Tân Thế Kỷ – Bà Lê Thị Dung nhân vật chính trong vụ “cô giáo lĩnh án 5 năm tù vì 45 triệu đồng” đang tiếp tục làm đơn kháng cáo kêu oan. Một vấn đề được đưa ra là có cần phân biệt giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên hay không?
Có cần phân biệt giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên hay không?
Ngày 24/4, tại phiên xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tuyên phạt bà Lê Thị Dung – nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên – 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hội đồng xét xử cáo buộc trong quá trình làm Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, bà Lê Thị Dung đã chỉ đạo xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và thanh toán nhiều khoản cho bản thân trái pháp luật, gây thiệt hại số tiền gần 45 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng cho rằng, quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên có nhiều nội dung trái với quy định tại Thông tư 28/2009 ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông”.
Tại phiên tòa, bà Lê Thị Dung cho hay, đơn vị đặc thù có tên gọi là Trung tâm GDTX, không phải là cơ sở giáo dục phổ thông nên không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư số 28/2009.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận định: “Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên là cơ sở giáo dục phổ thông theo Quyết định số 01/2007 thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Luật Giáo dục năm 2005 nên Trung tâm GDTX thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư 28/2009”.
Báo giới trong nước dẫn lời Ông Lê Văn Vỵ – nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) – trao đổi: “GDTX và giáo dục phổ thông là hai hệ, hai lĩnh vực khác nhau được quy định rõ trong Khoản 1, Điều 4, Luật Giáo dục 2005. Điều 46, Luật Giáo dục 2005 cũng nêu cơ sở GDTX bao gồm: Trung tâm GDTX được tổ chức tại cấp tỉnh và cấp huyện; Trung tâm học tập cộng đồng được tổ chức tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
Trong khi đó, tại Điều 30, Luật Giáo dục 2005 cũng nêu “Cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: Trường tiểu học; Trường trung học cơ sở; Trường trung học phổ thông; Trường phổ thông có nhiều cấp học; Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp”.
Cũng theo ông Lê Văn Vỵ, Trung tâm GDTX có rất nhiều chức năng nhiệm vụ khác so với trường phổ thông: Dạy chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, dạy nghề, hướng nghiệp…
Về phân cấp quản lý, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quản lý Trung tâm GDTX về mặt chuyên môn chương trình bổ túc văn hóa, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quản lý về mảng dạy nghề, UBND cấp huyện quản lý về mặt tài chính.
Cũng tại phiên tòa, giải thích nguyên nhân không gửi Quy chế chi tiêu nội bộ về Sở GDĐT, bà Lê Thị Dung cho biết, do Sở GDĐT không quản lý về mặt tài chính, nên chỉ gửi cho cơ quan quản lý tài chính là UBND huyện Hưng Nguyên (thông qua Phòng Tài chính).
Tuy nhiên, vị đại diện Viện Kiểm sát vẫn cho rằng, Sở GDĐT là cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp nên việc Trung tâm GDTX không gửi quy chế chi tiêu nội bộ về cơ quan này là sai.
Được biết, bà Dung đã có đơn kháng cáo kêu oan. Đến nay, bà Lê Thị Dung vẫn tiếp tục bị tạm giam để chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Gia đình bà Dung cho biết, đã nhiều lần làm đơn xin bảo lãnh cho bà Dung tại ngoại nhưng không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.
Vẫn tiếp tục tạm giam và chưa cho tại ngoại
Bị cáo Lê Thị Dung bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên cáo buộc đã kê khai một số nội dung thanh toán 2 lần đối với một nghiệp vụ tài chính phát sinh trong giai đoạn 2012-2017. Thời điểm này bị cáo Dung là Giám đốc, Bí thư Chi bộ Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên.
Nội dung thanh toán bao gồm: Bí thư Chi bộ, hỗ trợ học cao học và tập huấn, bị cáo Lê Thị Dung đã thanh toán lần một theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) trong năm học 2014-2015 số tiền hơn 30,9 triệu đồng, năm học 2015-2016 hơn 13,8 triệu đồng.
Tổng số tiền hơn 44,7 triệu đồng này được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bà Lê Thị Dung.
Bị cáo Lê Thị Dung đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên và kêu oan. Vụ án đang được xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Sau khi phiên xét xử sơ thẩm kết thúc với bản án nêu trên, đã có nhiều luồng dư luận xã hội về tội danh, mức án đối với bị cáo Lê Thị Dung cũng như việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo.
Bà Dung bị áp dụng biện pháp tạm giam từ ngày 28/3/2022, khi vụ án bị khởi tố và bản thân bà bị khởi tố bị can về tội danh nói trên. Việc thực hiện biện pháp ngăn chặn này được kéo dài đến hôm xét xử. Kết thúc phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên gia hạn tạm giam bị cáo Lê Thị Dung thêm 45 ngày.
Nguồn tin từ đại diện gia đình cho biết, đã nhiều lần làm đơn bảo lãnh tại ngoại cho bà Dung nhưng không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Đại diện gia đình thông tin bà Dung có tiền sử bị bệnh đau dạ dày, mỡ máu cao, suy tim độ 3…
Về nội dung này, ông Lâm Quốc Tú – Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên đã có thông tin lý giải cụ thể. Theo ông Tú, đối với các trường hợp tội phạm nghiêm trọng, có khung hình phạt từ 3 năm trở lên thì cơ quan chức năng có quyền tạm giam để đảm bảo cho việc điều tra, xét xử.
“Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam hay không thì cơ quan công an sẽ xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Như trường hợp của bà Lê Thị Dung, việc tạm giam được thực hiện từ giai đoạn điều tra để ngăn chặn việc tẩu tán các tài liệu chứng cứ”, ông Lâm Quốc Tú thông tin.
Trước câu hỏi sức khỏe của bà Lê Thị Dung có đảm bảo cho việc tạm giữ, tạm giam hay không, ông Lâm Quốc Tú cho rằng, ở trại giam có chế độ nằm viện đối với bị can, bị cáo bị bệnh.
Bộ Giáo Dục – Đào Tạo lên tiếng về vụ cô giáo lãnh 5 năm tù vì 45 triệu
Theo cáo trạng, từ ngày năm 2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên), đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp.
Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bà Dung không nhận tội vì cho rằng quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi.
Do bà Lê Thị Dung không nhận tội, không khắc phục hậu quả nên tòa đã tuyên mức án 5 năm như trên.
Hồ sơ vụ án cho thấy bà Dung có nhiều tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, gia đình có đóng góp kinh phí hỗ trợ phòng chống COVID-19.
Trước sự việc, trao đổi với báo chí, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết lãnh đạo Bộ rất quan tâm tới vụ việc này, đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An.
Cục bày tỏ mong muốn các cơ quan pháp luật của tỉnh xem xét vụ án một cách toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai; đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân nói chung, của nhà giáo nói riêng. Đồng thời thể hiện tính nhân văn của hệ thống pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó, để tránh những sự việc vi phạm đáng tiếc xảy ra ông Đức bày tỏ rằng cán bộ quản lý giáo dục phải không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực quản trị, kỹ năng quản lý nhà trường; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để không xảy ra các vi phạm.
Vũ Nam tổng hợp.
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực