spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Trung Quốc: Cựu học viên tiết lộ cảnh “địa ngục trần gian” trong trường dạy nghề đặc biệt

Anh Lý Trúc (Li Zhu) không bao giờ quên được khoảng thời gian anh học tại Trường Dạy nghề Trung Sơn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

‘Địa ngục trần gian’: Cựu học sinh tiết lộ sự ngược đãi trong trường giáo dục đặc biệt ở Trung Quốc
Cổng vào Trường Dạy nghề Trung Sơn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của anh Lý Trúc)

“Nơi mà chỉ toàn là những điều mà người ta không thể nghĩ tới, nơi mà không có gì là không thể xảy ra, thì nơi đó chính là địa ngục trần gian,” anh Lý nói, đề cập đến trường giáo dục đặc biệt mà mình theo học từ tháng 01/2022 đến tháng 05/2023.

Khi đó anh mới 22 tuổi, cha mẹ đã gửi anh đến đó vì sợ rằng anh bị nghiện internet.

‘Địa ngục trần gian’

Hồi tháng 05/2023, một chiếc xe tải treo biểu ngữ “Trường học vô đạo đức, hãy trả lại con cho tôi” đã dừng trước Trường dạy nghề Trung Sơn ở huyện Tương Âm, thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, cùng với các thành viên trong gia đình cầm di ảnh của người thân, người đã mất tích và tự kết liễu đời mình — cậu ấy chỉ mới 16 tuổi.

Học sinh tử vong được đề cập bên trên là bạn cùng lớp của anh Lý, người bị bệnh trầm cảm. Một tháng trước khi qua đời, cậu thiếu niên này được cho là bị giáo viên đánh đập vì tội trộm đồ ăn vặt.

Anh Lý kể lại, “Chúng tôi đang ở bên ngoài nhà tắm. Người giáo viên kia bảo một người nào đó đứng canh cửa. Chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng la hét phát ra từ bên trong.”

Nam sinh đó vì không thể chịu nổi sự ngược đãi của giáo viên nên đã tự tử bằng cách uống nước giặt.

Anh Lý nói: “Việc giáo viên đánh đập học sinh là chuyện khá bình thường, có đánh người hay không còn tùy thuộc vào tâm trạng của họ.”

Anh cho biết, một số nữ sinh được cho là đã bị các giáo viên hướng dẫn xâm hại tình dục, thậm chí còn bán mình cho hiệu trưởng của trường để được thăng chức trợ giảng.

“Họ chỉ muốn có một cuộc sống dễ dàng hơn ở ngôi trường đó và không bị đánh đập.”

Anh Lý nhớ lại điều kiện sinh hoạt “tồi tệ” ở trường, nơi anh cho biết có hơn 30 người ở chung một ký túc xá trong môi trường ẩm ướt, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da tràn lan. Đồ ăn cũng rất nghèo nàn, chủ yếu là bắp cải, cơm tẻ, không có thịt trừ ngày Tết.

Anh nói rằng anh đã bị đánh đập nhiều lần.

“Không có gì là không thể xảy ra ở đó, cho toàn là những điều mà người bình thường không thể nghĩ tới. Đó là địa ngục trần gian,” anh thổ lộ.

Những tin tức về việc ngược đãi học sinh tại trường đã lan truyền trên truyền thông Trung Quốc trong vài năm qua, nhưng chính quyền vẫn không đưa ra hành động nào.

Ví dụ, vào tháng 08/2020, vụ tự tử của một học sinh tên Đoàn Hâm (Duan Xin) trong ký túc xá của trường đã được hãng thông tấn Trung Quốc Tuần báo Người miền Nam (Southern People Weekly) đưa tin và thu hút sự chú ý rộng rãi trên mạng xã hội.

Nhiều tên gọi khác nhau

Vào tháng 03/2023, một bài báo có tiêu đề “Lịch sử Chuyển đổi” được lưu hành trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, trong đó nêu bật Trường Dạy nghề Trung Sơn.

Trường này trước đây được gọi là Trường Giáo dục Truyền động lực Anh Cao Đặc. Trường tập trung vào việc điều chỉnh và giải quyết các vấn đề như hành vi nổi loạn của thanh thiếu niên, sợ học, yêu đương tuổi vị thành niên, nghiện mua sắm hàng xa xỉ, gia đình không quan tâm, lòng tự trọng thấp, tự ái, có xu hướng muốn trốn chạy, và nhiều khó khăn khác trong quá trình phát triển của thanh thiếu niên. Trường giáo dục đặc biệt này chuyên tư vấn tâm lý, giáo dục tư tưởng, điều chỉnh hành vi, đào tạo chất lượng, và hướng dẫn [học sinh] giải quyết những vấn đề này.

Một chiếc xe tải treo biểu ngữ “Trường học vô đạo đức, hãy trả lại con cho tôi” dừng trước Trường Dạy nghề Trung Sơn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc hồi tháng 05/2023. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của anh Lý Trúc)
Một chiếc xe tải treo biểu ngữ “Trường học vô đạo đức, hãy trả lại con cho tôi” dừng trước Trường Dạy nghề Trung Sơn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc hồi tháng 05/2023. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của anh Lý Trúc)

Vào năm 2019, một giảng viên được cho là đã bị bắt giữ vì dùng vòi nước đánh học sinh và một nam sinh đã tự sát tại trường. Kể từ đó, danh tiếng của trường Anh Cao Đặc đã bị hoen ố.

Tuy nhiên, trường học này đã mở rộng dưới nhiều tên gọi khác nhau, trong đó có cả Trường Dạy nghề Trung Sơn.

Báo cáo đã gây ra mối lo ngại rộng khắp vào thời điểm đó. Sau khi truyền thông Trung Quốc theo dõi vụ việc, chính quyền địa phương đã đưa ra thông báo “về một tin đồn trên mạng rằng Trường Dạy nghề Trung Sơn là một trường đào tạo đặc biệt.”

Anh Lý khẳng định ngôi trường này đã nhiều lần đổi tên, tất cả đều liên quan đến trường hợp học sinh tử vong.

Anh nói: “Tên gọi đầu tiên [của trường này] là Anh Cao Đặc.”

Các hành vi ngược đãi khác

Ông Vương Nghị (bí danh), người đã làm việc tại trường khi ngôi trường này còn hoạt động dưới tên Anh Cao Đặc, đã chia sẻ một ít thông tin về lịch sử của trường với The Epoch Times.

Ông cho biết những học sinh mới vào trường không được phép gặp cha mẹ. Hơn nữa, trường còn có một “phòng trút giận” để trừng phạt những học sinh không vâng lời.

Ông chia sẻ, “Những đứa trẻ không vâng lời sẽ bị nhốt trong phòng trút giận đó, bị trói tay chân và nhét một củ cà rốt vào miệng. Họ sẽ bị treo lên ba ngày ba đêm như một biện pháp cưỡng ép phải vâng lời. Nếu bọn trẻ chống đối [hình thức kỷ luật này], họ sẽ tiếp tục bị treo lên như thế. Dùng phương pháp này thì ai cũng trở nên dễ bảo hết.”

Các bậc cha mẹ giơ di ảnh của người thân đã khuất của họ, một cựu học sinh, trước Trường Dạy nghề Trung Sơn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc hồi tháng 05/2023. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của anh Lý Trúc)
Các bậc cha mẹ giơ di ảnh của người thân đã khuất của họ, một cựu học sinh, trước Trường Dạy nghề Trung Sơn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc hồi tháng 05/2023. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của anh Lý Trúc)

Theo ông Vương, học phí trong ba tháng vào thời điểm đó là 18,000 Nhân dân tệ. Cha mẹ được yêu cầu đóng một nửa học phí trước, hai tháng sau họ sẽ được gặp con theo lịch nhà trường sắp xếp và đóng nốt nửa phần học phí còn lại. Những cuộc gặp mặt này phải được tổ chức với sự có mặt của giáo viên và học sinh được yêu cầu giao tiếp với cha mẹ dựa trên sự hướng dẫn của giáo viên. Nhà trường hoàn toàn dựa vào hình thức quảng cáo trực tuyến để thu hút học sinh, với phí quảng cáo hàng tháng là 60,000 nhân dân tệ (khoảng 8,451.3 USD).

Từ năm 2018 đến năm 2020, ông Vương cáo buộc có bốn học sinh đã tử vong và hai học sinh khác bị đánh đập đến tàn phế.

Ông kể lại, “Trường hợp tử vong năm 2018 là một bé gái, mới 13 tuổi. Trường hợp tử vong năm 2019 cũng là một nữ sinh mới 17 tuổi, bị đánh đập đến tử vong. Người còn lại không tử vong do đánh đập mà bị phạt đứng [trong nhiều giờ], sau đó đã qua đời vì say nắng.”

“Vì không có sự giám sát nên không ai biết được tình hình cụ thể, kể cả những người làm việc bên trong trường. Bệnh viện đã cấp giấy chứng tử do tai nạn.”

Nhà trường đã mua bảo hiểm cho học sinh. Cha mẹ của người quá cố, những người có thể nhận được khoản bồi thường 700,000 nhân dân tệ (khoảng 98.341 USD), khó có thể bảo vệ quyền lợi của mình.

Hễ có ai đó tử vong thì trường sẽ đổi tên.

“Mỗi khi có học sinh qua đời, nhà trường lập tức đổi tên và xin cấp chứng chỉ mới. Sau khi điều tra, cơ quan này cho biết cơ quan chính quyền đã giải quyết vụ việc và hủy bỏ giấy phép giảng dạy của họ. Trên thực tế, sau khi bị hủy [giấy phép], trường lại xin một giấy phép khác,” ông nói.

Trường này thuê nhiều địa điểm ở tỉnh Hồ Nam. Ông nói, khi các quan chức công quyền hoặc cha mẹ đến thăm trường, họ sẽ chuyển những học sinh không vâng lời sang trường khác, chỉ để lại những học sinh ngoan ngoãn để thể hiện mặt tốt của mình.

Ông Vương kêu gọi các bậc cha mẹ đừng bị lừa dối và gửi con đến cái gọi là trường giáo dục đặc biệt này và nói rằng những học sinh ra khỏi những ngôi trường như vậy sẽ gặp vấn đề về tâm thần.

The Epoch Times đã liên lạc với Trường Dạy nghề Trung Sơn, Ủy ban Giáo dục huyện Tương Âm, và các phòng ban liên quan khác để đề nghị bình luận.

Theo The Epoch Times

bang chung 1 1

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều