spot_img
20 C
Vietnam
Thứ tư,13 Tháng mười một
spot_img

Còn đâu “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”?

Ngày phải chuyển nhà khỏi khu phố nhỏ, chị và hai đứa con buồn lắm. Nhưng vì gia đình, vì các con cần một môi trường để sống tốt hơn, chị phải ngậm ngùi quyết tâm rời bỏ chốn cũ. Nơi ấy xưa kia có một tình làng nghĩa xóm đậm sâu nhưng nay đã không còn cảnh “tắt lửa tối đèn có nhau”.

xa que
Nơi ấy xưa kia có một tình làng nghĩa xóm đậm sâu nhưng nay đã không còn cảnh “tắt lửa tối đèn có nhau” (Ảnh minh họa)

Chuyện đáng tiếc vì mất đi “tình làng nghĩa xóm”

Cái tin anh Tú phải đi tù khiến người trong khu phố thấy bàng hoàng bởi từ trước đến giờ anh Tú là người hiền lành, thương vợ con, chăm chỉ làm ăn. Mọi người ai cũng tiếc cho anh, chỉ vì một phút không làm chủ được mình anh đã vướng phải vòng lao lý, để giờ vợ, con anh phải khăn gói ra đi nơi khác sinh sống.

Nhớ lại buổi tối hôm xảy ra chuyện, bà Hoa, hàng xóm trước cửa nhà anh Tú kể: Tối đó sau khi thấy cháu Hoài (con anh Tú) đi học về, chị Phấn lại đứng trước cửa và tiếp tục màn độc diễn xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm con gái và vợ chồng anh Tú. Tối ấy anh Tú có ở nhà.

Trước đó, vì anh hay đi làm ca đêm nên ít khi anh gặp con vào giờ này dù thấy con gái ủ rũ, thấy vợ buồn bực. Giờ được chứng kiến, thấy con khóc lóc đau khổ, vợ suy nghĩ mà phát bệnh, dù đã có đơn lên công an phường nhờ can thiệp, song anh Tú không đủ kiên nhẫn và bình tĩnh chờ chính quyền xử lý, anh đã bước ra nói chuyện phải trái. Có điều, anh chỉ nhận lại được những tràng chửi rủa độc địa, những câu thách thức, khiêu khích.

Không nín nhịn được nữa, anh Tú vung tay lên bất ngờ đánh vào mặt chị Phấn. “Tôi chỉ thấy chị Phấn kêu ối một cái, tay ôm mặt ngồi thụp xuống. Sau biết tin giám định pháp y kết luận chị Phấn bị gãy xương chính mũi, tỉ lệ thương tật 15% tạm thời. Anh Tú đã đến nhà xin lỗi và bồi thường 5 triệu đồng nhưng gia đình chị Phấn không đồng ý. Thỏa thuận không đạt được thế là sự việc được đưa ra tòa” – bà Hoa nói.

Bà kể thêm, cái nhà chị Phấn và anh Tú trước đây thân thiết nhau lắm. Họ cùng ở quê lên thành phố làm ăn, sớm tối có gì cũng hỗ trợ nhau. Hai nhà cùng chung mảnh sân nhỏ nên bọn trẻ thì thoắt cái đã ở bên nhà nhau. Khoảng 2 năm trở lại đây, nhà chị Phấn không biết chuyển hướng làm ăn gì mà khá giả hẳn lên. Có điều kiện, chị Phấn đầu tư cho bản thân hơn, nào làm môi, làm mũi, sửa lông mày…

Đầu năm nay, nhà chị còn khởi công xây nhà mới. Thế nhưng, không hiểu nhà chị Phấn đo đạc thế nào mà gian nhà phía ngoài lại xây lấn sang ít đất phía nhà anh Tú chỗ mảnh sân chung của hai nhà. Anh Tú đã sang nhắc nhở chị Phấn xây sửa lại nhưng chị Phấn nói đó là phần đất nhà chị đã được phường xuống đo và cho phép xây. Hai nhà lời qua tiếng lại thế là tình nghĩa bấy lâu cũng chả còn.

