spot_img
20 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Chạy đua kiếm tiền, sống tằn tiện để nghỉ hưu sớm rồi hối hận

Tân Thế Kỷ – Nghỉ hưu ở độ tuổi 30 hoặc 40 nghe như một giấc mơ viển vông đối với hầu hết chúng ta, nhưng với những tín đồ của FIRE – “độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm” – thì không. Mục tiêu của những tín đồ này chính là để dành càng nhiều tiền càng tốt, càng sớm càng tốt.

Chạy theo FIRE cũng giống như thực hiện chế độ ăn kiêng vĩnh viễn, kỷ luật tự giác và trì hoãn sự thỏa mãn. Bằng cách tiết kiệm từng xu, nhiều người trong số họ có thể tiết kiệm tới 70% thu nhập, cho phép họ nghỉ hưu nhiều năm trước người khác. Họ đặt mục tiêu trả hết mọi khoản nợ, chẳng hạn như thế chấp, một cách nhanh chóng và thường đầu tư vào thị trường chứng khoán. Lý tưởng nhất là có đủ tiền đầu tư để chỉ sống nhờ vào lợi nhuận.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích rằng phong trào này buộc người ta phải sống đạm bạc khi còn trẻ, đòi hỏi phải hy sinh niềm vui ở giai đoạn mà cuộc sống lẽ ra là vô tư. Dưới đây là câu chuyện của 2 cựu tín đồ FIRE, những người vẫn còn mang nhiều hối hận vì mù quáng chạy theo trào lưu này:

Tuổi trẻ không quay lại

Samuel Leach đến từ Watford, Hertfordshire, Anh đã theo đuổi FIRE từ tuổi thiếu niên. Anh bắt đầu kiếm tiền từ năm 14 tuổi bằng cách tạo áp phích cho khách hàng và bán online với giá 5 bảng. Đến năm 18 tuổi, anh học cách đầu tư vào thị trường chứng khoán và làm việc 100 giờ/tuần cho đến tuổi 20, tiết kiệm tới 80% thu nhập.

“Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi 11 tuổi và tôi phải chuyển từ sống trong một ngôi nhà với 4 phòng ngủ xinh xắn sang sống với bố trong căn hộ chỉ có 1 phòng ngủ ở một khu vực khó khăn.

Tôi là đã biết tiết kiệm từ thời thơ ấu, nhưng việc tiết kiệm chỉ thực sự thành công khi tôi vào đại học ở tuổi 18. Tôi khi đó học CNTT và mặc dù ban đầu tôi không phải là một học sinh xuất sắc nhưng khi giáo viên cho biết người đạt điểm xuất sắc trong khóa học có thể nhận được khoản trợ cấp trị giá 2.000 bảng từ trường đại học địa phương, tôi đã cố gắng để giành được.

Untitled 7gm

Tôi đã tự học về đầu tư và thị trường chứng khoán và quyết định đầu tư 2.000 bảng Anh đó. Thời điểm đó tôi đang sống trong ký túc xá và chỉ đi chơi buổi tối đúng 5 lần trong năm đầu tiên, khi những người bạn ở cùng kéo tôi ra ngoài. Thời gian còn lại tôi chỉ ở trong phòng nghiên cứu thị trường chứng khoán. Thật là buồn!

Hồi đó tôi nghĩ mọi người đang lãng phí thời gian và tiền bạc khi đi chơi bằng tiền học đại học. Các bạn sinh viên của tôi mua pizza của Domino, trong khi tôi mua cổ phần của công ty Domino. Trong vòng một năm, 2.000 bảng Anh đã trở thành 170.000 bảng. Mà tôi đã không chi tiêu số tiền đó vào bất cứ việc gì.

Khi chúng tôi tốt nghiệp và mọi người chuẩn bị đi du lịch châu Á, tôi nghe được về Elon Musk. Ông là người duy nhất mà tôi thấy có cùng chí hướng làm việc. Ông ấy nói nếu bạn làm việc 100 giờ một tuần thì bạn sẽ làm được nhiều hơn gấp 2,5 lần so với bất kỳ ai khác trong lĩnh vực của bạn. Tôi nhận ra mình có thể làm như vậy trong 10 năm, tương đương với người khác làm trong 25 năm. Tôi đã làm việc hết sức lực để có thể ngồi lại, thư giãn và nghỉ ngơi ở tuổi 30.

Tôi đã đọc về sức mạnh của lãi kép và để trở thành một triệu phú về hưu, bạn phải bỏ ra 800 bảng mỗi tháng nếu bắt đầu ở tuổi 30. Nhưng nếu bạn bắt đầu ở tuổi 18 thì chỉ cần 150 bảng mỗi tháng. Tôi tiếp tục tiết kiệm 80% thu nhập của mình cho đến tuổi 20, nếu không muốn nói là hơn.

Đổi lại, tôi đã phải hy sinh nhiều điều, chẳng hạn như không bao giờ ra ngoài đi uống cà phê, ăn uống, tham gia các sự kiện xã hội, xem phim, không mua đồ mang về, không nghỉ lễ. Tôi cố gắng chắt bóp mọi khoản chi tiêu.

Giờ nhìn lại, tôi cảm thấy rằng mình đã bỏ lỡ những chuyến dã ngoại ở trường đại học và những chuyến đi xa, chẳng hạn như đi du lịch trong kỳ nghỉ hè với bạn bè và đã mất quãng đời tuổi trẻ được sống vô ưu vô lo.

Giờ đây, tôi nhận ra rằng tôi ít hiểu biết hơn bạn bè. Họ sẽ đi chơi và trở lại với những câu chuyện điên rồ, thú vị, còn tôi không có những câu chuyện đó. Mặc dù bây giờ tôi có thể đi du lịch, nhưng sẽ không còn là tôi của tuổi trẻ sôi động nữa. Tôi chỉ có thể đi nghỉ dưỡng cùng gia đình với con trai. Đó là một kiểu du lịch khác. Tôi đã hy sinh quãng đời thanh niên vui vẻ để đảm bảo đủ điều kiện nuôi nấng con tôi thật tốt trong tương lai.

Đôi khi tôi cũng cô đơn. Tôi có một số ít bạn bè cùng tuổi nhưng trong 10 năm qua, tôi chủ yếu chơi thân với những cá nhân thành đạt ở độ tuổi cuối 40, 50 và 60.

Tôi nghĩ về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và đôi khi cảm thấy sợ – mọi người đều nói rằng khi bạn sắp nghỉ hưu, cuộc đời đã kết thúc và bộ não của bạn bắt đầu chết dần vì không còn việc gì để làm. Tôi sẽ xem mình sẽ tiếp tục như thế nào trong năm tới. Tôi đã phải nhận thêm một số công việc tư vấn, nếu không tôi sẽ chán lắm.”

Suýt đánh mất hạnh phúc gia đình vì quá ham việc

Người thứ 2 là Derek Sall. Anh bắt đầu tiết kiệm ở tuổi đôi mươi nhưng phải dừng lại vì suýt khiến cuộc hôn nhân tan vỡ.

“Hành trình FIRE của tôi bắt đầu ở tuổi 25. Khi đó, tôi lần đầu thử so sánh chi tiêu với thu nhập và nhận ra rằng tài chính bản thân đang đang thụt lùi. Và đúng vào lúc đó, vợ tôi lại đưa ra một hóa đơn vay sinh viên mà chúng tôi không đủ khả năng chi trả. Lúc đó tôi biết phải thay đổi.

Từ thời điểm đó, tôi bắt đầu nghiên cứu về tài chính cá nhân, lập ngân sách, kiếm tiền, làm nghề phụ, v.v … Tôi tình cờ biết đến FIRE và tôi lập tức bị thu hút. Chúng tôi có được công việc tốt hơn, trả hết nợ và thoát khỏi nợ nần sau 14 tháng. Sau đó chúng tôi tiếp tục theo trào lưu này. Tôi hơi kì dị. Tôi thích sự tự chắt bóp và kỷ luật cực đoan. Vì vậy, tiết kiệm một số tiền cực lớn và dồn hết tâm sức vào FIRE đối với tôi là niềm vui. Nhưng vợ tôi thì không nghĩ thế.

Kế hoạch là trả hết nợ của căn nhà hiện tại, sau đó mua hai bất động sản cho thuê bằng tiền mặt, tiết kiệm thêm vài trăm nghìn USD để mua một “ngôi nhà vĩnh viễn”, sau đó quay lại cho thuê ngôi nhà chính hiện tại của chúng tôi (tức là sẽ có 3 căn nhà cho thuê để tạo thu nhập).

Nhưng khi mới mua được căn nhà cho thuê thứ 2, mọi thứ sụp đổ. Lúc đó tôi 33 tuổi.

Khi đó, tôi định đến kiểm tra lại ngôi nhà (nó cần được cải tạo lại kỹ lưỡng trước khi có thể cho thuê), thì vợ tôi nói: ‘Anh lại đến đó à? Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế này sao? Làm việc suốt ngày?’. Sự khó chịu của cô ấy không phải là không có cơ sở. Chúng tôi đã có một cô con gái nhỏ, vợ tôi đang mang thai đứa con thứ hai, trong khi suốt 8 tháng qua, gần như đêm nào tôi cũng phải đến kiểm tra ngôi nhà này.

Tôi phải lựa chọn. Hoặc là tôi tiếp tục đi theo FIRE và vợ chồng xa cách, hoặc tôi chậm lại, trì hoãn FIRE vài năm nhưng vợ chồng sẽ êm ấm. Quyết định thật dễ dàng – tôi chọn cách chậm lại.

Chúng tôi đã bán căn nhà thứ 2 đó và bán cả căn nhà chính để mua “ngôi nhà vĩnh viễn”. Giờ đây chúng tôi chỉ có một căn nhà để cho thuê. Chúng tôi tiếp tục tiết kiệm, chỉ là không tiết kiệm nhiều như trước, hai vợ chồng vẫn làm những gì mình thích. Chúng tôi có sự linh hoạt trong công việc, chúng tôi yêu nơi mình sống và đang tận hưởng cuộc sống! Dù có FIRE hay không, chúng tôi vẫn hạnh phúc.

FIRE là điều tuyệt vời nếu bạn và bạn đời cùng chí hướng. Nhưng nếu một trong hai bạn bắt đầu ghét cuộc hành trình, bạn phải dừng lại. Cần tìm ra lựa chọn chung cho cả hai. Tình cảm quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc.

Untitled 8t
Thành công và hạnh phúc không phải là cái kết mà chính là cuộc hành trình. Ảnh minh hoạ (Pexels)

Hãy hỏi một người đàn ông giàu có đang hấp hối trên giường bệnh xem anh ta muốn gì hơn – những chuyến đi xa, máy bay phản lực và du thuyền, hay tình yêu đích thực của bạn bè và gia đình để đưa tiễn anh ta sang thế giới bên kia – chắc chắn anh ta sẽ chọn tình yêu.”

Thành công và hạnh phúc không phải là cái kết mà chính là cuộc hành trình. Nếu ta chỉ chăm chăm làm sao để nghỉ hưu, ta đã đánh mất tuổi trẻ. Nhưng nếu chỉ tận hưởng tuổi trẻ mà không biết tiết kiệm thì về già sẽ chật vật. Hãy sống duy trì sự cân bằng, hễ bước sang cực đoan, lúc đó ta đã đi lệch hướng.

Thay vì cố gắng siêu tiết kiệm đến cực đoan để đạt được mục tiêu độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm, hãy tận hưởng hành trình, cho phép bản thân chậm lại.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Cafef.vn

BN 2 jpeg 1

“Bố mẹ cho con cái gì?”, phụ huynh nên trả lời con như thế nào?

Tính sĩ diện của nhiều người Việt: Mua iPhone mới, ăn mỳ tôm trừ bữa

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều