spot_img
19 C
Vietnam
Thứ năm,21 Tháng mười một
spot_img

Chim trời mất bóng: vì đâu nên nỗi?

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực tập trung chim hoang dã, di cư và các loài chim đặc hữu của thế giới. Theo ghi nhận, nước ta có hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.

Tuy nhiên, hoạt động săn, bắt tận diệt, hủy hoại môi trường sống tự nhiên diễn ra phức tạp và dẫn đến việc thay đổi môi trường sống và hệ sinh thái, làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư, một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam. Lưới tàng hình, bẫy keo, cò xốp… là dụng cụ những kẻ tận diệt chim trời sử dụng. Man rợ hơn có nơi người ta dùng chim sống làm mồi. Con chim bị khâu mắt, buộc chân đứng nhử đồng loại cho đến chết,…

1001 loại bẫy giá “rẻ như cho”

“Hôm trước mình bẫy chim rồi nướng ăn luôn tại trận. Hôm nay mình sẽ đánh điểm mới này để xem bẫy được bao nhiêu con nhé anh em. Lưới đã giăng rồi, loa cũng bật lên rồi…”, người đàn ông khoảng 40 tuổi nói trong video khoe chiến tích bẫy chim hoang dã trên mạng xã hội.

Trong video, người này cũng chia sẻ, để bắt được các loài chim hoang dã, bản thân đã đầu tư mua lưới tàng hình, âm ly mini, loa phát tiếng chim. Mỗi lần “ra quân”, anh sẽ chọn địa điểm gần các lùm cây, cắm cọc giăng lưới, bật loa phát âm thanh tiếng chim hót líu lo.

Chiêu tận diệt chim trời: Khâu mắt chim sống, bẫy lưới tàng hình - 1
Một người đàn ông khoe chiến tích bẫy chim hoang dã trên mạng xã hội (Ảnh: MXH).

Âm thanh vang xa hàng trăm mét khiến chim bay trên cao nghĩ bạn gọi bầy lao xuống lùm cây. Những con chim đáng thương không hề hay biết đó là cái bẫy tử thần do con người tạo ra, lao xuống liền mắc kẹt vào lưới.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, với bộ “đồ nghề” nhỏ gọn, người đàn ông này đã bẫy được 3 con chim hoang dã và quay lại video chia sẻ lên mạng xã hội. Anh ta không ngần ngại dốc ngược cổ chim, xoay ngang xoay dọc giới thiệu với cư dân mạng, mặc cho con chim liên tục giãy giụa phát ra tiếng kêu hoảng loạn.

Chiêu tận diệt chim trời: Khâu mắt chim sống, bẫy lưới tàng hình - 2
Những con chim vô tội bị người dân đánh bắt bằng lưới (Ảnh: MXH).

Trên mạng xã hội, có vô số các hội nhóm tập hợp những người đam mê bẫy chim. Có nhóm phân chia theo khu vực, tỉnh thành nhưng cũng có nhóm ở quy mô… toàn quốc.

Trong những hội nhóm này, các thành viên đua nhau chia sẻ bí kíp làm sao để bắt, bẫy được chim rừng. Nhiều người livestream (phát sóng trực tiếp) quá trình bẫy chim, một số lại quay lại video về đăng tải lên mạng xã hội để “chia sẻ kinh nghiệm”.

Một bộ phận không nhỏ còn phân phối các sản phẩm chuyên để tận diệt chim trời, phổ biến nhất là lưới bẫy. Lưới bẫy chim thường có hình mắt cáo nhiều kích cỡ, được chia thành lưới đêm và lưới ngày.

Chiêu tận diệt chim trời: Khâu mắt chim sống, bẫy lưới tàng hình - 3
Các hội nhóm bán bẫy chim trời hoạt động sôi nổi (Ảnh: CMH).

Người bán phân loại theo chiều rộng mắt cao, chiều cao, số lượng túi mỗi bộ lưới và loài chim thích hợp.

“Có lưới cho chim khuyên, sâu, sẻ, sắc ô; cũng có loại cho cu tiểu, chào mào, hoành hoạch, cu đất, dơi… Muốn bẫy cu gáy, cò, vẹt, sáo, két, rẽ giun cũng phải dùng loại riêng.

Ban đêm thì người ta hay bẫy cuốc, cò, mỏ nhát, bìm bịp, gà đồng, trích, ré. Giá bán từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/bộ”, người bán N. T. P giới thiệu.