Không chỉ vậy, chị Phấn còn thường xuyên đứng nói cạnh khóe, lôi chuyện của cái Hoài từ ngày nó còn nhỏ ra bêu riếu khiến cái Hoài khóc mếu, ủ rũ không muốn đi học vì bị bạn bè soi mói. Ấy là chuyện cách đây đã gần 8 năm. Ngày đó, Hoài còn nhỏ, có lần đi chơi loanh quanh trong khu phố, nó bị một người đàn ông cao tuổi bế vào lòng, vuốt ve, cưng nựng với ý đồ xấu. May mắn có người hàng xóm trông thấy hô lên rồi báo cha mẹ nó chạy ra và mọi việc dừng lại ở đó.

Thời gian trôi qua, chuyện đó cũng đã lùi vào quên lãng. Hoài lớn lên hồn nhiên và xinh tươi, không chút vướng bận. Thế nhưng, vì một chút xích mích giữa hai nhà, giờ chị Phấn lôi chuyện cũ ra khiêu khích một cách xuyên tạc và áp nó vào tương lai của Hoài. Gia đình anh Tú nhẫn nhục chịu đựng không được, nói chuyện phải trái không được, chỉ biết về nhà ấm ức và gửi đơn thư lên công an phường nhờ can thiệp. Còn Hoài cứ thắc mắc bố mẹ về câu chuyện ngày xưa, rồi mặc cảm bỏ ăn, bỏ học.

Biết nhà anh Tú có đơn lên công an, nhà chị Phấn càng lồng lộn, những cuộc chửi bới diễn ra trước cửa nhà anh Tú ngày càng om sòm hơn bao giờ hết, cho đến kết cục như vậy thật đáng buồn.

Tại phiên tòa sơ thẩm thành phố tuyên phạt anh Tú 6 tháng tù giam về tội “cố ý gây thương tích”. Anh kháng án, xin cấp phúc thẩm xem xét lại về trường hợp bị kích động mạnh dẫn đến hành vi phạm tội, xem xét hành vi trái pháp luật của chị Phấn. Kèm theo đơn kháng án là các biên bản lời khai của hàng xóm láng giềng, những người đã chứng kiến chị Phấn chửi bới anh chị Tú, xúc phạm nhân phẩm cái Hoài, rồi có cả kiến nghị của Hội Phụ nữ, công an phường đề nghị xử lý hành vi của chị Phấn.

Nhưng tòa phúc thẩm vẫn kết luận: “Quá trình tố tụng cấp sơ thẩm, cơ quan điều tra và truy tố chưa làm rõ nên cấp phúc thẩm không đủ chứng cứ kết luận bị hại có lỗi nghiêm trọng dẫn đến bị cáo bị kích động mạnh về tinh thần…”. Và bản án vẫn được Tòa phúc thẩm tuyên y án.

Nghe tin, vợ anh Tú đổ bệnh nặng, anh Tú thì mất việc ở công ty và được cho phép hoãn thi hành án 3 tháng để chăm nuôi vợ nằm viện, chăm sóc cái Hoài đang chuẩn bị thi vào cấp 3. Cảnh nhà buồn như chưa khi nào buồn hơn. Anh Tú lặng lẽ đi làm bốc vác thuê để kiếm thêm thu nhập lo cho vợ, cho con, để làm tròn vai trò lao động chính trong gia đình. Vợ anh và cái Hoài thì thu mình, ít khi ra khỏi cửa. Có hôm tôi sang hỏi thăm, chị bảo: Khi nhà tôi thực hiện án tù chắc nhà tôi phải tính chuyển nhà chú ạ. Tìm một khu xóm khác với những người láng giềng khác con tôi không phải e ngại, sợ hãi nữa. Nghe chị nói, tôi nhận ra, đành rằng rồi trong gia đình anh Tú cơn bão cũng sẽ qua đi, nhưng cái hố sâu ngăn cách giữa hai nhà sẽ chẳng bao giờ liền lại được.

Chính sự vô tâm, vô trách nhiệm của một số người mới là điều phải lo lắng, suy nghĩ nhất, nó còn hơn cả cái án phạt tù. Những người hàng xóm của tôi sẽ không còn tìm được sự bình yên ở nơi mà lẽ ra người ta đáng ra phải có khi bước về khu xóm quen thuộc của mình.

Vi sao co nhan loai 6

Vì sao người xưa thường “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”

Câu nói “bà con xa không bằng láng giềng gần”, “‘hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau” không phải ngẫu nhiên tồn tại mà đã được kết tinh lâu đời qua các thế hệ người Việt.

Rõ nhất là khi có hữu sự, chẳng cần gia chủ đánh tiếng mời gọi, ai cũng hiểu và tự giác đến giúp một tay cho thêm phần xôm tụ. Đàn ông, thanh niên thì chia nhau dựng rạp, đốn tàu lá dừa nước, bắt mâm bàn. Còn các cô, các dì lo phần bếp núc, trẻ con thì cắt lá chuối và các bà thì đãi vỏ đậu, gói bánh… Có câu: “Cơm ăn không hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng”, nhưng đâu cần kêu réo, tất cả đều giúp nhau không toan tính. Đến khi nhập tiệc, bà con còn thể hiện cái tình, cái nghĩa bằng những lời chúc tốt đẹp thông qua những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”…

Còn khi có đám tang thì mọi người trong xóm cũng có mặt để san sẻ cùng gia đình phần nào những mất mát thương tâm. Đến khi chôn cất thì bà con cũng xúc động, đau xót như thể chính mình vừa mất đi một người thân thương nhất. Lúc bệnh đau, cấp cứu thì chính những người hàng xóm thân cận sẽ ở bên cạnh chia sẻ gánh nặng, chăm sóc, hỏi han nhau.

Tình làng, nghĩa xóm còn được thể hiện qua việc cho và nhận quà. Những món quà quê chỉ đơn giản là con gà, con cá, ít hoa quả vừa chín cây. Hễ có gì ngon, bà con mình cũng bảo con cháu mang biếu hàng xóm. Dù nhà nào cũng có đầy, nhưng nó là tấm lòng cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Nhiều nhà thân nhau còn kết thành thông gia, nên nghĩa tình đã đậm nay còn sâu hơn là thế!

tinh lang nghia
Nào nải chuối, nào buồng cau,… nhà tôi có thì mang qua biếu chị. (Ảnh baoyenbai)

Tình xóm giềng tối lửa tắt đèn cũng đã mất đi, cái còn lại chỉ là tai họa. Bây giờ, do ảnh hưởng của lối sống thực dụng mà tình làng nghĩa xóm cũng bị mai một ít nhiều. Chỉ vì tranh chấp đất đai, tài sản… mà hàng xóm lâu năm lại “ăn thua đủ” để rồi dắt nhau ra tòa. Hay đơn giản chỉ là những xích mích nhỏ nhặt của con trẻ cũng làm mất đi nghĩa tình mà hai gia đình dựng xây qua bao thế hệ.

Có câu nói “một điều nhịn, chín điều lành”. Suy cho cùng, hàng xóm vẫn là những người hàng ngày sống quanh chúng ta, tại sao lại không dành cho họ những tình cảm yêu mến, không sẻ chia cùng họ những lo toan trong cuộc sống, phải không? Nếu trong quan hệ hàng xóm, chúng ta biết nhường nhịn, sẻ chia, biết nghĩ cho nhau… thì tình hàng xóm sẽ trở nên thấm đượm, hữu tình.

Nếu có những người hàng xóm yêu mến lẫn nhau, chẳng phải khi khó khăn xảy đến, họ sẽ là những người ở bên giúp đỡ chúng ta đầu tiên hay sao?

Nghi Vân (t.h)

Gương vỡ lại lành, hạnh phúc gia đình thật sự trở về…

Ngạn ngữ Mỹ: “Hãy cẩn thận với những người không còn gì để mất”

Tướng do tâm sinh: Đẹp xấu là do chính mình

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều