spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Công ty đang lỗ thành lãi, doanh thu tăng trăm lần nhờ bộ SGK Cánh Diều

Tân Thế Kỷ – Công ty làm bộ sách giáo khoa Cánh Diều đang lỗ chuyển sang lãi lớn ngay sau khi làm bộ sách giáo khoa này. Liệu có nhân tố liên quan đến NXB Giáo dục ở công ty này?

Chuẩn bị bước vào năm học mới, câu chuyện sách giao khoa từ việc chọn sách, so sánh giá sách đang được cả xã hội quan tâm. Câu chuyện sách giáo khoa càng nóng hơn khi gần đây trên nhiều diễn đàn đã đặt vấn đề: Sau khi xã hội hoá, giá của bộ sách giáo khoa dành cho học sinh không những không giảm mà còn tăng nhiều lần so với trước đây.

Tìm hiểu trên thị trường thì thấy, bên cạnh sách giáo khoa của Nhà Xuất bản giáo dục thì bộ sách mới – Cánh Diều đang được quan tâm như khá nhiều. Khảo sát trên thị trường cho thấy, một bộ sách dành cho học sinh lớp 4 đang có giá 230.000 đồng. Trong khi theo chương trình cũ, bộ sách giáo khoa lớp 4 chỉ có giá 87.000 đồng. Đây là mức chênh lệch khá lớn lên tới hơn tới 2,6 lần so với sách giáo khoa cũ.

Doanh thu tăng cả trăm lần sau khi xuất bản bộ SGK Cánh Diều

Theo Báo cáo tài chính năm 2022 của CTCP Đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), tổng doanh thu là hơn 615,7 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 46 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu của VEPIC trong năm 2022 ghi nhận chủ yếu đến từ hoạt động bán sách, chiếm gần 98% trên tổng doanh thu của công ty.

Nhìn lại lịch sử làm ăn của công ty, kết quả kinh doanh năm 2022 mà VEPIC đạt được tăng gần gấp đôi so với năm trước đó. Cụ thể, năm 2021, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty này đạt 317 tỷ đồng.

Sach giao khoa Canh dieu dem lai doanh thu lon cho VEPIC
Sách giáo khoa Cánh diều đem lại doanh thu lớn cho VEPIC. Ảnh: Vietnamnet.vn

Năm 2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cũng bắt đầu tăng vọt, (lên 188 tỷ đồng). Còn lợi nhuận trong năm này là trên 22 tỷ đồng.

Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt lớn trong kết quả kinh doanh của VEPIC, chỉ sau một thời gian rất ngắn doanh nghiệp tham gia làm sách giáo khoa.

Cụ thể, vào cuối năm 2019, bộ sách giáo khoa Cánh Diều chính thức ra mắt. Cánh Diều là sản phẩm hợp tác xuất bản của VEPIC với 2 đơn vị khác, gồm Nhà xuất bản Sư phạm (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (thuộc Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh).

Trước khi làm sách giáo khoa Cánh Diều, kết quả kinh doanh của VEPIC kém khả quan, nếu không muốn nói là bết bát.

Năm 2017, công ty lỗ hơn 1,8 tỷ đồng. Năm 2018 doanh nghiệp ghi nhận số lỗ hơn 10,3 tỷ đồng. Và một năm sau, con số tiếp tục gia tăng khi mức lỗ là 14,4 tỷ đồng.

Doanh thu của các năm này cũng rất thấp. Năm 2017-2019 doanh thu chỉ vỏn vẹn 4-6 tỷ đồng mỗi năm.

Như vậy, so với giai đoạn 2017-2019, thì năm 2022, doanh thu của VEPIC đã tăng tới cả trăm lần.

Liệu có nhân tố liên quan NXB Giáo dục?

Thông tin từ Hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho thấy, VEPIC được thành lập ngày 27/7/2016, vốn điều lệ là 34,5 tỷ đồng.

