spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Cô giáo ở Bến Tre bị buộc thôi việc sau khi tố cáo tiêu cực

Tân Thế Kỷ – Sau nhiều lần tố giác tiêu cực trong Trường tiểu học Thanh Tân (xã Thanh Tân, H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), cô giáo Trần Thị Thúy An bị phụ huynh miệt thị, xúc phạm, sau đó bị nhà trường buộc thôi việc. Chưa hết, gần 1 năm qua, trường vẫn chưa trao quyết định này cho cô.

Theo phản ánh của cô Trần Thị Thúy An (47 tuổi, ngụ P.7, TP.Bến Tre, Bến Tre), từ tháng 9.2022 cô bị Ban giám hiệu (BGH) Trường tiểu học (TH) Thanh Tân thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với viên chức. Thế nhưng từ đó đến nay cô vẫn chưa nhận được quyết định. Do đó, ngày 28.6.2023, nhân buổi tiếp dân của ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cô đã đến phản ánh vấn đề này.

“Không hoàn thành nhiệm vụ” sau khi tố cáo tiêu cực

Nguyên nhân khiến cô An bị buộc thôi việc là BGH Trường TH Thanh Tân đánh giá cô “không hoàn thành nhiệm vụ” trong 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022. Phần lớn thời gian 2 năm học này do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các trường chủ yếu dạy trực tuyến.

Trong giai đoạn đó, cô An nhiều lần có đơn phản ánh lên cấp trên về việc BGH sai phạm trong quy chế chuyên môn, cụ thể là mở trang website nội bộ để nâng điểm khống đánh giá xếp loại học sinh. Sau đó Phòng GD-ĐT H.Mỏ Cày Bắc kết luận việc làm này của BGH Trường TH Thanh Tân là chưa đúng và yêu cầu sửa lại việc đánh giá.

Cũng trong thời gian nói trên, cô An phản ánh lên cấp trên hiện tượng 100 học sinh không tham gia học trực tuyến (không có nhận xét giữa kỳ I, năm học 2021-2022) nhưng cuối năm vẫn được nhận xét là tốt. Đồng thời cô đã nhiều lần có đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phản ánh về chất lượng giáo dục tại nhà trường, về tư cách nhà giáo của một số giáo viên…

to cao 16891699288741474184681
Nguyên nhân khiến cô An bị buộc thôi việc là BGH Trường TH Thanh Tân đánh giá cô “không hoàn thành nhiệm vụ” trong 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022. – Ảnh: thanhnien.vn

Ngày 15.2.2022, trong lúc cô An đang đứng lớp giảng dạy thì một số phụ huynh học sinh tràn vào lớp học gây náo loạn, dùng lời lẽ nhục mạ, xúc phạm cô và lấy điện thoại quay lại. Cô An sau đó đã có đơn trình báo lên Công an xã Thanh Tân về vụ việc. Tuy nhiên, đến nay việc giải quyết ra sao cô cũng chưa được biết.

“Năm học 2022-2023 tôi đến trường thì mới biết mình không được phân công giảng dạy nữa. Ngày 14.9.2022, BGH thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tôi vì 2 năm liên tiếp tôi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi kết quả đánh giá viên chức cuối năm thì năm nào tôi cũng không nhận được bản đánh giá chất lượng viên chức để thực hiện quyền khiếu nại.

Sau mỗi năm, tôi đều đòi phiếu đánh giá này nhưng BGH chỉ giao các nội dung như tôi đang nợ tiền công đoàn, thưa vượt cấp… Giờ tới việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũng không giao quyết định. Tôi thực sự rất buồn”, cô An nói.

Có bằng đại học, nhưng nhận lương trung cấp nghề

Theo cô An, từ năm 2000 cô bắt đầu giảng dạy môn mỹ thuật tại một trường dân lập ở P.6, TP.Bến Tre. Năm 2012, được Trường TH Thanh Tân tuyển dụng nên cô chấp nhận hằng ngày phải đi về hơn 20 km để được dạy ở trường công lập.

Cuối năm 2012, cô An tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành mỹ thuật, sau đó mang bằng tốt nghiệp về nộp cho Trường TH Thanh Tân. Thế nhưng chẳng những cô vẫn phải hưởng lương theo chế độ viên chức có bằng trung cấp nghề đến nay mà cả thâm niên dạy trước đó ở trường dân lập cũng không được BGH Trường TH Thanh Tân tính vào thâm niên để hưởng phụ cấp phù hợp.

Cô An cho biết hiện cô sống độc thân, phụng dưỡng mẹ già 76 tuổi và con gái 9 tuổi. Vì không nhận được quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và hồ sơ viên chức nên cô chưa đủ điều kiện để đi xin việc nơi khác, cũng như chưa làm thủ tục hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Quan trọng hơn là cô không thể khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với mình.

Ban giám hiệu nhà trường nói gì?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ngày 6.7, cô Nguyễn Thị Ngọc Gấm, Hiệu trưởng Trường TH Thanh Tân, cho biết cô nhận công tác từ tháng 2.2023 và trong hồ sơ viên chức tại trường không có tên cô Trần Thị Thúy An, nhưng qua công tác cô cũng nắm được vụ việc liên quan đến cô An.

Tuy nhiên, khi PV hỏi lại thì cô Gấm nói: “Nhà trường đã liên lạc nhiều lần mời cô An tới để trao quyết định buộc thôi việc và trao hồ sơ viên chức nhưng cô An không hợp tác. Nhà trường cũng có cử người sang nhà nhưng không gặp… Tôi chỉ có thể nói vậy thôi vì UBND H.Mỏ Cày Bắc đang yêu cầu trường làm báo cáo gửi lên, do cô An có phản ánh vụ việc này lên Bí thư Tỉnh ủy”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mỏ Cày Bắc, cho biết theo quy định của Bộ Nội vụ, hồ sơ gốc của viên chức được lưu trữ vĩnh viễn tại cơ quan quản lý. Viên chức khi thôi việc sẽ được cấp “Sơ yếu lý lịch viên chức” và các quyết định có liên quan. Thời gian cô An bị chấm dứt hợp đồng có hiệu lực ngày 1.11.2022.

Về các quyết định, hồ sơ phải trao cho cô An khi bị buộc thôi việc thì phía Trường TH Thanh Tân báo cáo rằng đã trao cho một người em gái ruột của cô An. Nếu cô An muốn nhận lại hồ sơ viên chức thì có thể yêu cầu Trường TH Thanh Tân cấp lại vì hồ sơ gốc vẫn còn lưu trữ ở trường này ở nhóm viên chức thôi việc.

Viên chức bị buộc thôi việc trong những trường hợp nào?

Theo Điều 15 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì buộc thôi việc là hình thức kỷ luật áp dụng với cả viên chức không giữ chức vụ quản lý và viên chức quản lý.

Điều 19 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định viên chức bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc nếu thuộc một trong năm trường hợp sau đây:​​​​​​

1.Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;

2.Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP;

3.Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP;

4.Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

5.Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, theo khoản 2 Điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì khi viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng sẽ nhận được quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Việc xem xét kỷ luật buộc thôi việc viên chức căn cứ vào mức độ vi phạm theo nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra…

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn tình trạng người tố cáo bị cô lập, gây khó khăn, bị trù dập…, nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên tố cáo tiêu cực tại cơ quan, đơn vị mình còn bị kỷ luật, buộc thôi việc…, qua đó đặt ra đòi hỏi cần bảo đảm công bằng cho người tố cáo các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật…

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm túc các trường hợp trù dập, chèn ép người tố cáo tiêu cực. Đối với những người bị tố cáo, nếu phát hiện tiêu cực thì cần phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật; tránh bao che cho cá nhân có sai phạm. Với những người tố cáo đúng, cần có biện pháp động viên, khen thưởng kịp thời, qua đó khuyến khích cán bộ tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Thanh Niên

BN 2 jpeg

“Sao mẹ lại bắt con làm việc nhà?”, câu trả lời của người mẹ này rất đáng học hỏi

Chàng trai ba lần là thủ khoa, mất đến 8 năm để tốt nghiệp đại học

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều