Omicron XBB.1.5 rất dễ lây lan. Theo dữ liệu cho thấy vào tuần trước.Chủng vi rút này là tác nhân gây ra hơn 40% các ca nhiễm ở Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Karl Lauterbach nói rằng: “Hy vọng rằng chúng ta sẽ vượt qua mùa đông trước khi một biến thể như vậy có thể lây lan”. “Chúng tôi đang theo dõi xem XBB.1.5 có xảy ra ở Đức hay không và ở mức độ nào.”
Tiến sĩ Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng 7 trong số 10 tiểu bang của Hoa Kỳ có số ca nhiễm và nhập viện gia tăng là ở vùng Đông Bắc, và các ca này do biến chủng XBB gây ra có tỉ lệ cao hơn.
Biến thể lây nhanh nhất được biết
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang rất lo ngại về XBB.1.5, một biến chủng phụ đang gây đợt bùng phát mới ở Mỹ, đây có thể là phiên bản Omicron lây lan nhanh nhất được biết.
Trong tháng 12/2022, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng từ mức 4% lên 41%, trong đó gần nửa số ca nhiễm là do XBB.1.5 gây ra. Tiến sĩ Ashish Jha, điều phối viên phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết đây là một mức tăng “đáng kinh ngạc”.
Các quan chức của WHO chia sẻ quan điểm tương tự tại cuộc họp ngày 4/1 mới đây. Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật về Covid-19, cho biết tổ chức Y tế thế giới đang lo ngại về lợi thế tăng trưởng của biến chủng này. Bà lưu ý XBB.1.5 đã lan sang ít nhất 29 quốc gia sau lần đầu xuất hiện ở Mỹ.
“Chúng tôi dự kiến sẽ có nhiều đợt lây nhiễm trên khắp thế giới. Tuy nhiên, số ca tử vong có thể không tăng vì các biện pháp ứng phó trước đây vẫn có hiệu quả”, bà nhận định.
Ông Jha lưu ý rằng các công cụ hiệu quả để tránh lây nhiễm và chuyển nặng sau khi nhiễm nCoV là xét nghiệm, đeo khẩu trang đúng cách, thông khí trong nhà, uống thuốc kháng virus đã được phê duyệt (nếu mắc bệnh) và tiêm các liều vaccine cập nhật.
“Chúng tôi sẽ sớm có thêm dữ liệu về mức độ hiệu quả của vaccine mới trước XBB.1.5. Nghiên cứu xác định hiệu quả của vaccine dòng phụ đang được tiến hành”, Jha nói, thêm rằng XBB.1.5 có thể dễ dàng vượt qua hệ thống miễn dịch và lây lan mạnh. Tuy nhiên, ông chưa rõ virus có thể gây ra triệu chứng nặng hơn hay không.
Dù lo ngại về XBB.1.5, tiến sĩ Jha không cho rằng đây là bước lùi lớn của đại dịch. “Nếu mọi người đều thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, chúng ta có thể làm giảm thiểu tác động của biến chủng đối với cuộc sống”, ông nói.
XBB.1.5 là họ hàng của biến chủng Omicron XBB, tái tổ hợp từ hai biến chủng phụ là BA.2.10.1 và BA.2.75. Theo WHO, cả XBB và XBB.1.5 hiện lấn át các chủng phụ Omicron khác. Biến chủng XBB đã lây lan ở 70 quốc gia, gây ra làn sóng lây nhiễm ở một số khu vực của châu Á, bao gồm Ấn Độ và Singapore, vào tháng 10.
Theo Reuters, XBB khiến số ca nhiễm tăng gấp 4 lần chỉ sau một tháng ở một số quốc gia. Tỷ lệ lây nhiễm XBB.1.5 tại Mỹ đã tăng từ 22% lên 40% trong vòng một tuần, thủ phạm của khoảng 75% ca nhiễm ở vùng Đông Bắc nước này. Biến chủng sở hữu các đột biến như F486P, giúp nó vượt qua các kháng thể chống Covid-19 tạo ra từ tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên.
Hiện chưa có nghiên cứu sâu về độc lực và tỷ lệ nhập viện, tử vong do chủng này.
V.N (t/h)