Lưới tàng hình hiện là loại bẫy được dùng phổ biến nhất bởi khi giăng lên, nhiều loài chim bị dẫn dụ bởi các thiết bị nhân tạo của người bẫy sẽ lao xuống mà không nhìn thấy có một màn lưới đang hứng sẵn. Ngoài lưới tàng hình, các loại loa dụ, bẫy keo, cọc, thanh cáp phết keo… cũng được rao bán công khai với giá rất rẻ chưa đến 1 triệu đồng.

Từ những món đồ được buôn bán trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử lớn, nhiều người đã mua về làm công cụ để bẫy bắt chim hoang dã ngoài thiên nhiên.

Tại huyện Đông Anh, Hà Nội cách đây hơn một tháng, người dân công khai sử dụng các loại bẫy “công nghệ cao”, lưới tàng hình, chim mồi… để bắt chim hoang dã về bán cho các nhà hàng thịt thú rừng, chim rừng hay đơn giản là “cải thiện” bữa ăn hàng ngày.

Ngoài dùng loa phát tiếng chim, họ còn dùng chim mồi rồi buộc chân vào sào tre, cọc gỗ, cọc nhựa được dàn hàng ra giữa ao, ruộng ngập nước để làm mồi nhử đồng loại.

Chiêu tận diệt chim trời: Khâu mắt chim sống, bẫy lưới tàng hình - 4
Những con chim mồi bị trói chân trên mặt ao hồ ở Đông Anh chờ đồng bọn (Ảnh: Nguyễn Phúc/ Dân Trí)

Những đàn chim hoang dã khi thấy đồng loại của mình, sẽ tin tưởng mà sà xuống và dính bẫy. Nhiều con chim mồi bị cọc từ ngày này qua ngày khác mòn mỏi nhìn đồng loại chịu chung số phận.

Tiết lộ loại bẫy tận diệt kinh khủng nhất

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Hào – cán bộ Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Thư ký Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam cho hay, người dân các địa phương đang dùng rất nhiều cách tinh vi để bắt, bẫy chim trời.

Chiêu tận diệt chim trời: Khâu mắt chim sống, bẫy lưới tàng hình - 5
Bẫy “công nghệ cao” với loa phát tiếng chim đấu nối với nguồn điện giữa cánh đồng. Gần đó một con chim bị trói chân đứng dụ đồng bọn (Ảnh: Nguyễn Phúc).

“Bẫy lưới mờ (hay còn gọi là lưới tàng hình), bẫy keo là hai loại bẫy tận diệt kinh khủng nhất. Lưới mờ được làm từ các sợi cước nhỏ và dày, rất dai nên chim rất dễ dính vào lưới.

Những con chim khi bay ngang qua mắc vào thì không thể thoát, càng vùng vẫy càng bị dính chặt. Vào ban đêm thì gần như lưới này không nhìn thể nhìn thấy. Ngoài ra còn một số loại bẫy khác như bẫy giật, bẫy thòng (có dây thòng lọng, chim bay đến ăn sẽ bị siết cổ hoặc chân lại), bẫy chụp…”, ông Hào kể.

Chiêu tận diệt chim trời: Khâu mắt chim sống, bẫy lưới tàng hình - 6
Hàng nghìn mét lưới giăng trên cánh đồng ở huyện Đông Anh để bẫy chim trời. Chuyện xảy ra công khai giữa ban ngày (Ảnh Dân Trí)

Theo ông Hào, man rợ nhất có những nơi dùng chim sống làm mồi. Con chim bị khâu mắt cho không nhìn thấy gì để tránh hoảng loạn, buộc chân đứng trên cành cây khô làm mồi nhử đến chết.

Theo Thư ký Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam hành vi săn bắt, buôn bán các loài chim hoang dã bị nghiêm cấm.

Việc đánh bắt chim trời vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, phá vỡ chuỗi thức ăn, đe dọa nguy cơ tuyệt chủng của các loài chim và tạo ra dịch bệnh.

Chiêu tận diệt chim trời: Khâu mắt chim sống, bẫy lưới tàng hình - 7
Những con chim bị khống chế để làm mồi. Nhìn cảnh chim chóc đông đúc dưới mặt hồ, không ít con chim vô tội đã sa bẫy (Ảnh Dân Trí)

“Những loài chim như cà kheo, chao chảo, te vàng, cò, vạc, rẽ hoa, giang giang… là không thể nuôi được, đó đều là chim hoang dã nên cần được bảo vệ”, ông Hào nói.

Nghi Vân (Theo Dân Trí)

Banner 1 1

VIDEO CHỌN LỌC:

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều