Nếu như hỏi rằng môn thể thao nào được nhiều người yêu thích nhất trên thế giới, thì không ai có thể phủ nhận được đó chính là bóng đá. Người ta yêu thích bóng đá vì nó dễ chơi, dễ thưởng thức, phù hợp với mọi lứa tuổi hay giới tính. Vượt qua cả những rào cản về ngôn ngữ, địa lý, không gian và thời gian. Bóng đá mang con người lại gần nhau hơn. Bóng đá không chỉ là trò chơi mà còn là lẽ sống!
Phá vỡ mọi rào cản
Có người từng nhận xét rằng, bóng đá đã thổi lên ngọn lửa tình yêu cuộc sống của nhân loại, là tiếng nói chung lớn nhất trên hành tinh của chúng ta, dù có khác nhau về dân tộc, tôn giáo và quan điểm chính trị.
Quả thật vậy, không chỉ dừng lại ở một môn thể thao đối kháng tập thể, trò chơi bóng đá còn khiến những người xem nó phải chuyển động theo. Con tim họ không ngừng thổn thức.
Những cầu thủ trên sân không thể rời mắt khỏi trái bóng, và các cổ động viên trực tiếp hay người xem gián tiếp cũng vậy. Họ có thể khóc, có thể cười cùng với niềm vui hay nỗi buồn của các cầu thủ.
Môn thể thao đến từ ngàn xưa
Theo tạp chí Goal, bóng đá chuyên nghiệp bắt đầu xuất hiện ở Anh, và Liên đoàn bóng đá đã cho ra đời bộ luật bóng đá ban đầu vào năm 1863. Kể từ đó, các điều luật của bộ môn thể thao này dần được hoàn thiện và mở rộng phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, bóng đá về cơ bản vẫn giữ nguyên cấu trúc và mục tiêu tổng thể như thuở sơ khai.
Dẫu vậy, trước khi thịnh hành tại Anh, bóng đá đã được chơi trên các bãi cỏ, bãi đất trống của những công trường. Khác biệt lớn nhất là ở đây không có bất kỳ quy tắc hay luật lệ nào, nên các trận đấu thường diễn ra tương đối hỗn loạn. Nhiều nơi khác trên thế giới cũng ghi nhận các phiên bản khác của bóng đá, thậm chí còn sớm hơn rất nhiều so với nước Anh.
Phiên bản bóng đá đầu tiên cần được nhắc tới đó là môn “Túc cầu” của Trung Hoa. Hơn 2000 năm trước, từ thời triều đại nhà Hán (206 TCN đến năm 220 SCN). Môn Túc cầu trở nên cực kỳ phổ biến trong suốt nhiều thế kỷ. Từ thôn xóm đến triều đình, từ người bình dân đến giới quý tộc, ở đâu cũng có thể bắt gặp người chơi túc cầu.
Giống như môn Thể thao Vua của thời hiện đại, túc cầu ngày ấy cũng thu hút được một lượng đông đảo người hâm mộ. Hán Cao Tổ – Lưu Bang, là một người hâm mộ cuồng nhiệt môn thể thao này. Trái bóng hình tròn và sân bóng hình vuông được xem là tượng trưng cho khái niệm Âm và Dương trong Đạo gia.
Bóng đá hiện đại tuy không quá thể hiện quá rõ các cách tiếp cận của văn Á Đông, nhưng nó vẫn mang chứa trong mình những giá trị nhân sinh. Bóng đá có cả tinh thần thượng võ trong thi đấu đối kháng, có nghệ thuật nhẫn nhịn trong chiến thuật phòng thủ, có sự cố gắng không ngừng nghỉ đến tận những phút giây bù giờ hay có cả cái bản lĩnh hơn người của những cầu thủ trước loạt sút penalty.
Bóng đá chân chính mang người ta đến thế giới tốt đẹp hơn
Năm 2022 chúng ta được chứng kiến một giải đấu World Cup lịch sử và cũng trùng hợp là năm cuối cùng chúng ta còn được thấy Pele trên cõi đời này. Pele một huyền thoại bóng đá, câu chuyện cuộc đời của ông là minh chứng không thể chối cãi về khả năng làm thế giới tốt đẹp hơn của bóng đá.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lớn lên bằng nghề bán đậu phộng trên đường phố, Pele đã nổi tiếng khắp thế giới và trở thành huyền thoại thế giới nhờ trái bóng. Ông thậm chí còn trở thành chính khách với vai trò Bộ trưởng Bộ thể thao, Đại sứ thiện chí của UNESCO.
Người ta dễ dàng thừa nhận rằng chính bóng đá đã mang lại cho Pele cơ hội đổi đời và vinh quang. Nhưng người ta quên mất rằng Pele đến với bóng đá bằng tình yêu dành cho Bố và gặt hái được những thành tựu vĩ đại trong làng túc cầu nhờ vào những lời Mẹ dạy.
Khi chứng kiến đội bóng của Bố mình bại trận, Pele đã dặn lòng mình sẽ thay bố thực hiện giấc mơ vô địch. Và với bà Celeste, người mẹ 100 tuổi của Pele. Đây là người phụ nữ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp của cố Huyền thoại bóng đá này.
Trong ngày sinh nhật 100 tuổi của mẹ mình, Pele đã viết trên mạng xã hội rằng “ Hôm nay, chúng tôi kỷ niệm 100 năm cuộc đời của Dona Celeste. Từ khi còn nhỏ, mẹ đã dạy tôi giá trị của tình yêu và hòa bình”.
(Cho đến khi tôi viết bài viết này, thì mẹ của Pele vẫn còn sống, và Bà vẫn chưa hề biết con mình vừa mới qua đời.)
Vâng, không phải bóng đá mà chính tình yêu chân chính dành cho cuộc sống đã đưa con người ta đến đỉnh vinh quang. Sự ham muốn bất chợt chỉ đủ để người ta tìm đến rồi rời đi. Sự yêu thích thể thao cho dù đến bất tận cũng chỉ biến họ thành những cổ động viên cuồng nhiệt nhất. Chỉ khi xem bóng đá là lẽ sống, Pele mới đứng được trên đỉnh của thế giới.
Đừng bao giờ nói, vì yêu bóng đá mà bạn có thể sẵn sàng đánh nhau!
Đừng bao giờ giải thích rằng những hành động bạo lực cả trong và ngoài sân cỏ của bạn là vì tình yêu bóng đá. Bạn đang ngụy biện.
Hãy nhìn xem những cầu thủ nổi tiếng trên thế giới, những cầu thủ thực sự chiếm được sự yêu mến của người hâm mộ họ chơi bóng như thế nào. Họ trình diễn trên sân như thể đang sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Vì vậy, trong tác phẩm đó, không có chỗ cho sự xấu xí xuất hiện.
Vì sao thế giới lại nhắc nhiều đến Pele, Maradona hay Ronaldo, Messi mà chẳng ai thèm đoái hoài đến các cầu thủ Đông Nam Á với những màn chặt chém đối thủ “trứ danh”. Hãy cùng xem xét câu chuyện nhỏ thú vị sau đây:
Messi khi còn thi đấu cho Barcelona, trong khi những cổ động viên đội bóng thần tượng anh, thì cậu con trai Mateo Messi là một “Anti Barca” chính hiệu. Người ta hay gán ghép về sự đối đầu của Messi và Cristiano Ronaldo. Cả hai ngôi sao này dường như “cạnh tranh” nhau từng danh hiệu bóng đá. Nhưng hãy nhìn xem, 2 trong 3 đứa con của Messi thần tượng Ronaldo và ngược lại cậu con trai Ronaldo Junior của CR7 lại thần tượng Messi.
Liệu những cầu thủ thích chơi xấu, những cổ động viên thích dùng bạo lực trong lẫn ngoài sân cỏ, họ sẽ nghĩ gì khi đứng trước những đứa trẻ này. Là trẻ con, chúng có quyền thần tượng chính Bố của mình và thậm chí có quyền không ưa thích đối thủ của ông ấy. Nhưng chúng đã thể hiện rằng mình là những con người có tình yêu chân chính.
Bởi vậy, đừng bao giờ nói rằng vì yêu đội bóng của mình mà bạn có thể sẵn sàng đánh nhau. Vì nếu nói như thế, có lẽ bạn sẽ phải thua những đứa trẻ con của Ronaldo và Messi. Điều này thật đáng xấu hổ.
Những người dùng vũ lực, họ chỉ vì chính họ mà thôi. Đâu có lý gì vì đội bóng mình yêu mà đi tấn công cổ động viên đội của bóng khác. Đây là trận đấu của các cầu thủ cơ mà.
Vấn nạn bạo lực sân cỏ Đông Nam Á
Sau khi được chiêm ngưỡng kỳ World Cup 2022 đầy sắc màu tại Qatar, khán giả Đông Nam Á lại được cơ hội thưởng thức giải vô địch bóng đá AFF. Một số khán giả tỏ ra khá hụt hẫng về sự chênh lệch chất lượng. Một số thì tỏ ra phiền lòng về vấn nạn bạo lực trong lẫn ngoài sân cỏ.
Trong khi chất lượng chuyên môn vẫn còn thua kém xa mặt bằng chung thế giới thì vấn nạn bạo lực trong và ngoài sân cỏ lại nổi lên như một vấn đề nhức nhối ở Đông Nam Á. Người ta hay nói rằng, đạo đức kém thường đi kèm với năng lực hạn chế.
Ngày 2/1/2023, người Indonesia chặn đường và ném đá vào xe các cầu thủ Thái Lan. LĐBĐ của Indonesia phải đứng ra xin lỗi. Ở trận bóng tiếp sau đó, AFF phải gửi công điện khẩn đến Indonesia để tăng cường an ninh cho trận gặp tuyển Việt Nam. FIFA cũng cử đặc phái viên đến giám sát. Và rồi cần phải huy động đến hàng nghìn cảnh sát đã có mặt trước sân Bung Karno (Jakarta, Indonesia).
Trận đấu của Thái Lan và Việt Nam trên đất Indonesia phải thay đổi giờ. Bất đắc dĩ chính quyền Indonesia phải điều động đến lượng lớn cảnh sát vũ trang. Bởi lẽ trước đó, vào ngày 1/10/2022, họ đã chứng kiến vụ bạo loạn trên sân vận động Kanjuruhan khiến 130 người thiệt mạng. Không ai muốn thấy điều này thêm lần nữa.
Còn nhớ câu chuyện Pele và đội bóng Santos đến Nigeria du đấu ngay giữa cuộc nội chiến. Pele cùng đội bóng sẵn sàng chơi một trận ở thủ đô Lagos vào ngày 26/1. Giai thoại kể lại rằng khi chiếc xe chở Pele và các đồng đội lăn bánh vào thành phố, tiếng súng bỗng dưng im bặt.
Trận đấu bóng diễn ra và trận đấu súng tạm ngưng trong 48 giờ. Trên sân, Santos hòa 2-2 với tuyển Nigeria. Không khí hân hoan tràn ngập thủ đô Lagos. Trong trận này Pele ghi 2 bàn thắng. Người Nigeria có 2 ngày hòa bình quý giá. Đó mới chính là sức mạnh thực sự của bóng đá, môn Thể thao Vua chính hiệu.
Bóng đá đẹp còn là lẽ sống
Tình yêu chân chính có thể cảm hóa cái ác, nuôi dưỡng lòng thiện. Tình yêu bóng đá chân chính cũng vậy. Hơn tất cả nó còn là lẽ sống. Con người ta một khi biết cho đi, biết nghĩ cho người khác và cống hiến cho xã hội thì họ mới tự làm giàu cho chính mình và vũ trụ sẽ mang họ đến những tầm cao mới.
Kylian Mbappe, một cầu thủ trẻ da màu người Pháp, người đang được kỳ vọng sẽ phá vỡ được những kỷ lục của những huyền thoại đi trước. Năm 2018, sau khi cùng tuyển Pháp vô địch World Cup, Mbappe đã nhận được một khoản tiền lương và thưởng rất lớn cho chiến thắng này, khoảng 500.000 USD.
Tất cả số tiền này đã được chàng cầu thủ đem đi quyên góp cho một tổ chức từ thiện dành cho trẻ em. Chia sẻ về quyết định này, Mbappe nói:
“ Tôi không cần được trả tiền. Tôi thi đấu để bảo vệ màu cờ sắc áo của đất nước.
…Tôi kiếm đủ tiền – rất nhiều tiền. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là phải giúp đỡ những người gặp khó khăn. Rất nhiều người đang đau khổ và đối với những người như chúng tôi, giúp đỡ mọi người không phải là điều gì to tát”.
Năm 2022 Mbappe cũng là điều tương tự.
Kylian Mbappe sinh năm 1998, anh có tài sản ròng ước tính gần 150 triệu đô la (hơn 3,5 nghìn tỷ đồng). Theo Forbes, tổng thu nhập hàng năm là 43 triệu đô la (hơn 1 nghìn tỷ đồng). Riêng mùa giải 2022 – 2023, mức thu nhập trước thuế của chàng cầu thủ là 128 triệu đô la.
Mbappe cũng có câu chuyện cho riêng mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng Bondy – ngoại ô Paris. Mặc dù, cách Paris chỉ một quãng ngắn nhưng nơi này khác xa với vẻ hoa lệ của trung tâm thủ đô nước Pháp, nơi đây được xem là vùng có tỷ lệ tội phạm cao.
Thuở nhỏ Mbappe thần tượng Cristiano Ronaldo. Tình yêu bóng đá chân chính đã đưa anh đi rất xa. Ngày hôm nay đây, cậu bé Mbappe ngày nào thậm chí còn có thể thi đấu ngang hàng với thần tượng của mình, và chính anh lại là thần tượng và nguồn cảm hứng cho hàng triệu trẻ em khác.
Bóng đá vẫn luôn có được tình yêu của nhiều người hâm mộ nhất. Sức hút thực sự của nó không nằm ở sự thắng thua sau những trận cầu kịch tính, mà nằm ở triết lý nhân sinh bên trong môn thể thao này.
Như quy luật vốn dĩ của cuộc sống, cái “Ác” chỉ làm người ta khiếp sợ trong chốc lát, chỉ có cái “Thiện” mới đủ sức mạnh điều khiển thế giới lâu dài. Đó cũng chính là lý do vì sao xã hội luôn tôn vinh một nền bóng đá đẹp và tẩy chay bạo lực sân cỏ.
V.N