“Soi” kỹ quá trình thành lập của công ty thì thấy nhiều điểm đặc biệt. Người đại diện theo pháp luật và cũng là chủ tịch HĐQT của công ty thời điểm đó là ông Lê Thành Anh. Người này trùng tên với một lãnh đạo của Nhà xuất bản Giáo dục.

Cơ cấu cổ đông ban đầu của VEPIC gồm 3 cổ đông tổ chức chính là: CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (SED) nắm 34,72% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (DAD) nắm 17,36% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (EID) nắm 34,72% vốn điều lệ. Tổng 3 đơn vị trên nắm giữ 86,8% vốn điều lệ của VEPIC lúc mới thành lập, còn lại là một số cá nhân khác.

Đáng chú ý là, trong bản Công bố thông tin của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đến năm 2020, đây vẫn là 3 công ty liên kết của nhà xuất bản này. Năm 2020, hai bên vẫn giao dịch hàng hóa và dịch vụ với số tiền 33,8 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam; 13,4 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng; 53,5 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội.

Sau khi thành lập không lâu, công ty VEPIC tăng vốn điều lệ lên hơn 108 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của công ty cũng thay đổi từ ông Lê Thành Anh sang ông Ngô Trần Ái, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc NXB Giáo Dục Việt Nam.

Ông Ngô Trần Ái từng giữ chức vụ Tổng giám đốc của NXB Giáo dục Việt Nam từ tháng 7/2003 đến tháng 6/2014, Chủ tịch Hội đồng Thành viên NXB Giáo dục Việt Nam từ tháng 7/2003 đến tháng 3/2015, cố vấn cao cấp Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc, Trưởng Ban chỉ đạo làm sách giáo khoa mới NXB Giáo dục Việt Nam từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016.

Kinh nghiệm của ông Ái có thể là một trong những lý do góp phần giúp công ty này biên soạn và phát hành bộ sách giáo khoa Cánh Diều, chấm dứt thế độc quyền sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục.

Tháng 4/2017, Nghị quyết HĐQT của VEPIC tiếp tục thông qua việc giảm 50% vốn góp của 3 công ty nói trên để điều phối lại vốn góp của các cổ đông. Thời gian hoàn thành trong tháng 4/2017.

Sau đó, các cổ đông là những công ty liên kết của Nhà xuất bản Giáo dục không còn nắm quyền chi phối tại công ty VEPIC.

Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2022 của VEPIC cho thấy cơ cấu cổ đông gồm nhiều nhà đầu tư cá nhân: ông Nguyễn Việt Phương nắm 5,52%; ông Phạm Thanh Nam nắm 12,3%; ông Ngô Trần Nha Thy nắm 4,12%; bà Đoàn Phùng Thuý Liên nắm 17,1%; ông Lê Thanh Sơn nắm 11,96%; ông Ngô Đoàn Trọng Nghĩa nắm 17,76%; các cổ đông khác nắm 31,24%.

Ông Ngô Trần Ái đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VEPIC. Trong số những lãnh đạo khác của công ty này cũng có nhiều người xuất thân từ Nhà xuất bản Giáo dục.

Dư luận nóng lên khi giá SGK tăng

Đầu năm 2022, dư luận sục sôi khi giá các bộ sách giáo khoa tăng tới 2-3 lần. Các Đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng trước tình trạng này và “truy” trách nhiệm của Bộ Tài chính về giá sách giáo khoa.

Đây cũng là thời điểm dư luận sục sôi khi giá các bộ sách giáo khoa tăng chóng mặt, gây bức xúc trong nhân dân.

Khi xây dựng dự thảo Luật Giá, Bộ Tài chính, Chính phủ đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá, do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cụ thể.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh.

huong dan mua sgk 3
Sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp. – Ảnh: nxbgd.vn

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Ngày 19/6/2023, Luật Giá sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, quy định áp giá trần và không có giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa. Bởi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Vietnamnet.vn

BN 3 jpeg

Sách giáo khoa mới: NXB lãi cao, phụ huynh cứ đến hẹn lại… lo

Nhà xuất bản Giáo dục lãi cao kỷ lục trong lịch sử

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều