spot_img
19 C
Vietnam
Thứ ba,17 Tháng chín
spot_img

“Sao mẹ lại bắt con làm việc nhà?”, câu trả lời của người mẹ này rất đáng học hỏi

Tân Thế Kỷ – Trẻ con giống như tờ giấy trắng. Trước những thắc mắc của con cái về việc tại sao mình lại phải làm việc nhà, người làm cha mẹ nên có câu trả lời sao cho thích hợp nhất.

Để con có thể tự lập sau này, cha mẹ nên tập cho con làm việc nhà từ bé

Trong nhiều gia đình, con cái ít khi làm việc nhà. Trẻ con được xem như báu vật của cả nhà, được cha mẹ chăm sóc, lo lắng và làm mọi thứ cho.

“Chỉ cần con học hành chăm chỉ là được” là câu nói mà nhiều bậc cha mẹ thường nói với con mình. Một đứa trẻ càng được nuông chiều bao nhiêu thì khi lớn lên càng gặp trắc trở bấy nhiêu. Ngược lại, những đứa trẻ thường xuyên làm việc nhà lại có khả năng tự lập, tỷ lệ thành công và hạnh phúc cũng cao hơn.

Để trẻ làm việc nhà không có nghĩa là bố mẹ lười biếng hay bắt tội trẻ lao động sớm. Thay vào đó, nếu bố mẹ để trẻ tham gia làm việc nhà một cách hợp lý sẽ là một cách giáo dục trẻ rất tốt, hình thành cho trẻ thói quen chia sẻ, ý thức trách nhiệm ngay từ nhỏ, đồng thời còn rèn luyện thể chất, kỹ năng sống và nhiều lợi ích khác.

viec nha2
Để trẻ tham gia làm việc nhà một cách hợp lý sẽ hình thành cho trẻ thói quen chia sẻ, ý thức trách nhiệm ngay từ nhỏ. – Ảnh minh họa. – Nguồn: Internet

Hướng dẫn trẻ làm việc nhà là cách dạy con về trách nhiệm đóng góp cho gia đình và xã hội, mang lại cảm giác hoàn thành và tự hào, đồng thời học các kỹ năng thực tế. Cho trẻ tự làm việc nhà cũng khiến con cảm thấy mình quan trọng, nhưng ngầm khẳng định rằng con không phải là “trung tâm của vũ trụ”.

Trẻ em đang tuổi ăn tuổi chơi, sẽ không dễ dàng để bắt trẻ làm và làm đúng cách các công việc nhà. Vì vậy, phụ huynh phải hết sức kiên nhẫn. Trường hợp người mẹ dưới đây là một ví dụ.

Câu chuyện về người mẹ dạy con làm việc nhà đáng học hỏi

Có câu chuyện trên mạng kể rằng, cậu bé nọ là con trai duy nhất trong nhà, ngoài cậu còn có 2 cô chị gái, thế nhưng bố mẹ lại chẳng cưng chiều cậu chút nào. Sau giờ học, cậu và 2 người chị của mình phải làm việc nhà như giặt quần áo, nấu ăn, chăm sóc thú cưng, dọn dẹp nhà cửa…

Một ngày nọ, cậu bé làm xong bài tập về nhà thì thấy đồng phục của mình bị bẩn nên định mang đi giặt. Thấy chiếc áo của bố trong giỏ giặt, cậu bỏ vào giặt cùng với bộ đồng phục. Kết quả là bộ đồng phục trắng sáng của cậu bị loang lổ màu từ áo của bố.

Cậu cảm thấy rất buồn, không hiểu tại sao mình hậu đậu như vậy mà mẹ vẫn yêu cầu phải làm việc nhà. Sau khi mẹ về, cậu hỏi mẹ: “Mẹ ơi, rõ ràng con làm việc gì cũng mắc lỗi, sao mẹ lại bắt con làm việc nhà?”.

Người mẹ trả lời: “Việc nhà là việc của cả nhà. Con cũng là người trong nhà, đương nhiên cũng phải làm việc nhà. Bất cứ ai khi bắt đầu làm việc nhà cũng đều gặp vấn đề, giống như quần áo của con hôm nay vậy. Tuy nhiên, qua sai lầm lần này, con sẽ biết rằng có một số quần áo rất dễ phai màu, đồ trắng không nên giặt cùng đồ màu. Mẹ nghĩ sau lần này con sẽ không mắc lỗi như vậy nữa”.

viec nha
Ảnh minh họa. – Nguồn: Internet

Cậu bé gật đầu, cậu hiểu hết ý nghĩa thực sự của việc làm việc nhà và có thêm niềm tin vào bản thân, cho dù hết lần này đến lần khác phạm sai lầm cũng không nản lòng, lần sau nhất định sẽ làm tốt hơn.

Đây có lẽ là câu trả lời hợp lý nhất cho câu hỏi “tại sao trẻ phải làm việc nhà”. Mặc dù trẻ sẽ tiếp tục mắc lỗi khi làm việc nhà, nhưng trải nghiệm như vậy rất có giá trị đối với chúng.

Trong quá trình làm việc nhà, trẻ chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề lúc đầu, nhưng nếu chúng biết rút kinh nghiệm, vượt qua khó khăn thì sẽ thành thạo mọi thứ, khả năng đứng lại sau khi thất bại cũng được nâng cao đáng kể. Nếu trẻ không ngại làm việc nhà vất vả, chúng sẽ biết vươn lên trong học tập hơn.

Khi cha mẹ không để con làm bất cứ việc gì, trẻ sẽ cảm thấy việc học rất khổ sở, dễ nản lòng khi gặp khó khăn. Vì vậy, cho trẻ làm việc nhà thường xuyên rất có lợi cho tương lai của chúng.

Những điều cần chú ý khi cho trẻ làm việc nhà

Bắt đầu từ những việc trẻ có thể làm

Nếu cha mẹ giao cho trẻ những nhiệm vụ khó khăn ngay từ đầu, trẻ có thể sẽ ngại làm việc nhà hơn. Cha mẹ nên giao việc nhà phù hợp cho trẻ theo từng độ tuổi.

Ví dụ: Trẻ 3 tuổi có thể giúp cha mẹ bằng cách vứt rác, thu dọn đồ chơi. Trẻ 4 – 5 tuổi có thể tự giặt tất, khăn nhỏ, giúp cha mẹ lau bàn, quét nhà. Trẻ 6 tuổi trở đi đã có thể rửa bát đĩa, tự giặt quần áo…

Dạy trẻ kỹ năng làm việc nhà

Con cái và cha mẹ cùng nhau làm việc nhà, điều này cũng có thể làm cho mối quan hệ 2 bên trở nên gần gũi hơn.

Cha mẹ có thể dạy con một số kỹ năng và phương pháp, chẳng hạn như cách gấp quần áo sao cho đẹp, lau bàn sạch là như thế nào… Có cha mẹ hướng dẫn, trẻ làm việc nhà đúng cách hơn, tránh gây ra các rắc rối không mong muốn.

Khuyến khích trẻ trải nghiệm niềm vui khi làm việc nhà

Khi cha mẹ làm việc nhà thay con cái, sai lầm phổ biến nhất là chỉ trích con cái làm chưa đủ tốt. Những lời chỉ trích của cha mẹ rất có thể khiến trẻ không muốn thử làm việc nhà nữa.

Cha mẹ nên khẳng định với con khi con làm tốt, để con có cảm giác hoàn thành công việc và từ đó cảm nhận được niềm vui khi làm việc nhà.

Có sự phân công lao động trong gia đình

Một số trẻ làm việc nhà tuỳ hứng, khó kiên trì lâu. Cha mẹ có thể hình thành một số quy tắc làm việc nhà ở nhà, ví dụ như cha rửa bát, mẹ nấu cơm, con cái quét nhà, lau bàn. Khi có sự phân công như vậy, trẻ sẽ tự giác làm hết phần việc của mình.

Nhiều bố mẹ hiểu tầm quan trọng của việc để trẻ làm việc nhà nhưng vẫn có tâm lý không yên tâm khi để trẻ tự làm. Chính vì vậy họ sẽ tự ý chọn việc đơn giản mà bản thân cho là việc đó trẻ mới làm được rồi kè kè bên cạnh khi trẻ làm, liên tục can thiệp nhắc nhở bé.

Untitled 2bn 1
Bố mẹ hãy tin tưởng để con tự làm khi có thể, nên nhớ rằng thất bại cũng là bài học để thành công. – Ảnh: mykingdom.com.vn

Điều này là có thể là cần thiết trong những lần đầu khi trẻ chưa quen việc nhưng lâu dài lại hoàn toàn không tốt vì nó khiến trẻ mất tập trung, khó chịu, thậm chí là cảm thấy tự ti vì nghĩ mình kém cỏi.

Bố mẹ hãy tin tưởng để con tự làm khi có thể, nên nhớ rằng thất bại cũng là bài học để thành công, sau khi thật bại trẻ có thể hiểu và rút kinh nghiệm triệt để cho lần sau, hiệu quả rất nhiều so với việc dạy trẻ lý thuyết suông.

Tự lập không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của quá trình học hỏi rèn luyện không ngừng. Không phải chỉ những người trưởng thành mới có khả năng tự lập mà chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ để có thể vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc sống.

Tịnh Yên (t/h)

Hanhtrinh140x72 1 1

Giáo dục thấm nhuần từ bên trong là như thế nào?

Người mẹ nuôi dạy 13 con là tiến sĩ được tổng thống Mỹ vinh danh là ai?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều